Danh hề Tùng Lâm – Nghệ sĩ hài cuối cùng của làng văn nghệ Sài Gòn xưa

Những năm tháng cuối đời, khi được hỏi về những người bạn, đồng nghiệp năm xưa, danh hề một thuở Tùng Lâm đã nói trong nghẹn ngào: “Mấy người đó bỏ tui đi hết rồi. Có lúc ngủ nằm mơ thấy họ ngồi với nhau cười nói, rồi quay qua hỏi tôi là ‘sao lâu quá chưa thấy lên đây?’, tôi giật mình ngồi dậy mà bần thần, vì không biết lúc nào đến lượt mình”.

Nếu bạn là người yêu thích nhạc xưa, hãy theo dõi kênh YouTube này để nghe đọc các bài cảm nhận về âm nhạc (phân tích ý nghĩa, hoàn cảnh sáng tác, tiểu sử ca nhạc sĩ): LINK YOUTUBE  < Click

Tới sáng ngày 15/10/2023, người nghệ sĩ hài cuối cùng của làng văn nghệ miền Nam xưa cũng đã rời dương thế, chính thức kết thúc một đời nghệ sĩ lừng lẫy và nhiều thăng trầm.

Cựu phu nhân của cố danh hài Tùng Lâm là nữ nghệ sỹ Bạch Lan Thanh. Thời thập niên 80, cô là diễn viên chánh trong đoàn kịch nói Bông Hồng, cùng đoàn với Hoa Hạ (Ánh Phượng), Đoàn Mai Phương, Đoàn Mai Lan, Mai Huỳnh. Cô từng đóng vai Nila trong vở diễn Nila – Cô Gái Đánh Trống Trận trên sân khấu kịch Bông Hồng, diễn chung với Nguyễn Chánh Tín. Năm 1980, cô đóng vai phản diện trong phim điện ảnh trắng đen Câu Lạc Bộ Không Tên của cố đạo diễn Nguyễn Khắc Lợi. Thập niên 90, Bạch Lan Thanh lập gia đình với đạo diễn kiêm nhà thiết kế thời trang. Cô từ giã nghiệp diễn, chuyển sang lãnh vực thiết kế thời trang.

Mê ca hát từ nhỏ, cậu bé Lâm Ngươn Phẩm (tên thật của Tùng Lâm) khi mới 14 tuổi đã tham gia cuộc thi tuyển lựa giọng ca thiếu nhi ở đài phát thanh Saigon Radio (tiền thân của đài Pháp Á) năm 1948 và được giải nhất với ca khúc An Phú Đông, lúc đó ông chọn nghệ danh là Văn Tâm. Do chiều cao khiêm tốn nên ông bị bạn bè trêu chọc là “Tâm lùn”. Với bản tính hài hước, sau này ông biến đổi lời trêu chọc đó để thành nghệ danh mới cho mình: “Tâm lùn” nói lái lại thành Tùng Lâm.

Năm 1952, ông tiếp tục giành giải nhất cuộc thi tuyển lựa ca sĩ của đài Pháp Á với ca khúc Tiếng Dân Chài của nhạc sĩ Phạm Đình Chương. Đó cũng là lúc ông chính thức chọn nghệ danh là Tùng Lâm.

Thời gian đầu đi hát, ông kết hợp với Lam Phương (sau này là nhạc sĩ nổi tiếng) và Vân Hùng (sau này là kịch sĩ nổi tiếng) để thành ban tam ca, xuất hiện thường xuyên trên các đài phát thanh ở Sài Gòn từ giữa thập niên 1950, trình diễn các ca khúc do nhạc sĩ Lam Phương vừa mới sáng tác như Khúc Ca Ngày Mùa, Nhạc Rừng Khuya, Đoàn Người Lữ Thứ… Có thể thấy những ca khúc đầu tay này của Lam Phương sáng tác rất thích hợp cho hợp ca, tức là dành cho bộ ba này trình diễn đầu tiên. Ngoài ra họ còn trình diễn những ca khúc của các nhạc sĩ khác, như Ô Mê Ly, Đoàn Lữ Nhạc, Ngựa Phi Đường Xa, Khúc Nhạc Dưới Trăng…

Tam ca Lam Phương – Vân Hùng – Tùng Lâm

Được một thời gian thì nhạc sĩ Lam Phương rẽ riêng sang con đường sáng tác và sau đó trở thành một trong những nhạc sĩ được yêu thích nhất của âm nhạc miền Nam, còn Vân Hùng chọn trở thành kịch sĩ chuyên nghiệp. Riêng Tùng Lâm không có lợi thế về ngoại hình, ông dần ít hát tân nhạc và tìm cho mình một hướng đi riêng, đó chính là trình diễn những ca khúc hài hước, giống như người đàn anh là Trần Văn Trạch.

Từ đó, sự nghiệp của danh hề nhỏ con có chiều cao chưa tới 1m55 nhưng có lối diễn xuất duyên dáng đã chinh phục khán giả miền Nam với các tiều phẩm hài hước. Người đầu tiên diễn hề thể loại Standup Comedy là “quái kiệt” Trần Văn Trạch, và người nối tiếp xuất sắc chính là Tùng Lâm, đã rực sáng ở các sân khấu khắp miền Nam từ những năm cuối thập niên 1950.

Khoảng giữa năm 1958, trong một đại nhạc hội có tên “Minh tinh – Quái kiệt” tổ chức trong khuôn viên Dinh Độc Lập (dinh Norodom cũ), nghệ sĩ Tùng Lâm lần đầu tiên được quảng cáo với biệt danh là “Tiểu quái kiệt” Tùng Lâm. Đó chính là sự xác nhận chính thức của Tùng Lâm về việc ông sẽ đi theo con đường của quái kiệt Trần Văn Trạch.

Tùng Lâm cho biết từ thuở nhỏ, lúc còn lang thang ở các gánh hát, ông có đi theo học nghề nghệ sĩ Trần Văn Trạch, “học lóm” từ ông thầy này rất nhiều ngón nghề. Đặc biệt, trong loạt chương trình Tiếu Vương Hội phát trên truyền hình và ghi âm, những kiểu gây cười bằng cách bắt chước các loại âm thanh, tiếng động cũng là học từ Trần Văn Trạch.

Trong suốt thập niên 1960, nghệ sĩ Tùng Lâm đứng ra tổ chức các “đại hội tiếu lâm hài hước”, được gọi là “Ban tạp lục”, quy tụ nhiều cây hài hàng đầu của làng nghệ thuật, rất thu hút khán giả. Trong một đêm diễn như vậy có nhiều loại hình khác nhau: Ca múa, kịch, nhạc, cải lương, độc tấu nhạc cụ, ảo thuật và tiếu lâm hội. Tùng Lâm vừa là ông bầu, vừa dẫn chương trình, đồng thời cũng là nghệ sĩ biểu diễn. Đi cùng với sự phát triển của xã hội dân chủ, các mục biểu diễn của Tùng Lâm ngày càng đi sâu vào việc châm biếm xã hội, phê phán đời sống thông qua những câu chuyện hài hước sâu cay, được phần đông khán giả tán thưởng.

Với vai trò là một “ông bầu” tổ chức các Đại nhạc hội, Tùng Lâm còn nhận đào tạo học trò, và “lò nhạc” Tùng Lâm cũng nổi tiếng với các học viên sau này trở nên nổi tiếng như Trang Thanh Lan, Trang Kim Yến, Phượng Mai, Trang Mỹ Dung… Danh ca Chế Linh cũng từng có thời gian được Tùng Lâm hướng dẫn ca hát trong những năm đầu tiên.

Những năm điện ảnh Sài Gòn trở nên sội động thời kỳ cuối thập niên 1960, đầu thập niên 1970, Tùng Lâm cùng những nghệ sĩ hài khác xuất hiện rất nhiều trong các phim điện ảnh, hầu hết đều là vai phụ, với vai trò tạo tiếng cười trong phim. Một lần hiếm hoi Tùng Lâm đóng vai chính, bên cạnh các danh hề khác La Thoại Tân, Khả Năng, Thanh Việt là phim Tứ Quái Sài Gòn năm 1973, với sự tham gia diễn xuất của 2 nghệ sĩ tài năng Kim Cương và Thẩm Thúy Hằng.

Theo Sina, trong quá trình dựng kịch bản Thiếu Lâm túc cầu (Đội Bóng Thiếu Lâm) vào năm 2001, tổng đạo diễn Châu Tinh Trì đã nghiên cứu và áp dụng phương pháp gây cười trong thể thao của Tứ Quái Sài Gòn của bộ tứ Tùng Lâm, Thanh Việt, Khả Năng và La Thoại Tân trong phim Tứ Quái Sài Gòn.

Đi cùng với sự nghiệp thành công rực rỡ, có được tiền bạc lẫn danh tiếng, Tùng Lâm lại tiêu xài tiền bạc hoang phí. Mỗi lần nhận được không đếm xuể, đem về bỏ vô tủ gạc-măng-rê (garde-manger) – theo lời kể của vợ ông là bà Trang. Tuy nhiên tiền mà ông kiếm được đã kéo nhau vào sòng bạc, và đặc biệt là cột mốc 30/4/1975 đã làm thay đổi cuộc đời và sự nghiệp của ông.

Các tiết mục kịch, nhạc hài hước lúc đó không còn đất diễn, Tùng Lâm sống âm thầm suốt 8 năm trời. Cho tới năm 1983, nhờ người quen giới thiệu, ông tham gia vào đoàn ca múa nhạc tỉnh. Nhờ có kinh nghiệm làm bầu sô, giỏi quản lý, ông được giao chức Phó đoàn. Tại đây ông quen biết với người vợ thứ 2 của mình là diễn viên Thu Trang, là thành viên trong đoàn nhạc. Người vợ đầu cùa ông là nghệ sĩ Bạch Lan Thanh.

Trong những năm này, nhiều người hâm mộ đã để nghị cho Tùng Lâm ghép chung đi vượt biên không cần tiền bạc, nhưng ông đã từ chối vì không muốn rời xa quê hương, nơi ông được sinh ra và đã cưu mang ông từ những ngày đầu lang thang tập hát cho tới khi đạt tới được đỉnh cao danh vọng. Bởi vì những năm sau này dù gặp nhiều khốn đốn, nghệ sĩ Tùng Lâm vẫn muốn ở lại Việt Nam, chọn nằm lại trên quê hương.

Năm 1992, ông rời đoàn Hậu Giang, trở lại Sài Gòn cộng tác với các hãng băng đĩa để ghi âm tiết mục hài, đi diễn với những người cùng thời như Tòng Sơn, Giang Tử. Ông được mời dựng nên một nhân vật hài mới, tương tự nhân vật Tư Ếch trước năm 1975, đặt tên là Hai Nhái. Tuy nhiên, loạt ghi âm này cũng không bùng nổ được như các tiết mục ông đã sáng tạo trước 1975.

Năm 2005, ông bị đột quỵ nặng và giã từ sân khấu. Những năm cuối đời, ông được vợ và con kề cận chăm sóc. Vợ ông là Thu Trang cho biết vào đầu năm 2023 là dù sức khỏe rất yếu nhưng ông vẫn nhớ nghề, thỉnh thoảng ông mất ngủ, tối nào cũng gọi tên cha mẹ, những người thân quen từng biểu diễn chung. Thậm chí, ông còn lấy áo vest ra mặc vì nhớ sân khấu.

Nghệ sĩ Tùng Lâm vĩnh viễn ra đi vào 5 giờ sáng ngày 15/10/2023, kết thúc một đời nghệ sĩ nhiều thăng trầm.

nhacxua.vn biên soạn

Exit mobile version