Đôi nét về cuộc đời nhạc sĩ Trần Quang Lộc (1949-2020) – Tác giả Về Đây Nghe Em, Cho Tôi Lại Từ Đầu…

Nhạc sĩ Trần Quang Lộc sinh năm 1949 tại Gio Linh, Quảng Trị. Có nhiều nơi ghi năm sinh năm 1945, tuy nhiên gia đình nhạc sĩ đã xác nhận là ông sinh 1949 và bắt đầu sáng tác khi mới 17 tuổi. Tuyển tập nhạc đầu tiên của ông được phát hành vào năm 1970 tại Sài Gòn mang tên Hát Trong Dòng Sông Xưa.

Những bài hát nổi tiếng nhất mà nhạc sĩ Trần Quang Lộc sáng tác trước năm 1975 là Về Đây Nghe Em (thơ A Khuê), Có Phải Em Mùa Thu Hà Nội (thơ Tô Như Châu), tuy nhiên 2 ca khúc này chỉ thực sự trở thành hiện tượng và được nhiều người biết đến từ thập niên 1990.

Sau năm 1975, ông sáng tác nhiều thể loại, nhạc vàng có Người Em Sầu Mộng (thơ Lưu Trọng Lư), nhạc quê hương có Áo Hoa (thơ Đỗ Nguyên Kha), nhạc nhẹ có bài Còn Tiếng Hát Gửi Người (thơ Nguyễn Đình Toàn), Em Theo Đoàn Lưu Dân (thơ Phạm Hòa Việt), Cho Tôi Lại Từ Đầu. Nhạc trẻ có Chợt Nghe Em Hát… Những năm cuối đời ông sáng tác khá nhiều, tự thu âm, hòa âm và đăng tải lên trên YouTube của mình.

Trong lần sang Mỹ năm 2010, nhạc sĩ Trần Quang Lộc đã dành cho các đài truyền hình nhiều cuộc phỏng vấn, khi đó ông đã tự bạch về mình như sau:

“Tôi được sinh trưởng tại một vùng quê nghèo ở Quảng Trị, nơi được mệnh danh là đất cày lên sỏi đá, là nơi hứng chịu biết bao nhiêu đau thương. Từ nhỏ tôi đã mê âm nhạc, thường hay theo mẹ đến nhà thờ để nghe nhạc thánh ca. Tuổi thơ của tôi đã được sống trọn vẹn trong những tiếng ru, giọng hò của miền Trung và những bài thánh ca thấm dần.

Khi lớn lên, tôi may mắn được tốt nghiệp trường nhạc ở Huế, sau đó thì vào Sài Gòn để học. Những năm tháng bắt đầu đi học đó, tôi tập sáng tác. ban đầu tôi chỉ nghĩ viết chơi để thỏa mãn giấc mơ của mình. Duyên may, vài nhạc phẩm của tôi được nhiều người biết đến. Từ đó, như là 1 nghiệp dĩ, tôi trở thành người mang nợ đem âm thanh viết thành ca khúc dâng tặng cho đời. Đến nay tôi có khoảng hơn 600 ca khúc với nhiều thể loại khác nhau”.

Nhạc sĩ Trần Quang Lộc và danh ca Thái Thanh

Ca khúc nổi tiếng đầu tiên của Trần Quang Lộc là Về Đây Nghe Em phổ từ thơ A Khuê. Lúc đó khoảng năm 1968, ông vào Sài Gòn học và làm thêm, đến đàn ở các phòng trà để kiếm tiền đi học. Sài Gòn trong những năm này bị giới nghiêm sau Mậu Thân, nhưng buổi tối các phòng trà vẫn mở. Ông thấy có nhiều nữ sinh còn đi học, tối đến quán bar để làm thêm nghề tiếp viên hoặc vũ nữ với trang phục mát mẻ. Đồng cảm với thân phận vừa đi học, vừa đi làm, Trần Quang Lộc cảm thấy có những ray rứt trong cuộc sống, và nghĩ rằng một lúc nào đó, những cô gái này nên quay về với cuộc sống đời thường, với áo the và guốc mộc.

Cùng thời điểm đó, bắt gặp bài thơ của thi sĩ A Khuê với ca từ rất đồng cảm, ông sáng tác Về Đây Nghe Em:

Về đây nghe em, về đây nghe em
Về đây mặc áo the, đi guốc mộc

Kể chuyện tình bằng lời ca dao
Kể chuyện tình bằng nồi ngô khoai
Kể chuyện tình bằng hạt lúa mới
Và về đây nghe lại tiếng xưa…


Click để nghe Elvis Phương hát Về Đây Nghe Em

Bài hát được ca sĩ Elvis Phương hát đầu tiên năm 1970 trong băng Shotguns. Hơn 50 năm qua, bài hát được hầu hết thế hệ ca sĩ Việt Nam trình bày, trở thành bài hát được yêu thích nhất của nhạc sĩ Trần Quang Lộc.

Nhạc sĩ Trần Quang Lộc và ca sĩ Tuấn Ngọc

Một bài hát nổi tiếng khác, được Trần Quang Lộc sáng tác năm 1972 nhưng ai cũng tưởng là sau 1975, đó là bài Có Phải Em Mùa Thu Hà Nội. Ông kể như sau:

“Nhân dịp về nghỉ hè ở Đà Nẵng năm 1972, tôi gặp nhà thơ Tô Như Châu đưa cho tôi bài thơ tựa đề Có Phải Em Mùa Thu Hà Nội. Đọc bài thơ tôi thấy rất xúc động về những ca từ trong bài và phổ thành ca khúc. Điều thú vị là lúc đó, cả tôi và nhà thơ chưa có ai từng đặt chân đến Hà Nội. Những rung cảm từ ý nghĩa rất đẹp của bài thơ đã mang lại cảm hứng cho tôi sáng tác. Sau năm 1975, bài hát từng được giải thưởng ca khúc viết về Hà Nội hay nhất, và đưa tiếng hát Thu Phương lên tới đỉnh cao”.

Sau năm 1975, cũng như nhiều đồng nghiệp thời đó, nhạc sĩ Trần Quang Lộc tạm gác lại niềm đam mê để lao vào cuộc mưu sinh cơm áo gạo tiền. Lúc này nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn còn ở trong nước và thường xuyên gặp gỡ Trần Quang Lộc. Hai người đã hợp tác chung trong một ca khúc mà sau này được danh ca Duy Trác hát vào đầu thập niên 1990 là Còn Tiếng Hát Gửi Người.


Click để nghe Duy Trác hát Còn Tiếng Hát Gửi Người

Trong cuốn Bông Hồng Tạ Ơn, nhà văn – nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn viết về Trần Quang Lộc như sau:

“Trước 1975, có một nhóm văn nghệ sĩ tạm gọi là nhóm Ban Mê thuột, mà Trần Quang Lộc là 1 thành viên, đã quy tụ được một số người trẻ có tài như Vũ Hữu Định, Kim Tuấn, A Khuê, Phan Ni Tấn, Nguyễn Đình Hiếu, Hoàng Quân Hoàng Khởi Phong. Họ không họp thành nhóm, chỉ thỉnh thoảng tụ họp đọc hay hát cho nhau nghe những bài thơ mới, những ca khúc vừa viết xong.

Nhạc sĩ Trần Quang Lộc (trái) bên mộ thi sĩ Vũ Hữu Định

Sau biến cố 1975, họ hầu hết còn rất trẻ, tản mác mỗi người một phương. Người đi được, kẻ lưu lạc về Sài Gòn, tiếp tục đi học tại các trường đại học, một số đi cải tạo, làm lao động, làm ruộng, làm rẫy, một số khác không có công ăn việc làm gì cả, lang thang, lếch thếch, sống theo cái kiểu ghé đâu là nhà, ngã đâu là giường. Chính trong thời gian này Trần Quang Lộc viết được rất nhiều nhạc. Gần như mỗi dịp gặp lại nhau, bạn bè đều được Trần Quang lộc hát cho nghe những sáng tác mới.

Phải nói thêm Trần Quang Lộc là một “nhân vật kỳ lạ”. Có những bài ai nghe cũng thích. Anh có giọng hát rất hay, dù chơi Tây ban cầm không có gì xuất sắc, nhưng tự đệm cho mình hát thì phải nói là tuyệt vời. Trong giọng hát của Lộc có cái buồn dằng dặc của những ngày tháng người ta không biết đi đâu, về đâu. Cái buồn chia tay, cái buồn gặp lại. Hình như người ta không sống với nhau được nữa, vậy mà người ta vẫn phải tồn tại, vẫn phải ăn, cười, nói, và phải giễu cợt tất cả các điều ấy, coi nhẹ hết thảy những điều ấy”.

Vợ chồng nhạc sĩ Trần Quang Lộc

Nhạc sĩ Trần Quang Lộc sống cả đời với người vợ từ thuở hàn vi là Nguyễn Thị Thuận. Thời trẻ bà là hoa khôi ở Huế, sau này cùng học trung học ở Đà Nẵng, họ từng đàn hát cho nhau nghe trên bãi biển Mỹ Khê, đôi khi xưng “mày – tao” vì cùng tuổi. Sau này, cả 2 cùng vào Sài Gòn học đại học và gặp lại nhau. Ra trường, họ nên duyên dù cha mẹ bà Thuận phản đối vì không thích con gái yêu một nhạc sĩ.

Ảnh: báo Tiền Phong

Nhạc sĩ Trần Quang Lộc cùng vợ sống phần lớn thời gian ở Bà Rịa. Cuối thập niên 1990, ông gom góp tiền xây một căn nhà cấp 4 ở địa chỉ 179 Trương Hán Siêu, phường Long Toàn, Bà Rịa.

Ngày đó vì không đủ tiền nên căn nhà phải được xây đến mấy lần cách quãng mới xong. Ban đầu chỉ có phòng khách, sau đó mới xây thêm bếp và sân. Vì vậy gạch nền trong nhà có đến mấy loại khác nhau.

Cũng tại căn nhà nhỏ này, nhạc sĩ Trần Quang Lộc đã từng mưu sinh bằng việc mở một lớp nhạc nhỏ để dạy piano, guitar, organ, bass, cũng như hướng dẫn sáng tác, hòa âm, thu âm.

Góc làm việc của nhạc sĩ. Ảnh: báo Tiền Phong

Lớp học chỉ là những bộ bàn ghế được lắp ghép nhiều loại. Khi nhạc sĩ lâm bệnh hồi 6 năm trước, ông không dạy được nữa, bàn ghế lớp học cũng phải dọn đi để chừa chỗ cho ông nghỉ ngơi.

Tháng 5 năm 2020, trong những ngày cuối cùng của cuộc đời, khi nghe bác sĩ nói rằng bệnh của ông khó có khả năng cứu chữa được nữa, nhạc sĩ Trần Quang Lộc có nguyện vọng trở về căn nhà nhỏ của mình, rồi qua đời bình yên tại đây trong vòng tay của gia đình.

Đông Kha (nhacxua.vn) biên soạn

Exit mobile version