Đôi điều về dòng nhạc Trúc Phương trước và sau năm 75

Bài viết của cô Huyền Chiêu viết năm 2011 để tưởng niệm nhạc sĩ Trúc Phương. Những dòng cảm nhận trong bài viết này sẽ khiến bạn hiểu hơn những cảm xúc và tâm tư của thế hệ khán giả trước 1975 đối với dòng nhạc Trúc Phương và cả đối với nền âm nhạc miền Nam.

Nếu bạn là người yêu thích nhạc xưa, hãy theo dõi kênh YouTube này để nghe đọc các bài cảm nhận về âm nhạc (phân tích ý nghĩa, hoàn cảnh sáng tác, tiểu sử ca nhạc sĩ): LINK YOUTUBE  < Click

Những Chuyện Xưa Của Lòng 

Nhạc sĩ Trúc Phương sống cùng thời với tôi. Thuở ấy có lẽ ông là anh lính “ở miền xa”, còn tôi là cô nữ sinh áo trắng hậu phương. Chúng tôi đã có một thời được sống trong quê hương rất đỗi thanh bình:

“Hàng dừa cao nghiêng nghiêng soi bóng sông
Mộng ngày mai say sưa những ước mong” (Tình Thắm Duyên Quê)

Rồi chiến tranh đột ngột bủa vây và Trúc Phương đã phải bước ra khỏi:

“Quê em nắng vàng nhạt cô thôn
Dải mây trắng dật dờ về cuối trời” (Chiều Làng Em)

Trong chiến tranh, nhạc Trúc Phương mang tâm trạng người lính miền Nam ngơ ngác, hụt hẫng vì bỗng dưng bị quăng vào một cuộc chiến phi lý dai dẳng.

Thuở ấy nhạc Trúc Phương gần gũi với quần chúng miền Nam hơn Phạm Duy và Trịnh Công Sơn. Nhạc của ông là tiếng thở than chân thành nhất của người lính trẻ miền nam. Người thanh niên lẽ ra phải được sống yên lành với ruộng đồng quê hương, bên “mẹ quê nâu sòng và người em mơ mộng” nhưng anh đã phải mang vác thân phận nghiệt ngã của người lính học trò, những anh học trò ốm yếu vừa cởi chiếc áo sơ mi trắng đã phải khoác lên mình bộ quần áo mang màu rừng núi cùng ba lô và súng đạn xa lạ. Nhạc Trúc Phương là tâm sự của người thanh niên miễn cưỡng sống đời quân ngũ.

“đi lính xa đánh giặc từng ngày”

“Đánh giặc từng ngày” là mỗi ngày anh đều có thể là kẻ cầm súng giết người hoặc có thể bị người giết chết trong khi anh vẫn thèm sống, thèm yêu. Anh ngồi tính toán chi ly cho một ngày phép hiếm hoi thật tha thiết:

“Bốn giờ đi dài thêm bốn giờ về, thời gian còn lại anh cho em tất cả em ơi” (24 Giờ Phép)

Hình ảnh trong ánh đèn vàng sân ga nơi có người con gái đứng buồn bã chờ người yêu trong tuyệt vọng vẫn thường được Trúc Phương vẽ lại trong các ca khúc của mình:

“Tàu cũ năm xưa mang người tình biên khu về chưa
Trắng đêm tôi chờ nghe
Tiếng tàu đêm tìm về” (Tàu Đêm Năm Cũ)

Tôi tìm đến nhạc Trúc Phương thật muộn màng. Thời còn trẻ, nhạc Trúc Phương vẫn vang lên hàng ngày bên tai tôi đấy thôi. Tôi biết nhạc của ông có ma lực lôi cuốn, nhấn chìm người nghe vào một nỗi buồn đau có thực. Nhưng không hiểu sao thuở ấy tôi quá vô tâm với ông. Có lẽ tôi không chịu được những sự thật quá đơn giản:

“Người yêu ta rồi cũng xa ta nên chung thân ta giận cuộc đời” (Thói Đời)

Tôi thích hơn những câu hát có ý tưởng lạ :

“Đôi khi thấy trên lá khô một dòng suối” (TCS)

Thuở ấy tôi mơ đến một tình yêu mang phong cách tiền chiến:

“mặt nhìn mặt cầm tay bâng khuâng không nói một câu” (Tô Vũ)

Tôi rất sợ những tối hậu thư kiểu lính:

“Đến với tôi, hãy đến với tôi
Đừng yêu lính bằng lời” (Kẻ Ở Miền Xa)

Và tôi đã quên Trúc Phương cho đến một ngày. Một ngày quê hương không còn tiếng súng. Một ngày tôi và mọi người tự hỏi bây giờ mình sống bằng cách gì đây. Một ngày mà cái đói đã làm chúng tôi quên cả thưởng thức mùi vị của thanh bình. Một ngày tôi ngồi trên chuyến tàu chợ đông nghẹt người, làm “con buôn”. Chuyến tàu hôm đó không “đưa tiễn người trai lính về ngàn” mà đưa người dân ngược xuôi tìm đường mưu sinh và cả đưa nhiều anh bộ đội tìm về quê cũ. Cái không khí ồn ào của một chuyến tàu chợ bổng trầm hẳn xuống khi một người ăn mày mù cất tiếng hát bi thương trong tiếng đàn guitar phím lõm:

“Tôi ở miền xa
Trời quen đất lạ
Nối tiếp đi qua
Thiếu bóng đàn bà

Ngoài kia súng nổ
Đốt lửa đêm đen
Tầm đạn thay tiếng em” (Kẻ Ở Miền Xa)

Có lẽ vì phải sống trong bóng tối, chẳng biết gì về thế sự, người ăn mày mới dám hát “nhạc vàng” vào lúc ấy. Chuyến tàu chợ cứ lắc lư và người ăn mày được… mấy anh bộ đội nài nỉ xin nghe lại bài hát. Lúc này tôi mới thấy hết cái diệu kỳ của nhạc Trúc Phương khi nó làm lay động tất cả mọi người không phân biệt chiến tuyến và tôi nghe như có một giọt nước mắt xúc động lặng lẽ rơi xuống từ trái tim tôi.

Tôi lân la hỏi người ăn mày:

“giải phóng rồi sao bác không hát nhạc cách mạng?”

Bác nói thật thà

“Hát nhạc ấy người ta không cho tiền..”

Từ đó tôi tìm lại nhạc Trúc Phương.

Nghe nhạc Trúc Phương tôi thấy lòng quặn đau, thương anh lính hiền lành nhũn nhặn và có lẽ giới hành khất thích nhạc Trúc Phương vì ông hay “xin” và “cho”:

ai cho tôi tình yêu / để làm duyên nụ cười
xin đừng e ấp
làm tim nghẹn lời (Ai Cho Tôi Tình Yêu)

Khi biên giới của sự sống và cái chết quá mong manh, thì tình yêu, dù là một tình yêu không có đoạn kết vẫn là thứ người ta khao khát nhất.

Thật khác xa với người lính ở bên kia chiến tuyến. Họ được dạy “nhắm thẳng quân thù mà bắn”. Còn người lính của Trúc Phương:

“Tàu xa dần rồi,
Thôi tiếc thương chi
Khi biết người ra đi vì đời” (Tàu Đêm Năm Cũ)

“Vì đời” là một cuộc sống tươi đẹp hơn khi hết chiến chinh hay “vì đời” có nghĩa là lỡ sinh ra trong cuộc chiến này, đời bắt thế thì phải thế chứ chẳng biết kêu ai, oán hận ai?

Hay ông cũng như nhiều người ngây thơ tin theo lời Phạm Duy:

“kẻ thù ta đâu có phải là người
Giết người đi thì ta ở với ai”

Sau cuộc chiến bại, có nhiều người trách Trịnh Công Sơn và Trúc Phương đã viết nên những ca khúc quá bi ai làm nhụt lòng chiến sĩ. Tôi không nghĩ vậy. Chính nhờ Trịnh Công Sơn mà hậu thế sẽ hiểu được trong “hai mươi năm nội chiến từng ngày” người mẹ của cả hai phía đều đau đớn như nhau khi nhìn:

“đàn con khôn lớn ra ngoài chiến trường”

Bởi vì, không còn gì đau hơn cho người mẹ khi sinh con ra mà không được nhìn thấy con sống cuộc đời bình yên hạnh phúc. Sống sao yên khi chính mẹ:

“đưa con về trần tủi nhục chung thân”(TCS)

Số phận bi đát, tâm trạng cô đơn, hoang mang cùng cực của anh lính học trò, được ghi lại trong hầu hết ca khúc của Trúc Phương.

Đơn vị thường khi
Nằm trên đất giặc
Thèm trong hãi hùng
Tiếng hát môi em
Tiếng hát ngọt mềm (Kẻ Ở Miền Xa)

Tôi rất ân hận khi đã từng nghĩ rằng lời nhạc Trúc Phương quá đơn giản. Bây giờ tôi mới ngấm được những câu chữ xé lòng của ông.

“Đi thêm một bước trót nhỡ thêm một bước” (Buồn Trong Kỷ Niệm)

(Từ “trót nhỡ” này rất hay, nhưng nhiều ca sĩ hát thành “trót nhớ” làm mất ý nghĩa câu hát)

Và tình yêu, theo ông là thứ lênh đênh vô định nhất trên đời.

“Yêu thì chưa đến. Tên gọi tên tình chưa đỗ bến”

Và còn nhiều lắm những tâm tình tha thiết, những khát khao được sống, được yêu, được nhìn thấy đất nước thật sự thanh bình trong nhạc Trúc Phương.

Cuộc chiến 20 năm vừa qua quá ngắn ngủi so với 200 năm Trịnh Nguyễn phân tranh, nhưng oan hồn của hàng vạn anh lính trẻ thì có lẽ cho đến bây giờ vẫn chưa siêu thoát. Nỗi đau oan khuất, nỗi cô đơn ngút ngàn như vẫn còn vang vọng trong từng câu hát của Trúc Phương.

Có phải là định mệnh chăng, khi ông viết bài Nửa Đêm Ngoài Phố, là đã báo trước cho mình một cái chết lạnh lẽo, cô độc sau những ngày cuối đời lang thang trên đường phố Saigon.

Bài viết này xin được xem như “giọt lệ ăn năn” tiễn đưa ông ra khỏi cuộc đời “tủi nhục chung thân” 

Lương Lệ Huyền Chiêu

Exit mobile version