Danh ca nhạc vàng Chế Linh, tức nhạc sĩ Tú Nhi, vừa thông báo trên facebook cá nhân về việc, ông hát một ca khúc do chính ông sáng tác trước 1975, nhưng đã bị 1 công ty “đánh gậy bản quyền”. Tức là khiếu nại bản quyền trên YouTube, thuật ngữ gọi là copyright strike.
Vì sao lại có sự việc trớ trêu này?
Ca khúc mà Chế Linh nhắc tới là bài Đoạn Buồn Đêm Mưa, lâu nay được biết tới là sáng tác của nhạc sĩ Vinh Sử. Tuy nhiên danh ca Chế Linh cho biết:
“…trước năm 1975, tôi có giúp nhạc sĩ Vinh Sử lúc khó khăn, được phép dùng bài hát Đoạn Buồn Đêm Mưa do Tú Nhi sáng tác, được phép in tờ nhạc để bán, xuyên suốt từ trước 75 đến tận bây giờ, tôi không hề đề cập gì đến như quyền sở hữu hay phí Tác Quyền…
Nhưng thời gian gần đây, có những sự tranh chấp vô lối bài hát do tôi sáng tác và chính tôi đã hát trên kênh YouTube của chính tôi, nhưng đã bị khiếu nại bởi cơ sở mang tên BIHACO. Cho rằng đã sở hữu những bài hát của nhạc sĩ Vinh Sử, trong đó có bài Đoạn Buồn Đêm Mưa của Tú Nhi.
Vì nhạc sĩ Vinh Sử đã không còn. Với tư cách là chính chủ của bài này, tôi xin chính thức thu hồi bài hát kể trên kể từ hôm nay, để tránh mọi phiền phức không nên có”
Năm 2022, ngay từ lúc nhạc sĩ Vinh Sử vẫn còn sống, Chế Linh – Tú Nhi cũng đã từng nói về việc ông sáng tác ca khúc Đoạn Buồn Đêm Mưa, nhưng đem bài hát này cho người bạn Vinh Sử, lúc đó đang gặp khó khăn, mà không yêu cầu gì về tiền bạc.
Chế Linh hát Đoạn Buồn Đêm Mưa trước 1975
Ông kể về hoàn cảnh sáng tác ca khúc này như sau:
Thời gian gần đây, tôi nghe người khác hát, từ các bạn hát rong ngoài phố, đến các bạn hát trên sân khấu, tôi rất vui khi nghe các bạn hát những bài hát của mình như Thương hận, Đêm buồn tỉnh lẻ, Mai lỡ mình xa nhau, Đoạn buồn cho tôi, Đoạn tái bút, Đoạn cuối tình yêu, Đoạn buồn đêm mưa…
Tôi cũng xin nói một chút về bài Đoạn buồn đêm mưa, tôi đã viết giữa lúc Sài Gòn trời đổ mưa tầm tã kéo dài, đường phố như suối nước. Lúc đó sợ xe ngập bị hư, tôi đã nhờ mấy em bán báo, đánh giày khiêng bỏ lên lề tránh ngập.
Trong quán Kim Sơn, chờ mãi mưa không chịu dứt, tôi đành ngồi uống một mình và viết bài hát này. Tốn mấy ly rượu để hoàn chỉnh Đoạn Buồn Đêm Mưa, bài hát được ra đời từ đêm ấy.
Đoạn Buồn Đêm Mưa được viết vào mùa mưa năm 1969, sau đó được thu vào đĩa nhựa 45 của Hãng Dĩa Việt Nam. Sau đó tôi có cho Vinh Sử đứng tên chung, xin phép ở Bộ thông tin và để Vinh Sử tự in và và bán nhạc lẻ (tờ nhạc), coi như giúp bạn vô điều kiện. Mãi đến nay (năm 2022) tôi cũng không yêu cầu thù lao nào từ nhạc sĩ Vinh Sử.
Như vậy, theo lời Chế Linh – Tú Nhi, ca khúc Đoạn Buồn Đêm Mưa là của ông sáng tác hoàn toàn, sau đó đã tặng cho Vinh Sử, và không đòi hỏi gì về Tác Quyền suốt từ năm 1969 tới 2024.
Về nguyên tắc, một món quà khi đã tặng thì nó hoàn toàn thuộc về chủ sở hữu mới. Tuy nhiên vì sao tới năm 2024, khi nhạc sĩ Vinh Sử đã qua đời, Chế Linh lại lên tiếng về vấn đề này. Ông giải thích như sau:
Chế Linh giải thích về Tác Quyền bài Đoạn Buồn Đêm Mưa
“Hôm nay, tôi sẽ giải đáp những khúc mắc liên quan đến tác giả Tú Nhi (bút danh của Chế Linh khi viết nhạc).
Nhiều người thắc mắc về việc tôi cho nhạc sĩ Vinh Sử bài hát Đoạn Buồn Đêm Mưa, để rồi gây lấn cấn về tác giả tới tận ngày hôm nay.
Hồi đó, Vinh Sử đang khó khăn. Tôi thấy Vinh Sử là nhạc sĩ có tài mà chưa có tiếng tăm để được bày bán tác phẩm trong các trung tâm băng nhạc. Phải là nhạc sĩ có tiếng mới được bày bán tác phẩm trong các trung tâm nhạc.
Tôi thương Vinh Sử vì tinh thần nghệ thuật rất cao, tự in bài để bán ở ngoài, không dám đưa vào trung tâm nhạc. Tôi mời Vinh Sử vào một quán nhạc và nói rằng: “Bạn có thể lấy bài hát này của tôi đi in rồi tôi sẽ giới thiệu bạn vào một trung tâm băng nhạc”.
Vinh Sử lấy bài hát đó, làm theo lời tôi và từ đó có chút tiếng tăm, kinh tế khá khẩm hơn.
Nhiều người nói Vinh Sử là một nhạc sĩ có tiếng, cũng có tác phẩm ăn khách thì làm sao khó khăn như lời ông Chế Linh nói được. Nhưng ở thời điểm đó, Vinh Sử chưa có gì hết.
Không chỉ cho bài hát Đoạn Buồn Đêm Mưa, tôi còn giúp Vinh Sử bằng cách hát một số ca khúc của Vinh Sử để giúp những ca khúc đó được công chúng biết tới. Lúc đó tôi đã nổi tiếng, còn Vinh Sử chưa có gì. Tôi giúp Vinh Sử bằng cách hát những bài đó và lấy cát xê rất ít.
Đến khi Vinh Sử có được tiếng tăm, cơ ngơi vững chãi rồi, lại ăn chơi quá mức nên không giữ được. Tôi thấy rất tiếc cho Vinh Sử.
Nhưng dù sao, đó cũng là tính cách của một người nghệ sĩ. Vinh Sử rất nghệ sĩ tính. Vì thế nên tôi mới thương Vinh Sử ở cái chất nghệ sĩ đó. Vinh Sử là kiểu nghệ sĩ không coi bản thân mình ra gì, chỉ sống hết mình với tác phẩm, âm nhạc.
Vinh Sử kiếm được nhiều và phí phạm cũng rất nhiều, đến khi tận cùng. Sau này, tôi có tìm lại Vinh Sử, anh em có hàn huyên, trò chuyện với nhau.
Thật sự, khi đưa bài Đoạn buồn đêm mưa cho Vinh Sử, tôi không tính toán bất cứ điều gì. Tôi chỉ nghĩ là giúp đỡ bạn mình và bạn mình có quyền sử dụng bài hát đó để bán, kiếm tiền.
Sau này, tôi thu hồi lại bài hát vì có một số việc không chấp nhận được, đi ngược tinh thần của tôi”.
“Một số việc không chấp nhận được” mà Chế Linh nói tới bên trên là gì? Đó chính là tình hình cạnh tranh rất gay gắt về vấn đề Tác Quyền nhạc vàng đang diễn ra trên YouTube. Nếu là 1 người nghe nhạc bình thường, bạn sẽ không thể nào hình dung được những sự tranh chấp vô cùng quyết liệt diễn ra đằng sau những bài hát được đăng trên YouTube.
Về nguyên tắc, một ca khúc bất kỳ được đăng lên YouTube (hoặc bất kỳ nền tảng nào khác), đều phải tuân thủ 2 quyền cơ bản của 1 ca khúc, đó là quyền tác giả (gọi tắt là Tác Quyền, là quyền thuộc về nhạc sĩ sáng tác, và nhạc sĩ có thể ủy quyền này cho một đơn vị khác, hoặc có thể bán đứt quyền này cho một công ty khác). Còn quyền thứ 2, được gọi là Quyền liên quan. Quyền liên quan bao gồm bản thu âm, hòa âm phối khí, giọng hát ca sĩ. Quyền liên quan này thông thường thuộc về một hãng dĩa, công ty thu âm, hoặc cũng có thể là của ca sĩ, nếu chủ thể này sở hữu toàn bộ các quyền liên quan vừa nêu.
Tác Quyền của 1 ca khúc đăng trên YouTube được Google bảo vệ rất chặt chẽ. Một video đăng lên YouTube thường có hiện quảng cáo, thì số tiền quảng cáo đó, ngoài việc trả cho các chủ kênh (nếu chủ kênh bật kiếm tiền được), thì còn trích 1 phần không ít để trả Tác Quyền cho nhạc sĩ.
Có người đặt câu hỏi, tiền Tác Quyền đó được thanh toán như thế nào? Đây là một câu chuyện rất dài, mà nếu có dịp chúng tôi sẽ nói tới trong một bài viết sau. Chỉ có thể tóm tắt, đó là YouTube sẽ trả Tác Quyền cho một tổ chức do Bộ Nội Vụ lập ra, mang tên là Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam, viết tắt là VCPMC. Sau khi nhận được tiền từ YouTube (hoặc từ các tổ chức biểu diễn, phát hành nhạc khác), VCPMC sẽ có trách nhiệm liên hệ với từng nhạc sĩ để trả lại tiền theo tỷ lệ, và có giữ lại số % tiền phí hoạt động. Mặc định, theo điều lệ hoạt động của VCPMC thì họ có quyền thu giùm Tác Quyền cho tất cả các nhạc sĩ Việt Nam, còn nếu nhạc sĩ nào không đồng ý ủy quyền cho VCPMC thu Tác Quyền, thì nhạc sĩ gửi văn bản để yêu cầu chấm dứt.
Nhắc lại 1 chút vào năm 2011, khi Chế Linh lần đầu được cấp phép về Việt Nam làm liveshow sau năm 1975, ông hát hầu hết là những bài của Tú Nhi sáng tác, nhưng lại bị giám đốc VCPMC (lúc đó là nhạc sĩ Phó Đức Phương) yêu cầu trả tiền Tác Quyền. Chế Linh thắc mắc, ông hát nhạc của ông mà cũng bị người khác tới đòi tiền Tác Quyền, vậy tiền đó sẽ trả cho ai?
Trở lại về vấn đề hiện nay, khi người nghe nhạc vàng chủ yếu nghe nhạc trên YouTube, thì số tiền Tác Quyền được YouTube trả cho nhạc sĩ thông qua VCPMC (hoặc các công ty sở hữu Tác Quyền) là rất lớn. Với những tên tuổi nổi tiếng như Trúc Phương, Lam Phương, Phạm Duy… tiền Tác Quyền nhận được có thể lên tới hàng tỷ đồng mỗi quý.
Miếng bánh Tác Quyền này lớn đến nỗi, có nhiều công ty nhảy vào cạnh tranh quyết liệt. Hiện có một số công ty đã liên hệ trực tiếp với từng nhạc sĩ để mua đứt Tác Quyền, với một số tiền không nhỏ, được nhận một lần. Khi đó, các tổ chức sử dụng nhạc như YouTube sẽ trả Tác Quyền cho các công ty này, chứ nhạc sĩ (đã bán đứt tác phẩm) sẽ không còn được nhận tiền Tác Quyền hàng tháng thông qua VCPMC nữa.
Trở lại với trường hợp nhạc sĩ Tú Nhi, tức ca sĩ Chế Linh. Trong suốt 10 năm, từ 2014-2024, ông ký hợp đồng để công ty Làng Văn được độc quyền khai thác tất cả sản phẩm của ông, kể cả băng nhạc lẫn Tác Quyền nhạc. Tuy nhiên từ năm 2024, ông đã chấm dứt hợp đồng, và hiện tại đang giao Tác Quyền cho Trung tâm Thúy Nga thu giùm.
Còn về phần Vinh Sử, ông đã bán Tác Quyền tất cả các ca khúc của ông cho công ty BH, kể cả bài Đoạn Buồn Đêm Mưa. Vì vậy, khi Chế Linh hát bài Đoạn Buồn Đêm Mưa do chính ông sáng tác và đăng lên YouTube, thì bị công ty BH vào khiếu nại bản quyền, như lời kể ở đầu bài viết này. Từ đó mới phát sinh sự việc “không chấp nhận được, đi ngược tinh thần của tôi” như Chế Linh nói.
Đông Kha