Đính chính những giai thoại không đúng về cuộc đời nhạc sĩ Đoàn Chuẩn

Nhiều năm qua, có nhiều kênh thông tin viết về nhạc sĩ Đoàn Chuẩn như thể ông là một “tay ăn chơi” với nhiều mối tình éo le. Tuy nhiên sau này nghệ sĩ Đoàn Đính – con trai của cố nhạc sĩ Đoàn Chuẩn đã khẳng định rằng cha của mình chỉ có một vợ, còn những mối tình khác chỉ là thoảng qua trong đời người nghệ sĩ, là những cảm xúc bay bướm để ông sáng tác nhạc, cũng giống như hầu hết các nhạc sĩ khác.

Không có chuyện “cướp người yêu”

Nhiều trang tin, tờ báo đưa tin về cuộc đời nhạc sĩ Đoàn Chuẩn, nói rằng ông có khá nhiều mối tình kiểu “công tử Bạc Liêu”. Có bài còn đưa thông tin Đoàn Chuẩn từng “hớt tay trên” người yêu của một đại gia bằng cách cho người dùng 2 chiếc xe ô tô chặn đầu, chặn đuôi “tình địch”, còn mình dùng một chiếc xe khác để đón “người đẹp”. Hay câu chuyện về vợ nhạc sỹ từng đi đánh ghen… Trong đó, có nhiều thông tin được cho là có sự xác nhận của người con trai Đoàn Đính.

Hỏi về những mối tình của cố nhạc sỹ Đoàn Chuẩn mà thiên hạ đang có nhiều đồn đoán, nghệ sĩ Đoàn Đính nói: “Có rất nhiều người hỏi tôi, gia đình cũng hỏi. Tôi có bao giờ nói như vậy đâu. Họ dựa vào lời kể của một nghệ sĩ nào đó rồi thêm mắm thêm muối cho câu chuyện sinh động. Bố tôi chỉ có mình mẹ tôi thôi. Ông viết bài “Đường về Việt Bắc” là dành riêng cho vợ”.

Còn về chuyện Đoàn Chuẩn đưa đoàn ô tô cướp người đẹp, ông Đính nói: “Đúng là ông có 6 chiếc ô tô thật nhưng ông là người đàng hoàng nên tôi nghĩ không có chuyện ông đi tranh giành bạn gái như vậy. Ông là người rất vui tính, chăm sóc các con, chăm sóc gia đình và rất nghiêm túc. Còn có nhiều thứ người ta đồn đoán, truyền miệng về cha tôi rất linh tinh. Chuyện về một số mối tình của ông mà nhiều người nhắc đến, tôi nghĩ nó chỉ thoảng qua trong đời một người nghệ sỹ. Có những người đẹp khiến nhiều nghệ sỹ cùng rung động. Ví dụ như bài “Tình Nghệ Sĩ” của bố tôi và bài “Cô Hàng Cà Phê” của nhạc sĩ Canh Thân đều là lấy cảm hứng từ một cô gái”.

Nghệ sĩ Đoàn Đính cũng cho biết, mẹ của ông rất hiền và một lòng yêu chồng, chăm con. Lúc còn sống, bà từng thẳng thắn phát biểu là cụ ông muốn thế nào bà cũng chiều theo và bà luôn tạo mọi điều kiện cho chồng sáng tác mà không một lời oán thán, trách móc. Chính vì vậy không thể có chuyện bà từng đi “đánh ghen”.

Sau đây là nguyên văn lời của bà Nguyễn Thị Xuyên – vợ của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn:

“Ông lãng mạn đa tình lắm. Có vậy ông mới viết được bài hát hay thế. Ông muốn ngang thì ngang, muốn dọc thì dọc, tôi chiều ông hết. Bổn phận của tôi là chăm sóc chồng, nuôi con, lúc nào cũng an phận chịu đựng. Ông không biết đến sinh kế gia đình, con cái… Đời ông phóng khoáng. Nghe nhạc ông lúc nào tôi cũng ngạc nhiên – sao ông tài thế? Mỗi bài hát là kỷ niệm một mối tình đi qua đời ông. Ông chỉ viết một bài cho tôi, hồi đó ông chưa lơ mơ ai cả. Ông viết Đường Về Việt Bắc, nhớ nhà, nhớ vợ và màu tím áo lụa Hà Đông tôi mặc khi còn đi học. Đôi khi tôi cũng buồn vì ông tặng tình ca cho người phụ nữ khác. Nhưng lấy chồng nghệ sĩ, số mình chịu vậy”.

Nhắc lại quá khứ, Đoàn Chuẩn cũng được biết đến như một người hào hoa thích phiêu lưu trong tình yêu. Nhiều bài báo, cuốn sách trích dẫn lời kể của người cùng thời về cuộc tình của ông với các ca sĩ Mộc Lan, Thanh Hằng có sắc nước hương trời.

Nhạc sĩ Lê Hoàng Long (tác giả bài hát Gợi Giấc Mơ Xưa) viết một cuốn sách kể rằng nhạc sĩ Đoàn Chuẩn đã bỏ ra một số tiền lớn tặng cho người đẹp Mộc Lan mỗi ngày một bó hoa tươi thắm trong suốt 3 tháng trời mà không nêu danh tính. Hay chuyện ông đưa người đẹp đi chơi Đồ Sơn tại bãi biển dành cho giới thượng lưu, thuê ô che nắng cho xe hơi, xe chạy đến đâu tính tiền đến đó, mà ông cho xe ra tận mép nước để nàng không phải đi bộ.

Ngoài ra, nhà thơ Nguyễn Bảo Sinh, từng là học trò guitar Hawaii của Đoàn Chuẩn, kể chuyện từng chứng kiến cảnh người thầy ân ái với ca sĩ Thanh Hằng trong ngôi nhà ở phố Chợ Gạo, nhìn từ phố Ô Quan Chưởng thấy rất rõ. Năm đó, nhà thơ khoảng… 10 tuổi, còn chưa theo học thầy Đoàn Chuẩn.

Tuy nhiên gần đây, nghệ sĩ Đoàn Đính lên tiếng phủ nhận những giai thoại về người cha của mình: “Tất cả là thêu dệt. Ông tính nghệ sĩ nhưng cũng có giới hạn. Người ta mến mộ ông quá nên thêu dệt nên chuyện yêu đương phiêu lưu vậy thôi. Sinh thời ông không hề kể về những chuyện này. Riêng chuyện tặng hoa hồng tôi cho là tưởng tượng, cha tôi không nhiều tiền đến thế đâu. Chuyện đi Đồ Sơn thì có thật, nhưng không ghê gớm đến như người ta nghĩ, không khác gì chuyện gửi xe hơi thời nay cả. Nhưng tôi thừa nhận thế này, sinh thời ông có những tình cảm mang đến nguồn cảm hứng mãnh liệt giúp ông viết nên những bản tình ca say đắm. Nếu đó chỉ là tình cảm tưởng tượng thì không thể nào chân thực và có sức sống trong lòng người đến thế. Đó là cái tài và cái duyên của cha tôi, tôi vẫn thường nói đùa là nếu tôi có 10 bóng hồng trong đời thì cũng không thể nào sáng tác được như ông”.

Tuy nhiên, sau tất cả thì dù là hư hay thực, những câu chuyện đó giờ không quan trọng nữa, người xưa đều đã khuất bóng, những gì mà hậu thế nhận được là những bài ca bất tử làm đẹp cho đời, như vậy là quá đủ. Và bởi vì một nhạc sĩ nổi tiếng đến như Đoàn Chuẩn thì các giai thoại hoang đường cũng trở thành một phần không thể tách rời của cuộc đời ông.

Những giai thoại hoang đường về nhạc sĩ Đoàn Chuẩn

Những giai thoại là một phần của đời sống những người nghệ sĩ hào hoa, phong lưu thuở trước. Nhạc sĩ Đoàn Chuẩn cũng không thể tránh bị người đời thêu dệt lên những huyền thoại hư hư, thật thật về cuộc đời ông. Dưới đây xin chép ra những giai thoại đó về cuộc đời của Đoàn Chuẩn.

(Những giai thoại này đã được nghệ sĩ Đoàn Đính khẳng định là không có thật)

Đầu tiên là giai thoại nổi tiếng, đậm chất Hàn Quốc thời nay: Công tử Đoàn Chuẩn giấu mặt, nhờ cửa hàng bán hoa mang đến 1 bó hoa hồng tươi thắm vào mỗi buổi sáng cho người đẹp trong suốt 3 tháng trời mà không nêu danh tính của người tặng.

Câu chuyện hoang đường này được nhạc sĩ Lê Hoàng Long (tác giả của ca khúc Gợi Giấc Mơ Xưa) kể trong cuốn sách “Chuyện Tình Các Nhạc Sĩ Tiền Chiến”. Xuất phát từ câu chuyện này mà đã có rất nhiều dị bản khác nhau rất ly kỳ được người ta thêu dệt.

Mời bạn đọc giai thoại này:

Khi ca sĩ Mộc Lan (một danh ca nổi tiếng về tài và sắc trong thập niên 1950) ra trình diễn tại nhà Hát Lớn Hà Nội, Đoàn Chuẩn có đi nghe cô hát, ra về ông đem lòng thầm yêu trộm nhớ. Sau hơn 10 ngày Bắc du, cô trở lại Sài Gòn. Được tin cô đã vô Nam, Đoàn Chuẩn lên Hà Nội rồi đáp máy bay vào Sài Gòn. Mất ít ngày thăm dò, Đoàn Chuẩn biết được địa chỉ nhà riêng của ca sĩ Mộc Lan đầy hương sắc này. Đoàn Chuẩn còn biết lúc này cô đã thôi chồng (là nhạc sĩ Châu Kỳ), nhưng ông không đến nhà. Ông ra đại lộ Charner (nay là Nguyễn Huệ), vào một kiosque bán hoa tươi. Gặp chủ nhân, Đoàn Chuẩn nhỏ ý muốn đặt tiền trước cả tháng để mỗi sáng, tiệm cho người mang đến địa chỉ cô Mộc Lan (lúc ấy cô ở đường Espagne – nay là đường Lý Chính Thắng – Tân Định) một bó hồng tươi đỏ thắm. Khi đưa hoa không được nói tên ai gửi tặng. Đoàn Chuẩn không quên ghi lại địa chỉ của ông ngoài Hải Phòng để có gì cần thì liên lạc với ông. Đoàn Chuẩn cũng biết rõ chồng cũ của cô, là một ca sĩ kiêm nhạc sĩ – Châu Kỳ. Vợ chồng cô là một cặp nghệ sĩ hát chung trên sân khấu, được khán giả ái mộ.

Đúng như dự đoán của Đoàn Chuẩn, qua một tuần lễ đầu, Mộc Lan hỏi thế nào người đưa hoa cũng chỉ trả lời vắn tắt là không biết rõ danh tính của người gửi tặng, chỉ làm theo lệnh của chủ mà thôi. Một tuần sau rồi một tuần sau nữa cũng vậy, cô ca sĩ xinh đẹp không còn chịu đựng được nữa nên khước từ không nhận hoa nữa, nếu không được biết tên người tặng hoa. Người đưa hoa cung kính xin được về hỏi ý kiến chủ và hẹn xin trả lời sau.

Cô ca sĩ hoa khôi đành phải bằng lòng và nhận hoa hàng ngày như trước.

Về tiệm, người đưa hoa kể, trình lại chủ câu chuyện. Ông chủ vội vàng đánh điện tín ra Bắc để xin ý kiến của Đoàn Chuẩn. Đoàn Chuẩn thấy thời gian tặng hoa đã kéo dài cả 3 tuần lễ rồi nên bằng lòng cho nói tên và địa chỉ.

Được lệnh chủ, một sáng, như thường lệ, người đưa hoa lúc gặp cô ca sĩ, mặt vui tươi, hớn hở nói:

– Tôi đã được phép thưa để cô rõ danh tánh của người tặng hoa cô hàng ngày là nhạc sĩ Đoàn Chuẩn.

Sau phút bàng hoàng, sự ngạc nhiên tột độ hiện rõ trên nét mặt, cô hỏi thêm địa chi của Đoàn Chuẩn. Với sự bén nhạy và lém lỉnh, người đưa hoa lại trả lời là địa chỉ thì không biết, xin để về hỏi và sẽ trả lời cô sau. Vài ngày sau, người đưa hoa mới trao cho cô một tờ giấy ghi rõ địa chỉ của chàng nhạc sĩ hào hoa, đa tình họ Đoàn ấy. Mộc Lan rất lịch thiệp, ngỏ lời cảm ơn và còn tặng người đưa hoa ít tiền để uống cà phê.

Người đưa hoa vừa ra về, Mộc Lan vội vào bàn, lấy giấy viết thư ra cám ơn Đoàn Chuẩn và ngỏ ý hy vọng sẽ có ngày hội ngộ rất gần. Trong thời gian này, ở Hải Phòng, Đoàn Chuẩn cũng rất nóng lòng chờ xem thái độ của người đẹp ra sao, sau khi nhận được thư tường trình của ông chủ tiệm hoa, Đoàn Chuẩn còn ra bưu điện gửi bưu phiếu điện tín vào để tiệm hoa cứ tiếp tục tặng hoa mỗi sáng trong hai tháng kế tiếp nữa.

Đang bồn chồn ngóng tin thì đùng một sáng, Đoàn Chuẩn nhận được thư của Mộc Lan. Bóc vội ra coi, đọc đi đọc lại với trăm ngàn ý nghĩ trong đầu.

Buổi trưa hôm ấy, khác hẳn với mọi ngày, Đoàn Chuẩn trằn trọc không làm sao chợp mắt được, một lúc sau, tiếng chuông đồng hồ treo trên tường vang lên một tiếng chuông cụt lủn.

Đoàn Chuẩn vụt ngồi dậy lấy giấy ra cắm cúi ghi dòng nhạc chảy từ con tim lai láng, tràn trề như dòng suối trong vắt nhưng cũng vẫn có lúc như ngập ngừng vì đá ghềnh ngăn cản. Điệu nhạc được ghi xong trọn vẹn, Đoàn Chuẩn đặt đầu đề cho sáng tác này là Gửi Gió Cho Mây Ngàn Bay. Hát lại thấy ưng ý, Đoàn Chuẩn chép ra một tờ giấy hoa tuyệt đẹp, phun nước hoa rồi cho vào phong bì gửi ngay vào Nam cho Mộc Lan.

Ở trong Nam, Mộc Lan nhận được thư, tưởng Đoàn Chuẩn sẽ viết dài cho cô lắm, nhưng khi vội vã bóc thư, cô chỉ thấy có một tờ giấy hoa, thơm phức, chép thật cẩn trọng một bài nhạc tên Gửi Gió Cho Mây Ngàn Bay với lời đề tặng Mộc Lan thật thiết tha, trìu mến. Cùng là nghệ sĩ với nhau, Mộc Lan thừa biết chỉ một bài nhạc với lời ca cô đọng, dù ngắn cũng đã nói quá đủ hơn cả chục trang thư viết dài dòng. Mộc Lan còn thấy sung sướng và cảm động hơn, thấy rõ bài nhạc này ghi rõ ngày, giờ sáng tác, biết hơn ai hết là tác giả đã sáng tác được là vì mình và cho riêng mình. Mộc Lan cảm động vô cùng.

Sau lá thư đầu tiên và bài nhạc nói hết nỗi lòng, mà tình trong như đã mặt ngoài còn e, Đoàn Chuẩn và ca sĩ hoa khôi thư từ cho nhau liên tục như thoi đưa.

Thế rồi cô lên đường ra Bắc. Nhận được điện tín báo tin, đúng ngày, Đoàn Chuẩn đã đích thân ra tận phi trường Gia Lâm để đón người đẹp. Đoàn Chuẩn đưa Mộc Lan về ở tại khách sạn lớn nhất Hà Nội, một khách sạn sang trọng, đắt tiền chỉ những người ngoại quốc hoặc những người giàu có, quyền thế mướn phòng mà thôi. Đó là Hôtel Métropole ở giữa đại lộ Tràng Tiền, gần nhà hát lớn thành phố.

Thời ấy tôi được biết riêng tiền hoa tươi thay ngày ba lần cũng đủ để cho một gia đình lo được ba bữa khá thịnh soạn. Dịp ra Hà Thành này của hoa khôi Mộc Lan lại đúng vào mùa Thu, mùa đẹp đẽ, nên thơ nhất trong bốn mùa. Vào Thu là có gió heo may lướt thướt về, có lá vàng lác đác rụng phủ lưa thưa trên các đại lộ, có Hồ Gươm như mơ màng, lúc ẩn lúc hiện sau màn sương, trầm buồn với hàng liễu phủ ven hồ. Cảnh vật, không khí lành mạnh, dưới mắt mọi người đã nên thơ, đáng yêu, đáng mến với văn nghệ sĩ thì càng nên thơ hơn để dễ dàng có cảm hứng tạo ra được những tác phẩm tuyệt vời!

Đoàn Chuẩn và Mộc Lan, một cặp uyên ương nghệ sĩ ngụp lặn trong cuộc tình thật thơ mộng mà chắc chắn rằng dù thời gian không lâu dài năm này sang năm khác, những kỷ niệm của tình nghệ sẽ không những không bao giờ phai nhạt mà còn sống và sáng mãi trong tim, trong óc cho đến cuối cuộc đời.

Mối tình Nam – Bắc xa xôi ngàn dặm của anh và Mộc Lan đã là ngọn lửa hồng thiêu cháy tim anh để anh có được tác phẩm đầu tay Gửi Gió Cho Mây Ngàn Bay để rồi từ đó có đà cho anh sáng tác được nhiều nhạc phẩm sau này. Bây giờ Đoàn Chuẩn không còn sống ở thành phố cảng Hải Phòng mà về sống tại đường Cao Bá Quát, Hà Nội…

(…)

Sau khi đọc xong câu chuyện kể này, cảm nhận của người đọc là: Chuyện kể lại như trong cuốn tiểu thuyết diễm tình nào đó. Có những câu nói, những cảm xúc, suy nghĩ rất riêng tư của 2 nhân vật chính được tác giả Lê Hoàng Long kể lại giống như là ông được trực tiếp chứng kiến. Theo lẽ thường thì những dòng cảm xúc riêng tư như vậy không dễ gì các nhân vật trong bài có thể kể lại cụ thể để cho ông Lê Hoàng Long chép lại một cách chi tiết tỏ tường đến như vậy.

Ngoài ra tác giả Lê Hoàng Long cũng có những chi tiết viết sai sự thật là ca khúc Gửi Gió Cho Mây Ngàn Bay không phải là ca khúc đầu tay của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn, cũng không phải là ca khúc viết tặng cho Mộc Lan, mà là viết cho Thanh Hằng (chi tiết này được nghệ sĩ Đoàn Đính xác nhận).

Từ câu chuyện ly kỳ này, có thêm dị bản như sau:

Sau khi giấu mặt để tặng hoa trong gần 3 năm, khi bông hoa thứ 1.000 được tặng thì nhạc sĩ Đoàn Chuẩn mới xuất hiện trước cửa nhà nàng và hỏi: “Suốt 3 năm qua, có bông hoa nào mà em không thích không?” – (Có lẽ người sáng tác ra câu chuyện tưởng tượng này đã xem phim Hàn Quốc quá nhiều chăng?)

Một giai thoại khác cũng liên quan tới ca khúc Gửi Gió Cho Mây Ngàn Bay được kể lại, rằng thuở ấy, nhạc sĩ Đoàn Chuẩn đem lòng si mê người đẹp tên Thanh Hằng ngay lần đầu gặp gỡ dù lúc đó ông đã có vợ con. Thời điểm đó, với danh xưng là người đẹp Hà thành, cô được nhiều công tử con nhà quyền quý săn đón. Dù vậy, trái tim nàng chỉ cảm kích và lỗi nhịp trước tâm hồn hào hoa, sự từng trải và tài năng nghệ sĩ của Đoàn Chuẩn. Mối tình ngang trái nhưng đầy lãng mạn ấy đã nổi tiếng một thời với biết bao giai thoại. Thanh Hằng không những trở thành nàng thơ mà còn trở thành nhân vật nữ chính trong những câu chuyện kinh điển gắn liền với tên tuổi của vị “công tử bạc Liêu xứ Bắc Kỳ”.

Trong một lần ngẫu hứng, Đoàn Chuẩn đã đưa Thanh Hằng xuống biển Đồ Sơn. Trong khi nhiều người gửi xe trên bờ và đi bộ xuống biển thì ông lại cho xe chạy xuống bờ cát chỉ bởi ước muốn có người tình là: “Chỉ cần bước chân ra khỏi xe là có thể chạm ngay vào những con sóng”.

Sau khi phi xe xuống thẳng bờ cát và bị nhắc nhở, Đoàn Chuẩn đã khoát tay và bảo “Xe chiếu bóng đến đâu thì trả tiền đến đó”.

Một giai thoại khác kể về sự “chơi ngông” kiểu công tử nhà giàu của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn, giai thoại này bị nghệ sĩ Đoàn Đính phủ nhận như đã ghi ở bên trên:

Một hôm, nhạc sĩ Đoàn Chuẩn đến đón người yêu đi chơi nhưng đã thấy chiếc xe ô tô của vị công tử khác đỗ trước cổng nhà nàng từ bao giờ. Bực mình, ông liền cho 2 chiếc xe khác tới khóa đầu, khóa đuôi chiếc xe kia. Khi chàng công tử kia còn đang khóc dở mếu dở vì xe lùi không được mà tiến cũng không xong thì Đoàn Chuẩn đã ung dung đưa người đẹp đi chơi.

(nhacxua.vn biên soạn)

Exit mobile version