Danh ca nhạc vàng Duy Khánh và những chuyện tình trong đời

Có thể nói cố ca sĩ – nhạc sĩ Duy Khánh là người có tầm ảnh hưởng nhất, nếu xét riêng ở dòng nhạc vàng trước năm 1975. Không chỉ là ca sĩ nổi danh, ông còn là nhạc sĩ sáng tác nhiều bài nhạc vàng nổi tiếng. Ông còn là chủ nhãn hiệu băng dĩa mang tên Trường Sơn, lập nhóm chủ trương xuất bản tờ nhạc mang tên 1001 Bài Ca Hay, quy tụ được nhiều tác phẩm của các nhạc sĩ nổi tiếng. Ông còn mở lớp dạy nhạc, và người học trò nổi tiếng nhất của ông là nữ ca sĩ xinh đẹp Băng Châu.

Nếu bạn là người yêu thích nhạc xưa, hãy theo dõi kênh YouTube này để nghe đọc các bài cảm nhận về âm nhạc (phân tích ý nghĩa, hoàn cảnh sáng tác, tiểu sử ca nhạc sĩ): LINK YOUTUBE  < Click

Gần đây, trong buổi trò chuyện trên chương trình Bước Chân Dĩ Vãng của The Jimmy TV, ca sĩ Băng Châu nói về người thầy của mình như sau:

“Danh ca Duy Khánh ngày đó là một người rất đào hoa, tốt với bạn bè, lúc nào cũng chịu chơi, xả láng hết mình, không tiếc gì. Anh đẹp trai, lại có tài nên được rất nhiều người đẹp xung quanh”.

Đào hoa và đã trải qua nhiều mối tình, nhưng cuộc đời danh ca Duy Khánh gắn bó với 3 người vợ chính thức.

Người vợ đầu của Duy Khánh là ca sĩ Tuyết Mai, người cùng hát song ca với ông trong những năm đầu của sự nghiệp vào giữa thập niên 1950, với những ca khúc tình tự quê hương nổi tiếng như Tía Em Má Em, Trăng Soi Duyên Lành, đặc biệt là các bài “dân ca mới” của nhạc sĩ Phạm Duy là Vợ Chồng Quê, Tình Nghèo, Quê Nghèo… Lúc này Duy Khánh vẫn còn dùng nghệ danh là Hoàng Thanh.


Click để nghe song ca Duy Khánh – Tuyết Mai hát bài Vợ Chồng Quê của nhạc sĩ Phạm Duy

Theo thông tin từ một bài báo năm 1957, thì Duy Khánh đã đem lòng yêu Tuyết Mai từ thuở thanh xuân, nhưng lúc đó nữ ca sĩ này đã có ý trung nhân. Cuộc hôn nhân đầu tiên của Tuyết Mai tan vỡ khi bà đã có 2 con, và lúc đó, tình cảm mà Duy Khánh dành cho Tuyết Mai vẫn vẹn nguyên như thuở ban sơ. Họ về chung một nhà từ khoảng năm 1957.

Tuy nhiên, sau khi sống chung với nhau chỉ được gần 3 năm thì Duy Khánh – Tuyết Mai lại đường ai nấy đi sau khi đã có với nhau 2 người con.

Duy Khánh và Tuyết Mai năm 1956, lúc này ca sĩ Duy Khánh tròn 20 tuổi, còn mang nghệ danh là Hoàng Thanh

Khoảng đầu thập niên 1960, thời gian này ca sĩ Thanh Thúy nổi lên như là một trong những nữ ca sĩ nhạc vàng tài sắc nhất, được rất nhiều bậc tài danh theo đuổi, trong đó có cả Duy Khánh, lúc này đã chia tay vợ.

Trong hồi ký của tài tử kiêm đạo diễn, kiêm nhà biên kịch Nguyễn Long, ông kể lại vào năm 1963, Duy Khánh có tổ chức một chương trình đại nhạc hội ở 3 nơi là Huế, Đà Nẵng và Quảng Trị (cũng là quê hương của ông). Phần kịch, Duy Khánh chọn diễn các vở của Nguyễn Long soạn, cùng sự tham gia trình diễn của ban nhạc Thăng Long, Thanh Thúy, Mai Vi, Khánh Băng, và cả Nguyễn Long.

Sau đêm hát cuối cùng ở Quảng Trị, hôm sau mọi người trở lại Đà Nẵng để lên máy bay về Sài Gòn. Theo sắp xếp thì trên chiếc xe con mang hiệu Citroen từ Quảng Trị về Đà Nẵng sẽ có vợ chồng Nguyễn Long, Hoài Bắc, Thanh Thúy và Duy Khánh. Tuy nhiên, theo Nguyễn Long ghi lại, để bày tỏ và chứng tỏ tình yêu với người đẹp, Duy Khánh nhất định không đi xe hơi mà một mình chạy chiếc vespa về đến tận Đà Nẵng.

Đường xa hàng trăm cây số, có nhiều đoạn khúc khuỷu, ngoằn nghèo, lên xuống đèo rất nguy hiểm… Nhưng Duy Khánh vẫn lái chiếc vespa như bay trước mũi xe Citroen…

Nguyễn Long kể lại: “Nhiều khi anh Duy Khánh lại cố tình lái sát bờ đèo để tỏ cho người ngồi trong xe biết là anh đang rất buồn và sẵn sàng… được ᴄhếƭ vì tình yêu. Những trường hợp như thế hay với bất cứ trường hợp nào khác, Thanh Thúy cũng chỉ mỉm cười.

Rất nhiều lần tôi tỏ ra là một cây si ‘nặng ký’, nhưng cũng chỉ nhận được nụ cười, như nụ cười Thanh Thúy đã dành cho Duy Khánh mà thôi.”

Đến năm 1964, Duy Khánh thành hôn với Âu Phùng, một vũ công xinh đẹp trong ban vũ Lưu Bình Hồng. Bà Âu Phùng là một thiếu nữ người Hoa xinh đẹp, có dáng dấp cao ráo và rất chiều chồng. Hai người thuê căn phố hai tầng trên đường Trần Quang Khải, Tân Định và có với nhau hai người con. Sau đó hai người lại dọn về một căn nhà nhỏ trong hẻm đường Nguyễn Trãi.

Tuy nhiên cuộc hôn nhân thứ 2 này lại tan vỡ sau mấy năm chung sống. Từ đó về sau, Duy Khánh trải qua một vài mối tình thoáng qua, nổi tiếng nhất là cuộc tình ngắn ngủi với nữ ca sĩ xinh đẹp, cũng là người học trò là Băng Châu, được chính cô kể lại.

Ca sĩ Băng Châu thời xuân sắc

Khoảng năm 1969, Băng Châu từ Cần Thơ lên Sài Gòn để tìm kiếm cơ hội gia nhập làng nhạc, theo đuổi đam mê ca hát. Cô ở nhà nhà ca sĩ Tuyết Nhung trong khoảng gần 2 tháng, được Tuyết Nhung dẫn đến gặp các nhạc sĩ tên tuổi trong Biệt đoàn văn nghệ trung ương, trong đó có Duy Khánh.

Quen biết một thời gian ngắn thì Băng Châu rời Sài Gòn về lại Cần Thơ vì cảm thấy cuộc sống nơi thành đô không như ý muốn. Hụt hẫng vì người đẹp bỏ ra đi, nhạc sĩ Duy Khánh sáng tác bài Đêm Bơ Vơ với lời ca thật tha thiết:

XUÂN ơi XUÂN, XUÂN ơi XUÂN đã đi rồi.
Trời bây giờ, bây giờ là trời Đông thôi.

Đành lòng sao em, ra đi không nói một câu.
Đành lòng sao em, gieo sầu gieo tủi cho nhau.
Đêm bơ vơ, thương ai đêm đợi đêm chờ.
Anh xa em, xa em anh nhớ từng đêm.

Anh xa em như chim xa biệt cây rừng,
MAI em về, MAI về MAI nhé em!

Lời bài hát được nhạc sĩ Duy Khánh in đậm 2 chữ XUÂN và MAI như vậy một cách chủ ý, vì Xuân Mai chính là tên thật của ca sĩ Băng Châu.

Nhạc sĩ nhắn nhủ đến người đẹp tên MAI là hãy quay về vào một ngày mai.


Click để nghe Duy Khánh hát Đêm Bơ Vơ trước 1975

Một thời gian sau, ca sĩ Băng Châu quay về Sài Gòn, tái hợp với thầy Duy Khánh, được sự giúp đỡ nhiệt tình của ông, Băng Châu đã dần dần khẳng định được tên tuổi của mình trong làng nhạc Sài Gòn với hàng loạt bài hát được khán giả yêu thích là như Qua Cơn Mê, Nhớ Nhau Hoài, Trường Cũ Tình Xưa…

Tuy nhiên tình cảm giữa Duy Khánh và Băng Châu vĩnh viễn chỉ là tình thầy trò, không thể thành đôi. Có lẽ Duy Khánh cũng có một thời gian đau khổ nên người bạn thân của ông là nhạc sĩ Nhật Ngân sáng tác ca khúc nổi tiếng mang tên Lời Đắng Cho Một Cuộc Tình, nói thay cho tâm sự của Duy Khánh trong mối tình si đó:

Cuối cùng rồi mình vẫn thế
Có sao đâu, khóc chi em
Cho phai má hồng được gì

Giọt lệ này dành để mai đây
Về cùng người khóc giữa đêm vui
Hơi đâu, hơi đâu mà xót thương thân anh

Khi bài hát này nổi tiếng qua chính giọng hát của Duy Khánh, nữ ca sĩ Băng Châu vẫn không biết bài hát này liên quan đến mình, cho đến khi được ca sĩ Thanh Tuyền kể lại.


Click để nghe Duy Khánh hát Lời Đắng Cho Cuộc Tình trước 1975

Vào khoảng giữa thập niên 1970, Duy Khánh thành hôn với bà Thuý Hoa, họ chuyển về sống tại Vũng Tàu trước khi sang Mỹ năm 1988. Họ sống hạnh phúc cho đến khi ca nhạc sĩ Duy Khánh qua đời năm 2003. Họ có với nhau 3 người con, 1 trai và 2 gái.

Gia đình Duy Khánh – Thúy Hoa tại Philippines năm 1988, lúc sắp sang được Mỹ

Năm 2018, nhân ngày giỗ thứ 15 của Duy Khánh, bà Thúy Hoa ghi lại những lời tâm thư để thể hiện tình cảm với người chồng quá cố:

“Nếu có kiếp sau, em xin một lần nữa lại được làm vợ của anh, để vẫn được anh tiếp tục che chở, bảo vệ và lo lắng, để có được 3 đứa con dù không đứa nào xuất chúng như Bố, nhưng đều giỏi và ngoan lại quan tâm cho Mẹ.

Gần 30 năm làm vợ anh. Hôm nay ngồi đây viết những giòng này, cuộc đời chúng ta đã có rất nhiều thăng trầm, em vẫn luôn tin tưởng vào anh, chưa bao giờ bận tâm về tương lai, chỉ biết chuyên tâm lo lắng săn sóc cho anh và các con. Cho tới những ngày cuối cùng của anh, bác sĩ Hùng và các bác sĩ nói với em : “Tôi chỉ sợ là Ông không qua khỏi đâu”, lúc đó em mới nhận ra là sẽ mất anh.

Là con người, chúng ta ai ai cũng có cái xấu và cái tốt, không ai vẹn toàn. Nhưng đối với em, anh luôn là một chính nhân quân tử, trung thực thẳng thắn, dám nói dám làm. Anh rất có hiếu với mẹ, gia đình của anh đều thương quý anh, từ con cháu cho tới anh chị em, bà con chú bác.. Cuộc sống của anh dù lúc lên hay xuống luôn có gia đình bè bạn bên cạnh.

Cũng là một trong những khán giả ái mộ, tôi biết niềm vui và hạnh phúc của anh là được hát, được biểu diễn, được gửi gấm tâm tư của mình tới khán giả và quê hương. Tôi hãnh diện biết mình may mắn cũng là một phần trong cuộc đời anh.”

nhacxua.vn biên soạn

Exit mobile version