Đôi nét về nhạc sĩ Võ Đức Thu – Nhạc sĩ tiên phong của tân nhạc Việt

Nhạc sĩ Võ Ðức Thu là một tên tuổi lẫy lừng của nền tân nhạc Việt từ thời kỳ phôi thai, nhất là ở trong Nam. Khi Nguyễn Xuân Khoát, Dương Thiệu Tước, Thẩm Oánh, hay Văn Chung, Nguyễn Thiện Tơ xuất hiện với phong trào sáng tác các bản nhạc cải cách ở miền Bắc, thì trong Nam, Võ Ðức Thu cũng bắt đầu những sáng tác đầu tay rất quý phái và đầy tính nhạc thuật. Sở dĩ ông có được nét nhạc cao sang và kỹ thuật vững vàng vì vốn xuất thân từ một gia đình khá giả theo Tây học và được đào tạo kỹ càng.

Nhạc sĩ Charles Võ Đức Thu sinh năm 1911 tại Sài Gòn, thân phụ ông là Võ Đức Điềm – giáo sư trường Taberd. Khi còn là học sinh trường này, ông đã được học vĩ cầm và phong cầm với các Sư huynh, cũng là nhạc sĩ thường hòa nhạc với các nhạc sĩ ngoại quốc ở Hotel des Nations xưa ở góc đường Boulevard Bonard (Lê Lợi) và Charner (Nguyễn Huệ), nơi sau này là Eden, và các người em trai là Võ Đức Tuyết, Võ Đức Phấn (tác giả bài “Cùng Một Kiếp Hoa”) , và Võ Đức Hảo (tác giả bài “Có Những Người Anh”). Do có thân sinh là giáo sư dạy nhạc nên nhạc sĩ Võ Đức Thu bước vào con đường âm nhạc rất sớm, năm 7 tuổi đã được học đàn vĩ cầm (violon) và phong cầm (accordion) với các sư huynh của trường Taberd, rồi sau đó dạy tại trường này và được trau dồi thêm về nghệ thuật. Ngoài giờ dạy học, ông thường đi hòa nhạc chung với các nhạc sĩ ngoại quốc tại Hotel des Nations.

Đại gia đình ông bà Võ Đức Thắng (song thân của giáo sư Võ Đức Điềm) năm 1924

Năm 1925, Sài Gòn bắt đầu mở trường dạy Âm nhạc dưới sự hướng dẫn của giáo sư ngoại quốc (trường là École de Musique de Saigon, thường được gọi là Philharmonique, sau này là trường Quốc Gia Âm nhạc, nay là Nhạc viện Thành phố); nhạc sĩ Võ Đức Thu hân hạnh là người Việt duy nhất được theo học lớp dương cầm với các khóa sinh ngoại quốc, mặc dù tuổi vẫncòn nhỏ. Cùng năm đó, ông được giải danh dự về dương cầm (Prix d’Honneur de Piano) .

Sau đó, Võ Đức Thu còn ngỏ ý với thân phụ muốn sang Pháp để được tiếp tục học tại Nhạc viện quốc gia Pháp, nhưng vì gia đình không dư giả, nên ông phải ở nhà và tiếp tục học riêng với bà Armande Caron vốn giỏi nhứt về dương cầm và hòa âm Nhạc viện quốc gia Pháp. Trong những năm này, ông thường được các ban nhạc ngoại quốc, mời đệm dương cầm trong những buổi hòa nhạc tại nhà Hát lớn Đô thành và tại Philharmonique.

Năm 1937, nhạc sĩ Võ Đức Thu bắt đầu mở lớp dạy dương cầm, số lượng nhạc sinh của ông rất đông, gồm có người Việt, người Pháp, người Hoa, người Ấn, người Nhật, người Hoa Kỳ, trong số đó còn có một số người Việt đã được học ở nước ngoài, đã thành tài và đã nổi danh.

Ngoài những giờ dạy nhạc, trong bảy năm liền, vì sinh kế, Võ Đức Thu đã gia nhập một ban nhạc ngoại quốc để hòa nhạc mỗi buổi chiều tại Khách sạn Palace, và đây là một dịp may để cho ông học hỏi thêm về nhạc Cổ điển Tây phương, vì ban nhạc này gồm có những nhạc sĩ có tiếng như Yvonne Leclerc, đoạt giải nhất về violon Nhạc viện Quốc gia Pháp, Renée Bondie đoạt giải nhất về violon Nhạc viện Toulouse, Becchi tốt nghiệp Nhạc viện Milan về violoncello, Charles Roques đoạt giải nhất về bassoon Nhạc viện Quốc gia Pháp.

Năm 1940. một trong những nỗi vui lớn của Võ Đức Thu là thành lập ban nhạc cho hội Đức trí Thể dục, gồm toàn người Việt và điều khiển ban nhạc hai chục người này trình diễn vào những buổi lễ, buổi hát do hội tổ chức tại hội quán và tại nhà Hát lớn Đô thành.

Năm 1941, Võ Đức Thu mới bắt đầu soạn nhạc. Ông cho biết mình rất chú trọng về loại nhạc thuần túy nhằm nâng cao trình độ thưởng thức nhạc của thính giả Việt. Các tác phẩm của ông đã được các nhà xuất bản trong nước và ngoại quốc ấn hành như Tinh Hoa, An Phú, Hương Thu, Huỳnh Lâm, SEMI tức là Société d’Editions de Musique Internationale – Hội các nhà xuất bản Quốc tế về Âm nhạc. Riêng các bài sáng tác thuộc các loại hòa tấu khúc, độc tấu dương cầm, song tấu dương cầm và vĩ cầm đã được chính ông trình bày nhiều lần trên sân khấu các nhà hát lớn ở Sài Gòn, Chợ Lớn, Nam Vang, Huế, Hải Phòng, Hà Nội, sau đó còn được Trần Văn Khê, Võ Đức Lang trình bày ở Pháp.

Liên tiếp các năm 1948, 1949, 1950, 1951, Võ Đức Thu cùng nhạc sĩ Lê Thương đã đưa “Xuân Thu nhạc kịch” ra mắt khán giả tại các nhà hát lớn ở Hà Nội và tại Nam Vang. Trong những năm 1951, 1953, 1954, ông thường được mời trình tấu nhạc tại các nhà hát lớn Huế, Hải Phòng, Hà Nội với ban hợp ca Thăng Long và ban Gió Nam.
Năm 1955, nhạc sĩ Võ Đức Thu dự Hội Chợ Triển Lãm Quốc Tế tại Nam Vang cùng phái đoàn Văn nghệ Việt Nam,và ông được bầu làm chủ tịch bộ môn Tân nhạc trong Đại hội Văn hóa toàn quốc.

Năm 1958, ông viết nhạc cho hai cuốn phim Việt: Sự Tích Trầu Cau và Áo Dòng Đẫm Máu do hãng Mỹ Vân sản xuất.

Năm 1959, Võ Đức Thu đứng ra tổ chức một ban nhạc Biệt thể cho đài phát thanh Quốc gia và đài phát thanh Quân đội. Cũng từ năm này về sau, ông từng là giám khảo tuyển lựa ca sĩ trên Đài Phát thanh Sài Gòn, bao gồm Thẩm Oánh, Dương Thiệu Tước.

Về mặt sáng tác, ông bắt đầu sự nghiệp sáng của mình vào cuối khoảng thập niên 1940 một loại các ca khúc hùng ca như: Quyết Tiến, Việt Nam! Việt Nam!, Chiến Sĩ Bất Diệt. Trong đó bài Quyết Tiến nói lên khí thế của dân tộc, trở thành một ca khúc quen thuộc trong giới sinh viên học sinh, Hướng Đạo Sinh thường được vang lên trong những lần sinh hoạt tập thể. Bài “Quyết Tiến” còn được các ban quân nhạc chơi trong những dịp lễ hoặc diễn hành:

“Quyết tiến ta giống dân Lạc Hồng
Liều thân sống tranh đấu giữ gìn non sông
Quyết tiến khi nước non nguy biến”


Ca khúc Quyết Tiến bản thu đầu tiên qua tiếng hát Hải Minh (Nghệ danh của giáo sư Trần Văn Khê)

Năm 1945, trước cao trào nổi lên giành độc lập trên toàn quốc, nhạc sĩ Võ Đức Thu đã cảm hứng để sáng tác bài “Ôi Ngày Hạnh Phúc” với âm điệu thật da diết và đã được thâu vào dĩa đá Oria cũng qua tiếng hát của ca sĩ Hải Minh:

“Bao ngày qua
Mà lòng ta luống xót xa
Biết bao chiến sĩ phương xa
Liều máu xương vì nước non nhà”


Ca khúc Ôi Ngày Hạnh Phúc bản thu đầu tiên qua tiếng hát Hải Minh (Gs Trần Văn Khê)

Những tác phẩm nổi tiếng khác của ông như: “Lửa Dũng” nhằm khích động lòng yêu nước của tuổi trẻ và “An Phú Đông” với nội dung tương tự sáng tác năm 1953 trong chuyến lưu diễn dài ở Huế, Hà Nội, Hải Phòng của ban Gió Nam (thành phần gồm ban hợp ca Thăng Long, Phạm Duy, Trần Văn Trạch, Võ Đức Thu, vũ bộ Mỹ An) được khán giả khắp nơi ủng hộ nhiệt liệt.

Nhạc sĩ Võ Đức Thu còn được xem là giáo sư dương cầm thuộc thế hệ đầu tiên tại Việt Nam. Ông cũng là người thầy dạy nhạc cho nhạc sư Nghiêm Phú Phi trước khi ông Phi đi du học bên Pháp rồi trở về Việt Nam trở thành người hòa âm nổi tiếng nhất của làng văn nghệ Sài Gòn trước 1975. Các em của Võ Đức Thu là Võ Ðức Tuyết, Võ Ðức Hảo hay Võ Ðức Phấn đều được học nhạc lý và nhạc khí với các giáo sư ngoại quốc, sau đó đều là những nhạc sĩ có tên tuổi, riêng Võ Ðức Thu xuất sắc hơn cả. Trước khi soạn những ca khúc nghệ thuật với lời ca trau chuốt, Võ Ðức Thu đã có công sáng tác nhiều bản độc tấu cho dương cầm, nhưng tiếc là nay đều thất lạc, không rõ trong gia đình có còn ai lưu giữ được cả kho tàng âm nhạc này hay không.

Nhạc sĩ Võ Đức Thu qua đời vào ngày 1 tháng 9 năm 1964 do bệnh gan tại nhà riêng ở số 27 đường Bùi Chu (nay là Tôn Thất Tùng). Ông có ba người con trai, Nhạc sĩ Võ Đức Lang, Nhạc sĩ Võ Đức Quý (Nghệ sĩ ưu tú Hoàng Mãnh) người độc tấu piano và là học trò của Thái Thị Liên, và Nhạc sĩ Võ Đức Xuân, nổi tiếng trong làng nhạc trẻ Sài Gòn.

(Nguyễn Thanh Phong biên soạn từ cuộc phỏng vấn của Nguyễn Ngu Ý với nhạc sĩ Võ Đức Thu trong Bách Khoa tạp chí năm 1963)

Exit mobile version