Đôi nét về ca khúc “Xa Lộ Không Đèn” (nhạc sĩ Y Vân) và cuốn phim nhựa “Xa Lộ Không Đèn” năm 1972

Năm 1972, Rạng Đông Films công chiếu bộ phim Xa Lộ Không Đèn có đề tài xã hội, mô tả một Việt Nam đã bị ảnh hưởng nặng nề vì chinh ᴄhιến, xã hội bị băng hoại, những đạo lý bị đổ vỡ… Diễn viên chính trong phim là nghệ sĩ Thanh Nga, cùng sự góp mặt của những tên tuổi nổi tiếng trong làng nghệ thuật Sài Gòn là Hoài Trung (Phạm Đình Viêm), Nam Châu, Túy Hoa, Trần Văn Trạch, Trang Thanh Lan, Dũng Thanh Lâm…

Nếu bạn là người yêu thích nhạc xưa, hãy theo dõi kênh YouTube này để nghe đọc các bài cảm nhận về âm nhạc (phân tích ý nghĩa, hoàn cảnh sáng tác, tiểu sử ca nhạc sĩ): LINK YOUTUBE  < Click

Truyện phim kể về một cô gái tên Liễu (Thanh Nga đóng), vì loạn lạc nên gia đình cô đã từ vùng quê lên Sài Gòn sinh sống. Cha Liễu (Hoài Trung đóng) là thầy giáo đi dạy học, do thời buổi khó khăn túng thiếu buổi tối thì ông chạy xe ôm, mẹ Liễu thì đi bán hàng gánh để mưu sinh. Gia đình Liễu là một tiêu biểu của những di dân ở Sài Gòn thập niên 1970, khi ᴄhιến ᴄuộc leo thang, người dân quê lũ lượt rời bỏ nơi có đầy rẫy những hiểm nguy để kéo nhau lên Sài Gòn, như là đi tìm một miền đất hứa. Nhưng cuộc sống ngày càng khó khăn, không phải gia đình nào cũng trụ lại được ở chốn phồn hoa đô hội. Cuốn phim đã phản ánh những mặt đen tối nhất của thời cuộc đó.


Click để xem trọn vẹn cuốn phim Xa Lộ Không Đèn năm 1972

Xa Lộ Không Đèn ví cuộc đời như là một xa lộ, nơi đó mọi người lướt qua nhau một cách vô tình, những cái lướt quá nhanh nên dù người ta có muốn dừng lại nói chuyện với nhau cũng không thể. Xa Lộ đó không có viễn cảnh tươi sáng, vì đó là xa lộ không đèn, đầy bóng tối, nhiều cạm bẫy. Cuốn phim nói về bước trượt dài đầu đời của một thiếu nữ vốn hiền lành, con nhà gia giáo, vì hoàn cảnh cuộc sống khó khăn nên bị cô gái bị đưa đẩy đến những khía cạnh đen tối nhất của đời người: Làm vũ nữ, mất đi đời con gái, bị cha từ mặt… Không còn gì để mất, cô lao vào thế giới xã hội đen với những thanh toán nhau đẫm máᴜ. Đó là một cuộc đời không lối thoát, dù đã có lúc cô và đồng bọn muốn làm lại cuộc đời sau phi vụ cuối cùng, nhưng sự tối ám vẫn không buông tha.

Trong một lần chạy trốn sự truy bắt của bọn xã hội đen Liễu, không may đã bị thương nặng. Cô cố gắng tìm đường về nhà, gia đình đã đưa Liễu đi nhà thương để cứu sống…

Bộ phim kết thúc ở đó. Nhân vật chính còn một con đường để trở về với thiện lương, trong bàn tay lúc nào cũng giang rộng bao dung của gia đình.

Nhạc sĩ Y Vân là người phụ trách chính phần âm nhạc cho phim Xa Lộ Không Đèn, ông (cùng với Nguyễn Minh Trí) đã sáng tác ca khúc chủ để phim với nội dung bài hát khá sát với nội dung phim. Bài hát có tựa đề trùng tên phim:

Trên xa lộ mênh mang trên xa lộ cô đơn
Ôi xa lộ bóng tối im lìm
Tìm có người tìm tình yêu mất đi không còn đến.

Trên xa lộ đêm đen trên xa lộ đua chen
Ôi xa lộ sống ᴄhêt vô tình
Tình hỡi cuộc tình người đi vết xe đang lăn tròn.

Cuộc đời sao tăm tối như xa lộ không đèn
Cuộc đời sao u ám như xa lộ tối đen
Một người trong cõi sống
Một người sang cõi ᴄhêt
Chỉ là giọt nắng sớm, cánh sương đêm.

Có thể thấy nhạc sĩ Y Vân đã viết lời ca khúc dựa theo nội dung phim. Cuộc đời được ví như một xa lộ tối đen. Xa Lộ Không Đèn là cái tên có 4 chữ nhưng chứa đầy đủ nội dung mà cuốn phim – bài nhạc muốn truyền tải: Đầy những thứ đua chen, nguy hiểm, cạm bẫy… Nơi đó thì làn ranh giữa sống và ᴄhêt thật mong manh tựa như nắng sớm, sương đêm mà thôi.

Trên xa lộ không tên
Trên xa lộ khô khan
Ôi xa lộ giết ᴄhêt tâm hồn
Vừa thấy cuộc đời
Chợt tan biến đi như hình bóng.

Xa lộ không tên, như là những kiếp sống âm thầm, vô danh như ngọn cỏ ven đường. Xa lộ khô khan, như tình người khô khan lướt qua nhau vô tình. Trong hoàn cảnh đó, người con gái tên Liễu trong phim không thể nuôi dưỡng được những ước mơ tươi đẹp của thời thiếu nữ, tâm hồn đã bị cuốn theo dòng đời, theo cái xa lộ tối ám ấy, để từ một cô gái con nhà gia giáo trở thành một “đại tỷ”. Cuộc đời cũng như một thoáng mong manh, chập chờn hư ảo, vừa thấy nhưng rồi lại tan biến đi như hình bóng.

Trên xa lộ miên man trên xa lộ thênh thang
Ôi xa lộ tối ám không đèn
Ðường hỡi con đường tình yêu thoáng qua như vô hình.


Click để nghe Phương Dung hát Xa Lộ Không Đèn trước 1975

Ca sĩ đầu tiên hát ca khúc Xa Lộ Trong Đèn là Carol Kim ở trong đoạn đầu của phim, và người thành công nhất với Xa Lộ Không Đèn có lẽ là Phương Dung trong cuốn băng Hương Quê. Nửa thế kỷ đã trôi qua, người ta có thể đã quên đi phim Xa Lộ Không Đèn, nhưng ca khúc này đã trở thành bất tử và được nhiều người nhớ đến.

Bài: Trương Billy – Đông Kha
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn

Exit mobile version