Đức Từ Dụ hoàng thái hậu và ca khúc “Cung Sầu Gia Thọ” của Như Quỳnh trên PBN129

Trong chương trình Paris By Night 129 chủ đề là Triều Đại, có một ca khúc được nhiều fan hâm mộ của ca sĩ Như Quỳnh chờ đón là bài Cung Sầu Gia Thọ, được nhạc sĩ Thái Thịnh viết riêng cho tiếng hát Như Quỳnh cùng chủ đề Paris By Night – Dynasty. Ngay khi DVD Paris By Night 129 được phát hành chính thức, trung tâm Thúy Nga đã upload bài hát này lên YouTube để đáp ứng sự chờ đợi đó.

Nếu bạn là người yêu thích nhạc xưa, hãy theo dõi kênh YouTube này để nghe đọc các bài cảm nhận về âm nhạc (phân tích ý nghĩa, hoàn cảnh sáng tác, tiểu sử ca nhạc sĩ): LINK YOUTUBE  < Click

Vậy Cung Sầu Gia Thọ nghĩa là gì?

Lời bài hát này như sau:

Chiều hoàng hôn, nắng ngã về Tây
Khuất nẻo đường mây, tiếng Nhạn kêu bầy
Sương giăng mờ bến Ngự năm ấy

Nam Giao chừ vắng người về đây
Từ Gia Thọ cũng vắng sầu lây
Ngồi đối gương, hình dung héo gầy…

Ngày hợp hoan, vụt như bóng cau
Đêm gối sầu, mới thật dài lâu
Kiếp má hồng, vay tình cung cấm
Thân cô phụ, trả nợ núi sông…

Ơi… Nước xuôi dòng Hương
Gió mây ngàn phương, có từng nghe buồn
Ơi… Cố hương biền biệt
Hiếu đạo ngổn ngang, từ khi thuyền xa bến

Ơi… Gấm nhung vàng son
Áo khăn ngựa xe, sáng mặt uy quyền
Ơi… Mắt loan mày Phượng
Má hồng môi thắm, chiều về lại xoá đi…

Dòng đời như, nước cuồn cuộn trôi
Khóc cười buồn vui, thế sự luân hồi
Ai hay được, sau rèm châu ấy
Cung oán hờn, tranh đoạt chẳng ngơi

Ngày cố vui, đêm cung lẻ loi
Tưởng ngắn thôi, ngờ đâu suốt đời…
Phận thuyền quyên, cần nơi náu nương
Ai ngỡ mình, gánh trọn sầu thương

Vai gia đạo, bao cuộc tan tiễn
Vai sơn hà, bảo toàn nước non…


Nghe Như Quỳnh hát Cung Sầu Gia Thọ trên Paris By Night 129

Lần đầu nghe bài hát này, tôi cảm thấy phảng phất những giai điệu của ca khúc Tiếng Xưa của nhạc sĩ Dương Thiệu Tước, đặc biệt là các câu điệp khúc:

Nước xuôi dòng Hương
Gió mây ngàn phương
có từng nghe buồn…

Rất giống với bài Tiếng Xưa:

…nhớ nhung vì đâu
thắm đôi giòng Châu
Tiếc thay tại sao đành lỡ làng…

Nội dung của bài hát Cung Sầu Gia Thọ nói về nỗi niềm của đức Từ Dụ hoàng thái hậu, thân mẫu của vua Tự Đức. Gia Thọ là tên của cung điện mà thái hậu ở, vốn đã được đổi tên nhiều lần qua các triều vua. Khởi đầu cung điện được vua Gia Long xây năm 1804 với tên là Trường Thọ, đến thời vua Minh Mạng đổi thành tên Từ Thọ, đời vua Tự Đức đổi thành Gia Thọ, vua Thành Thái đổi tên thành Ninh Thọ. Đến đời vua Khải Định thì có sửa chữa lớn và đổi thành tên Diên Thọ, và cái tên này được giữ cho đến ngày nay.

Cung Diên Thọ ngày nay

Cái tên cung Gia Thọ gắn liền với Từ Dụ hoàng thái hậu (hoặc Từ Dũ hoàng thái hậu). Bà nổi tiếng là một người đức hạnh, xuất thân cao quý, biết yêu quý dân chúng và giỏi nuôi dạy con cháu. Bà tại vị như một bà hoàng đức cao vọng trọng với quyền uy bậc nhất của triều đình Huế trong vòng 55 năm, từ lúc bà trở thành Hoàng thái hậu dưới thời Tự Đức vào năm 1847, cho đến khi qua đời vào năm 1902 dưới thời Thành Thái.

Năm 14 tuổi, bà được tuyển vào làm Phủ thiếp cho Hoàng trưởng tử Nguyễn Phúc Miên Tông (tức vua Thiệu Trị, cha của vua Tự Đức), là cháu nội đích tôn của Nguyễn Thế Tổ – vua Gia Long.

Thời đại của Từ Dụ hoàng thái hậu có thế sự bất ổn, là thời điểm quân Pháp xâm lăng. Con của bà là vua Tự Đức không chống nổi dẫn đến họa mất nước. Năm 1874, khi hay tin Pháp xâm chiếm toàn cõi Nam Kỳ và buộc triều đình Huế ký hòa ước nhượng địa, bà bỏ cả ăn uống, mặt ủ mày chau theo vận nước khuynh nguy…

Đó là cũng là thời điểm rối ren của triều đình với “tứ nguyệt tam vua” sau khi vua Tự Đức qua đời. Nghĩa là trong 4 tháng có đến 3 vua được đưa lên rồi lại bị phế truất: Dục Đức, Hiệp Hòa, Kiến Phúc.

Đến đời vua Hàm Nghi, là ông vua chống Pháp với Trận Kinh Thành Huế năm 1885, Thái hoàng thái hậu Từ Dụ cùng với 2 bà phi khác của vua Tự Đức được gọi là Tam Cung, tạm thời quyết định mọi việc của triều đình (cùng với nhiếp chính vương Nguyễn Phúc Miên Định) trong lúc vua Hàm Nghi chống quân Pháp bên ngoài. Vì vậy nên nhạc sĩ Thái Thịnh viết trong ca khúc Cung Sầu Gia Thọ là:

Kiếp má hồng, vay tình cung cấm
Thân cô phụ, trả nợ núi sông…

Bà Từ Dụ quê ở tận Gò Công, đến năm 14 tuổi đã vào cung cấm:

Cố hương biền biệt
Hiếu đạo ngổn ngang, từ khi thuyền xa bến…

Dòng đời như, nước cuồn cuộn trôi
Khóc cười buồn vui, thế sự luân hồi
Ai hay được, sau rèm châu ấy

Cung oán hờn, tranh đoạt chẳng ngơi
Ngày cố vui, đêm cung lẻ loi
Tưởng ngắn thôi, ngờ đâu suốt đời…

Đức Từ Dụ qua đời năm 1902 thọ 92 tuổi. Có thể nói cuộc đời của bà đã trải qua trọn vẹn những tháng năm thăng trầm biến động nhất của lịch sử triều đại cuối cùng của Việt Nam. Trong thời loạn đó, những đức tính tốt đẹp của một bậc mẫu nghi thiên hạ của bà đã được thể hiện và được người đời sau ghi nhận. Người ta cũng chọn tên bà để đặt cho bệnh viện phụ sản lớn nhất phía Nam là Từ Dũ.

“Trong cuộc sống hằng ngày, bà rất tiết kiệm tiêu dùng và nghiêm khắc đối với sự lãng phí, xa hoa. Bà thẳng thắn phê phán tệ tham ô chức quyền trong triều chính và các địa hạt. Bà nói: “Từ xưa đến nay, quan lại chỉ một chữ tham mà chưa trừ được. Mọt nước hại dân cũng từ đó mà ra. Làm quan mấy năm vị nào cũng giàu có gấp bội. Của ấy không lấy của dân thì lấy ở đâu? Nên phải quyết trừ”.

Bà khuyên triều thần: “một sợi tơ, một hột gạo cũng đều là máu mỡ của dân, cho nên lãng phí đã không ích gì, mà lại đáng tiếc lắm vậy, chi bằng cất vào kho để dùng vào việc nước”. Bà phê phán gắt gao kẻ dựa vào quyền thế gia tộc của bà để cầu vinh, hoặc che chở kẻ phạm pháp. Bà cũng bảo vua Tự Đức rằng: “người trong dòng họ chớ lo việc không được làm quan, phải chuyên cần học hỏi, thi đậu vẻ vang gia tộc; chỉ lo là bất tài mà thôi. Ngoài ra, kẻ làm điều trái phép, Hoàng đế nên triệu về kinh, nghiêm trị để làm gương cho người ta biết”.

Song song đó, bà rất trân trọng các quan trung thần, muốn có nhiều người như Võ Trọng Bình thanh liêm, Phạm Phú Thứ thẳng thắn và Nguyễn Tri Phương công trung cần cán không từ việc mệt nhọc. Bà nói: “nếu được nhiều người như vậy, đặt ra mỗi tỉnh một người thì việc nước, việc dân được bổ ích rất nhiều, mà vua cũng khỏi lo nhọc ngày đêm, ngặt vì còn có những tham quan bóc lột của dân không chán, mà lại không biết hối cải. Những của bất nghĩa không được tồn tại, được vài đời đã khánh tận, sau con cháu cùng khổ, thiên hạ chê cười, chi bằng làm điều nhân nghĩa, lưu truyền phước trạch lâu dài”…

(Trích Hoàng Thái Hậu Từ Dũ – Một tấm gương sáng)

nhacxua.vn tổng hợp

Exit mobile version