Danh ca Mộc Lan – Mỹ nhân tuyệt sắc và giai thoại về những chuyện tình trong đời

Trong số các nữ danh ca nổi tiếng tại Sài Gòn từ thập niên 1940-1950 thì Mộc Lan là người được đánh giá là tài sắc vẹn toàn nhất. Cô sở hữu giọng hát vừa chuẩn mực vừa tình cảm, bên cạnh một nhan sắc lộng lẫy làm say mê biết bao chàng trai si tình thuở đó.

Nếu bạn là người yêu thích nhạc xưa, hãy theo dõi kênh YouTube này để nghe đọc các bài cảm nhận về âm nhạc (phân tích ý nghĩa, hoàn cảnh sáng tác, tiểu sử ca nhạc sĩ): LINK YOUTUBE  < Click

Dung nhan thời thiếu nữ của Mộc Lan được mô tả là “đẹp như tranh vẽ, da trắng như trứng gà bóc, răng đều như hạt cườm, tay như là tay tiên”, vì vậy nên dễ hiểu rằng bất kỳ người đàn ông nào cũng có thể bị hút hồn bởi vẻ đẹp đó.

Tuy nhiên thói đời thường là hồng nhan bạc phận, một người tài sắc như bà không tránh khỏi những lận đận truân duyên trong đường tình duyên.

Nhắc đến danh ca Mộc Lan, người ta nhớ đến đôi song ca Châu Kỳ – Mộc Lan từ thập niên 1940, là 1 trong 3 đôi song ca nổi tiếng thời đó, cùng với Ngọc Cẩm – Nguyễn Hữu Thiết và Mạnh Phát – Minh Diệu. Có những điểm chung rất đặc biệt của 3 đôi song ca này: đều là những cặp vợ chồng, rất ăn ý với nhau cả trên sân khấu lẫn ngoài đời, và người chồng sau đó trở thành những nhạc sĩ lừng danh của tân nhạc.

Trước khi lập gia đình với nhạc sĩ Châu Kỳ, ít người biết rằng Mộc Lan đã trải qua một mối tình đầu từ khi mới 16-17 tuổi và có kết thúc rất đau buồn.

Trong lần trả lời phỏng vấn báo Kịch Ảnh năm 1957, bà tâm sự:

“Đời tôi kể như đã mất từ năm 1947. Mối tình đầu tan vỡ, người yêu bị giêƭ, ôi bao nhiêu điều đau khổ!”


“Châu Kỳ chỉ là người chồng đầu tiên của tôi, còn người mà tôi trao gửi mối tình đầu tiên là một sinh viên, một chàng trai đã dạy tôi biết sống ở đời, giúp tôi thành người, trước khi chàng xa lánh cõi thế gian này”.

Theo bài báo này, Mộc Lan còn chia sẻ rằng vì cứu bà mà người yêu bị chêƭ. Đầu năm 1947, Mộc Lan bị Tây bắt (bà không nói rõ lý do vì sao bị bắt), người yêu từ chiến khu trở về thành để vận động cho bà được tự do, rồi khi quay trở lại, ông bị chính đơn vị của mình nghi ngờ và thủ tiêu ở một miền rừng núi xa xôi.

Vài năm sau đó, danh ca Mộc Lan gặp nhạc sĩ Châu Kỳ tại nhà của Mạnh Phát – Minh Diệu. Lúc đó Châu Kỳ từ Huế vào Sài Gòn và đang bắt đầu bước chân vào làng nhạc.

Đôi trai tài gái sắc Châu Kỳ – Mộc Lan nhanh chóng kết thành một đôi, kết hợp ăn ý cả trên sân khấu lẫn ngoài đời, cùng nhau xuất hiện trên khắp các sân khấu, phòng trà, phụ diễn tân nhạc tại các rạp Văn Cầm, Aristo, Thanh Bình, Quốc Thanh, Khải Hoàn…


Click để nghe Châu Kỳ – Mộc Lan song ca 2 bài Chiều (Dương Thiệu Tước) và Sơn Nữ Ca (Trần Hoàn)

Gặp nhau chưa đầy nửa năm, họ chính thức trở thành vợ chồng, nhạc sĩ Châu Kỳ đưa Mộc Lan về Huế ra mắt gia đình. Hai vợ chồng họ được ông Thái Văn Kiểm – Giám đốc Nha Thông tin và Đài Phát thanh Huế tạo điều kiện cho được hát thường xuyên trên đài với mức lương 3.800 đồng/tháng – một mức lương khá hậu hĩnh vào thời điểm bấy giờ. Tuy nhiên tại Huế, tổ ấm của đôi song ca tài danh và nổi tiếng nhất đương thời lại chỉ là một căn phòng nhỏ phía sau Ty Thông tin Huế dưới chân cầu Trường Tiền, khác xa với hình ảnh rực rỡ của họ khi đứng trên sân khấu.

Nhà văn Trần Áng Sơn, em ruột của ca sĩ Mộc Lan, kể lại trong hồi ký:

“Anh rể tôi – nhạc sĩ Châu Kỳ khá đẹp trai, giỏi nhạc hát hay, không cao lớn nhưng đứng trên sân khấu không đến nỗi bị khuất lấp bởi sự rực rỡ của chị tôi. Giọng hát của anh chị tôi là một sự tô điểm cho nhau, khi họ song ca, cảnh vật trở nên tưng bừng, lòng người rộn rã. Mặc dù lúc đó ở Huế có cặp song ca nổi tiếng Ngọc Cẩm – Nguyễn Hữu Thiết nhưng họ thuộc về một lớp khán giả riêng biệt, khác hẳn với đôi uyên ương Mộc Lan – Châu Kỳ, họ thuộc về mọi lứa tuổi, mọi thành phần nhưng trước hết là giới trẻ bởi sự trẻ trung của mình và cũng vì nghệ thuật ca hát mới mẻ mà họ cống hiến mỗi khi xuất hiện…”

Đó có thể xem là khoảng thời gian hạnh phúc nhất của Châu Kỳ – Mộc Lan, dù chỉ được trong thời gian ngắn ngủi. Ở Huế được một thời gian, xuất hiện tin đồn về mối quan hệ thân thiết giữa Mộc Lan cùng một người đàn ông khác làm cho nhạc sĩ Châu Kỳ có những phản ứng dữ dội, ông đưa vợ vào lại Sài Gòn sinh sống để tránh xa thị phi. Tuy nhiên điều đó vẫn không thể níu kéo được cuộc hôn nhân ngắn ngủi. Năm 1954, đôi trai tài gái sắc chính thức đường ai nấy đi.

Đây là giai đoạn đầy những đau thương, u uất chất chứa trong nhiều ca khúc của nhạc sĩ Châu Kỳ, đó là Khúc Ly Ca, Đàn Không Tiếng Hát, Từ Giã Kinh Thành…

Sau này nhạc sĩ Châu Kỳ tiết lộ lý do tan vỡ là vì Mộc Lan đã ngoại tình. Còn phía Mộc Lan, trong một lần trở lời phỏng vấn báo Kịch Ảnh năm 1957, bà nói rằng mình đã bị người khác nói xấu và xuyên tạc nên chồng đã hiểu nhầm, và khi vợ chồng đã không tin tưởng nhau thì đành xa nhau.

Sau khi tan vỡ hôn nhân với nhạc sĩ Châu Kỳ, danh ca Mộc Lan đi bước nữa với một người đàn ông khác, nhưng cũng theo bài báo Kịch Ảnh năm 1957 thì cuộc hôn nhân đó cũng kết thúc chóng vánh vì đó là một người chồng bất tài chỉ muốn “đào mỏ” từ danh tiếng của vợ.

Người chồng thứ 2 và người con gái đầu lòng của danh ca Mộc Lan

Trong bài báo đó, phóng viên đặt câu hỏi:

Cuộc lập gia đình lần thứ hai hình như cũng chẳng đem lại hạnh phúc cho cô, phải không?

Mộc Lan tâm sự:

“Vâng đúng thế. Tôi gặp anh ấy – một người bạn thuở thiếu thời, anh ngỏ ý muốn cùng tôi chung sống giữa lúc tôi vừa ly dị Châu Kỳ xong. Chán cuộc đời ca hát, nên tôi nhận lời. Ai ngờ, phải có ai ngờ, mục đích của anh là lấy tôi để có một người vợ đi hát kiếm tiền, trong lúc đó, tôi lại lầm tưởng là lấy chồng để có thể lánh xa cuộc đời nghệ sĩ…”

Sau mối tình đầu đau đớn năm 17 tuổi, rồi trải qua 2 cuộc hôn nhân buồn, đến cuộc hôn nhân thứ 3 thì Mộc Lan mới tìm được một bến đỗ thực sự, đó là trung tá Trương Minh Đẩu, từng là chánh văn phòng của tướng Dương Văn Minh thời điểm năm 1975.

Giai thoại về những cuộc tình

Giai thoại nổi tiếng nhất, ly kỳ nhất liên quan đến những người đã theo đuổi giai nhân Mộc Lan, đó là câu chuyện về nhạc sĩ tài hoa Đoàn Chuẩn – một công tử giàu có và phong lưu bậc nhất thời đó. Nhiều người cùng thời đã xác nhận rằng nhạc sĩ Đoàn Chuẩn đã sáng tác 2 ca khúc Gởi Người Em Gái Miền Nam Gởi Gió Cho Mây Ngàn Bay để tặng cho Mộc Lan, nhưng câu chuyện đằng sau đó thật ly kỳ và cũng không kém phần hoang đường, thường được các báo lá cải trích dẫn lại.

Xuất phát của câu chuyện sau đây là từ cuốn sách Chuyện Tình Nghệ Sĩ do nhạc sĩ Lê Hoàng Long soạn và xuất bản khoảng thập niên 1990, từ câu chuyện này, sau đó có nhiều dị bản khác nhau.

Theo Lê Hoàng Long kể lại, vào khoảng năm 1953, danh ca Mộc Lan có ra Hà Nội lưu diễn tại nhà Hát Lớn Hà Nội, nhạc sĩ Đoàn Chuẩn đi nghe hát, rồi say mê trước nhan sắc lộng lẫy của nàng ca sĩ, nên đem lòng thầm yêu trộm nhớ.

Sau khi Mộc Lan kết thúc 10 ngày Bắc du và trở lại Sài Gòn, Đoàn Chuẩn đáp máy bay vào theo, dò hỏi được địa chỉ nhà người đẹp ở đường Champagne (nay là đường Lý Chính Thắng). Biết được rằng lúc này Mộc Lan đã thôi chồng và ở một mình, nhưng nhạc sĩ Đoàn Chuẩn không tới nhà mà muốn gây ấn tượng với người đẹp một cách không giống ai, và cũng không ai cũng làm được vì rất tốn kém. Ông ra một cửa hàng bán hoa tươi, ngỏ ý muốn đặt tiền trước cả tháng để mỗi sáng tiệm cho người mang đến địa chỉ cô Mộc Lan một bó hồng tươi đỏ thắm, khi đưa hoa không được nói tên ai gửi tặng.

Sau khi nhận hoa 3 tuần liên tục như vậy, cô ca sĩ xinh đẹp rất tò mò muốn biết người tặng là ai, nhưng người đưa hoa nói là không biết, Mộc Lan trả lời là nếu không biết thì xin từ chối không nhận hoa nữa.

Ông chủ tiệm hoa nghe vậy liền đánh điện tín ra Bắc để hỏi nhạc sĩ Đoàn Chuẩn, và vị nhạc sĩ này bằng lòng tiết lộ danh tính và đưa địa chỉ, đồng thời gửi chi phí để cửa tiệm tiếp tục giao hoa tặng thêm 2 tháng nữa.

Nhận được thông tin, Mộc Lan liền biên thư cảm ơn công tử – nhạc sĩ họ Đoàn, ngỏ ý sẽ có ngày được hội ngộ. Họ gửi cho nhau hàng chục bức thư nữa trước khi Mộc Lan lên đường ra Bắc. Đích thân “Đoàn công tử” đón nàng ở phi trường Gia Lâm và đưa về khách sạn sang trọng Hôtel Métropole ở giữa đại lộ Tràng Tiền, gần nhà hát lớn thành phố.

Tuy nhiên mối tình đó có thể chỉ là tình nghệ sĩ thoáng qua, có thể chỉ là sự say nắng của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn trước nhan sắc rực rỡ của người đẹp, vì thời điểm đó ông đã có gia đình. Câu chuyện này được nhạc sĩ Lê Hoàng Long chép lại, chứa đựng những sự vô lý hoang đường như một tiểu thuyết ngôn tình và cũng chưa bao giờ được người trong cuộc xác nhận.

Ngoài ra, theo nhà văn Trần Áng Sơn, một nhạc sĩ nổi tiếng cũng có thời gian theo đuổi Mộc Lan vào cuối những năm 1950, đó là “ông hoàng tango” Hoàng Trọng.

Thập niên 1950-1960, ban nhạc Tiếng Tơ Đồng của nhạc sĩ Hoàng Trọng rất nổi tiếng trên đài phát thanh, và Mộc Lan chính là một trong những ca sĩ thường xuyên của ban Tiếng Tơ Đồng, nên họ thường xuyên có dịp gặp gỡ nhau.

Lúc đó nhạc sĩ Hoàng Trọng đã chia tay vợ, gà trống nuôi con, còn Mộc Lan cũng đã qua 2 đời chồng, sống cùng em trai là Trần Áng Sơn. Ông Sơn đã viết trong hồi ký như sau:

“Trong con mắt tôi, anh Hoàng Trọng không phải là mẫu người phụ nữ thích. Người tầm thước nhưng hơi nặng nề, nước da ngăm bì bì, gương mặt không có cá tính. Tuy nhiên, tính anh lại rất hiền, củ mỉ cù mì, ít nói, thuộc loại tán gái bằng cách ngồi lì, chẳng nói và có lẽ cũng chẳng liếc mắt đưa tình. Anh rất thường đến thăm chị tôi, mỗi lần anh đến, anh ngồi một đống. Đến âm thầm khi về cũng lặng lẽ. Lối tán này hình như làm chị tôi… hết chịu nổi! Có vẻ như anh không phải là kẻ đi chinh phục, lại không biết gì về tâm lý phụ nữ và thế là anh bị “nốc ao” ngay ngưỡng cửa nhà tôi”.

Tổng hợp

Exit mobile version