Đôi nét về hãng đĩa Asia Sóng Nhạc thập niên 1960 của ông Nguyễn Tất Oanh

Âm nhạc miền Nam trước 1975 đã có sự phát triển rất phong phú và đa dạng cả về đề tài lẫn số lượng và chất lượng, với hàng chục ngàn bài hát được sáng tác, hàng trăm ca sĩ nhạc sĩ vang danh và được yêu thích đến tận ngày nay sau hơn nửa thể kỷ. Một điều đặc biệt là thời gian đã qua lâu nhưng những ca khúc được thu âm từ 60 năm trước vẫn được được khán giả ngày nay tìm nghe. Để có được những thành tựu lớn đó, không thể không kể đến những đóng góp của các hãng băng đĩa và phòng thu âm.

Nếu bạn là người yêu thích nhạc xưa, hãy theo dõi kênh YouTube này để nghe đọc các bài cảm nhận về âm nhạc (phân tích ý nghĩa, hoàn cảnh sáng tác, tiểu sử ca nhạc sĩ): LINK YOUTUBE  < Click

Có đến vài chục hãng dĩa nhựa và băng (tape) reel to reel từng hoạt động trước 1975, tiêu biểu nhất là Dĩa Hát Việt Nam, Continental, Sơn Ca, Trường Sơn, Shotguns… và tiêu biểu nhất vẫn là hãng đĩa Sóng Nhạc, thường được gọi là Asia Sóng Nhạc của ông Nguyễn Tất Oanh, đã phát triển rực rỡ nhất thời kỳ thập niên 1960, giới thiệu và lăng xê được rất nhiều tên tuổi nữ ca sĩ nhạc vàng được yêu thích nhất suốt 60 năm qua.

Hãng Asia ban đầu được ông Ngô Văn Mạnh thành lập từ năm 1939 tại Sài Gòn. Tên gọi Asia có ý nghĩa là hãng dĩa của người Việt ở Châu Á, cũng là hãng phát hành đầu tiên của người Việt ở xứ Đông Dương, bên cạnh các nhãn hiệu nước ngoài như Pathe, Oria, Beka. Hãng Asia – sau đó là Việt Thanh – chủ yếu thu âm và phát hành cổ nhạc Việt Nam, với sự điều hành chung của ông Ngô Văn Mạnh cùng với em gái thứ 7 của mình là Ngô Thị Khá. Bà Ngô Thị Khá phụ trách hầu hết về phần bài vở, làm việc với soạn giả, nghệ sĩ… Hãng Asia và Việt Thanh hợp tác với hầu hết những nghệ sĩ tiên phong của cổ nhạc miền Nam, như Ba Vân, Tư Sạng, Năm Châu, cô Bảy Phùng Há, Tám Thưa…

Bên cạnh nhãn hiệu dĩa mang tên Asia, ông Ngô Văn Mạnh còn thành lập thêm nhãn hiệu dĩa mang tên Việt Thanh, dần dần giao lại toàn bộ công việc ở hãng dĩa cho em gái là bà Ngô Thị Khá, trong hình bìa của Việt Thanh có ghi tên như sau:

Nhãn hiệu dĩa Asia, Việt Thanh được thành lập và phát triển vào lúc ở Việt Nam chưa có đĩa nhựa (vinyl), mà đó là thời kỳ của đĩa đá 78 vòng, đầu phát không chạy bằng điện, phát nhạc bằng cách quay dây thiều.

Gọi loại đĩa này là đĩa đá vì nó giòn như đá, rớt có thể bị bể. Dĩa chạy được 78 vòng mỗi phút, được làm từ nhựa cánh kiến (shellac). Loại này có 2 kích thước là 10 inch và 12 inch, phát được âm thanh từ 3 đến 5 phút mỗi mặt đĩa.

Các loại dĩa 78 vòng, trong đó có cả Asia lẫn Việt Thanh

Đến cuối thập niên 1950, sức khỏe bà Ngô Thị Khá không còn tốt, bà nghỉ ngơi và để lại toàn bộ công việc quản lý cho chồng là ông Nguyễn Tất Oanh. Lúc này vì muốn chuyển hướng sang phát hành tân nhạc nên hãng đĩa lập thêm nhãn hiệu mang tên là Sóng Nhạc, bắt đầu sản xuất loại đĩa nhựa (vinyl) 45 vòng, sau đó là 33 vòng, thực hiện cả tân nhạc lẫn cổ nhạc. Trước đó ông Nguyễn Tất Oanh chỉ phụ trách về phần kỹ thuật, nhưng từ năm 1960 ông điều hành tất cả công việc ở hãng Asia Sóng Nhạc cho đến đầu thập niên 1970.

So với loại dĩa 78 vòng thì dĩa nhựa vinyl này có nhiều ưu thế hơn, chất liệu bền hơn và thời lượng sử dụng cao hơn do tốc độ quay chậm, phát được nhiều bài hát hơn. Vì vậy người ta hay gọi loại dĩa mới này là LP vinyl (long playing vinyl – dĩa nhựa phát được thời gian dài).

Máy phát dĩa nhựa (LP player)

Hãng Sóng Nhạc có văn phòng đặt tại số 37 đường Phạm Ngũ Lão Quận 1. Cơ sở kỹ thuật của hãng Sóng Nhạc gồm có phòng thu thanh, phòng ép dĩa và sang băng đặt trụ sở ở đường Bến Hàm Tử (nay là Võ Văn Kiệt).

Thời điểm đầu thập niên 1960, hãng Sóng Nhạc đã độc quyền phát hành giọng hát của 4 nữ danh ca hot nhất thời đó là Phương Dung, Thanh Thúy, Trúc Mai, Minh Hiếu. Đó cũng là 4 giọng ca nhạc vàng thế hệ đầu. Sau thời điểm đó thì các ca sĩ Hoàng Oanh, Thanh Tuyền, Giao Linh, Hương Lan, Phương Hồng Quế… mới lần lượt xuất hiện.

Ngoài ra, ông Nguyễn Tất Oanh và Sóng Nhạc còn hợp tác chặt chẽ với các nhạc sĩ Lê Dinh – Minh Kỳ – Anh Bằng để lăng xê nhiều ca sĩ mới của lớp nhạc Lê Minh Bằng, cũng như thu âm, phát hành nhiều ca khúc nổi tiếng của nhóm nhạc sĩ này ngay sau khi được sáng tác.

Dù nhãn hiệu dĩa hát mang tên mới là Sóng Nhạc, nhưng tên công ty vẫn là Asia, tổng phát hành ở địa chỉ số 37 Phạm Ngũ Lão – Saigon, nên người ta vẫn thường gọi là dĩa Asia Sóng Nhạc.

Đến đầu thập niên 1970 tại Sài Gòn, khi dĩa nhựa hết thời và chuyển sang thời kỳ băng cối (reel to reel tape, thường được gọi là băng magnetic) phát trên đầu băng cối Magnetophone thì ông giám đốc Nguyễn Tất Oanh đóng cửa Sóng Nhạc, ông chuyển về sống ở ngã tư Bảy Hiền và làm nghề khác.

Đầu phát băng cối (magnetophone), thường được gọi là máy akai, là thương hiệu của máy hát nổi tiếng nhất thời đó

Các bản thu cũ của Sóng Nhạc vào thập niên 1960 được các công ty khác mua lại bản quyền và phát hành trên băng cối và băng cassette sau này. Đó là lý do mà từ đầu thập niên 1960, dù ông Nguyễn Tất Oanh đã ngưng hoạt động hãng Sóng Nhạc, nhưng vẫn có nhiều băng magnet mang tên Sóng Nhạc vẫn được phát hành. Mời các bạn nghe lại:


Nghe băng Sóng Nhạc 6 – Tiếng hát Phương Dung

Sau năm 1975, trụ sở của Asia tại Bến Hàm Tử được quốc hữu hoá, nhưng bỏ hoang trong 2 năm. Từ năm 1977, UBND Thành phố có Quyết định số 480/QĐ-UBND để khôi phục hãng dĩa hát ASIA và thành lập Công ty hợp doanh. Năm 1988, cơ sở dĩa hát Asia Sóng Nhạc ở Hàm Tử trở thành xí nghiệp quốc doanh, và cũng là xí nghiệp băng nhạc đầu tiên của Thành phố kể từ sau 1975, mang tên là Sài Gòn Audio (Hãng phim Bông Sen). Đây từng là một trong những trung tâm băng đĩa lớn nhất cả nước.

Khoảng cuối thập niên 2000, Saigon Audio đã hợp nhất với công ty băng đĩa khác là VAFACO, đổi tên thành Saigon Vafaco. Cho đến nay, vì tình hình băng đĩa ế ẩm nên Saigon Vafaco gần như đã dừng hoạt động.

Sau này, khi nhạc sĩ Anh Bằng sang hải ngoại và thành lập trung tâm Lê Minh Bằng, sau đó đổi thành Dạ Lan, và cuối cùng dùng lại chữ Asia (Trung tâm Asia hiện nay).

Ông Nguyễn Tất Oanh sinh năm 1916 và qua đời năm 2002, hưởng thọ 86 tuổi.

Đông Kha
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn

Exit mobile version