Giải thích sức hấp dẫn của Trịnh Công Sơn

Trịnh Công Sơn có sức hấp dẫn lớn với giới trí thức, đặc biệt là với chị em phụ nữ mặc dù Trịnh không lấy gì làm ngon giai lắm.

Ông mất ngày 1 tháng 4 năm 2001. Đám tang Trịnh được tổ chức long trọng và có nhiều người đưa tiễn gần bằng với đám tang Phan Châu Trinh năm 1926. Nhiều fan cuồng mặc áo xô để đưa tang Trịnh.

Lúc Trịnh còn sống, nhiều cô gái lăn xả vào. Ít nhất hơn 15 ca sỹ trẻ tự nhận mình là Bống và tuyên bố Thủa Bống Là Người là do Trịnh viết riêng tặng mình.

Nhiều người cho rằng nhạc Trịnh hay bởi ca từ chứ không phải âm nhạc vì chất nhạc của ông rất đơn giản và dễ chơi. Một vị nhạc sỹ nổi danh còn táo tợn hơn, khẳng định rằng Trịnh không phải nhạc sỹ mà là nhà thơ. Quả thật Trịnh là cao nhân bậc nhất Việt Nam về nghệ thuật dùng từ vựng.

Tuy nhiên, theo tôi, ca từ của Trịnh chỉ tuyệt vời nhất khi được đặt trong giai điệu nhạc Trịnh. Không tin, bạn có thể đọc bản lời ca từ suông (không có nhạc) thì sẽ nhận ra nó không còn hấp dẫn như ta tưởng.

Và ngược lại, nhạc Trịnh mà chơi không có ca từ thì cũng rất đơn điệu, chẳng khác Lý Cái Mơn, Lý Cây Bông là mấy. CA TỪ và GIAI ĐIỆU trong các tác phẩm của Trịnh hòa với nhau như nước và sữa.

Không nên tách ra để thưởng thức một cách thô thiển vì đó là một chỉnh thể hợp nhất bổ sung cho nhau, phụ thuộc nhau rất chặt chẽ.

Trịnh là cử nhân Triết học. Nhạc của ông đậm triết lý nhân sinh. Một số bài mang hương vị của chủ nghĩa hiện sinh, siêu thực. ĐÓA HOA VÔ THƯỜNG là một ví dụ.

Người ta chỉ có thể cảm thấy nó mênh mang, say đắm trong một giấc mơ đời hư ảo đầy thi vị và hương sắc. Chứ không thể phân tích hay ở đâu, tại sao. Chính bản thân Trịnh cũng không chỉ ra nổi.

Hơn hết thảy, tư tưởng chi phối các sáng tác của ông là triết lý vô thường của Phật học.

Yêu hôm nay nhưng đã biết trước sự đổ vỡ và chia ly ngày mai. Sống hôm nay nhưng luôn phấp phỏm lo lắng một ngày phải chết. Vừa mới gặp đã lo sợ mai chia xa. Nhìn cô gái xinh đẹp mỹ miều và tươi trẻ, ông thấy ẩn sâu trong cô gái ấy có sự già nua và tàn hoại đang đến.

Cho nên nhạc Trịnh ít có bài nào vui. Dù có bài vui chăng nữa thì vẫn phảng phất vị buồn. Cái buồn của nhân thế muôn đời. Đứng trước cái mênh mông của vũ trụ, cái tôi tự nhiên thấy nhỏ bé và yếu đuối quá. Nó cần tình yêu để bám víu. Tiếc rằng tình yêu lại không bền. Nên nhạc Trịnh có gì đó bất lực.

Phản ánh cái bất lực chung của nhân sinh trước sự trôi chảy tàn hoại của kiếp người trong dòng thời gian vô tận. Tuổi Đời Mênh Mông là vui lắm rồi mà tôi cũng nghe thấy vẫn có gì đó xót xa, tiếc nuối.

Nhạc Trịnh chỉ đi thêm một chút nữa sẽ gặp Thiền học. Tuy nhiên nếu nó là nhạc Thiền thì lại không hấp dẫn được đông đảo quần chúng. Quần chúng tội lỗi như chúng ta ưa thích cái yếu đuối, cái chất người với những tâm sự đầy day dứt và ám ảnh ở trong nhạc của ông.

Về chiến tranh, Trịnh cực lực phản đối cả hai phe tham chiến. Ông không ủng hộ bất cứ phe nào trong nội chiến Nam Bắc. Ông chỉ đứng về nhân dân, tố cáo tội ác của chiến tranh.

Chính vì quá nổi tiếng nên cả hai phe đều nhận Trịnh là người của mình. Đến khi Trịnh chẳng chịu về với bên nào thì chính quyền cả hai miền Nam Bắc đều quay ra chưởi rủa và bài xích ông. Chính quyền Sài Gòn đã gây khó dễ với Trịnh chỉ vì những ca khúc phản chiến của ông.

Hết chiến tranh, sống tại Sài Gòn, Trịnh bị chính quyền mới tấn công dữ dội. Ông không chịu nổi áp lực nên bỏ về Huế (quê gốc của ông). Trớ trêu thay, tất cả các ngả đường thành Huế đều treo biểu ngữ ĐẢ ĐẢO PHẠM DUY, HOÀNG THI THƠ VÀ TRỊNH CÔNG SƠN. Đau xót làm sao khi đứa con yêu trở về cố thổ lại bị chính quyền, bà con thân hữu của mình tẩy chay quyết liệt. Rõ khổ! Bạn bè ông phải ra sức bảo vệ bằng những cuộc hội thảo chứng minh Trịnh không hề chống Cộng.

Người có công đầu bảo vệ Trịnh là Hoàng Phủ Ngọc Tường, người bạn nối khố, chơi với Trịnh từ hồi cả hai còn cởi truồng. Tuy nhiên, HPNT rất hâm mộ và tôn kính Trịnh, đến nỗi đi đâu cũng một điều nhạc sỹ Trịnh Công Sơn, hai điều nhạc sỹ Trịnh Công Sơn chứ không gọi trống không.

Trịnh thoát cải tạo nhưng từ đó rất cẩn thận trong phát ngôn.

Đời Trịnh là minh họa rõ nét cho câu nói: Sức mạnh chính quyền lúc nào cũng thua sức mạnh nhân dân. Công đạo ở nhân gian. Trịnh bị tấn công từ cả hai chính quyền nhưng nhân dân lại đứng về Trịnh. Cuối cùng thì Trịnh thắng. Cái chân thiện bao giờ cũng thắng!

Nói đến Trịnh Công Sơn thì phải có vài dòng cho Văn Cao.

Trịnh luôn nhận mình là “thằng đệ” của Văn Cao xét về mọi nghĩa. Khi Văn Cao mất, Trịnh túc trực bên linh cữu cả tuần.

Quả thực Văn Cao và Trịnh có nhiều điểm giống nhau đến kinh ngạc. Từ chất nhạc, tư tưởng đến khuynh hướng thẩm mỹ.

Nếu Văn Cao không làm việc ở Hà Nội mà cũng Nam tiến vô Sài Gòn thì Việt Nam đã có hai kho tàng âm nhạc khổng lồ có giá trị lớn để lưu hậu thế. Vì Văn Cao dính líu vụ án oan Nhân Văn Giai Phẩm nên bị treo bút. Câu chuyện này rất dài và li kỳ.

Sau 1975, ông lại dính hoạn nạn khi viết bài Mùa Xuân Đầu Tiên có câu “từ nay người biết quê người, từ nay người biết yêu người”. Tác giả của Quốc Ca Việt Nam suýt bị công an tống vô ngục thất. Thật đau xót và mỉa mai!

Ở môi trường khắt khe như vậy nên tài năng của Văn Cao không nở rộ được. Đáng tiếc lắm thay!

_____

Một kiếp người như cánh vạc bay
Thân ở trọ đi bên đời hiu quạnh
Còn ai với ai ru tình giá lạnh?
Gọi tên bốn mùa, nghe những tàn phai

Cỏ xót xa đưa như tiếng thở dài…
Một cõi đi về, lời thiên thu gọi
Chiếc lá thu phai, biết đâu nguồn cội
Tưởng rằng đã quên, vẫn nhớ cuộc đời

Thôi đành mỗi ngày chọn một niềm vui
Để mơ đêm thấy ta là thác đổ
Bừng tỉnh ướt mi, hoa vàng mấy độ?
Em đi trong chiều chiếc lá thu phai

Chìm dưới cơn mưa rơi lệ ru người
Em hãy ngủ đi, tình sầu biển nhớ
Hạ trắng ru em từng ngón xuân nồng
Bốn mùa thay lá tuổi đời mênh mông.
Gần lại với nhau! Ru đời đi nhé!

Đỗ Cao Sang

Exit mobile version