Không chỉ là có một giọng thơ lạ lùng và duy nhất, cuộc đời Bùi Giáng cũng có vô số chuyện lạ lùng bởi ông “chẳng sống theo thời thế, mà chỉ biết sống từ cõi văn nghệ lúy túy càn khôn”.
Bùi Giáng có một sự nghiệp thơ ca lẫy lừng và uyên bác, tuy nhiên vào cuối đời, ông lại được biết tới với hình dạng của một người nửa tỉnh nửa điên. Chính ông cũng thừa nhận những năm sau này của cuộc đời là “điên rồ lừng lẫy chết đi sống lại vẻ vang”.
Ông cũng “điên” trong những câu thơ của chính mình như sau:
Ông điên từ bữa hôm qua
Tới hôm nay nữa gọi là ba hôm…
Có câu chuyện cho rằng sở dĩ như vậy là do Bùi Giáng bị cú sốc cháy nhà làm mất hết bản thảo thơ – “con đẻ tinh thần” của ông, ông hóa điên hóa dại, ông kỳ quặc và không được bình thường. Ly kỳ hơn, người ta còn tưởng tượng ra việc do ông yêu Kim Cương quá nên phát điên. Thậm chí có thời gian ông còn bị đẩy vào “nhà thương điên” Biên Hoà.
Nhiều người nói rằng nhờ “bị đẩy” vào nhà thương như vậy, nên dưỡng trí viện Biên Hòa (nay là Bệnh Viện Tâm Thần Trung Ương 2) đã có vinh dự được ông “ghé thăm”, trở thành nơi ăn chốn ở cho một bậc kỳ tài như vậy. Tại nhà thương này, ông đã sáng tác một bài thơ đến nay vẫn còn lưu lại bút tích:
Tờ Thư Bí Mật
Tờ thư bí mật hôm nay
Gửi em nói chuyện dằng dai đuôi đầu
Đầu tiên gió gác trăng lầu
Cuối cùng đuôi đứt mối sầu trường chinh
Hình dung mộng tưởng chênh vênh
Trăm năm rút gọn gập ghềnh tử sinh
Tam bành tuyệt đối đinh ninh
Rồi ra tứ trướng bất thình lình điên
Thư về bí mật liên miên
Té ra toàn thể là thiên thu khùng
Có cuộn băng cassette ghi lời kể của chính Bùi Giáng về nguyên do ông bị “áp tải” vào nhà thương điên Biên Hoà, cuộn băng này do ông Nguyễn Thanh Hoài – người đã có thời gian sống và gắn bó với Bùi Giáng lưu giữ. Ông Hoài kể:
“Những năm cuối đời của bác Giáng, nhất là từ 1990 trở đi, hai bác cháu thường ngồi nói những chuyện riêng tư cho đỡ buồn trước hiên nhà, hoặc dưới tàng cây trong sân vào mỗi đêm khi gia đình đã đi ngủ hết. Bác kể hết sức chi tiết về chuyện đời của bác, từ thời còn nhỏ cho đến lúc lớn lên, rời miền Trung vào Sài Gòn sinh sống, làm thơ và giao du với ai, cũng như việc sáng tác, in ấn như thế nào… Một bữa, tôi lấy máy cassette để ghi âm lại lời nói của bác thì thấy bác có vẻ băn khoăn hỏi: “Mi thâu làm cái chi?”. Tôi nói với bác thâu để có gì hay thì cháu nghe lại không thôi nó quên! Bác nói rứa thì được, mi cứ thâu đi, tao nói cho nghe”. Và Bùi Giáng nói về “sự cố” đã đẩy ông vào nhà thương Biên Hòa với nội dung như lời Thanh Hoài tóm lược dưới đây.
“Vào những năm đầu tiên của thập niên 1960, bác Giáng viết rất nhiều, gần như không có ngày nào dừng bút, bản thảo dày lên chưa kịp in thì xảy ra vụ cháy nhà nơi bác đang ở trên đường Phan Thanh Giản, nay là đường Điện Biên Phủ, khiến bao nhiêu bản thảo cháy rụi. Bác nói với tôi là tao quá tiếc và đau đớn nhất là công trình biên soạn về truyện Kiều ròng rã suốt 3 năm trời đã thành tro, làm tao buồn quá bỏ hết để rong chơi khắp lục tỉnh, sông nước kênh rạch chỗ nào có dịp là tao tới.
Khi về, thì Tòa đại sứ Pháp và Tòa đại sứ Đức ở Sài Gòn có mời tao đến hỏi thăm, họ nói nếu tao cần sách gì họ sẽ mang tặng không đòi một đồng nào. Nhưng nhà cháy rồi, lấy sách của Pháp của Đức về cũng không có chỗ để, nên tao cám ơn rồi từ chối, không nhận. Thế nhưng hai tòa đại sứ kia không biết thế nào vẫn lại tìm cách gửi đến tao mấy thùng sách quý của các tác giả nổi danh ở nước họ và trên thế giới. Tao đành phải nhận nhưng không biết cất nơi nào nên tao mới đến gặp ông chủ (tạm giấu tên) của NXB VT để vui vẻ tặng lại cho ông ta. Nhưng ông ta không nhận, vì ông nói người Pháp người Đức tặng cho anh toàn sách quý, nếu anh không có chỗ cất vì nhà đã cháy, thì tôi chỉ giữ giùm, khi nào anh cần đến nói là tôi giao lại cho anh. Tao vui vẻ ra về.
Đến không lâu sau tao kẹt quá, không có tiền đủ để ăn cơm bình dân và uống la-de con cọp chai loại lớn nên tao đến gặp ông chủ NXB kia để nhận lại số sách đã gửi. Nhưng kỳ cục là khi tao đến lấy, thì ông ta không giữ lời, nhất định không chịu trả. Tao nhắc lại là tại sao khi tao tặng thì không nhận, nói giữ giùm, bây chừ đến lấy tại sao lại không đưa? Ông ta cứ một mực tỉnh bơ, không trả. Tao nổi điên tao chửi một trận, rồi tao về. Bước ra ngoài đường tao thấy chiếc xe hơi kiểu Nhật sang trọng của ông chủ đó đang đậu trước nhà, luôn tiện tức quá tao lượm một cục đá xanh thiệt to ném thẳng vào chiếc xe đó cho hả giận, ai dè nó bể cái kính xe, mà lúc đó chiếc xe trị giá cả bạc triệu. Ông ta chạy ra thì sự đã rồi, vừa tiếc của, vừa giận tao lắm, mới điện thoại cho thằng em ruột của tao (không nêu tên) lúc ấy là sĩ quan của quân đội ông Thiệu đến mắng vốn và để chở tao về. Khi về đến nhà, thằng em ruột của tao ngao ngán nhìn tao và có lẽ nhớ đến chiếc xe đắt giá bị bể kiếng rồi sợ rằng tao ở trong nhà nó có thể cũng sẽ gây ra cảnh tương tự như thế. Nói trắng ra là thằng em tao với đứa con gái út của nó chắc hẳn nghĩ rằng tao điên nên đã cùng nói với tao là thôi để ngày mai tụi em chở anh về Vũng Tàu vài hôm nghỉ mát cho khỏe người tĩnh trí anh à. Tao cứ tưởng thật nên sáng hôm sau ngồi lên xe cho chúng chở đi về Vũng Tàu. Nào ngờ đến Biên Hòa tụi nó đã chở thẳng tao vào nhà thương điên để gửi, tao có nói gì đi nữa thì bọn “cai ngục” chung quanh cũng chẳng ai tin, mi thấy có đắng họng không?”. Về sau ông viết mấy câu: “Gặp người tôi tưởng người điên – gặp tôi tôi tưởng tôi điên như người”…
Theo nhà báo Võ Đắc Danh, hồ sơ lưu trữ tại nhà thương điên Biên Hoà ghi nhận thi sĩ Bùi Giáng nhập viện hai lần. Lần thứ nhất vào năm 1969, lần thứ hai vào năm 1977, thời gian này nhà báo Nguiễn Ngu Í vẫn còn trong bệnh viện, hai người cùng ở khu 3. Bệnh án của Bùi Giáng có đoạn ghi:
“Bệnh tái phát từ tháng 4/1969, có hôm thức suốt đêm để viết, nói huyên thuyên, chơi chữ, có khi la thất thanh, ý tưởng tự cao tự đại. Hay phát biểu ý kiến về những vấn đề chính trị, văn hoá trọng đại, có ý nghĩ bị người ta phá hoại sự nghiệp văn chương. Tháng 3/1969 bị cháy nhà và cháy tất cả sách vở quý báu nên đương sự bị bệnh mỗi ngày một nặng hơn…”
Cung Tích Biền kể: “Khoảng đầu thập niên 70 người ta đưa ông vào nhà thương điên Biên Hòa chữa cái bệnh ‘đứng ngã ba nhìn ra ngã bảy’. Từ nhà thương điên trở ra, bữa gặp nhau thấy ông rất tỉnh. Bèn hỏi một câu thường tình: ‘Nhà thương Biên Hòa trị cái tẩu hỏa hay nhỉ!’. Ông trả lời tỉnh queo: “Chữa trị quái gì đâu. Chẳng là ở ngoài mình thấy mình điên số một, khi vô nhà thương điên mới hiểu ra mình là đồ bỏ, điên nhí, điên tiểu thủ công nghiệp; trong nhà thương điên nhiều cha điên thượng thừa, điên vĩ đại hơn mình nhiều. Do vậy mà mình tự động thôi điên”.
Vậy Bùi Giáng như thế nào mà bị thiên hạ gọi là “điên”? Về việc này, nhà văn Nguyễn Đình Toàn đã có nhận định như sau:
Nếu ai đã có dịp nhìn thấy ông mang trên mình đủ các thứ: nồi, niêu, xoong, chảo, vành bánh xe đạp, đầu đội mũ sắt, vắt trên vai những miếng băng vệ sinh nhặt được ở đâu đó, tay cầm một chiếc gậy, đứng giữa đường, thổi còi, vung tay chỉ lối cho xe cộ, thì coi ông là một người điên cũng không có gì quá đáng.
Ngoài ra, xin chép lại trích lời kể sống động của tác giả Nguyễn Văn Thức:
“Một ông lão ăn mặc thời thượng đang nhảy múa trên đường Duy Tân, nay là đường Phạm Ngọc Thạch. Quần áo lếch thếch, dơ dáy, màu sắc lung tung. Tay cầm một ống sáo, đầu đội khăn có cắm lông gà lua tua. Râu ria xồm xoàm. Ống sáo trên đầu bịt một chiếc bong bóng đỏ, mỗi lần thổi bung lên tóp xuống, không phát ra một thứ âm thanh nào. Đang từ ở một mé đường ông lại chạy tông ra giữa đường nhảy múa. Chiếc bong bóng cứ liên tiếp phùng ra tóp vào. Lũ trẻ chạy theo bu quanh hò reo thích chí. Cứ thế ông diễu hành dọc theo đường Duy Tân lên đường Hiền Vương, nay là đường Võ Thị Sáu. Đám trẻ cứ bu theo ông chọc ghẹo. Ông rượt đuổi chúng chửi rủa thậm tệ và miệng lẩm nhẩm những gì không ai hiểu nổi. Đứng ngoài nhìn ông diễu hành, tôi thấy cám cảnh nên đã trờ xe đến gần gọi ông, nhưng ông không hề nghe vẫn tiếp tục nhảy múa. Vài đứa trẻ nhìn tôi lấy làm lạ. Tôi tiếp tục gọi ông. Lần này ông quay lại nhìn và nhận ra tôi rồi nhờ tôi chở đến nhà Đinh Cường. Khi ngồi ở sau xe tôi, Bùi Giáng trở nên hiền khô. Tôi thấy hai đòn bánh treo tòn teng ở cổ kỳ kỳ. Bùi Giáng hiểu và cho tôi hay là mẹ Trịnh Công Sơn vừa mới cho”.
Thi sĩ Bùi Giáng điên hay tỉnh, có nhiều ý kiến khác nhau. Có thể là ông đang chu du trong một thế giới riêng nào đó mà nhân gian không thể hiểu, nên cho rằng là ông bị điên. Về việc này, tác giả Trần Đới có nhận định như sau:
“Bùi Giáng chưa bao giờ điên. Cũng như anh chẳng bao giờ giả điên. Càng chưa bao giờ Bùi Giáng bất mãn trước bất cứ thời thế nào. Bởi lẽ dễ hiểu là Bùi Giáng chẳng sống theo thời thế, mà chỉ biết sống từ cõi văn nghệ lúy túy càn khôn của anh. Thời kỳ của Bùi Giáng bộc phát ra bên ngoài mà chúng ta gọi là điên, ấy là thời kỳ tĩnh tại và hưng phấn cùng độ của người nghệ sĩ. Tất cả lẽ chân thiện mỹ của nghệ thuật thi ca từ nhiều đời nhiều kiếp đều dồn về lúc đó… Bây giờ người thi sĩ này chỉ còn một cách duy nhất để sáng tác nguồn cảm hứng kia là sống. Sống dạt dào – sống nóng hổi tươi mới. Sống và sống là thi ca tràn đầy trong thiên nhiên, trong tình cảm và giữa vạn loài. Ôi thời gian là thực chất mới mẻ đang dâng hiến, dâng hiến bất tuyệt cho người, cho ta, cho cây cỏ, cho nắng mưa, cho rượu chè, cho phở tái, cho tình yêu chan chứa giữa lòng nhau mà đau khổ càng rõ nét, càng vút cao tính khoan hòa thánh thiện… Tính cách này đạo Thiền gọi là phỉ lạc, Bùi Giáng gọi là Niết bàn của thi sĩ…”.
nhacxua.vn biên soạn
Nguồn: báo Thanh Niên, báo Giác Ngộ