Danh ca Sĩ Phú và những ca khúc trữ tình – tiền chiến gắn liền với sự nghiệp

Nhắc tới danh ca Sĩ Phú, khán giả hâm mộ sẽ nghĩ ngay đến những giai điệu êm đềm, đẹp và lãng mạn của những giai điệu từ thời tiền chiến, hoặc những ca khúc trữ tình giai đoạn 1954-1975 mang âm hưởng của nhạc tiền chiến.

Nếu bạn là người yêu thích nhạc xưa, hãy theo dõi kênh YouTube này để nghe đọc các bài cảm nhận về âm nhạc (phân tích ý nghĩa, hoàn cảnh sáng tác, tiểu sử ca nhạc sĩ): LINK YOUTUBE  < Click

Trong suốt 10 năm sự nghiệp âm nhạc của Sĩ Phú tại Sài Gòn, vào thời điểm đất nước bị nhiều mất mát, đau thương, lòng người cũng bị nhiều xao động, thì giọng hát êm đềm, ấm áp của Sĩ Phú có một sức mạnh lớn lao trong những bài tình ca, tác dụng như là tưới mát cho tâm hồn của cả một thế hệ, xoa dịu bao thương nhớ, đớn đau, xót xa của những người phải xa nhau…

Trong bài viết này, xin đăng lại những ca khúc được yêu thích nhất qua giọng hát Sĩ Phú, là những bài hát đã gắn liền với sự nghiệp của ông cả trước và sau năm 1975.

Khởi đầu, xin bắt đầu bằng những ca khúc thời tiền chiến được sáng tác trong thập niên 1940:

Cô Láng Giềng

Là bài hát được nhạc sĩ Hoàng Quý sáng tác năm 1943 để dành cho người đẹp Hoàng Oanh, cũng là người vợ yêu dấu của ông. Bài hát có ca từ tuyệt đẹp, thể hiện sự nhung nhớ đến với cô láng giềng, cũng là người yêu ở phương xa.

20 năm sau khi bài hát được ra đời, Sĩ Phú hát Cô Láng Giềng và lập tức ghi được dấu ấn trong lòng khán giả. Có thể nói cả trước đó và sau này, không ai có thể hát Cô Láng Giềng nào hay hơn Sĩ Phú. Cho dù vào năm 1997, ca sĩ Vũ Khanh cũng hát bài này rất hay, nhưng với cảm nhận của riêng tôi thì phiên bản của Sĩ Phú vẫn là số 1. Mời các bạn nghe lại sau đây:


Click để nghe Cô Láng Giềng (thu âm trước 1975)

Nụ Cười Sơn Cước

Bài hát này cho đến nay vẫn được xếp vào danh sách những ca khúc nhạc tiền chiến tiêu biểu nhất, được nhạc sĩ Tô Hải sáng tác năm 1947, khi ông mới 20 tuổi. Lúc đó Tô Hải theo kháng chiến và đơn vị của ông đang ở nhờ một làng dân tộc Mường ở Hòa Bình. Ông được ở trong một gia đình có cô con gái rất đẹp tên là Đinh Thị Phẩm. Nhạc sĩ đã để ý thầm cô sơn nữ này, là mối tình đơn phương thoáng qua chứ chưa phải là một tình yêu thề non hẹn biển.

Khi đơn vị chuyển quân, với tình cảm lưu luyến chân thành, nhạc sĩ Tô Hải đã “hình dung một chiếc thắt lưng xanh, một chiếc khăn màu trắng trăng, một chiếc vòng sáng lóng lánh với nụ cười nàng quá xinh” và chuyển những tình cảm này thành ca khúc, ca ngợi chung “những bông hoa rừng” mà ông đã từng gặp trên những bước đường hành quân.


Click để nghe Nụ Cười Sơn Cước (thu âm trước 1975)

Tan Tác

Ca khúc Tan Tác của nhạc sĩ Tu My thời tiền chiến có thể xem là ca khúc nổi tiếng duy nhất của nhạc sĩ bí ẩn không có nhiều thông tin còn lại:

Mây bao la trời đen u tối
Đêm đông trường lữ khách bâng khuâng
Ngóng về phương xa chờ tin nhạn.
nhưng nhạn nào có biết nơi nao mà chờ…


Click để nghe Tan Tác (thu âm trước 1975)

Một số ca khúc được sáng tác trong thập niên 1950:

Trở Về Bến Mơ

Một ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ Ngọc Bích, rất thích hợp với giọng hát thủ thỉ tâm sự nhẹ nhàng của Sĩ Phú:


Click để nghe Sĩ Phú hát Trở Về Bến Mơ trước 1975

Thuở Ban Đầu

Bài hát này được nhạc sĩ Phạm đình Chương viết vào năm 1953 khi đã vào Nam sống cùng với vợ và đại gia đình Thăng Long. Bài hát là câu chuyện kể về tâm sự của những rung động đầu đời của ông cùng với vợ là người đẹp Khánh Ngọc, là ca sĩ và minh tinh điện ảnh nổi tiếng với sắc đẹp rất kiều diễm.


Click để nghe Thuở Ban Đầu (thu âm trước 1975)

Tà Áo Xanh

Lúc sinh thời, danh ca Sĩ Phú từng nói rằng ca khúc Tà Áo Xanh là một trong những bài hát mà ông yêu thích nhất. Bài hát cũng rất giống với tâm sự về cuộc đời của ông:

Em còn nhớ anh nói rằng
khi nào em đến với anh
xin đừng quên chiếc áo xanh

Em ơi, có đâu ngờ đến rằng
có màu nào không phai
như màu xanh ái ân…


Click để nghe Tà Áo Xanh

Hoài Cảm

Nghe Hoài Cảm do Sĩ Phú hát, hầu như ai cũng có một cảm giác vừa rung động, vừa chơi vơi. Bài hát được nhạc sĩ Cung Tiến sáng tác năm 1953 khi ông còn rất nhỏ, mới ở độ tuổi 14-15. Ông kể về bài hát này như sau:

Hoài Cảm là bài hát mà tôi viết ra trong tưởng tượng. Tưởng tượng ra là mình nhớ một người nào mình yêu mến thôi, chứ không có ý nghĩ sâu xa gì đằng sau cả. Ðó chỉ hoàn toàn là trí tưởng tượng trong âm nhạc cũng như trong lời ca. Lời ca bị ảnh hưởng từ những bài thơ mình học ở trường, như thơ của Xuân Diệu, Huy Cận, Lưu Trọng Lư, những nhà thơ lãng mạn của Việt Nam hồi đó.


Click để nghe Hoài Cảm (thu âm trước 1975)

Chiều Thu Ấy

Đây có thể xem là ca khúc đầu tay của nhạc sĩ Lam Phương, được ông sáng tác năm 1952 khi mới được 15 tuổi, mang hơi thở của dòng nhạc tiền chiến. Thành công với nhạc phẩm đầu tiên này, nhạc sĩ Lam Phương có thêm nhiều động lực để sáng tác thêm hàng loạt ca khúc quê hương sau đó chỉ 1 vài năm, mở đường để ông trở thành một trong những nhạc sĩ thành công nhất của Miền Nam sau này.


Click để nghe Chiều Thu Ấy

Nỗi Lòng Người Đi

Bài hát này được nhạc sĩ Anh Bằng viết cho hoàn cảnh thật sự của ông, trong bối cảnh phải lìa xa quê hương Hà Nội để di cư vào miền Nam năm 1954. Bài hát được khởi viết từ năm 1955, có thể xem là một trong những bài đầu tiên trong sự nghiệp của nhạc sĩ tài hoa này, nhưng ông phải mất tới 10 năm để chỉnh sửa nhiều lần, đến năm 1965 mới được cho phổ biến.


Click để nghe Nỗi Lòng Người Đi (thu âm trước 1975)

Những bài hát được sáng tác trong thập niên 1960:

Tuyết Trắng

Ca khúc Tuyết Trắng của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh sáng tác năm 1966, gắn liền với danh ca Sĩ Phú trong cả sự nghiệp âm nhạc lẫn sự nghiệp nhà binh. Đây là ca khúc nổi tiếng nhất viết về tình yêu của người phi công trên bầu trời, và chàng thiếu tá không quân điển trai mang tên Sĩ Phú cũng là người hát thành công nhất bài này.

Nhạc sĩ Trần Thiện Thanh đã ví hình ảnh mây trời trong mắt người phi công hiện lên trắng ngần như màu tuyết, gợi nhớ đến mối tình với người em nhỏ ngây thơ và mang tâm hồn trinh nguyên cũng như một vùng tuyết trắng.


Click để nghe Sĩ Phú hát Tuyết Trắng

Khi Người Yêu Tôi Khóc

Đây là một ca khúc khác cũng của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh, được sáng tác vào năm 1969. Khi nghe thoáng qua giai điệu và ca từ bài hát này, không nhiều người nghĩ rằng đây là nhạc phẩm của Trần Thiện Thanh, có lẽ là vì phong thái của bài hát rất gần với nhạc tiền chiến với ca từ lãng đãng, mênh mang và có nhiều tính ước lệ.


Click để nghe Khi Người Yêu Tôi Khóc (thu âm trước 1975)

Những bài hát được sáng tác trong thập niên 1970:

Tương Tư 4

Ca khúc này là tác phẩm của nhạc sĩ Mặc Thế Nhân, một người nổi tiếng trong dòng nhạc đại chúng. Tuy nhiên từ đầu thập niên 1970, ông đã tung ra loạt 10 ca khúc Tương Tư với phong cách trữ tình và lời ca thật da diết, và nổi tiếng nhất trong số đó là bài Tương Tư 4 với tiếng hát Sĩ Phú:

Phải chi em đừng có chồng và anh còn đơn côi
Thì giờ đây em đâu buồn, anh đâu sầu, đâu lo lắng, đâu phân vân
Chiều qua ru em ngủ, chiều nay em theo chồng
thế hỏi lòng có buồn không?

Đây là bài hát được nhạc sĩ viết cho mối tình đơn phương của ông cùng ca sĩ xinh đẹp Trúc Mai, người người đã lên xe hoa theo chồng từ năm 1965. Nhạc sĩ Mặc Thế Nhân cũng nói rằng cuộc tình đẹp nhất không chỉ là tình dang dở như người ta thường nói, mà tình đơn phương của ông cũng rất đẹp.


Click để nghe Tương Tư 4 (thu âm trước 1975)

Buồn Ơi Chào Mi

Đây là ca khúc được nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 sáng tác vào đầu thập niên 1970, viết cho mối tình đầu đã chia tay được 15 năm, nhưng lời ca vẫn như là viết cho một nỗi buồn hãy còn tươi mới, như khi vừa chia tay người yêu:

“…Buồn ơi, ta xin chào mi
Khi người yêu ta đã bỏ ta đi
Buồn ơi, ta xin chào mi
Khi tình yêu chấp cánh bay đi…”

Đây là một ca khúc viết về nỗi buồn, cũng giống như rất nhiều bài khác của loại nhạc trữ tình hồi thập niên 1970. Nỗi buồn thường khơi gợi nhiều cảm hứng trong âm nhạc, và dường như chỉ có nỗi buồn mới làm cho nhạc sĩ thăng hoa được đến đỉnh cao nhất trong nghệ thuật. Bài hát này được danh ca Sĩ Phú hát lần đầu trước năm 1975.


Click để nghe Buồn Ơi Chào Mi (thu âm trước 1975)

Còn Chút Gì Để Nhớ

Thi sĩ Vũ Hữu Định sáng tác bài thơ mang tên Còn Chút Gì Để Nhớ vào năm 1970, khi ông sang thăm một người bạn ở Pleiku. Trong cùng năm đó, nhạc sĩ Phạm Duy đã gặp Vũ Hữu Định trong một chuyến đi tìm cảm hứng cho cuộc sống và sáng tác. Người nhạc sĩ nổi tiếng này đã chọn phổ nhạc cho bài thơ này thành ca khúc mà không thêm bớt một chữ nào.

Có người nói rằng thành phố Pleiku sẽ không nổi tiếng đến như vậy nếu không có bài Còn Chút Gì Để Nhớ với câu hát:

Em Pleiku má đỏ môi hồng
Ở đây buổi chiều quanh năm mùa đông…

Trong thơ, nhạc của Vũ Hữu Định – Phạm Duy, phố núi Pleiku hiện ra đầy thơ mộng và lãng mạn, khuất sau màn sương mờ lãng đãng, ở đó có người con gái mỏng manh như mây chiều, mái tóc mềm buông trong những ngày đông gió lộng làm người lữ khách bâng khuâng và ngây ngất.

Cùng trở lại những cảm giác ngây ngất đó qua giọng hát truyền cảm của Sĩ Phú sau đây:


Click để nghe Còn Chút Gì Để Nhớ

Mắt Biếc

Thập niên 1970 có sự xuất hiện của hàng loạt nhạc sĩ mới trong dòng nhạc trữ tình, trong đó tiêu biểu nhất là nhạc sĩ Ngô Thụy Miên với những bài hát đã trở thành bất tử: Niệm Khúc Cuối, Giáng Ngọc, Tuổi 13, trong đó có 1 ca khúc đã gắn liền với sự nghiệp của Sĩ Phú, đó là Mắt Biếc.

Năm 1995, khi xuất hiện trên Asia số 7, danh ca Sĩ Phú hát Mắt Biếc và nói rằng ông đã thấy 1 quãng đời của mình ở trong đó:

Dĩ vãng như bao cung tơ
lướt theo chiều mơ kết muôn bài thơ
Nuối tiếc yêu đương xa xưa
tháng năm nào trôi để nhớ nhung hoài


Click để nghe Mắt Biếc

Cũng từ ca khúc Mắt Biếc mà sau này nhà văn Nguyễn Nhật Ánh có cảm hứng viết một tiểu thuyết lấy cùng tên và được thế hệ độc giả 8x,9x rất yêu thích.

Đông Kha
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn

Exit mobile version