Đôi nét về ca sĩ Thùy Hương (cô Tám Thơm) – Một thời vàng son của phòng trà Sài Gòn 1958-1963

Có lẽ là với khán giả yêu nhạc hiện nay, không nhiều người biết cái tên ca sĩ Thùy Hương, biệt danh là “cô Tám Thơm”, một danh ca tiêu biểu của làng nhạc Sài Gòn thập niên 1950.

Cô hoạt động âm nhạc trong thời gian chỉ hơn 5 năm ở Sài Gòn, từ năm 1958-1963, cùng thời với Thu Hương, Lệ Thanh, Thùy Nhiên, trước Thanh Thúy, Bạch Yến…

Thùy Hương được sinh ra ở Hà Nội và đã theo gia đình vào miền Nam từ lúc mới 3-4 tuổi. Thời niên thiếu, cô thường được di chuyển qua 2 nơi, từ đồn điền ở Bến Cát lên Đà Lạt. Vì vậy Thùy Hương được trải qua tuổi thơ êm đềm trong khung cảnh mơ mộng của vùng cao nguyên, và có lẽ vì thổ nhưỡng nên cô xinh đẹp và da trắng như một thiếu nữ Đà Lạt chánh gốc.

Thùy Hương có tên khai sinh rất nam tính là Nguyễn Tố Thuận, thường bị nhầm lẫn là đàn ông lúc nhận thư, nên sau này khi chọn nghệ danh để đi hát, bạn của cô đã chọn giúp một cái tên rất nữ tính là Thùy Hương.

Đam mê ca hát từ khi còn rất nhỏ, sau này lớn lên Thùy Hương theo đoàn ca kịch lưu động Hồn Quê của nhạc sĩ Lê Thương trình diễn tân nhạc ở hầu hết các tỉnh ở miền Nam và miền Trung. Nhờ sự dẫn dắt của nghệ sĩ Thanh Thoại, Thùy Hương ra mắt khán giả Sài Gòn từ đầu năm 1958 ở rạp Việt Long, nơi mà sau đó cũng trở thành bệ phóng cho sự nghiệp của danh ca Thanh Thúy.

Theo bài viết của nhà báo Trần Quốc Bảo, nữ ca sĩ Thùy Hương có vóc người nhỏ nhắn xinh xinh, đôi mắt linh động và má lúm đồng tiền khi cười duyên, thường xuất hiện trong các buổi phụ diễn tân nhạc ở các rạp chiếu bóng Đô Thành, rạp hát Kim Chung. Thùy Hương cũng đã từng hợp tác với ban Nguyễn Hữu Thiết và hát ở Đài Quốc Gia và Đài Tiếng Nói Quân Đội. Ngày đó, Thùy Hương cũng thường trình bày những bản đơn ca tại trà thất Việt Long và Quán Tự Do. Với khuôn mặt thuần hậu, dáng điệu vui tươi, thêm giọng ca ấm và nhẹ, Thùy Hương đã gieo vào tâm hồn khách mộ điệu tân nhạc qua những bản dân ca vui và dí dỏm.

Thùy Hương còn có biệt danh là “Cô Tám Thơm”, đó cũng là tên của bài hát mà cô trình diễn rất thành công ở phòng trà Việt Long, Văn Cảnh vào những năm đầu thập niên 1960:

“Nhà kia có cô Tám Thơm
Xinh gớm xinh ghê
Làn môi son phấn thêm tình
Huyền nhung mái tóc, đôi mắt bồ câu
Đẹp tuyệt trần là đẹp ơi”..

Mẩu quảng cáo của phòng trà Văn Cảnh

Khi đang là một trong những nữ ca sĩ được yêu mến nhất Sài Gòn, Thùy Hương đột ngột giã từ sân khấu sau khi lập gia đình và lên sống ở Đà Lạt cho đến năm 1985 thì sang Mỹ định cư theo chương trình ODP. Thời gian sau đó, thỉnh thoảng Thùy Hương có về lại Sài Gòn hát phòng trà một đôi lần, nhưng rất ít.

Sau đây, mời bạn đọc lại một bài báo năm 1965, tức 2 năm sau khi Thùy Hương rời bỏ sân khấu và trở lại Sài Gòn:

Tư liệu của Leminh Saigon

Ngày trở về của Thùy Hương

Tiếng hát Thùy Hương năm nay, vào cái đêm trở về với ánh đèn và sân khấu, thoạt bốc lên hân hoan bỡ ngỡ như lời chào mừng thăm hỏi, e dè ngần ngại như lúc mới làm quen. Lời chào mừng đó là của một người bạn cũ từng sống với âm thanh nhiều năm qua, từng đi về bao lần trước sự nhìn ngắm thân thuộc, rồi bỏ đi, lặng lẽ bỏ đi.

Thời gian vắng bóng chưa hẳn đã đánh chìm Thùy Hương vào vùng bóng tối, nhưng ít nhiều đã kéo tiếng hát nàng vào cái hỗn độn mịt mù của trí nhớ, thứ trí nhớ xôn xao hàng đêm, thứ trí nhớ dao động hàng ngày trước cuộc sống Sài Gòn. Cái xôn xao ở đây là sự thấp thoáng ló diện và thấp thoáng tan rã của những khuôn mặt đang tới gần, của những bóng dáng đang lùi xa, của những cái vừa ngoi lên, của những cái vừa lụi xuống. Một đợt sóng mới tràn lên, ồn ào tràn lên chiếm đóng ban đêm thành phố, cả về 2 phía, phía sân khấu dàn nhạc và phía khán thính giả.

Đối với Thùy Hương, họ mới lắm, ồn ào hơn và trẻ trung hơn. Những người ngồi dưới kia hầu hết đều xa lạ với Hương, nên lần tái ngộ của Thùy Hương có thể gọi là lần khởi sự. Khởi sự làm quen và chinh phục. Một khởi sự mệt trí như hồi nào, dù có dễ dãi hơn.

Bóng tối từ những hàng ghế và ánh sáng từ trên bực gỗ, giữa ánh giữa khán giả và Thùy Hương lúc Hương hiện ra, truyền tới nhau trong cái chập choạng nhá nhem khó nhìn khó nhận vào cái đêm gặp lại. Như một con chim di trú theo thời tiết, dỡ đôi cánh ngủ yên từ cao nguyên bay thả về thành phố, Thùy Hương đã gặp cái xôn xao âm vọng đến xa lạ và đã phải bay liệng những vòng dò thám thứ 2, dù ngay trên khoảng đất, ngay dưới vùng cây mà mấy năm trước con chim kia từng đứng hót. Tiếng hót cao bổng duyên dáng, tiếng hót nhịp nhàng đầm ấm.

Tôi muốn ngồi dưới hàng ghế của cái sân khấu này vào đúng đêm Thùy Hương trở lại, để tìm ở đó, trong những giây phút ban đầu, những giây phút đáp xuống, một Thùy Hương di trú sau hai năm khuất dạng. Nhưng tôi chỉ được nghe bài ca thứ 3 của Hương, và chỉ nhìn được cái đêm thứ 2 của Hương, mặc dù ở đó tôi vẫn thấy lại cái hình ảnh thứ nhất của Hương: tà áo trắng mến thân như bạn cũ và khuôn mặt hiền dịu như quen thuộc.

Phút trước, sau lời giới thiệu của người sắp xếp chương trình, từ dưới lòng ngôi quán trông lên, lúc mà ngọn đèn vàng mở chụp xuống đầu, đẩy người ca sĩ rời khỏi lớp bóng mờ ra giữa vùng ánh sáng chói lọi, Thùy Hương chớp mắt, sửa dáng rồi nhìn xuống. Cái nhìn thấm nhập không khí, đưa đẩy thăng bằng. Hẳn không có gì biến đổi ngoài những khán giả lạ. Sự xa lạ thông thường hằng vốn xảy ra giữa hai đầu một khoảng cách, khán giả và ca sĩ. Trong trường hợp Thùy Hương, khoảng cách đó còn phải nhân lên gấp đôi, 1 phía là Sài Gòn, 1 phía là kẻ đi xa vừa trở lại.

Nhưng Thùy Hương đã cất tiếng hát, tiếng hát chào mừng Sài Gòn, gửi tới Sài Gòn, chạy lại các hàng ghế, chuyển vào đáy không gian phòng lớn. Nó được lắng nghe, và được đón nhận. Đúng đem lễ mùng 01 tháng 05 đó, Thùy Hương làm quen lại với phòng trà thủ đô. Sau hai năm trời từ biệt để sống trở về với cái nóng, cái chật cái đông đảo mà thờ ơ của Sài Gòn, ban ngày cũng như ban đêm, vui cũng như buồn, nhưng một thời đã là nếp sống của Hương.

Và như thế, trong cái chưa bình lặng vừa từ dưới những hàng ghế vừa, từ chính tâm trí mình, Thùy Hương cất lại tiếng hát xưa.

Ngôi nhà thấp ở trong đáy 1 khoảng sân rộng mà phía ngoài người ta mới cất lên một tòa building gạch còn sáng, tọa lạc nơi mé trái cuối con đường Trương Minh Giảng, bên kia cổng xe lửa số 6, là nơi Thùy Hương tạm trú trong những ngày ở Sài Gòn. Chính Thùy Hương có nói:

“Đây như một nơi trọ, 1 cái trạm của gia đình tôi giữa Sài Gòn, Đà Lạt. Gia đình tôi đều cư ngụ ở Đà Lạt từ bao nhiêu lâu nay rồi”.

Con đường Sài Gòn – Đà Lạt là con đường đi đi về về của Hương. Một năm nàng sống ở nơi này mấy tháng, nơi kia mấy tháng, nơi nào đông đảo thì ở lâu. Hai năm trước nghỉ hát vì sức khỏe, Hương lên cái thành phố miền cao nguyên đó dưỡng sức và sống đoàn tụ với những người thân thuộc sau 1 thời gian dài mệt mỏi vì nghề nghiệp.

Ở đây, nàng sống trong khu biệt thự rộng bốn bề là cây trái xanh tốt tại đường Thi Sách. Cuộc sống đó, một thời gian êm đềm, thảnh thơi vô cùng. Thỉnh thoảng đi dạo mặt nước bằng pê-đa-lô, đi vào trong rừng, trên đồi bằng ngựa, hoặc đi tập chơi golf với bạn bè của gia đình: “Môn này người mình ít chơi lắm, nhưng người Nhật, người Mỹ thì…” Thùy Hương nói thể giải thích tại sao nàng mới chỉ tập chơi môn thể thao đó. Trong khoảng một năm nàng ra thăm đập Đa-Nhim hai ba lần, chụp nhiều hình kỷ niệm với các chuyên viên Nhật, những người bạn của nàng và gia đình. Nếu ở Sài Gòn thích hợp cho đời sống bạn bè thì ở Đà Lạt, theo ý kiến của Hương, thích hợp cho đời sống riêng, giữa 2 người hay giữa những người thân.

Thời gian ở Đà Lạt thì Hương cũng đi hát cho 1 phòng trà. Nhưng đi hát ở thành phố đó và đi hát ở thành phố này – Thùy Hương nói với tôi – có nhiều cái khác biệt lắm. Hát ở Đà Lạt nói nhẹ nhàng hơn, thảnh thơi hơn. Hát ở Sài Gòn nó nghề nghiệp hẳn đi. Mỗi đêm vào cái giờ ra về, ngồi trên chiếc xe do người nhà đưa đón, chạy êm giữa lòng thành phố, lên những con dốc, những con đường quanh bên hồ, nghe làn gió đêm từ núi thổi tới phả nhẹ vào thân thể, lúc ấy mới cảm thấy rõ ràng niềm êm đềm như tơ nhung, nhẹ nhàng như lụa óng của cái không gian mình sống. Lúc đó là lúc Thùy Hương bỏ lại phía sau những sợi dây chăng buộc của khán giả trẻ tuổi Đà Lạt để trở về ngã mình trên tấm võng chờ đón của những người thân. Ở Sài Gòn chỉ là những đám đông tối mắt, nhưng rất đông mà rất thờ ơ.

Khán giả Sài Gòn đông lắm và phức tạp lắm. Nếu ở Đà Lạt chỉ là những khán giả trẻ tuổi thì ở Sài Gòn khán giả là đủ mọi hạng người, từ rất trẻ tới rất già. “Nhưng không có gì ảnh hưởng lắm – Thùy Hương nói – khi hát mình không nhìn thấy ai cả”.

Thùy Hương còn cho biết sự thay đổi của nàng giữa hai thành phố:

Cái đổi thay ở tâm hồn cũng có, khi bỏ Sài Gòn lên Đà Lạt năm trước. Cái đổi thay ở thân thể cũng có – “Đó thấy khỏe mạnh và lên cần gớm không?”.

Vài nét về lý lịch Thùy Hương: Tên thật là Nguyễn Tố Thuận. “Một cái tên đàn ông đó. Cũng vui lắm: ba má tôi hiếm con trai nên khi tôi vừa lọt lòng, là con gái hẳn hoi mà ba tôi cứ đặt tên con trai như thường. Để tóc con trai, mặc quần áo con trai. Mãi sau này lớn mình mới ra vẻ con gái được. Hiện giờ mỗi khi có giấy báo từ bưu điện, ra nhận măng-đa chẳng hạn, họ vẫn ghi: Ông Nguyễn Tố Thuận như thường. Cái tên Thùy Hương là tôi chọn lấy, tôi nghĩ cái tên đó hết sức đàn bà, không ai lầm được.

Sinh tại quê quán là Hà Nội nhưng cho đến bây giờ chưa được biết thành phố đó ra sao, vì ba, bốn tuổi gì đó gia đình đã thiên vào Sài Gòn”.

Thời niên thiếu của Hương trôi qua trong một đồn điền rộng ở Chánh Lưu, gần Bến Cát. Cây trái, đất đai từ nhỏ đến giờ luôn luôn là những bạn bè gần gũi của Hương. Những bạn bè từ thiếu thời. Trưởng thành giữa Sài Gòn – Đà Lạt, không nhớ rõ trưởng thành trong cái không khí nào, nhưng trong những điều kiện được ưu đãi nhất. Rất thích hoa, nhất là hoa hồng Đà Lạt. Rất thích màu trắng, nhất là áo trắng. Lúc nhỏ theo học trường nhà giòng Bossuet, lớn ở Quang Trung Đà Lạt.

Trước khi ra về tôi hỏi người ca sĩ vừa trở lại với tiếng hát của mình này về sự trở lại đó. Trở lại mãi mãi hay trở lại như một mùa di trú.

Trong bộ quần áo lơ nhạt, dưới làn gió điện thổi xuống từ nóc trần nhà, Thùy Hương suy nghĩ, so sánh trong đầu 2 miền không gian nóng lạnh ở hai đầu con đường mà nàng thường xuyên đi, tới trở lại, đi, tới, ngừng nghỉ. “Không thể biết. Không quyết định trước được. Nhưng có thể là lại nghỉ một thời gian. Nếu Hương hát liên miên từ độ ấy đến giờ, năm sáu năm liền, thì bây giờ cỏ mồ đã xanh rì rồi! Nhưng có lẽ cũng không thể bỏ hát. Bởi thế mới trở lại Sài Gòn, trở lại sân khấu. Nhận định mới về vị trí mình hôm nay: bạn cũ, các đồng nghiệp, không có gì thay đổi. Ca sĩ mới nhiều quá, phòng trà mọc lên nhiều quá, mình là 1 giọng ca cũ nhưng phải tập những bài hát mới”.

nhacxua.vn biên soạn

Exit mobile version