Đôi nét về Cẩm Hường – Bóng hồng một thuở trong nhạc Lam Phương: Bài Tango Cho Em, Mùa Thu Yêu Đương…

Nhắc đến những bóng hồng từng ở bên cạnh nhạc sĩ Lam Phương, ngoài người vợ đầu tiên là nữ kịch sĩ xinh đẹp Túy Hồng, người ta còn thường nhắc đến người vợ thứ 2 của ông là Cẩm Hường, là người đẹp đã mang lại những niềm cảm xúc to lớn để nhạc sĩ sáng tác nhiều ca khúc nổi tiếng vào thập niên 1980, như là Bài Tango Cho Em, Chỉ Có Em, Thiên Đàng Ái Ân, Mùa Thu Yêu Đương, Nửa Đời Yêu Em…

Tuy nhiên, thời gian gần đây, trên một số bài báo, hay trong những lời tán gẫu trên mạng xã hội, người ta lại thường nhắc đến cô Cẩm Hường như là một kẻ bội bạc, là nguyên nhân chính dân đến trình trạng sầu thảm của cuộc đời nhạc sĩ Lam Phương trong những năm cuối đời cô độc.

Trong một cuộc hôn nhân đổ vỡ, nguyên nhân thường là đến từ 2 phía, vì vậy không thể chỉ vì yêu mến nhạc sĩ Lam Phương mà đổ hết lỗi lầm cho Cẩm Hường. Hơn nữa, dù chia tay nhưng mối quan hệ giữa họ vẫn rất tốt đẹp và vẫn liên hệ với nhau. Ít người biết rằng khi bệnh tật đột ngột ập xuống cuộc đời nhạc sĩ Lam Phương năm 1999 tại Mỹ, rồi sau đó bị trở nặng vào năm 2011, thì từ Pháp, Cẩm Hường đã bay sang để chăm sóc chồng cũ trong nhiều tháng trời, lo cho nhạc sĩ từng chút từng chút một, như là để bù đắp một đời nợ nhau. Điều đó cho thấy ân tình giữa họ vẫn còn nhiều chứ không phải là hoàn toàn cạn tình như lời đồn đại, và Cẩm Hường là một người rất có tình nghĩa, chứ không phải là một kẻ bạc tình.

Cẩm Hường (áo đen). Ảnh: Trần Quốc Bảo

Sau này, trong một lần trả lời phỏng vấn, lần hiếm hoi nhạc sĩ Lam Phương nói về Cẩm Hường:

“Cổ đẹp, lại sống đôn hậu, chân thật, nghĩa tình, một nàng thơ đúng nghĩa, không hề ỷ cái nhan sắc đó để đòi hỏi nọ kia. Ngược lại, mình đang đầy mặc cảm, thất thế, (cười nhẹ) mất niềm tin cả vào cái mà người đời cho mình có là tài năng, vậy mà cổ đã gầy lại mọi niềm tin cho mình, đúng là một cuộc “phục sinh”…”

Năm 2007, nhạc sĩ Lam Phương nói trên Paris By Night 88 những lời tri ân Cẩm Hường và thành phố Paris như sau:

“Dù xa cách Paris 15 năm nay, nhưng hình bóng Paris vẫn còn trong tâm trí của tôi. Tôi xin cám ơn một người đã cho tôi nhiều ước mơ để sống, và cho tôi nhiều cảm hứng để viết dòng nhạc mà cuộc đời tôi khó quên. Và cám ơn thành phố Paris đã cho tôi những đêm rất đẹp trong cuộc đời này tôi khó tìm lại được”.

Theo nhà báo Trần Quốc Bảo, khi nhạc sĩ Lam Phương còn sinh tiền, ông từng nói rằng Cẩm Hường là một phụ nữ rất tốt, chỉ là có tính hay ghen.

Lam Phương cũng kể lại một sự việc xảy ra năm 1988, khi Họa Mi sang Pháp lưu diễn rồi trốn ở lại để tìm cách chữa bệnh mắt cho chồng còn đang ở Việt Nam, với hy vọng nền y học tiên tiến ở Pháp quốc có thể làm cho đôi mắt của chồng được sáng lại. Nhạc sĩ Lam Phương thương cảm cho hoàn cảnh bơ vơ nơi xứ lạ quê người của Họa Mi nên đã sáng tác bài hát Em Đi Rồi, sau đó tập cho cô hát:

Em đi rồi, đường xưa có nắng không em?
Lá hoa còn xanh, hay tàn theo tháng ngày?
Giờ một mình anh, lẻ bước trong sương mai
Người tình còn đâu, chỉ đớn đau con tim…


Click để nghe Họa Mi hát Em Đi Rồi

Không ngờ vì chuyện này mà đã làm tình cảm vợ chồng Lam Phương bắt đầu có những rạn nứt và bất hòa. Vài năm sau đó, vì nhiều chuyện khác nữa đã dồn nén lại làm cho Lam Phương – Cẩm Hường phải đường ai nấy đi.

Trở lại thời gian trước đó hơn 10 năm, nhạc sĩ Lam Phương gặp người đẹp Cẩm Hường vào đầu thập niên 1980 sau khi ông chia tay Túy Hồng, bỏ lại sau lưng tất cả để sang Pháp “tị nạn ái tình”.

Nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn đã nói về nhạc sĩ Lam Phương và Paris giai đoạn này như sau:

“Khăn gói qua Paris lại còn vất vả hơn nhiều. Cái nghèo, cái khổ và nhất là cái lạnh của Mùa Đông Paris làm anh vô cùng điêu đứng. Ngày còn ở Việt Nam, nghe Paris là kinh đô ánh sáng, là phương trời mơ mộng mà Nguyên Sa mô tả:

“Hôm nay tôi đi Paris đang vào thu
Dòng sông Seine đang mặc áo sương mù
Đang nhìn tôi mà khoe nước biếc
Khoe lá vàng lộng lẫy lối đi xưa!”

Chao ơi! Đẹp biết bao! Nhưng thực tế thì Paris thiếu rất nhiều phương tiện cho người nghèo, chứ không như bên Mỹ. Lam Phương qua Paris năm 1980, cộng đồng người Việt còn rất thưa thớt và đang ngơ ngác vừa nhớ nhà vừa cố gắng hội nhập. Không ai giúp đỡ được anh. Trung tâm Thúy Nga tuy cũng mới dựng lại bảng hiệu ở quận 13 nhưng còn nghèo xác xơ. Ông Tô Văn Lai đi học sửa xe và cùng con gái đứng bơm xăng thì làm gì có việc cho Lam Phương làm!”

Tại Paris, nhạc sĩ Lam Phương làm quản lý nhà hàng cho em gái của mình, tại đây có sân khấu nhỏ để ông chơi nhạc mỗi đêm cho thỏa nỗi nhớ nghề. Ngoài thu nhập dư dả để sống, công việc này còn giúp nhạc sĩ Lam Phương gặp gỡ được nhiều đồng hương, làm sống lại con người của âm nhạc. Và cũng từ đó, số phận đưa đẩy cho Lam Phương gặp Cẩm Hường.

Ảnh: Paris By Night

Nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn viết tiếp:

“Đó là một giai nhân tên là Lê Thị Cẩm Hường mà tôi đã có lần nhắc đến trên Paris By Night. Lam Phương như ngọn cây thiếu nước suốt cả một mùa Hè, bây giờ mưa mới đổ xuống cho ngọn cây sống lại, nhất là Cẩm Hường từng nức tiếng về nhan sắc. Có tờ báo tả cô là “một hoa khôi đẹp mê hồn”! Lúc ấy, Lam Phương đã bước vào tuổi trung niên nên anh viết ngay bài Nửa Đời Yêu Em, rồi nối tiếp luôn một loạt tình ca chan hòa hạnh phúc như: Bài Tango Cho Em, Thiên Đường Ái Ân, Mùa Thu Yêu Đương, Chỉ Có Em… Lời ca của anh bây giờ vui tươi và thực tế lắm bởi anh vừa phục sinh sau những ngày dài mất hết niềm tin trong cuộc sống:

Từ ngày có em về
Nhà mình ngập ánh trăng thề”


Click để nghe Bài Tango Cho Em

Tha thiết với cuộc hôn nhân thứ 2 cùng người đẹp, nhạc sĩ Lam Phương đã có một giai đoạn sáng tác nhiều ca khúc vui tươi nhất trong sự nghiệp âm nhạc lừng lẫy của mình, tiêu biểu là những ca khúc đến nay vẫn còn được yêu mến: Bài Tango Cho Em, Chỉ Có Em, Thiên Đàng Ái Ân, Mùa Thu Yêu Đương, Nửa Đời Yêu Em, Bé Yêu, Tình Hồng Paris, Tình Đẹp Như Mơ…

Nhạc sĩ đã khéo léo nhắc đến tên Cẩm Hường trong bài hát của mình:

Anh yêu tên em, mùi HƯƠNG nồng HUYỀN ảo
Yêu em thật rồi và nhớ em cả đời… (bài Nửa Đời Yêu Em)

Trong nhạc của ông thời kỳ này tràn ngập màu HỒNG, cũng là tên gọi khác của HƯỜNG: Đường vào Paris có lắm nụ hồng… (bài Mùa Thu Yêu Đương)

Từ trái sang phải: Dũng Long Biên, Cẩm Hường, vợ Dũng Long Biên, Lam Phương, vợ chồng ca sĩ Thanh Mai –Yersin trong ngày đám cưới nghệ sĩ Hùng Cường (ngồi) năm 1982. Ảnh: Trần Quốc Bảo

Người đẹp Cẩm Hường tên thật là Lê Thị Cẩm Hường, sinh năm 1950, sinh quán ở Cần Thơ – xứ Tây Đô. Theo ca sĩ Hương Lan thì Cẩm Hường chính là người đề nghị nhạc sĩ Lam Phương viết 1 ca khúc về quê hương Cần Thơ, từ đó chúng ta có ca khúc mang tên Chiều Tây Đô.

Theo lời ca sĩ Băng Châu, cũng là một người lớn lên ở Cần Thơ, cô cho biết mình là Cẩm Hường rất thân vì cùng tuổi, đi học cùng lớp đệ thất, đệ lục vào năm 12,13 tuổi ở trường Thủ Khoa Huân. Băng Châu rời Cần Thơ lên Saigon sống từ năm 1970, lúc đó gặp lại người bạn cũ Cẩm Hường cũng đã lên Saigon sống trước đó vài năm và đã là vợ của nghệ sĩ cải lương nổi tiếng Thành Được.

Băng Châu là một nữ ca sĩ xinh đẹp nức tiếng, nhưng cô tự nhận nhan sắc của mình không là gì cả nếu so với Cẩm Hường.

Cẩm Hường và Thành Được có chung một người con trai năm 1968, tuy nhiên sau đó không lâu thì đường ai nấy đi. Sau 1975, trước khi đến với Lam Phương, Cẩm Hường cũng trải qua thêm một lần đò với một đạo diễn người Pháp gốc Việt đã sang Âu Châu từ nhỏ.

Nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn rằng dù nghe tiếng đã lâu, nhưng đến tận năm 2013 ông mới lần đầu gặp và nói chuyện với Cẩm Hường tại Paris. Lúc này Nguyễn Ngọc Ngạn và Lam Phương được mời sang Pháp làm show Tình Ca Lam Phương, bà Cẩm Hường nghe tin đã vội đến thăm nhạc sĩ. Điều đó cho thấy Cẩm Hường là một người rất tình nghĩa. Bà còn cảm ơn Nguyễn Ngọc Ngạn vì đã nhắc đến tên bà trên Paris By Night.

Nhạc sĩ Lam Phương và Cẩm Hường

Tuy nhiên, đó là lần hội ngộ sau cùng giữa Lam Phương và Cẩm Hường, vì chỉ 1 năm sau đó, Cẩm Hường qua đời vào ngày 24/8/2014, hưởng thọ 64 tuổi.

Ca sĩ Hương Lan cho biết khi họ gặp nhau năm 2013, Cẩm Hường đã hẹn với nhạc sĩ Lam Phương là sẽ thu xếp để qua Mỹ để chăm sóc ông những năm cuối đời, nhưng chưa kịp thì bà đã ra đi trước.

Bài: Đông Kha (nhacxua.vn)

Exit mobile version