Giải thích những ca từ khó hiểu và “bí hiểm” trong các bài nhạc Trịnh Công Sơn

Nhắc đến âm nhạc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, có lẽ người ta sẽ nghĩ đến những triết lý, sự đa tầng ý nghĩa của bài hát. Nhạc của ông thường đầy tính ẩn dụ, đôi khi là mông lung khó hiểu, khó nắm bắt được khi nghe một cách hời hợt. Thậm chí là nhiều người thích nghe nhạc Trịnh, nghe đi nghe lại hàng chục năm mà vẫn không hiểu ý nghĩa của 1 số bài hát. Vì có được sự đặc thù như vậy, nên dù nhạc sĩ Trịnh Công Sơn không thể sánh bằng các nhạc sĩ khác như Phạm Duy hay Văn Cao về tầm vóc, nhưng ông vẫn được người ta ưu ái đặt cho một dòng nhạc riêng mang tên là “nhạc Trịnh”.

Nếu bạn là người yêu thích nhạc xưa, hãy theo dõi kênh YouTube này để nghe đọc các bài cảm nhận về âm nhạc (phân tích ý nghĩa, hoàn cảnh sáng tác, tiểu sử ca nhạc sĩ): LINK YOUTUBE  < Click

Dù lời ca của nhạc Trịnh Công Sơn có vẻ bí hiểm, khó hiểu, nhưng về nhạc thuật thì so với các nhạc sĩ lớn cùng thời, nhạc của Trịnh khá đơn giản, không có gì cách tân, nhưng nó lại vẫn hấp dẫn vì mang được “tiếng thở dài của thời đại”. Theo như lời của Phạm Duy, đó là “sự đơn giản của một thiên tài”, vì không phải ai cũng viết được loại nhạc đơn giản nhưng lại có thể đồng cảm được với tâm trạng của nhiều người đến như vậy.

Dù nhạc Trịnh bị coi là khó hiểu, nhưng nhiều người nói rằng họ thích nhạc Trịnh vì luôn thấy được mình ở trong đó, và đôi khi nghĩ rằng nhạc Trịnh đang viết cho chính hoàn cảnh của mình vậy. Nhà văn Nguyễn Quang Sáng – một người bạn thân của Trịnh Công Sơn – từng nói rằng nghe nhạc Trịnh không hiểu lắm, nhưng thấy có mình ở trong đó.

Điều này đã tạo nên sự đặc biệt của nhạc Trịnh. Bởi vì đôi khi âm nhạc không cần hiểu rõ cặn kẽ, mà chỉ cần cảm được, là được!

Ngay cả những người sâu sắc và từng trải nhất cũng không dám khẳng định là “mình hiểu hết ý nghĩa nhạc Trịnh”. Bài viết này không phải là để giải thích cặn kẽ, chi tiết những ca từ nhạc Trịnh, mà chỉ là những thông tin được gom nhặt trong quá trình tìm hiểu nhạc Trịnh. Hy vọng khi đọc qua bài viết này, người yêu nhạc Trịnh sẽ khám phá ra những điều thú vị…

1. Nghe Những Tàn Phai

Khởi đầu bài hát Nghe Những Tàn Phai là một câu hát khá quen thuộc:

Chiều nay em ra phố về
Thấy đời mình là những chuyến xe…

Có lẽ ai trong chúng ta, đôi khi ngồi ngẫm nghĩ lại đời mình, cũng đã thấy rằng đời mình như là những chuyến xe chuyên chở đầy tâm tư của cả một đời.


Click để nghe Thái Thanh hát Nghe Những Tàn Phai trước 1975

Toàn bài hát này là những lời than thở muộn phiền, nhưng có ít người hiểu được ý nghĩa thực sự của nó:

Chiều nay em ra phố về 
Thấy đời mình là những đám đông 
Người chia tay nhau cuối đường 
Ngày đi đêm tới trăm tiếng hư không. 

Có ai đang về giữa đêm khuya, 
rượu tàn phai dưới chân đi ơ hờ 
Vòng tay quen hơi băng giá, 
Nhớ một người tình nào cũ, 
Khóc lại một đời người quá ê chề. 

Chiều nay em ra phố về 
Thấy đời mình là những quán không 
Bàn in hơi bên ghế ngồi 
Ngày đi đêm tới đã vắng bóng người. 

Chiều nay em ra phố về 
Thấy đời mình là con nước trôi, 
Đèn soi trên vai rã rời 
Ngày đi đêm tới còn chút hao gầy.

Nguyên bài là những lời lẽ có vẻ mông lung, như là không nhắc đến một điều gì cụ thể, giống như là tác giả đang nói về những chiêm nghiệm nào đó về cuộc đời?

Không phải vậy, thật ra bài hát này được nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết về một đối tượng cụ thể: Nhân vật chính là một cô gái làng chơi. Điều đó được ca sĩ Khánh Ly thừa nhận, bà đã được Trịnh Công Sơn trực tiếp giải thích ý nghĩa của bài này khi tập cho bà hát.

Đó là một người kỹ nữ, một gái giang hồ đã về già và hết thời, với những bước chân trở về nhà trong đêm sau 1 ngày rã rời. Cô gái đôi khi thấy đời mình là những đám đông, những chuyến xe… rồi rốt cuộc chỉ là tiếng hư không, vắng bóng người trong 1 đời người đã quá ê chề.

2. Dấu Chân Địa Đàng

Bài hát Dấu Chân Địa Đàng, ban đầu có tên là Tiếng Hát Dạ Lan, được Trịnh Công Sơn viết trong thời gian ông dạy học ở B’Lao – Lâm Đồng. Trong bài này có hình ảnh ẩn dụ khó hiểu như “loài sâu ngủ quên trong tóc chiều”, “lời ca dạ lan”… 


Click để nghe Khánh Ly hát Dấu Chân Địa Đàng

Nếu đọc cuốn Thư Tình Gửi Một Người (tổng hợp 300 bức thư tình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn gửi cho người tình Dao Ánh) do gia đình nhạc sĩ xuất bản hồi đầu thập niên 2010, chúng ta sẽ hiểu được rõ hơn hình ảnh ẩn dụ đó qua lời của chính nhạc sĩ trong các lá thư.

Có thể hiểu rằng Loài sâu này chính là một phiên bản khác của phận người, ôm chất chứa những buồn vui của nhân sinh, điều này càng được thấy rõ hơn trong những bức thư của Trịnh Công Sơn gửi Dao Ánh: “Ngôn ngữ đã mất đi với những ngày nằm co như một loài – sâu – chiếu ở Blao” (thư Đà Lạt, 19.9.1964), “Ở đây cũng có loài sâu đất reo đêm” (thư Đà Lạt, 19.9.1964), “Đêm sáng mờ bên ngoài. Sâu đất reo rất trong ở bãi cỏ” (thư Blao, 23.10.1964), “Đêm đã lạnh và đã buồn. Cây cỏ lao xao. Anh chỉ còn nghe rõ tiếng sâu đất và tiếng dế reo…” (thư Blao, 29.12.1964), “Đêm rất dày đen. Sâu đất của núi rừng cũng đã reo lên âm thanh rất nhọn” (thư Blao, 23.9.1965).

Hình ảnh “dạ lan” cũng được nhắc tới trong bài này: “Nửa đêm đó lời ca dạ lan như ngại ngùng”. Dạ lan là gì?

Nhà cô gái 16 tuổi Dao Ánh ở Huế (cách nhà Trịnh Công Sơn ở Huế một cây cầu là cầu Phú Cam) trồng nhiều hoa dạ lan và loài hoa này không chỉ thơm ngát trong vườn nhà Dao Ánh mà còn lừng hương trong nhạc Trịnh và trong nhiều bức thư tình tha thiết, da diết của Trịnh Công Sơn gửi Dao Ánh: “Dạ lan giờ này chắc đã ngạt ngào cả một vùng tối đó rồi, đã cài lên từng sợi tóc của Ánh” (thư Blao, 31.12.1964), “Anh ao ước bây giờ mở cửa ra bỗng dưng có chiếc cầu bắc qua dòng sông và anh bước qua cầu rồi rẽ về phía tay phải đi đến căn nhà có mùi thơm dạ lan và đứng đó gọi tên Ánh thật thầm để chỉ vừa đủ Ánh nghe” (thư Blao, 26.9.1965).

Dĩ nhiên, “dạ lan” trong vùng kỷ niệm của Trịnh Công Sơn cũng như trong nhạc Trịnh, là hiện thân của vẻ đẹp và tình yêu thầm kín, thanh tao, thắm thiết của Dao Ánh, là biểu tượng, là hiện thân của cõi “địa đàng”, cõi “Thiên Thai”, cõi mơ ước hạnh phúc bất tuyệt muôn đời của nhân loại: “Mưa đã trở về cùng với đêm. Như một ngày nào Ánh rời xa anh để trở về với nếp sống bình thường, ở đó Ánh đi trên lối đi quen thuộc của những người đã đi trước mà không cần phải nhìn những bảng số hai bên đường. Sẽ bình thường và thản nhiên quên đã một lần dẫm chân qua một vực – thẳm địa đàng mà anh đã linh cảm trước từ lâu, như “địa đàng còn in dấu chân bước quên” của một thời anh đã âm thầm nghĩ rằng biết đâu Ánh không lớn lên từ một loài dạ lan nào đó” (thư Blao, 27.10.1964), “Bây giờ là tiếng nói đêm của anh với Ánh. Với Ánh dạ lan… ” (thư Blao, 22.11.1964).

3. Có Một Dòng Sông Đã Qua Đời

Trong bài hát này, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã nhân cách hóa “một dòng sông” và cho nó… qua đời.


Click để nghe Khánh Ly hát Có Một Dòng Sông Đã Qua Đời

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã giải thích trong một lần trả lời phỏng vấn lúc sinh thời: “Hôm đó mình ở Đà Lạt đi qua cầu, bắt qua cầu Hồ Xuân Hương thì gặp người tình cũ đi với người yêu qua cầu. Mình nhìn thấy. mình cảm thấy sự mất mát quá lớn trong cuộc đời này…

Bên cạnh đó khi đi qua cây cầu mình nhìn xuống thấy dòng nước chảy, mình nghĩ không chỉ mất người đó thôi mà mất cả dòng sông, dòng nước… mất hết cả. Cho nên cái mất mát tưởng là nhỏ nhưng cuối cùng lại lớn.

Cho nên có một dòng sông đã qua đời không phải chỉ là mình ví von người tình của mình là dòng sông, nhưng mà nàng đi qua một dòng sông, và mình mất nàng và mất luôn dòng sông.

Lúc đó dòng sông nó không còn ý nghĩa gì nữa, trước đó đẹp vô cùng tận nhưng mà từ phút đó trở đi thì không có ý nghĩa gì cả. Nó cũng là mang đến cho mình một nỗi buồn giống như sự mất mát kia. Cho nên vì vậy mới có bài có một dòng sông đã qua đời.

Mình nghĩ như thế này, khi ta đi qua một nơi trốn nào đó, tình cờ bạn đi qua một cái núi, bạn gặp người tình của bạn cùng đi với một người khác, thì cái núi đó cũng qua đời rồi chứ không phải dòng sông đã qua đời, núi cũng qua đời luôn”.

4. Cát Bụi

Ôi cát bụi phận này
Vết mực nào xóa bỏ không hay (bài hát Cát Bụi)


Click để nghe Khánh Ly hát Cát Bụi

Bà Đặng Tuyết Mai (vợ cũ của ông Nguyễn Cao Kỳ) trong một dịp gặp gỡ văn nghệ đã được Trịnh Công Sơn giải thích và mô tả sự khai sinh và khai tử (như được ghi lại trong bài hát “Cát bụi”) ở trong các làng xã xa xôi ở miền quê Việt Nam là:

“Khi một đứa bé được sinh ra thì bố mẹ đứa trẻ báo cho làng xã biết. Người ta ghi tên đứa bé vào một cuốn sổ bằng viết mực… thế rồi khi đứa bé lớn lên sau lũy tre xanh, trưởng thành, già… nếu chết đi thì người nhà cũng báo cho làng xã biết; người ta cũng lấy cái bút gạch tên người chết trong cuốn sổ đinh này là xong một đời người.”

Chính vì vậy mà sau khi một cuộc đời được chấm dứt câu “Vết mực nào xóa bỏ không hay” là thật chứ không phải là chuyện “mông lung” như chúng ta vẫn nghĩ.

5. Đêm Thấy Ta Là Thác Đổ

Đây là một trong những ca khúc nổi tiếng nhất của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, nhưng đã khó hiểu ngay từ tựa đề bài hát. Sao đêm thấy ta là thác đổ? Nghe có vẻ siêu nhiên kỳ bí.

Thực ra, cái tên này nếu để thêm một dấu phẩy thì sẽ dễ hiểu hơn, dễ tiếp cận hơn: Đêm, Thấy Ta Là Thác Đổ. Nghĩa là vào một đêm (hoặc đã nhiều đêm rồi), thấy ta như là dòng thác đổ.


Click để nghe Tuấn Ngọc hát Đêm Thấy Ta Là Thác Đổ

Có một vị đã thiền lâu năm đã thốt lên: “Trịnh Công Sơn phải là sư tổ môn thiền học mới ‘đạt’ được cái trạng thái ‘thác đổ’ này”. Những ai theo thiền môn lâu năm đều biết, mỗi khi thiền xong, khi mở mắt ra là nghe thấy trong đầu còn có “âm vang như có tiếng thác đổ”. Thành ra “Nhiều đêm thấy ta là thác đổ” cũng là thật chứ không phải là chuyện siêu nhiên kỳ bí gì cả. Khi tỉnh ra, thì “vẫn như còn nghe”.

6. Một Cõi Đi Về

Con tinh yêu thương vô tình chợt gọi…

Câu hát này sử dụng từ ngữ rất… Trịnh Công Sơn. Có một số ca sĩ trẻ không biết “con tinh yêu thương” là gì, nên tự ý đổi lại thành “con tim yêu thương”.

Sinh thời, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã rất nhiều lần giải thích cái hay, cái chất Huế độc đáo của từ “con tinh” trong bài này. Theo Trịnh Công Sơn thì các cô gái nhỏ, xinh đẹp và nghịch ngợm ở Huế hay bị gia đình, người thân mắng yêu là “đồ yêu tinh”. Cái “con tinh” đó đã đi vào văn học và đi qua dòng nhạc Trịnh trong bài hát Một Cõi Đi Về mà ông yêu thích nhất, nhưng đa số ca sĩ lại hát là “con tim”, làm cho câu hát không còn gì đặc biệt.


Click để nghe Trịnh Công Sơn hát Một Cõi Đi Về

7. Chiều Một Mình Qua Phố

Có khi nắng khuya chưa lên
Mà một loài hoa chợt tím…

Đó là câu hát quen thuộc trong bài Chiều Một Mình Qua Phố. Nhưng đêm khuya thì làm gì có nắng, vì sao gọi là “nắng khuya”? Đã có 1 số ca sĩ đã đổi lại thành “có khi nắng mưa chưa lên” cho hợp lý, làm cho câu hát nghe rất khiêng cưỡng.


Click để nghe Khánh Ly hát Chiều Một Mình Qua Phố

Có nhiều người đoán già đoán non cho rằng “nắng khuya” ở đây có thể lá ánh trăng, hay là ánh đèn đường. Tuy nhiên tất cả đều chỉ là “đoán mò” nếu chưa nghe trực tiếp ý kiến của chính tác giả.

Mới đây, trong một lần đàm luận về âm nhạc Trịnh Công Sơn, ca sĩ Nguyễn Hữu Thái Hoà, một người khá thân cận với nhạc sĩ và gia đình ông đã kể một câu chuyện liên quan đến những ca từ này. Theo ca sĩ Nguyễn Hữu Thái Hoà, ca khúc này được nhạc sĩ viết cho mối tình với nàng Dao Ánh. Thời điểm hai người bắt đầu hẹn hò, Dao Ánh chỉ mới 15-16 tuổi, còn nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vẫn là một chàng nghệ sĩ lang thang chưa có sự nghiệp ổn định. Dao Ánh lại sinh ra trong một gia đình nghiêm khắc và gia giáo, di cư từ Bắc vào Huế. Chính vì vậy, mối tình của họ hoàn toàn là một mối tình bí mật. Dao Ánh thường thức chờ tới tận khuya khi cha đã đi ngủ mới dám ra ngoài gặp gỡ Trịnh Công Sơn, khi đó đang đứng chờ nàng ở một góc vườn gần nhà.

Một lần, hai người hẹn họ nhưng cha của Dao Ánh tối đó lại uống một loại trà mới nên bị mất ngủ, ông thức tới tận 1h sáng mới đi ngủ. Trong khi đó, ở một góc vườn, Trịnh Công Sơn không hề biết rằng người yêu không thể đi ra ngoài, vẫn mòn mỏi ngồi chờ Dao Ánh tới nơi hẹn. Thời đó, Huế không có đèn đường, trời đêm tối đen như mực. Người Huế đi ra ngoài sẽ xách theo một chiếc đèn nhỏ gọi là đèn hột vịt.

Trịnh Công Sơn ngồi trên bụi cỏ ven đường, căng mắt nhìn về hướng nhà người yêu, khấp khởi mong chờ mỗi khi thấy ánh đèn dầu leo lét đi tới gần rồi lại bần thần thất vọng. Chính trong lúc đó, ý tưởng về một ánh “nắng khuya” hình thành trong đầu nhạc sĩ. Ánh đèn của Dao Ánh, ánh sáng lấp lánh bừng lên trong tim mỗi khi hai người gặp gỡ chính là “nắng khuya”. Một hình ảnh ẩn dụ rất đặc sắc và tinh tế, mà nếu như không do chính tác giả kể lại thì cũng không ai có thể biết được.

8. Mưa Hồng

Em đi về cầu mưa ướt áo
Đường phượng bay mù không lối vào

Hai câu hát nổi tiếng này trong bài Mưa Hồng thực ra không có chứa đựng câu chữ nào là đánh đố hay khó hiểu. Nhưng nếu giải thích rõ ràng câu hát này ra thì sẽ có nhiều điều thú vị đằng sau đó.

Bài hát này được nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết tặng cô Dao Ánh, với bối cảnh ở Huế. Mưa ở Huế thì buồn lắm, có nhiều bài hát đã nói lên nỗi buồn của cơn mưa xứ Huế rồi. Những ai sống ở đất cố đô đều biết con “đường phượng bay” nổi tiếng trong Thành Nội với hai bên trồng toàn cây phượng vĩ.

Còn câu hát: “Em đi về cầu mưa ướt áo”, nếu ghi rõ nghĩa hơn thì sẽ là: em đi về, cầu cho mưa ướt áo em. Một người con gái đi ngoài mưa mù mịt, mưa rơi ướt sủng áo mỏng, lớp áo dán sát vào cơ thể. Không cần nói thì ai cũng biết hình ảnh đó gợi cảm biết nhường nào. Vấn đề ở đây là “ai cầu cho mưa ướt áo em?”. Hẳn nhiều người sẽ cho rằng chắc chắn đó là “anh”, để anh còn có dịp “thưởng thức” nữa chứ.

Tuy nhiên, cũng trong một buổi tiệc có mặt bà Đặng Tuyết Mai và Trịnh Công Sơn (đã nhắc đến bên trên), thì bà Mai đã đưa ra ý kiến của bà như sau:

“Riêng tôi (bà Tuyết Mai) thì cho rằng chính cô gái mới là người cầu mong cho mình bị mưa ướt, bởi lẽ người xứ Huế rất coi trọng gia phong lễ nghĩa, nhất là trong cách ăn mặc – lúc nào cũng phải thật kín đáo, không bao giờ dám để lộ thân thể dù chỉ là một chút xíu. Cô gái trong bài hát tự biết mình có hình dáng đẹp, muốn khoe nhưng không biết làm cách nào nên chỉ dám cầu mưa cho mình bị ướt áo để khoe vẻ đẹp cơ thể một cách tự nhiên mà vẫn giữ được sự ngượng ngùng, e ấp… Khi nghe tôi giải thích như thế, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã đứng dậy, với tay qua bàn tiệc bắt tay tôi kèm theo một nụ cười mãn nguyện”.


Click để nghe Khánh Ly hát Mưa Hồng

9. Diễm Xưa

Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ…

Ngay trong câu hát đầu tiên của một trong những bài hát nổi tiếng nhất của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, ông đã làm cho người mất nhiều thời gian để tìm hiểu ý nghĩa của “tầng tháp cổ” là gì.


Click để nghe Khánh Ly hát Diễm Xưa

Lâu nay hình ảnh “tháp cổ” thường được nhiều người liên tưởng đến những đền đài miếu cổ đặc trưng của xứ Huế. Tuy nhiên theo lời diễn giải của chính tác giả thì tháp cổ ở đây là ẩn dụ về những “tòa tháp” thiên nhiên, là cổ của người thiếu nữ. Thuở đó người con gái Huế thường bận áo dài cổ thuyền (thường gọi là áo dài bà Nhu), khoe tầng cổ cao, và với những chàng trai thanh niên mới lớn thì hình tượng mưa rơi trên tầng tháp cổ đó rất đẹp và gợi lên những ấn tượng không thể nào phai trong trí nhớ.

10. Tình Xót Xa Vừa

Treo tình trên chiếc đinh không
Gập ghềnh nhiều kiếp lưu vong…

Bài hát Tình Xót Xa Vừa cũng là một trường hợp mà nếu không có giải thích trực tiếp từ chính tác giả, không một ai có thể hiểu được ông muốn ẩn dụ về điều gì trong những hình ảnh được nhắc tới, như là “chiếc đinh không”. Trong một buổi trò chuyện, ca sĩ Thái Hòa kể rằng anh từng thắc mắc trực tiếp với cố nhạc sĩ lúc sinh thời, và được ông giải thích rằng bài hát được ra đời khi ông đang đi dạy học ở B’lao (nay là Bảo Lộc) hồi thập niên 1960. Khi đó ông ở trọ chung với những người bạn, trong phòng trọ không có cả móc áo, ông thường treo áo trên những cây đinh trên tường. Những lần nhìn lên chiếc đinh, ông thấy cuộc đời mình, thân phận mình trong thời chiến cũng mong manh không khác gì chiếc áo treo trên chiếc đinh không, và cuộc tình kia cũng vậy.


Click để nghe Khánh Ly hát Tình Xót Xa Vừa

Đông Kha (nhacxua.vn) biên soạn

 

Exit mobile version