Giai thoại về những chuyện tình của thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên trong các bài thơ/nhạc nổi tiếng

Thi sĩ tài hoa bạc mệnh Nguyễn Tất Nhiên là tác giả của rất nhiều bài thơ được phổ thành các ca khúc nổi tiếng: Thà Như Giọt Mưa, Hai Năm Tình Lận Đận, Em Hiền Như Masoeur (nhạc sĩ Phạm Duy), Vì Tôi Là Linh Mục (Nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang), Trúc Đào (nhạc sĩ Anh Bằng).

Nếu bạn là người yêu thích nhạc xưa, hãy theo dõi kênh YouTube này để nghe đọc các bài cảm nhận về âm nhạc (phân tích ý nghĩa, hoàn cảnh sáng tác, tiểu sử ca nhạc sĩ): LINK YOUTUBE  < Click
Thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên ở hải ngoại

Trong những bài ca đó luôn có thấp thoáng những mối tình của người thi sĩ, mà nổi tiếng nhất là Duyên, là người tình học trò khi học chung với nhau lúc mới 14 tuổi. Người tên Duyên này đã đi vào nhạc Phạm Duy và nổi tiếng khắp cả nước.

Có thể có ít người biết rằng ngoài Duyên ra thì trong thơ Nguyễn Tất Nhiên còn có một số bóng hồng khác, trong đó có “em xưa còn thắt bính” trong bài “Hai Năm Tình Lận Đận” đã nên duyên vợ chồng với ông sau này.

Thà như giọt mưa, vỡ trên mặt Duyên…

Tuy mối tình không thành, nhưng “người thiếu nữ tên Duyên” đã là nguồn cảm hứng cho Nguyễn Tất Nhiên sáng tác nhiều tác phẩm trong tập thơ mang tên Thiên Tai, đặc biệt là bài Khúc Tình Buồn, sau đó được nhạc sĩ Phạm Duy phổ thành ca khúc nổi tiếng Thà Như Giọt Mưa:

người từ trăm năm
về qua sông rộng
ta ngoắc mòn tay
trùng trùng gió lộng…

 


Click để nghe Elvis Phương hát Thà Như Giọt Mưa

Nguyễn Tất Nhiên đã nói về mối tình này như sau:

“Thuở ấy, tôi yêu người con gái tên Duyên, ngồi cùng lớp. Tình yêu học trò thời trung học tôi trong sạch, ngu ngơ, dễ thương quá. Bây giờ, nghĩ lại, tiếc hoài”.

Thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên tên thật là Nguyễn Hoàng Hải, thuở nhỏ ông theo học trường trung học Ngô Quyền ở Biên Hòa. Năm 14 tuổi, ông học đệ ngũ (lớp 8), có cô bạn chung lớp xinh xắn người Bắc tên là Duyên. Tình cảm học trò ngây thơ như những cơn mưa rào thoáng qua nhanh nhưng cũng để lại niềm day dứt dài lâu cho chàng thi sĩ si tình.

Mối tình vô vọng với cô Duyên, nỗi đam mê, niềm đau khổ đã tạo nên phong cách thơ rất riêng của Nguyễn Tất Nhiên. Ông đã làm thơ tặng Duyên từ năm lớp 8 cho đến tận khi lên đại học.

Như là một mối hận tình nông nỗi của thời trai trẻ hoang đàng, nên thơ dành cho Duyên thường là sự trách móc có phần chua chát:

em nhớ giữ tính tình con gái Bắc
nhớ điêu ngoa nhưng giả bộ ngoan hiền
nhớ dịu dàng nhưng thâm ý khoe khoang
nhớ duyên dáng, ngây thơ mà xảo quyệt

ta sẽ nhớ dặn dò lòng nên tha thiết
nên vội vàng tin tưởng chuyện vu vơ
nên yêu đương bằng khuôn mặt khờ khờ
nên hùng hổ để đợi giờ thua thiệt!

nghe nói em vừa thi rớt Luật
môi trâm anh tàn héo nụ-xa-vời
mắt công nương thầm khép mộng chân trời
xin tội nghiệp lần đầu em thất vọng!

(dù thật sự cũng đáng đời em lắm
rớt đi Duyên, rớt để thương người!)

(Trích bài thơ “Duyên Của Tình Ca Con Gái Bắc”)

Ở Biên Hoà thời ấy có rất nhiều nhà thờ. Là người theo đạo, Duyên thường đi lễ, và những buổi sáng hay chiều, anh chàng làm thơ si tình thường ngồi trong quán cà phê bên đường để ngắm nhìn người đẹp đi ngang qua. Ông đã viết thành bài Linh Mục, sau này được nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang phổ thành ca khúc Vì Tôi Là Linh Mục với những ca từ ấn tượng:

Vì tôi là linh mục
Tưởng đời là hạnh phúc
Nên tin lời thiếu nữ
Như tin vào nước Chúa

Câu kinh sớm chưa yêu
Câu kinh tối chưa mê
Vẫn mất mát ê chề

Mất vì tin tín đồ là người tình
Có ngờ đâu người tình là ác quỷ
Ác quỷ đầy quyền năng
Giam tôi trong tín đồ…


Click để nghe Don Hồ hát Vì Tôi Là Linh Mục

Trước đó, ngay từ năm 14 tuổi, Nguyễn Tất Nhiên làm bài thơ đầu tiên cho Duyên tên là Khúc Tình Buồn, cũng là bài thơ đầu tiên sau này được nhạc sĩ Phạm Duy phổ thành ca khúc nổi tiếng với những câu chữ gọi đích danh người con gái:

Thà như giọt mưa
Vỡ trên mặt Duyên
Để ta nghe thoáng
Tiếng mưa vội đến

Những giọt run run
Ướt ngọn lông măng
Khiến người trăm năm
Đau khổ ăn năn

Khiến người tên Duyên
Đau khổ ăn năn
Khiến người tên Duyên
Đau khổ muôn niên.

Vì thất tình, vì hận tình, nên những bài thơ mà Nguyễn Tất Nhiên dành cho Duyên đều là những lời trách móc, phẫn uất đôi khi là phi lý, không giống như những lời thơ mà ông viết cho người con gái tên là Minh Thủy sau đây.

Em xưa còn thắt bính…

Cũng trong thời kỳ Nguyễn Tất Nhiên học đệ nhất (lớp 12) và xuất bản tập thơ “Thiên Tai”, ông có chú ý đến một cô bạn học chung trường khác tên là Nguyễn Thị Minh Thuỷ, xinh xắn và học giỏi, đặc biệt là rất dịu dàng, như trong chính những vần thơ ông viết tặng:

Ta vẫn nhớ trưa nào em ngồi hát
Ta thèm hôn lên mắt tiểu thư buồn
Ta vẫn ăn năn những lúc đón đường
Em khó chịu mà thư nào cũng nhận

Mối tình với Duyên đã hầu như tuyệt vọng nên Nguyễn Tất Nhiên săn đón Minh Thủy. Lúc này cũng không còn là thời trẻ con 14-15 tuổi nữa mà họ đã trở thành những nam nữ thanh niên 18 tuổi. Với bản tính dịu dàng, cô Thủy cũng không tỏ ra xa lánh sự vồn vã của chàng thi sĩ.

Tuy nhiên thật trớ trêu, ngay lúc đó mối tình Nhiên – Duyên lại rộ lên khắp trường, chỉ vì những ca khúc phổ thơ như Thà Như Giọt Mưa đã nổi tiếng khắp cả nước. Dù lúc đó thì Nhiên – Duyên đã chấm dứt, nhưng Minh Thuỷ trở nên dè chừng hơn. Có lần cô Thuỷ quyết định gom hết tất cả quà cáp, thư tình của Nguyễn Tất Nhiên lâu nay gửi cho mình đem đến nhà bạn, nhờ bạn trả lại hết. Sự kiện đó đã làm cho nhà thơ si tình chấn động. Ông viết ngay bài thơ “Kẻ tự đóng đinh tim” cho Minh Thuỷ:

Chiều em đi học về, thơm tóc thả
Áo eo suông trinh bạch cả giáo đường
Ta ngọt ngào gọi khẽ, người đi luôn.

Cũng là thơ hờn trách nhưng có gì nhẹ nhàng, đằm thắm hơn chứ không “phẫn uất” như thơ viết cho Duyên, có lẽ vì Nguyễn Tất Nhiên nhận ra vẻ dịu dàng “Em Hiền Như Ma soeur” của Minh Thuỷ.

Hầu hết những bài thơ ông viết cho Minh Thuỷ đều tình tứ, cảm động, dù “chuyện tình” này không ồn ào như với Duyên. Hình ảnh thắt bính tóc của Minh Thuỷ đi vào thơ ông rất thơ mộng, ngay cả khi có nguy cơ hai người chia tay:

Em không còn thắt bính
Nuôi dưỡng thời ngây thơ
Anh không còn luýnh quýnh
Giữa sân trường trao thư.

Em thường hay mắt liếc
Anh thường ngóng cổ cao
Ngoài đường em bước chậm
Quán chiều anh nôn nao

Hai năm tình lận đận
Hai đứa cùng xanh xao.
Hai năm trời mùa lạnh
Hai đứa cùng hư hao.

Bài thơ này được nhạc sĩ Phạm Duy phổ thành bài hát nổi tiếng Hai Năm Tình Lận Đận.


Click để nghe Duy Quang hát Hai Năm Tình Lận Đận

Lên đại học, Nguyễn Tất Nhiên vào học Luật khoa, Minh Thuỷ vào Viện Đại Học Vạn Hạnh. Từ đó, hai người hầu như không còn gặp nhau. Nhưng thỉnh thoảng trên báo, ông vẫn có thơ cho Minh Thuỷ:

Trời mưa không lớn lắm
Nhưng vẫn ướt đôi đầu
Tình yêu không đáng lắm
Nhưng đủ làm… tiêu nhau.

Em tính còn ham chơi
Lưng ngoan dòng tóc bính
Môi trinh hay thích cười
Chiều chiều ra giỡn nắng
Tình trôi kệ tình trôi?

Cuộc tình của họ phải trải qua sóng gió một thời gian dài có phần cũng vì tính nết bốc đồng và có chút ngông cuồng của Nguyễn Tất Nhiên thời trai trẻ.

Sau năm 1975, thời cuộc biến động và đổi thay, tính cách của chàng thi sĩ hoang đàng kia cũng đằm lại và cam chịu hơn. Cuối năm 1980, Nguyễn Tất Nhiên được gia đình bảo lãnh sang Pháp, khi đó ông 28 tuổi, một thân một mình.

Năm 1983, cô bạn học Minh Thủy năm xưa từ bên Mỹ đi du lịch Âu châu và sang Pháp. Như một định mệnh, họ gặp nhau rồi tái hợp khi đã trưởng thành, đã trải đời và hiểu đời hơn. Ít lâu sau Nguyễn Tất Nhiên sang Mỹ làm đám cưới với nàng và ở lại Mỹ, sống ở Quận Cam, California.

Tuy nhiên, với một tâm hồn nghệ sĩ quá nhạy cảm, thậm chí là khác thường, ngay cả khi chuẩn bị trở thành chồng của người ta, Nguyễn Tất Nhiên vẫn có những bài thơ dự cảm rằng mình không xứng với sự dịu dàng, hiền ngoan của Minh Thuỷ. Ông viết:

Phu thê nếu đã nợ rồi
Thì tôi đâu ngại ngỏ lời yêu em
Như con chim mới tập chuyền
Bâng khuâng gấm lụa thánh hiền em ra

Mặt trời rực rỡ phương xa
Ở đây hạnh phúc chỉ là đau thương
Phu thê nếu đã buộc ràng
Thì xin nhẫn nhục cưu mang vợ chồng

Tôi quanh năm sống hoang đàng
Cũng xin nhỏ lệ hoàn lương, khóc tình.

Với những bài thơ viết cho người vừa thành vợ của mình, có thể thấy Nguyễn Tất Nhiên yêu Minh Thuỷ thật tình, thứ tình yêu không còn ai oán, hờn trách, hơn thua như xưa nữa, mà đong đầy những mặc cảm, lo lắng, kiểu như là ông chỉ biết yêu, biết làm người tình thôi, chứ làm chồng thì còn bỡ ngỡ lắm. Nên dù có ăn năn hay sám hối như thế nào, thì với bản tính hoang đàng cố hữu như Nguyễn Tất Nhiên đã từng thừa nhận, thì cuộc hôn nhân của họ không được hạnh phúc, dù đã có với nhau được 2 người con trai.

Sau khi ly hôn, Nguyễn Tất Nhiên sống cô độc trên chiếc xe hơi cũ, lang thang vô định. Trong xe của ông lúc nào cũng có một bịch khoai tây sống để ăn tạm khi đói. Rồi một ngày người ta tìm thấy ông tự kết liễu đời mình trên xe đậu trong sân một ngôi chùa.

Minh Thuỷ cũng có làm thơ, cô đã viết cho mối duyên nợ mỏng với người chồng nổi tiếng bài thơ này:

trên xa lộ, thoáng bàng hoàng
khói xe như loãng giữa làn thu phong
hoa lau nở, trắng một vùng
phất phơ gió sớm mịt mùng heo may

nắng, mưa dệt nối tình dài
một mùa thu vẫn còn hoài dấu xưa
ơn ai, trời biếc, mây đưa
ơn ai, hơi giá cho vừa nhớ nhau

nhớ ai, sáng biển dạt dào
chiều vàng nắng núi, đêm sao lưng đèo
một mùa yêu đã cho nhau
nụ cười chia, sớt khổ đau cũng nhiều

nợ tình mỏng, mà nặng đeo
mỗi thu như mỗi dày theo tuổi đời
hơi may gợn, nhắc bồi hồi
một bờ mây, đã, cuối trời quan san…

Ngoài 2 mối tình với Bùi Thị Duyên và Minh Thủy khởi nguồn từ ngày còn đi học. Đến khoảng năm 1972, sau khi chia tay Minh Thủy, cũng như đã đoạn tình xong với Duyên, nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên còn thoáng qua những mối tình khác, đều là với những người con gái Bắc, đó là “Cô Bắc Kỳ Nho Nhỏ” tên là Bùi Thị Kim Oanh, gia đình có quán cafe nổi tiếng một thời tên là “Ca Dao”.

Cô Oanh có một thời để tóc demi garcon (kiểu tóc ngắn hơi giống con trai là mode một thời), nên trong bài hát mang tên Cô Bắc Kỳ Nho Nhỏ của nhạc sĩ Phạm Duy mượn tựa đề của bài thơ Nguyễn Tất Nhiên được mở đầu là:

Này cô em Bắc Kỳ nho nhỏ
Này cô em tóc demi garcon,
Chiều hôm nay xuống đường đón gió,
Cô có tình cờ nhìn thấy anh không?


Click để nghe Duy Quang hát Cô Bắc Kỳ Nho Nhỏ

Ngoài bài hát này, Phạm Duy còn viết bài khác mang tên Anh Vái Trời để phổ nhạc cho bài thơ mang tên Cô Bắc Kỳ Nho Nhỏ của Nguyễn Tất Nhiên đã được Duy Quang hát sau đây:


Click để nghe Duy Quang hát Anh Vái Trời

Biết Kim Oanh thích đọc sách, Nguyễn Tất Nhiên tặng nhiều quyển sách bìa cứng bọc gáy vàng rất đẹp. Ông cũng tặng Kim Oanh nhiều cánh thiệp xinh xinh vào những dịp lễ, hoặc thậm chí là không nhân dịp gì cũng tặng. Đặc biệt là nhà thơ luôn tặng cô Oanh những bài thơ tình đăng trên báo học trò. Tuy nhiên có lẽ mối tình với Duyên quá nổi tiếng nên sẽ có nhiều cô gái nhút nhát không dám chấp nhận tình cảm của Nguyễn Tất Nhiên. Tình cảm kết thúc khi nó còn chưa kịp thành hình.

Cô Oanh kể lại là sau này, năm 1980, khi Nguyễn Tất Nhiên chuẩn bị sang Pháp, vì không thể đem theo nhiều đồ đạc nên ông đến đưa cho cô Oanh một vali sách quý nhờ giữ giùm.

Sau khi Nguyễn Tất Nhiên ra đi, một phụ nữ trẻ tìm đến và đưa cho cô Oanh bức thư tay, bảo do Nguyễn Tất Nhiên gửi. Nội dung thư, ông nhắn cô Oanh giao vali sách cho người cầm thư. Cô thoáng băn khoăn, vì nét chữ trong thư không giống nét chữ nhà thơ thường xuyên gửi. Nhưng vốn cả tin, cô đã giao va-li sách cho người phụ nữ – mà đến tận bây giờ, cô vẫn chưa biết rõ người là ai và từ đâu đến? Cô đã để lạc mất những quyển sách quí, như món quà từ biệt của Nguyễn Tất Nhiên trước ngày ông xa xứ.

Ngoài ra, Nguyễn Tất Nhiên còn một mối tình với cô gái tên Hằng quê ở Nam Định, dáng người rất cao so với con gái Việt Nam. Người người cùng cao lêu nghêu thường đèo nhau trên chiếc xe máy Honda nhỏ xíu vốn dành cho nữ trông rất ngộ. Một hôm có người quen hỏi là vì sao cô Hằng lại yêu nỗi một anh chàng bề bộn, luộm thuộm mà tâm hồn lúc nào cũng đang ở trên mây như vậy, cô Hằng hồn nhiên đáp: “Em đâu có yêu anh ấy. Em chỉ đi theo anh ấy đi chơi thôi…”.

Với cô gái người Nam Định này, Nguyễn Tất Nhiên đã tặng cho bài thơ mang tên Hồng Trần:

Em mùa thi diện cũng xênh xang
Áo mới còn bay mùi tơ hàng
Ta tiếc dùm ai từng sợi tóc
Rụng lẻ loi sầu trên vai ngang

Em mùa thi mơn như trái cam
Con mắt kiêu kỳ rất Việt Nam
Ta đợi hôm nào em chợt khóc
Dù đượm u hoài hay hân hoan

Em mùa thi ưng ửng phấn hồng
Đôi má làm duyên cùng bướm ong
Ta lo ngàn cánh môi tàn nhẫn
Chờ gió giông nào rớt nụ hôn

Em mùa thi khua đôi guốc cao
Bàn chân Nam Định rất chiêm bao
Ta sợ bùn đen vây nếp chỉ
Bởi vì tháng bảy có mưa mau

Em mùa thi xanh màu lá non
Ve vẩy cười trên cành lộc thơm
Toan ghé tay phàm, ai trộm ngắt
Đau buốt trong ta mấy trận đòn.

Bài: Đông Kha (biên soạn)
nhacxua.vn

Exit mobile version