Đầu năm 2024, danh ca Chế Linh thông báo việc những ca khúc do ông sáng tác (với bút danh Tú Nhi, Lưu Trần Lê) không còn liên quan gì tới các trung tâm, tổ chức quản lý quyền tác giả âm nhạc.
Chế Linh gửi lời thông báo tới các trung tâm âm nhạc, những ca sĩ muốn sử dụng những bài hát của Chế Linh sáng tác thì liên hệ trực tiếp với tác giả hoặc với trung tâm Thúy Nga, không qua trung gian khác.
Nam danh ca cũng nói rõ việc này chỉ áp dụng đối với các trung tâm âm nhạc hoặc hoặc các chương trình âm nhạc mang tính cách thương mại. Nếu cá nhân sử dụng hát trong các chương trình hát với nhau không mang tính thương mại thì không cần liên hệ với tác giả.
Các trường hợp được miễn trừ việc xin tác quyền, không cần thông qua chủ sở hữu tác quyền, danh ca Chế Linh cho biết cụ thể như sau:
– Những cuộc sinh hoạt, những buổi hát mang tính cách gây quỹ của Nhà thờ, chùa, ủng hộ thương bệnh binh, sinh viên học sinh nghèo, và các tổ chức mang tính từ thiện khác.
– Các cơ sở karaoke, vui hát với nhau, các show diễn mang tính cách giải trí, không ghi âm hay thu hình mang tính thương mại…
Được biết vào năm 2013, Chế Linh đã ủy quyền tất cả các tác phẩm mà ông sáng tác cho một trung tâm âm nhạc khai thác, thời hạn hợp đồng là 10 năm. Sang năm 2024 đã hết hạn hợp đồng và Chế Linh quyết định không gia hạn, vì vậy ông đã thông báo để các bên liên quan muốn sử dụng nhạc của ông được biết.
Hiện nay, vấn đề tác quyền âm nhạc, đặc biệt là nhạc vàng đang trở thành một chủ đề được nhiều người quan tâm.
Nếu như sau 1975, hầu hết các ca khúc được sáng tác trước 1975 ở miền Nam, trong đó có nhạc vàng, đã bị cấm hoàn toàn. Một thời gian dài các nhạc sĩ nhạc vàng còn ở trong nước lâm vào hoàn cảnh khó khăn, thậm chí là bi đát, như là Trúc Phương, Thăng Long, Y Vân, Hoài Linh… Cũng có một vài nhạc sĩ tiếp tục sáng tác hoặc làm nghề liên quan tới âm nhạc vào thời điểm “nới lỏng chính sách về nghệ thuật” vào những năm 1990, như Thanh Sơn, Hàn Châu, Hoàng Trang… nhưng số tiền tác quyền họ nhận được vẫn rất ít ỏi.
Tình trạng đó kéo dài sang tới thập niên 2010, và chỉ thay đổi từ khi có… YouTube. Khi nền tảng video này trả tiền cho các video ca nhạc dựa theo lượt hiển thị quảng cáo, các nhạc sĩ cũng hưởng lợi. Nhiều nhạc sĩ trước đây có cuộc sống khó khăn như Vinh Sử, Hàn Châu, đã đổi đời nhờ nhận được số tiền tác quyền rất lớn. Những nhạc sĩ lớn như Thanh Sơn, Trúc Phương, Hoài Linh, lúc sinh thời gặp khó khăn, thì ngày nay bỗng nhiên những tác phẩm của họ mang lại số tiền tác quyền khổng lồ cho hậu duệ của họ (là vợ con hoặc cháu – là những người nắm quyền thừa kế gia tài âm nhạc). Để dễ cho bạn đọc hình dung, những tên tuổi lớn như Trúc Phương, Lam Phương, Trịnh Công Sơn, số tiền tác quyền có thể lên tới vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng mỗi tháng hoặc mỗi quý.
Chế Linh là một trong những danh ca nổi tiếng nhất dòng nhạc vàng, được xưng tụng là 1 trong tứ trụ, gồm 4 nam danh ca tài năng và được yêu mến là Chế Linh, Duy Khánh, Nhật Trường, Hùng Cường. Trong khi cả 3 người kia đã qua đời từ lâu, duy chỉ có Chế Linh vẫn còn đi hát cho tới nay, dù đã ngoài 80 tuổi.
Click để nghe tuyển tập nhạc Chế Linh thu âm trước 1975
Cả 4 nam danh ca này đều nổi danh với dòng nhạc vàng với cả 2 vai trò là ca sĩ và nhạc sĩ, riêng Chế Linh sáng tác với bút danh Tú Nhi, nổi tiếng nhất là các ca khúc Bài Ca Kỷ Niệm, Đêm Buồn Tỉnh Lẻ, Mưa Buồn Tỉnh Lẻ, Đoạn Tái Bút (tất cả đều viết chung với Bằng Giang), Chuyện Mưa Mây (viết chung với Anh Việt Thanh), Đoạn Cuối Tình Yêu, Đoạn Buồn Đêm Mưa, Lời Kẻ Đăng Trình, Mai Lỡ Mình Xa Nhau, Thương Hận, Trong Tầm Mắt Đời, Ngày Đó Xa Rồi, Xin Vẫy Tay Chào, Xin Yêu Tôi Bằng Cả Tình Người…
Bên dưới là tất cả các nhạc phẩm mà Chế Linh sáng tác được ông công bố:
nhacxua.vn