Trong làng hài của Sài Gòn trước năm 1975, có một người không cần diễn, chỉ cần bước ra sân khấu là khán giả đã cười rần rần, đó là nghệ sĩ Tùng Lâm.
Ông là một nghệ sĩ rất đa tài, tham gia trong hầu hết các lĩnh vực nghệ thuật, từ tân nhạc sang cổ nhạc, từ điện ảnh đên sân khấu thoại kịch, bao gồm cả chính kịch lẫn hài kịch. Ông cũng là ông bầu nổi tiếng, trưởng Ban Tạp Lục với các nữ ca sĩ có tên bắt đầu bằng chữ Trang: Trang Mỹ Dung, Trang Thanh Lan, Trang Kim Yến…
Nghệ sĩ Tùng Lâm sinh ngày 1/3/1934 tại Sài Gòn, tên thật là Lâm Ngươn Phẩm, là con út trong gia đình có 10 anh chị em ở gầm chợ Tân Định. Cha của ông là một trạng sư (gần giống với luật sư ngày nay) có tiếng ở Sài Gòn thời đó.
Thuở nhỏ, vì gia cảnh khốn khó, ông thường theo bạn bè ngao du đàn hát kiếm kế sinh nhai, có lúc phiêu bạt sang tận Phnom Penh, rồi may mắn được nhạc sĩ Lê Bình dạy cho hát tân nhạc và chơi mandoline rất thuần thục.
Tùng Lâm đến với sinh hoạt văn nghệ từ rất sớm. Khi mới 14 ông đã đạt giải nhất cuộc thi hát thiếu nhi do đài phát thanh Saigon-Radio (tiền thân của đài Pháp Á) tổ chức với ca khúc An Phú Đông của thầy của mình là nhạc sĩ Lê Bình. Sau đó đến năm 1952, ông lại chiếm giải nhất trong cuộc thi tuyển lựa ca sĩ của đài phát thanh Pháp Á tổ chức với ca khúc Tiếng Dân Chài của nhạc sĩ Phạm Đình Chương.
Nghệ danh ban đầu của ông là Văn Tâm. Vì chiều cao khiêm tốn nên ông bị bạn bè trêu chọc là “Tâm lùn”. Với bản tính hài hước, ông biến đổi lời trêu chọc đó để thành nghệ danh mới cho mình: “Tâm lùn” nói lái lại thành Tùng Lâm.
Thập niên 1950, bộ ba Lam Phương – Vân Hùng – Tùng Lâm thường hát chung với nhau trong các buổi phát thanh tại Sài Gòn. Ban tam ca này trình diễn rất ăn ý các nhạc phẩm Khúc Ca Ngày Mùa, Nhạc Rừng Khuya, Ô Mê Ly, Đoàn Lữ Nhạc, Ngựa Phi Đường Xa, Khúc Nhạc Dưới Trăng, Thiên Thai…
Được một thời gian thì nhạc sĩ Lam Phương rẽ riêng sang con đường sáng tác và sau đó trở thành một trong những nhạc sĩ được yêu thích nhất của âm nhạc miền Nam, còn Vân Hùng chọn trở thành kịch sĩ chuyên nghiệp, chỉ còn Tùng Lâm tiếp tục đi hát ở các phòng trà và vũ trường, chuyên trình diễn những bài hài hước.
Vào năm 1958, tại đại nhạc hội “Minh tinh – Quái kiệt” tổ chức trong khuôn viên dinh Norodom, biển quảng cáo trương tên ông với biệt hiệu Tiểu quái kiệt Tùng Lâm, đó là lúc tên tuổi của ông được vang danh khắp cả nước.
Nghệ sĩ Tùng Lâm bắt đầu bước sang lĩnh vực sân khấu kịch một cách rất tình cờ. Khi ban kịch Dân Nam diễn vở Tàn Cơn Ác Mộng, kịch sĩ Vân Hùng đột ngột trả vai là nhân vật một người cùi, kém sắc vóc. Tùng Lâm xung phong nhận vai, nhưng ra điều kiện là diễn theo ý của ông chứ không bám theo kịch bản. Vai diễn thành công ngoài mong đợi, ông được giao tiếp vai cậu chủ trong vở “Mua Chút Tình Thương”, Vân Hùng vào vai người ở.
Tuy nhiên lúc đó Vân Hùng đang cạo đầu trọc không nhận vai nên vai người ở được giao lại cho Tùng Lâm. Do không chuẩn bị trước, ông mượn cái quần lửng của một nghệ sĩ múa trong đoàn mặc. Mới bước ra sân khấu, khán giả cười rần rần. Sau thành công với một vai hài khác nữa trong vở “Cây Đàn Bỏ Quên”, Tùng Lâm chính thức chuyển sang lĩnh vực hài kịch.
Theo nghệ sĩ Tùng Lâm cho biết, chọc cho khán giả cười nhiều lúc còn khó hơn làm cho họ khóc. Người nghệ sĩ hài phải biết chắt chiu ngôn từ để không sa vào cái hài vụn vặt, rẻ tiền. Trước đây, mỗi danh hài đều có nét đặc trưng: Văn Chung cười dê, Khả Năng trầm tĩnh, Văn Hường ca vọng cổ, Thanh Việt nhép nhép bộ ria… không ai bắt chước ai.
Năm 1960, Tùng Lâm mở Ban tạp lục và Đại nhạc hội, biểu diễn nhiều thứ, từ ca múa, nhạc, kịch, cải lương, ảo thuật… Ngoài việc làm bầu sô, ông kiêm luôn vai trò dẫn chương trình. Cùng Châu Kỳ và Duy Ngọc, Tùng Lâm được xếp vào tam đại bầu sô, các chương trình tạp kỹ rất đắt vé các rạp lớn Quốc Thanh, Olympia, Thanh Bình.
Khoảng cuối thập niên 1960, có một thời gian Tùng Lâm cùng Túy Phượng và Tùng Giang lập Tam ca Muôn Phương, thường xuyên hoạt động trong gánh Dân Nam. Ban chọn lối ăn vận Nam Mỹ, trình diễn các ca khúc Latin sôi động: Tùng Lâm đánh guitar, Tùng Giang chơi congo, còn Túy Phượng lắc tamburan.
Sự nghiệp Tùng Lâm đạt đỉnh thịnh ở thập niên 1970, khi ông cùng Hoàng Mai, Khả Năng, Phi Thoàn, Thanh Hoài, Thanh Việt, Văn Chung được báo chí mệnh danh là Thất hài đế, mà Tùng Lâm thường được xếp vị trí ưu ái nhất. Ông được đặt biệt danh Hề Lùn vì chỉ cao 1m54, nặng 49 cân, để phân biệt với các bạn diễn. Khi diễn chung, Tùng Lâm thường được sánh đôi với Khả Năng (Hề Mập) hoặc Thanh Việt (Hề Râu) để chọc cười bằng ngoại hình.
Có một thời gian Tùng Lâm được mời làm nghệ sĩ chuyển âm (bây giờ gọi là lồng tiếng) các phim Nhật, Ấn Độ của các hãng Mỹ Phương, Mỹ Vân, Lido… Nhờ đó, ông được mời đóng liên tục các vai hài trong phim Năm Hiệp Sĩ Bất Đắc Dĩ, Năm Vua Hề Về Làng, Tứ Quái Sài gòn, Nắng Chiều, Như Hạt Mưa Sa…
Chỉ riêng với vai trong phim Tứ Quái Sài Gòn, ông được mệnh danh là “minh tinh quốc tế” khi nhận được sự quan tâm của báo giới và khán giả khắp Á châu, Úc, Pháp và Bắc Mỹ. Hoạt cảnh Lã Bố hí Điêu Thuyền và Trận bóng tròn trong bộ phim này với diễn xuất xuất thần của ông về sau được điện ảnh Hồng Kông và Đài Loan triệt để khai thác làm phong cách tấu hài đậm chất Á Đông.
Theo Sina, trong quá trình dựng kịch bản Thiếu Lâm túc cầu (Đội Bóng Thiếu Lâm) vào năm 2001, tổng đạo diễn Châu Tinh Trì đã nghiên cứu và áp dụng phương pháp gây cười trong thể thao của Tứ Quái Sài Gòn của bộ tứ Tùng Lâm, Thanh Việt, Khả Năng và La Thoại Tân.
Sau năm 1975, sự nghiệp Tùng Lâm chùng xuống ít lâu, ông chuyên tâm vào việc đào tạo nghệ sĩ mới. Vào năm 1983, ông được cử làm phó Đoàn ca múa nhạc Hậu Giang. Suốt thập niên 1980 do bận công tác quản lý nên ông diễn ít dần. Năm 1992, ông nghỉ hưu ở tuổi 58.
Tuy nhiên, trong thời kì thị trường băng từ phát triển rầm rộ, nghệ sĩ Tùng Lâm lại được các trung tâm băng nhạc đua nhau mời thâu hình các kịch phẩm vui. Ông quyết định tự soạn kịch bản và thực hiện loạt băng hài về nhân vật Hai Nhái (bắt chước vai Tư Ếch trước 1975) cũng do ông thủ diễn.
Từ năm 2005, do trải qua 4 lần đột quỵ, nghệ sĩ Tùng Lâm giã từ nghiệp diễn, chỉ thi thoảng xuất hiện trong các chương trình phỏng vấn của báo giới. Hiện nay ông sống trong một hẻm sâu ở đường Nguyễn Văn Đậu, quận Bình Thạnh, Sài Gòn.
Sáng ngày 15/10/2023, nghệ sĩ Tùng Lâm qua đời, hưởng thọ 89 tuổi.
Tổng hợp