Đội bóng đá Miền Nam Việt Nam xưa và chức vô địch SEA Games lần đầu vào 60 năm trước (1959)

Cho đến nay, đội bóng đá của Việt Nam chỉ giành duy nhất 1 huy chương vàng môn bóng đá nam ở đại hội Thể Thao Đông Nam Á, đó là ở Thái Lan năm 1959, và đội đại điện cho Việt Nam tham gia lúc đó là của Miền Nam Việt Nam (đội tuyển bóng đá VNCH). Khi đó đại hội được tổ chức lần đầu tiên và vẫn còn mang tên là SEAP Games (Southeast Asian Peninsular Games), sau này mới đổi thành SEA Games.

Nếu bạn là người yêu thích nhạc xưa, hãy theo dõi kênh YouTube này để nghe đọc các bài cảm nhận về âm nhạc (phân tích ý nghĩa, hoàn cảnh sáng tác, tiểu sử ca nhạc sĩ): LINK YOUTUBE  < Click

Đội bóng đá đại diện cho Quốc Gia Việt Nam này được thành lập để thi đấu quốc tế từ năm 1949 cho đến năm 1975. Ở SEAP Games năm 1959, đội bóng đá của VNCH tham dự và thắng chủ nhà Thái Lan 3-1 để giành huy chương vàng đầu tiên và duy nhất cho đến nay.

Trong 2 thập niên 1950, 1960, đội bóng VNCH được đánh giá là mạnh so với khu vực Đông Nam Á, với các thành tích khác như: Vô địch Giải bóng đá Merdeka lần thứ 10 năm 1966, Vô địch giải quân đội tại Thái Lan năm 1971, vào Bán Kết giải Châu Á năm 1962.

Phạm Huỳnh Tam Lang nâng cao cúp Vàng Merdeka, tổ chức tại Malaysia năm 1966

Một trong những thành tích tiêu biểu nhất của đội bóng VNCH là Vô địch Giải bóng đá Merdeka của Malaysia lần thứ 10 năm 1966 với các trận thắng: Thắng Singapore 2-1, Thắng Nhật 2-0, thắng Đài Loan 3-0 và thắng Miến Điện 1-0 trong trận chung kết. Đội trưởng đội VNCH lúc đó là Phạm Huỳnh Tam Lang – chồng cũ của nghệ sĩ Bạch Tuyết.

Một điều đặc biệt là Huấn luyện viên của đội tuyển VNCH vô địch giải này là ông Karl-Heinz Weigang người Đức, khi đó mới 31 tuổi.

29 năm sau, vào năm 1995, lần thứ 3 đội tuyển bóng đá của Việt Nam thống nhất tái gia nhập SEA Games, và cũng chính ông Weigang đã trở lại và giúp đội Việt Nam giành huy chương bạc SEA Games Chiang Mai năm 1995 – Một giải đấu rất đáng nhớ với người Việt Nam 25 năm trước.

Ở giải đấu quân đội Thái Lan năm 1974, độ VNCH đã vô địch với sự chứng kiến của vua bóng đá Pele.

Đội bóng VNCH đoạt cúp quân đội Thái Lan năm 1974

2 cầu thủ Nguyễn Quốc Bảo và Quang Đức Vĩnh chụp cùng Pele tại Thái Lan năm 1974

Vào thập niên 1970, do ảnh hưởng của chiến tranh nên đội bóng VNCH không còn mạnh và nhiều lần thất bại trước các đội bóng trong khu vực Đông Nam Á.

Lâu nay vẫn có thông tin cho rằng trước năm 1975, đội bóng VNCH vươn tầm châu lục, vượt xa các đội bóng Nhật, Hàn… Tuy nhiên công bằng mà nói, đội bóng VNCH chỉ thực sự mạnh vào khoảng thập niên 1960 với 2 chức vô địch như đã nói ở trên. Ngoài ra, khi đối đầu với đội bóng Nhật Bản, VNCH đã thắng 3 trận nhưng cũng để thua 4 trận, và chưa bao giờ thắng được đội Hàn Quốc. Ngoài trận thắng Miến Điện năm 1966 để giành chức vô địch Merdeka, các trận khác thì VNCH đều bại dưới tay đội Miến Điện. Cụ thể là:
SEAP Games 1961, thua Miến Điện 1-2 ở bán kết.
SEAP Games 1967, thua Miến Điện 1-2 ở chung kết.
SEAP Games 1973, thua miến Điện 2-3 ở chung kết

Ngoài chức vô địch SEAP Games năm 1959, đội VNCH vẫn tham dự SEAP Games ở các năm tiếp theo nhưng không thể lên ngôi lần nữa, điều đó cho thấy là đội bóng VNCH không thể hiện được sự vượt trội so với các đối thủ trong khu vực.

Tuy nhiên, đã có thời điểm đội bóng VNCH sở hữu những tài năng bóng đá kiệt xuất và được vinh danh trong các đội hình tiêu biểu của Châu Á. Điển hình là:

Phạm Huỳnh Tam Lang:

Năm 1966, Tam Lang trong vai trò trung vệ đội trưởng của đội tuyển bóng đá quốc gia VNCH, ông cùng đội tuyển đã giành được cúp Merdeka. Trong năm này, ông và cựu danh thủ Đỗ Thới Vinh đã được mời vào đội tuyển “Ngôi sao châu Á”. Ở cấp câu lạc bộ, Tam Lang từng chơi cho các đội bóng lừng danh thời bấy giờ như AJS (Association de la Jeunesse sporttive) và Cảng Sài Gòn.

Phạm Huỳnh Tam Lang và Bạch Tuyết trong ngày cưới

Phạm Văn Rạng

Được đánh giá là một trong những thủ môn xuất sắc nhất trong lịch sử bóng đá Việt Nam Cộng Hòa. Thời còn thi đấu, cái tên Phạm Văn Rạng đã lan rộng ra khắp châu Á. Báo chí nước ngoài từng ca ngợi và tôn vinh ông là “Đệ nhất thủ môn Á châu” cùng với biệt danh “Lưỡng thủ vạn năng”.

Ông bắt đầu sự nghiệp năm 17 tuổi trong màu áo đội Ngôi sao Bà Chiểu. Hai năm sau, ông được chọn làm thủ môn cho đội tuyển Thanh Niên. Năm 1953, ở tuổi 19 ông được tuyển vào đội tuyển bóng đá quốc gia Việt Nam Cộng Hòa. Cùng với đội tuyển bóng đá quốc gia Việt Nam Cộng Hòa ông đoạt Huy chương vàng môn bóng đá tại SEAP Games lần I (1959) tại Thái Lan.

Các thiếu nữ Nhật vây quanh thủ môn Phạm Văn Rặng để xin chữ ký

Năm 1964, ông chia tay đội tuyển miền Nam Việt, sau 12 năm trấn giữ khung thành. Nhưng, năm 1966, ở 32 tuổi, ông vẫn được mời vào đội tuyển Ngôi sao châu Á thi đấu với CLB Chelsea của Anh. Trận đấu kết thúc với chiến thắng 2 – 1 dành cho đội tuyển Ngôi sao châu Á. Các báo Malaysia và khu vực đã cùng bình luận rằng: người có công lớn nhất cho chiến thắng của đội tuyển châu Á chính là tay thủ môn đến từ Việt Nam có tên Phạm Văn Rạng.

nhacxua.vn tổng hợp

Exit mobile version