Vào đầu thế kỷ XVII, một Giáo đoàn Ki – tô gồm hơn 20 giáo sĩ dòng Tên, là các linh mục và thầy giảng người Bồ Đào Nha, Ý, Pháp được phái đến xứ Đàng Trong thay vì Nhật Bản với mục đích truyền đạo Công giáo.
Năm 1615, các giáo sĩ tiên phong trong giáo đoàn đã đến Đà Nẵng để tìm cách thiết lập cơ sở truyền đạo. Cho đến năm 1623, hai trụ sở truyền đạo chính được mở tại Hội An (Quảng Nam) và Nước Mặn (Quy Nhơn), hai năm sau (1625) thì lập trụ sở truyền đạo thứ 3 tại dinh trấn Thanh Chiêm.
Ban đầu, sứ mệnh gieo đức tin Thiên Chúa diễn ra một cách khó khăn do cách biệt ngôn ngữ, các giáo sĩ không thể hiểu được dân địa phương đây nói gì vì ngôn ngữ ở đây là một thứ “tiếng như âm nhạc, nghe như chim hót”.
Các giáo sĩ đã sử dụng những mấu ký tự Latinh để ký âm tiếng Việt nhằm phục vụ cho việc học tập ngôn ngữ bản dịa và quan trọng hơn là có thể trực tiếp giảng đạo mà không phiên dịch. Không ngờ rằng với mục đích truyền đạo, các giáo sĩ đã để lại một kho tàng lớn cho dân tộc Việt Nam là chữ Quốc ngữ mà chúng ta sử dụng ngày nay.
Trong bài này, nhacxua.vn xin tổng hợp từ các bài viết để kể về những con người đã tạo nên chữ Việt hôm nay, đó là Francisco De Pina – giáo sĩ người Bồ Đào Nha – người chế tạo và đặt nền móng cho chữ Quốc ngữ. Và Alexandre de Rhodes – giáo sĩ người Pháp – người đã “làm giấy khai sinh” cho chữ Quốc ngữ. Ngoài ra còn có Nguyễn Văn Vĩnh, là nhà báo – dịch giả người Việt – người hoàn thiện và phổ cập chữ Quốc ngữ trên khắp dải đất này.
Francisco De Pina: Người đặt nền móng
Tên của ông đã nằm dưới lớp trầm tích lịch sử suốt cả trăm năm qua. Chỉ đến khi một cuộc hội thảo được tổ chức tại Thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam với chủ đề “Dinh trấn Thanh Chiêm và chữ Quốc ngữ” vào năm 2016, thì sự đóng góp của ông mới được tìm về. Francisco De Pina chính là tên của người được coi là “thủy tổ” của chữ Quốc ngữ qua các tài liệu được viện dẫn gần đây.
Trước đó, trong tác phẩm Các nhà truyền giáo Bồ Đào Nha và thời kỳ đầu của giáo hội công giáo Việt Nam nhà sử học, kiêm ngôn ngữ học người Pháp Roland Jacques, đã đưa bản sao bức thư 7 trang viết tay viết từ Hội An đầu năm 1623, cùng tập tài liệu có tên Nhập môn tiếng Đàng Ngoài gồm 22 trang viết tay được xác định đều là của Francisco de Pina trong bộ sưu tập Dòng Tên tại châu Á, tại Thư viện quốc gia Lisbon.
Tất cả đã chứng minh rằng Francisco De Pina đã đi trước Alexandre de Rhodes trong việc sáng tạo ra chữ Quốc ngữ. Hậu thế hôm nay vốn đã không nhắc đến nhiều về Alexandre de Rhodes, và lại càng biết ít về Francisco De Pina.
Theo cuốn sách của Roland Jaques thì giáo sĩ Francisco De Pina sinh năm 1585 tại thành phố Guarda, thuộc vùng Beira Alta của Bồ Đào Nha. Năm 20 tuổi, ông qua Macao để học tập và truyền giáo.
Đầu năm 1617, De Pina đến truyền giáo tại Đà Nẵng và Hội An. Nhưng một cơ duyên xảo hợp với quan Trấn thủ Quy Nhơn Trần Đức Hoà đã đưa ông đến với đô thị cổ hàng đầu của Đàng Trong khi đó: Nước Mặn (Bình Định).
Tại đó, để phục vụ cho việc truyền đạo, De Pina đã học Tiếng Việt, và nhanh chóng thông thạo. Tiếp đó, ông đi ra dinh trấn Thanh Chiêm, Quảng Nam để mở thêm cơ sở truyền đạo mới. Cùng với Nước Mặn thì Thành Chiêm cũng trở thành địa điểm truyền dạy tiếng Việt của Dòng Tên ở Việt Nam.
Một trong những học trò của giáo sĩ Francisco De Pina chính là giáo sĩ Alexandre de Rhodes. Để tri ân người thầy dạy tiếng Việt đầu tiên của mình, sau này Alexandre de Rhodes đã viết: “Người thứ nhất trong chúng tôi rất am tường thứ tiếng này, và cũng là người thứ nhất bắt đầu giảng thuyết bằng phương ngữ đó mà không dùng thông ngôn”.
Giáo sĩ Francisco de Pina nhận được sự tôn trọng rộng khắp từ các giáo sĩ, giáo dân, và cả những người Việt trong vùng vì cách nói chuyện bằng tiếng Việt. Chúng ta hôm nay nói tiếng Việt, nhưng nếu bạn nghe người nước ngoài nhận xét về tiếng Việt, hẳn sẽ bất ngờ. Họ miêu tả chúng ta nói mà “líu lo như tiếng chim hót”.
De Pina với khả năng cảm thụ ngôn ngữ thiên tài đã nhận ra điều đó khi nhận định về tiếng Việt: “Ngôn ngữ này là một ngôn ngữ có cung điệu, giống như cung nhạc, và cần phải biết xướng cho đúng thanh điệu trước đã, sau đó mới học các âm qua bảng chữ cái”. Đấy chính là bí quyết cho người xứ khác học nói tiếng xứ này, và cũng là nguyên do ông tạo nên chữ Quốc ngữ.
Ngày 15-12-1625, trên chiếc thuyền nhỏ đi đón hàng ở Hội An, ông bị chết đuối khi thuyền gặp lốc và bị đắm. Đám tang của ông, hàng trăm người dân địa phương đến tiễn đưa. Họ không hề biết đó là người sẽ tạo nên chữ của dân tộc Việt sau này.
Alexandre de Rhodes: Người hoàn thiện
Nếu Francisco de Pina là cha đẻ, thì Alexandre de Rhodes chính là người “phát dương quang đại” cho chữ Quốc ngữ. Ông đã tập hợp, chỉnh lý, bổ sung, và hoàn chỉnh những công trình chữ Quốc ngữ còn sơ khai mà giáo sĩ Francisco de Pina và các cộng sự người Việt đi trước để lại, và biên soạn cuốn Từ điển Việt – Bồ – La nổi tiếng.
Sau đó, sử dụng các hoạt động, mà chúng ta tạm gọi là “vận động hành lang” ở giáo hội để đưa chữ Quốc ngữ trở thành một công trình chữ được ghi nhận và công bố rộng rãi. Alexandre de Rhodes không phải là cha đẻ của chữ Quốc ngữ như sự hiểu lầm suốt trăm năm qua, nhưng ông là người đã làm “giấy khai sinh” cho loại chữ này. Chỉ với điều đó, tên ông xứng danh với nghìn thu.
Để tri ân ông, Thành phố Hồ Chí Minh đã lấy tên ông đặt cho con đường gần khu vực Dinh Thống Nhất và nằm đối diện với đường Hàn Thuyên, ấy là người đã có vai trò như de Rhodes, nhưng là ở chữ Nôm.
Alexandre de Rhodes là linh mục thuộc Dòng Tên, một người Pháp sinh ra ở Avignon, miền Nam nước Pháp. Ông sinh ngày 15-3, năm sinh tranh cãi giữa 1591 và 1593.
Nhận định về ông, Charles Maybon – tác giả của cuốn sách Histoire moderne du pays d’Annam 1592-1820 – (Lịch sử cận đại xứ An Nam 1592-1820) đã viết: “…Với hơn bảy năm ở Đàng Ngoài và Đàng Trong, linh mục De Rhodes đã hiểu biết sâu sắc về tiếng nói, phong tục và tính nết của người An Nam, cũng như về tài nguyên và lịch sử nước này…”.
“…Ngoài những sách nhằm mục đích làm cho Âu châu hiểu biết về đất nước An Nam, ông còn cho ấn hành tại La Mã một cuốn sách giáo lý vừa bằng tiếng Latin vừa bằng tiếng Nam (quốc ngữ) cho người bản xứ dùng; một cuốn từ điển ba thứ tiếng Việt-Bồ-La cho các giáo sĩ thừa sai sử dụng. Đó là những cuốn sách đầu tiên mà trong đó các mẫu tự La Mã được dùng để phiên âm tiếng nói người Nam…”.
Công lao là vậy, nhưng đời ông rất lận đận ở xứ sở mà ông xem là quê hương thứ 2 của mình, với 6 lần bị trục xuất và lần nào cũng cố tìm đường quay trở lại bởi “Tôi đi, nhưng trái tim tôi ở lại xứ đó rồi”.
Ngày 5-11-1660, ông qua đời tại thành phố Ispahan, Ba Tư, tức Iran ngày nay. Mộ của ông đặt tại một nghĩa trang nằm ở ngoại ô của thành phố Esfahan, Iran. Mộ ông nằm cô đơn, cái chết của ông cũng cô đơn. Sau hơn 300 năm, thỉnh thoảng ngôi mộ của ông vẫn được đôi ba người Việt xa xứ tìm đường ghé đến, chỉ để vẩy lên đó những giọt nước cho người đã giúp cho chữ Quốc ngữ thành hình.
Dẫu mục đích ban đầu chỉ là để truyền giáo, nhưng cả Francisco De Pina lẫn Alexandre de Rhodes đều đã làm nên những công tích vĩ đại cho ngày sau. Như chính tờ nguyệt san MISSI nói về công trình khai sinh chữ quốc ngữ của họ: ”Khi cho Việt Nam các mẫu tự La-tinh, Cha Alexandre de Rhodes đưa Việt Nam đi trước đến 3 thế kỷ”. Việt Nam hôm nay nói và dùng chữ Quốc ngữ, há có thể quên những giáo sĩ đó ư?
Nguyễn Văn Vĩnh: Người phát quang
“Công rạng rỡ nếp gia phong con cháu mấy châu ngàn đời vẫn nhớ
Ơn mở mang nền Quốc ngữ người dân nước Nam muôn thuở không quên”
Đó chính là hai câu đối của kiến trúc sư Tô Văn Y ở Bảo Lộc, Lâm Đồng kính tặng cho nhà báo/ dịch giả Nguyễn Văn Vĩnh. Một con người Việt Nam, một nhà báo, một dịch giả nổi tiếng mà tuổi ngoài 20 đã dịch trọn vẹn Kim Vân Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du từ chữ Nôm ra chữ Quốc ngữ và tập truyện Ngụ ngôn của La-Phông-ten từ tiếng Pháp ra tiếng Việt.
Tất cả những việc làm đó chỉ để chứng minh cho tất cả thấy chữ Quốc ngữ có thể làm được gì? Và sẽ đóng vai trò quan trọng như thế nào trong buổi giao thời ngày đó.
Nguyễn Văn Vĩnh sinh ngày 15-6-1882 tại Hà Nội. Bởi vì sinh trưởng trong gia đình nghèo nên Nguyễn Văn Vĩnh phải bôn ba lặn lội. Sau này, tính tự học của ông đã rung cảm được một thầy giáo người Pháp đương thời. Từ đó, dọn đường cho ông thâu nạp các kiến thức mới.
Sinh thời, chữ Quốc ngữ vốn do Francisco De Pina và Alexandre de Rhodes sáng tạo với mục đích ban đầu là truyền đạo nên chữ này chỉ được dùng trong giáo hội và các giáo dân. Nguyễn Văn Vĩnh thì tin rằng tương lai của dân tộc phát triển hay không là ở chữ Quốc ngữ, từ đó, tìm đủ mọi cách để chữ Quốc ngữ đi ra với mọi người.
Năm 1907, ông mở nhà in đầu tiên ở Hà Nội và xuất bản tờ Đăng Cổ Tùng Báo – tờ báo đầu tiên bằng chữ Quốc ngữ ở Bắc Kỳ. Rồi tiếp đến là tờ Đông Dương tạp chí để dạy dân Việt viết văn bằng quốc ngữ. Các tác phẩm nổi tiếng của Balzac, Victor Hugo, Alexandre Dumas,… đều được ông dịch ra chữ Quốc ngữ. Phải nói, Nguyễn Văn Vĩnh cùng với Phan Kế Bính đương thời là những con người tiên phong trong văn học chữ Quốc ngữ của nước nhà.
Năm 1936, Nguyễn Văn Vĩnh mất ở Lào vì bệnh sốt rét. Thi thể ông nằm trên con thuyền độc mộc, cô đơn trầm kha như một nhân vật lịch sử bị người đời quên lãng.
Chữ Quốc ngữ hôm nay là một ngôn từ độc nhất. Hậu thế có quyền kiêu hãnh với ngôn ngữ của Việt Nam. Nhưng đó là sự kiêu hãnh được xây dựng trên bi kịch của rất nhiều phân phận trầm khuất, từng có những giai đoạn gần như bị lãng quên.
nhacxua.vn tổng hợp
Nguồn: Dũng Phan (cand.com.vn)