Danh ca Khánh Ly và những cuộc tình trong đời

Như là một định mệnh, những danh ca hàng đầu của nhạc Việt như là Khánh Ly, và một số người khác nữa, đều trải qua nhiều lận đận trong hôn nhân. Đó dường như là một sự bù trừ, khi họ đạt được quá nhiều thành công trong sự nghiệp phủ đầy hào quang, thì phía sau đó là những góc khuất mà có thể ít người biết tới.

Nếu bạn là người yêu thích nhạc xưa, hãy theo dõi kênh YouTube này để nghe đọc các bài cảm nhận về âm nhạc (phân tích ý nghĩa, hoàn cảnh sáng tác, tiểu sử ca nhạc sĩ): LINK YOUTUBE  < Click

Danh ca Khánh Ly sinh quán ở Hà Nội, cha của cô hoạt động chính trị từ thời thập niên 1940-1950 nên thường xuyên phải đi lánh nạn và vắng nhà. Mẹ đi bước nữa, rồi cha qua đời từ rất sớm trong một sự kiện bí ẩn mà cho đến giờ Khánh Ly vẫn chưa biết là tại sao. Từ thời điểm đó, vì mẹ bận rộn với cuộc sống mới, với cuộc mưu sinh mới, nên Khánh Ly nhận được ít sự quan tâm, thiếu tình thương, và từ đó về sau dường như lúc nào cũng khao khát sự yêu thương.

Khánh Ly nói rằng vì quá thương nhớ cha, thèm khát vòng tay của cha, nên thuở nhỏ cô mang cảm giác giận hờn tất cả mọi người vì những cái mình thiếu. Và có lẽ là quá thần tượng cha, nên cô cũng thường tìm kiếm tình thương tương tự vậy từ những người đàn ông mà cô gặp. Nhưng – lẽ dĩ nhiên là – không có một bất kỳ người đàn ông nào có thể yêu thương vợ giống như tình thương của người cha dành cho con gái.

Tình yêu đầu đời đến khi Khánh Ly 14 tuổi. Lúc này cô chơi cùng nhóm bạn với người anh, trong đó toàn là con trai, và Hải là một người trong nhóm đó. Theo lời kể của Khánh Ly thì Hải có duyên, nhảy đầm giỏi, họ đến với nhau bằng một tình cảm rất ban sơ, thậm chí là còn chẳng biết nắm tay, chỉ đơn giản là không gặp thấy mong, thấy nhớ. Hải từng nói: Khi nào anh ra trường, anh sẽ cưới Mai (tên thật của Khánh Ly).

Nhưng đó chỉ là tình yêu đầu khi tuổi đời còn rất trẻ, khi người ta còn rất nhiều điều quan tâm khác, nhiều nghĩa vụ cần phải thực hiện. Hải bỏ trường dược và vào quân ngũ, trở thành lính không quân, ít được về thăm nhà, và thời gian xa vắng đã làm cho họ thể còn gặp nhau nữa.

Không lâu sau đó, Khánh Ly bất ngờ lấy chồng khi mới 16 tuổi, với một người mà cô nói rằng không phải là lấy vì yêu, mà là vì những phút giây nông nỗi ở cái tuổi luôn thích làm ngược ý của mẹ, sa đà vào những cuộc vui, hậu quả là cô đã có bầu với một người bạn của anh mình.

Tuy chồng là một công tử ăn chơi, nhưng lại được sinh ra trong một gia đình có đạo, biết chịu trách nhiệm với hậu quả gây ra nên một đám cưới chóng vánh đã được tổ chức trong nhà thờ.

Khánh Ly theo chồng về Đà Lạt, sinh con và làm dâu. Tuy nhiên việc lấy chồng và có con không làm cho Khánh Ly trưởng thành nhanh hơn lên được, cô vẫn vô tư và hồn nhiên với cuộc hôn nhân và với cả hai đứa con được lần lượt sinh ra. Dù gia đình sống ở Đà Lạt, nhưng chồng Khánh Ly thường được điều động đi công tác xa, rất hiếm khi về nhà.

Ngoài ra, vì mê hát, lại còn quá trẻ nên Khánh Ly không phải là một người biết vun vén và sẵn sàng hy sinh cho gia đình, nên tình cảm vợ chồng vốn không phải là quá gắn bó ngày từ lúc mới cưới, đã dần dần trở nên lạnh lẽo.

Khánh Ly kể lại rằng chồng là một người tốt tính, hiền, chưa từng tỏ ra vũ phu hay thô lỗ, nhưng một hôn nhân không có tình yêu như vậy chỉ có sự ngột ngạt, không thể chia sẻ với nhau được điều gì, và ngoài con cái ra thì không có một điểm chung nào, gần như là phần ai nấy sống. Vì tất cả những lý do đó, họ kết thúc 5 năm hôn nhân và Khánh Ly mang con về lại Sài Gòn ở tuổi 22.

Đó là năm 1967, cũng là năm Khánh Ly gặp người chồng thứ 2 là Mai Bá Trác, là một đại úy biệt kích, quê ở Đà Nẵng.

Đó là một người đàn ông đẹp trai, duyên dáng, lịch thiệp và được nhiều phụ nữ mê đắm. Hai người có một cô con gái chung đặt tên Mai Mai Misa. Nhưng cuộc hôn nhân này cũng không kéo dài được bao lâu, năm 1972, hai người đường ai nấy đi mà nguyên nhân chính là ông quá đào hoa.

Cuộc tình sau cùng của Khánh Ly ở Sài Gòn trước năm 1975 là với một quân nhân tên là Đỗ Hữu Tùng, người đã mất tích trận Đà Nẵng tháng 3 năm 1975. Sinh ra và lớn lên tại Đà Nẵng, sau khi học xong tú tài, Đỗ Hữu Tùng đã tình nguyện vào học khóa 16, trường Võ bị Đà Lạt. Ra trường với cấp bậc Thiếu úy, ông xin về TQLC và trở thành một sĩ quan của binh chủng này. Đỗ Hữu Tùng được nhận xét là ít nói, có vẻ thâm trầm, dáng người thấp nhưng chắc chắn và có làn da ngăm đen, khuôn mặt hiền lành.

Theo lời kể của Khánh Ly thì với Đỗ Hữu Tùng, cô có mối tình sâu đậm nhất trong đời:

Năm đó tôi mới ngoài 20. Tôi gặp anh rất tình cờ, trong một buổi khao quân sau trận Hạ Lào. Rồi thời gian qua đi, đến năm 1974, tôi tình cờ gặp lại anh khi tôi ra Huế để thăm nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Tôi không phủ nhận rằng tôi yêu anh và anh yêu tôi. Đó là tình yêu của tôi ở lứa tuổi ngoài 20, gần 30, tôi mới biết thế nào là tình yêu. Cuộc tình của tôi cũng khốc liệt như thời cuộc, mặc dù chúng tôi chỉ được gặp nhau được không quá 10 lần. Đôi khi ngồi tại phi trường rồi nói chuyện với nhau rồi tôi lên máy bay trở vào Saigon, còn anh trở ra mặt trận. Anh kẹt ở bãi biển Sơn Trà – Đà Nẵng. Và khi Đà Nẵng mất, anh không trở về. Tôi có hỏi thăm, tôi đi tìm ở các nơi nhưng không ai thấy anh, không ai nói được một điều nào đích xác về sự mất tích của anh. Tôi đã sống với hy vọng được gặp lại anh trong suốt 15 năm. Phải qua 15 năm đó, tôi mới tự nói với mình rằng quả thật anh đã không còn nữa. Tôi vẫn tôn thờ hình ảnh và tình yêu đó, là bởi vì đó là tình yêu đích thực mà tôi có trong đời sống của tôi.

Khánh Ly và các nghệ sĩ khác trong một lần khao quân. Cô đứng bên cạnh Đỗ Hữu Tùng

Năm 1975, Khánh Ly đưa ba con đi Mỹ. Cuộc sống không chồng, không tiền, không nghề nghiệp cơ cực nơi xứ người đã khiến nữ ca sĩ lừng lẫy một thời phải nhiều lần bị rơi nước mắt. Cô phải làm nhiều công việc tay chân để kiếm tiền nuôi con, trong đó có cả công việc lao công, cọ rửa toilet rất cực nhọc.

Cuộc hội ngộ với ký giả Nguyễn Hoàng Đoan trên đất Mỹ đã tạo ra một ngả rẽ mới cho cuộc đời Khánh Ly trên xứ người. So với vị thế của một ngôi sao lớn như Khánh Ly thì ông Nguyễn Hoàng Đoan chỉ là một bóng dáng mờ nhạt sau lưng vợ. Tuy nhiên, đây mới chính là người đàn ông mà Khánh Ly cần – Một người đàn ông giản dị nhưng chân thành, là người đứng đằng sau tất cả những thành công trong sự nghiệp Khánh Ly tại hải ngoại.

Ông Đoan là một nhà báo khi còn ở Sài Gòn, nên đã nhiều lần gặp và nói chuyện với Khánh Ly khi còn ở Việt Nam, nhưng lúc đó chỉ là bạn bè bình thường. Lần gặp lại nơi xứ người, họ cũng chỉ như hai người đồng hương, đồng ngữ mà thôi.

Khánh Ly kể lại:

“Lúc tôi gặp anh Đoan lần đầu, anh hỏi tôi cần gì. Tôi nói tôi cần mấy bộ chén, mấy đôi đũa ăn cơm. Anh là người đi mua, 6 cái chén, 6 đôi đũa. Anh không bao giờ cưa kéo hay tán tỉnh tôi và anh cho tôi cảm giác có thể tin cậy. Tôi lúc đó chưa dám nghĩ là anh có cho tôi tình thương hay không. Tôi chỉ nghĩ, đó là người mình có thể nương tựa.

Rồi hai mảnh đời cô đơn muốn có một mái ấm, muốn có những bữa cơm gia đình kết hợp, ở với nhau, sống với nhau thì dần thương nhau.

Lúc đó, anh có công ăn việc làm, có thu nhập, trong khi tôi đang tay trắng, một nách ba con nhỏ, mà ở đất Mỹ thì còn ai biết, ai nhớ Khánh Ly nữa? Tôi hiểu, đó là người hy sinh cho mình, bởi anh thiếu gì người mà phải đi lấy một mẹ nạ dòng có 3 đứa con?”

Sự nhiệt tình và ấm áp của ông Đoan đã khiến mối quan hệ của họ trở nên thân tình hơn. Sau vài tháng gặp gỡ, ông Đoan ướm lời: “Ở đây anh không có gia đình, em cũng không có gia đình. Em nghĩ sao khi chúng mình kết hợp thành một gia đình?”. Sau khi đắn đo suy nghĩ, Khánh Ly gật đầu. Đó là năm 1976, hai người dọn về ở chung, nương tựa vào nhau, cùng nhau vượt qua những tháng ngày khó khăn đầu tiên nơi xứ người.

Đám cưới năm 1976

Sự tận tuỵ của ông Nguyễn Hoàng Đoan dành cho cuộc đời Khánh Ly, dành cho giọng hát của Khánh Ly và dành cho gia đình chung của hai người đã khiến cuộc hôn nhân của họ bền chặt đến cuối cùng, cho đến khi ông Hoàng Đoan qua đời năm 2015.

Nói về quan điểm trong hôn nhân, Khánh Ly nói rằng để có cuộc sống vợ chồng hạnh phúc thì cần phải có sự nhẫn nại và cần hy sinh rất nhiều, nếu không thể hy sinh thì không thể ở chung được với ai.

“Nếu bạn lấy phải một người chồng “cao” quá thì bạn phải cao bằng họ. Nếu bạn không thể “cao” bằng họ thì bạn phải kéo họ xuống thấp bằng mình. Còn nếu lấy ông chồng “thấp” quá, bạn phải kéo ông ấy lên, không kéo được thì bạn phải ngồi xuống. Có như vậy hai người mới ở với nhau được. Không thể nào để cái tôi của mình ảnh hưởng tới đời sống vợ chồng” (Khánh Ly)

Thời trẻ, vì cái tôi quá lớn, và cũng vì Khánh Ly cũng không muốn đánh đổi sự tự do bay nhảy và niềm đam mê ca hát để toàn tâm toàn ý lo cho chồng. Đến khi người đàn ông không tìm thấy ở vợ mình những cái họ cần, thì sẽ đi tìm người đàn bà khác. Vì vậy khi đến cuộc hôn nhân thứ 3, Khánh Ly nói rằng cô đã sống với chồng bằng tất cả sự toàn tâm, toàn ý, và kết quả đó là cuộc hôn nhân lâu bền nhất.

Và lời đồn thổi về những cuộc tình

Ngoài 3 cuộc hôn nhân chính thức, Khánh Ly còn trải qua những cuộc tình và vô số những tin đồn liên quan.

Trở lại với mối tình đầu tiên, là chàng phi công tên Hải, sau khi chia tay và Khánh Ly đi lấy chồng thì có một lần hai người tình cờ gặp lại nhau trong một vũ trường ở Pleiku. Hải hẹn với Khánh Ly là sáng hôm sau nếu rảnh sẽ đưa cô đi chơi biển Hồ trước khi về lại Sài Gòn. Đêm đó cô về khách sạn ngủ thì bỗng nghe tiếng gõ cửa rất mạnh, mở cửa thì thấy Hải:

“Tôi ngạc nhiên vì thấy anh xuất hiện và không có phản ứng gì. Những xúc cảm ngày xưa không kịp sống lại bởi quá bất ngờ. Bỗng anh ngã nhào vào tôi rồi cả hai đổ xuống giường. Tôi chỉ kịp đẩy anh Hải ra thì anh đã nằm vật ra ngủ.

Hóa ra anh Hải bị say quá. Có khi lúc đó ôm mà anh không biết là tôi đâu. Thấy anh ngủ, tôi kéo mền đắp, phần còn lại chiếc giường tôi nằm. 5h sáng tôi tỉnh dậy và không thấy ai. Tôi biết rõ ràng mình không mơ, đó là câu chuyện rất thật”.

Khánh Ly kể lại, đó là buổi sáng định mệnh bởi anh Hải lặng lẽ rời khỏi căn phòng và ra đi mãi mãi.

“Buổi sáng hôm đó, khi vẫn đang ở khách sạn, tôi nghe một tiếng nổ rất lớn. Hỏi ra mới biết chiếc máy bay anh Hải lái chưa kịp cất cánh đã bị cháy.

Tôi lao đến nơi anh Hải bị nạn. Rồi chiều đó, tôi xin được đi theo chuyến bay đưa thi hài anh về lại Sài Gòn. Khi máy bay đáp xuống, mọi người lạnh nhạt với tôi. Họ chẳng biết tôi là ai hoặc có thể đã nghe về tôi nhưng vì một lý do nào đó nên không ai nói gì.

Đám tang anh Hải, chờ cho dòng người tiễn đưa anh đã về hết, tôi mới lặng lẽ vào nghĩa trang. Tôi ngồi đó, một mình bên nấm mộ của anh. Sau này, tôi được biết mọi người đều nghĩ vì tôi mà anh Hải chết. Họ đặt câu hỏi: Tôi và anh đã làm gì đêm trước để đến nỗi hôm sau anh Hải phải ra đi?”.

Khánh Ly tâm sự là cô đã phải mang theo nỗi oan này suốt một khoảng thời gian dài. Mãi tới khi sang Mỹ, lúc đó Khánh Ly đã lấy người chồng thứ ba là ông Hoàng Đoan thì mới nhận được một bức thư rất lạ.

“Tôi mở thư thấy hình của anh Hải. Đằng sau là chữ của bố anh viết: Gửi ca sĩ Khánh Ly, thay mặt cho cố nhân…. Lúc đó, tôi hiểu rằng nỗi oan của mình đã được giải. Tôi cầm tấm hình anh Hải rồi tôi trốn vào buồng tắm khóc vì không muốn chồng biết. Tôi khóc vì tôi tủi”.

Có một người đàn ông khác đã từng gắn bó với Khánh Ly trước khi qua đời năm 1968, đó chính là cố chuẩn tướng không quân Lưu Kim Cương, là nhân vật trong bài hát Cho Một Người Nằm Xuống của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Họ quen nhau ngay từ khi Khánh Ly vẫn chưa nổi tiếng, và mặc cho nhiều tin đồn vây quanh, Khánh Ly nói rằng cô luôn xem ông Lưu Kim Cương như là một người anh thân thiết.

Khánh Ly đã gặp Lưu Kim Cương từ khi cô mới là một cô bé 16,17 tuổi, khi hát tại phòng trà Anh Vũ ở Sài Gòn. Lúc đó chưa ai biết Khánh Ly là ai, nhưng Lưu Kim Cương đã chú ý đến cô ca sĩ nhỏ nhắn da ngăm đen này ngay từ lần đầu tiên cùng vợ đến xem cô hát tại phòng trà với những ca khúc tiền chiến Con Thuyền Không Bến, Đêm Đông, Chiều Vàng… những ca khúc dường như quá tuổi đối với một ca sĩ mới 17 tuổi. Khánh Ly kể rằng công Cương đã nói với cô rằng dù có chuyện gì xảy ra, thì hãy luôn giữ mãi nụ cười trên môi.

Năm 1964, Khánh Ly bỏ Sài Gòn để lên Đà Lạt sống cùng chồng con, hát ở các Night Club tại đây. Người đầu tiên lên cao nguyên tìm Khánh Ly và khuyên cô về lại Sài Gòn, không phải là Trịnh Công Sơn, mà chính là Lưu Kim Cương.

Năm 1968, Lưu Kim Cương mất trong trận Mậu Thân.

Một bài báo năm 1969 đã ghi lại về Khánh Ly và Lưu Kim Cương như sau:

…Những buổi sinh hoạt văn nghệ của Quán Văn vào những hôm có Khánh Ly hát, người ta để ý, bao giờ cũng có một khuôn mặt trẻ, khuôn mặt của 1 thanh niên, ngồi lặng lẽ ở 1 góc tối, lặng lẽ theo dõi Khánh Ly ca. Khuôn mặt đó đã được giới trẻ phát giác ra là LKC. Mặc dầu Đại tá nhà ta bao giờ đến quán Văn cũng mặc thường phục và đóng vai người khách trầm lặng tầm thường.

Ngày đó người ta đã bàn tán nhiều về chuyện LKC và Khánh Ly, và chính LKC ngày còn sống cũng đã từng thổ lộ tâm tình với 1 số bạn thân thiết… Nhưng tình yêu đó chỉ là tình tuyệt vọng, vì không thể nào 2 người có thể kết hợp sống gần gũi nhau được.

Tại sao? Chẳng bao giờ LKC chịu tiết lộ, cả Khánh Ly cũng thế.

Bài báo năm 1969

Một người đàn ông khác được xem là người gắn bó nhất với sự nghiệp của Khánh Ly, đó là nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Họ thân thiết đến nhau đến nỗi có rất nhiều tin đồn, nhưng trước sau như một, Khánh Ly nói rằng cô tìm thấy ở ông Trịnh tình cảm của một người cha mà cô đã thiếu thốn từ nhỏ. Ở bên cạnh nhạc sĩ, Khánh Ly như là một cô gái bé nhỏ, cần được chỉ dạy, hướng dẫn, không chỉ là trong nghề ca hát, mà còn ở lối sống, cách nghĩ. Cũng chính nhờ Trịnh Công Sơn hướng dẫn mà Khánh Ly đã hoàn thiện được tiếng hát của mình để vươn thành một nữ ngôi sao ăn khách nhất Saigon.

Khánh Ly cũng nói rằng đối với cô, tình thân có được với Trịnh Công Sơn còn cao hơn cả tình nhân. Vì nếu là tình nhân, phải dây dưa vào thứ tình cảm lằng nhằng thì họ đã không thể gắn bó được với nhau như đã từng…

Khánh Ly cũng đã rất nhiều lần nói rằng trong vài chục năm quen biết, lúc nào cô cũng xem nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là người anh, người thầy, người cha:

“Ông Sơn và tôi ngày đó chỉ ngồi cạnh nhau. Tôi không bao giờ dám hỗn hay ngang vai phải lứa với ông”.

“Tôi không thể nào là bạn của Trịnh Công Sơn được. Tôi chỉ là người con, người em của ông thôi. Trịnh Công Sơn là người ban ơn cho tôi mà. Ơn của ông không thua gì ơn cha mẹ tôi. Cha mẹ tôi tạo hình hài cho tôi ra đời, nhưng ông Sơn mới là người nuôi sống đời sống của tôi sau này. Nếu gọi là bạn, thì tôi hơi hỗn với Trịnh Công Sơn. Tôi không xứng đáng là bạn ông Sơn. Ông Sơn như một người cha, người anh với tôi”. (trích bài phỏng vấn của Long Phạm)

Mới đây, trả lời 1 tờ báo trong nước nhân dịp về Việt Nam biểu diễn tháng 6 năm 2022, danh ca Khánh Ly nói về việc đã bị phim hư cấu trở thành một trong những “tình nhân” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn:

“Nếu được là người yêu của ông Sơn, tôi hãnh diện chứ. Dễ gì được làm người yêu của Trịnh Công Sơn. Tôi có gì đáng để cho ông ấy yêu đâu. Nếu điều đó là sự thật thì ông Sơn là người thiệt, và tôi là người có lợi. Nhưng mà tôi không thể tự nhận điều đó được. Tôi không thể tham lam, nhận những điều không phải của mình. Và quan trọng là lúc đó tôi đã có gia đình. Các con tôi sẽ nghĩ gì khi xem phim có cảnh mẹ chủ động đi tìm ông Trịnh Công Sơn. Trong khi tôi với bố nó vẫn ở với nhau”.

Bài: Đông Kha (nhacxua.vn)

Exit mobile version