Danh ca Bích Chiêu – Giọng hát của “Nỗi Lòng” và một thời vàng son của phòng trà Sài Gòn thập niên 1950

Ca sĩ Bích Chiêu – trưởng nữ của nghệ sĩ Lữ Liên (ban AVT), là chị cả của một gia đình văn nghệ, với những tên tuổi lừng lẫy của âm nhạc Việt Nam là Tuấn Ngọc, Anh Tú, Khánh Hà, Lưu Bích… đã qua đời vào ngày 27/1/2022 tại tỉnh Orléans – Pháp, hưởng thọ 80 tuổi.

Nếu bạn là người yêu thích nhạc xưa, hãy theo dõi kênh YouTube này để nghe đọc các bài cảm nhận về âm nhạc (phân tích ý nghĩa, hoàn cảnh sáng tác, tiểu sử ca nhạc sĩ): LINK YOUTUBE  < Click

Bích Chiêu là một trong những nữ danh ca nổi tiếng nhất Sài Gòn từ cuối thập niên 1950. Tuy nhiên vì nữ danh ca đã rời Việt Nam để định cư ở Pháp từ năm 1962 nên không còn lưu lại bản thu âm nào của Bích Chiêu vào thời xưa, mà giọng hát đặc biệt của bà chỉ được lưu lại qua ký ức của những người từng sống ở Sài Gòn trên 60 năm trước.

3 chị em Bích Chiêu (9 tuổi), Tuấn Ngọc (5 tuổi) và Anh Tú (1 tuổi) tại Đà Lạt năm 1951

Được biết nữ danh ca qua đời cùng ngày với người chồng của mình, sau khi cả 2 cùng nhập viện 1 tuần trước vì đột quỵ và tuổi cao sức yếu.

Ca sĩ Bích Chiêu tên thật Lã Thị Bích Chiêu, Sinh 1942 ở Hải Phòng, đến năm 4-5 tuổi theo cha mẹ vào Nam và sinh sống ở Đà Lạt.

Chị em Bích Chiêu thời nhỏ. Số 1 là Bích Chiêu, số 2 là Tuấn Ngọc, số 3 là Anh Tú

Tại xứ lạnh, từ khi mới 4,5 tuổi bà đã đi hát cho Trường Thánh Mẫu và hát cho đài phát thanh. Vài năm sau đó gia đình nghệ sĩ Lữ Liên chuyển về sinh sống ở Sài Gòn, 2 chị em Bích Chiêu – Tuấn Ngọc vào hát ở ban Tuổi Xanh của nữ kịch sĩ Kiều Hạnh, sau đó là ban Hoa Xuân cùng với Mai Hương, Mai Hân, Kim Chi.

Bích Chiêu trong ban Tuổi Xanh của vợ chồng Kiều Hạnh – Phạm Đình Sỹ. Trong hình này còn có các ca sĩ nhí sau này trở thành danh ca nổi tiếng là Tuấn Ngọc, Mai Hương, Mai Hân, Quỳnh Dao và đôi “thần đồng” Kim Chi – Quốc Thắng

Khi đến tuổi trường thành, Bích Chiêu bắt đầu đi hát, đâu tiên ở phòng trà Bồng Lai, sau đó được hầu hết các phòng trà ở Sài Gòn mời hát với cát xê rất cao. Thời cuối thập niên 1950, hai nữ ca sĩ phòng trà được mời hát với thù lao cao nhất là Bích Chiêu và Bạch Yến. Hai nữ danh ca này có những điểm chung, đó là đều sinh năm 1942, đi hát từ khi còn rất trẻ, hát nhạc ngoại nhiều hơn nhạc Việt. Họ đều sang Pháp du học về thanh nhạc từ đầu thập niên 1960, sau này đều gắn bó với nước Pháp và thật trùng hợp là cùng lấy chồng tên Hải. Có lời đồn rằng vì đều nổi tiếng nên 2 ca sĩ này không ưa nhau, không bao giờ chịu đứng chung một sân khấu. Tuy nhiên sau này danh ca Bạch Yến nói rằng sở dĩ như vậy là vì tiền cát xê của cả 2 đều rất cao nên chủ phòng trà chỉ có thể mời 1 trong 2 người trong một đêm nhạc. Khi cùng sống ở Pháp, họ khá thân thiết với nhau, và chính Bạch Yến là người đón Bích Chiêu tại Pháp khi nghe tin bạn mình cũng sang Pháp vào năm 1962.

Dù là người chuyên hát nhạc ngoại quốc, từng thu âm hàng ngàn bài hát, nhưng bài nổi tiếng đầu tiên, và nổi tiếng nhất trong suốt sự nghiệp của Bích Chiêu lại là một ca khúc nhạc Việt thời đầu thập niên 1950, đó là Nỗi Lòng của Nguyễn Văn Khánh. Bích Chiêu hát ca khúc này với một phong cách không giống với bất kỳ ca sĩ nào khác, cũng như không ai có thể sao chép, đó là hát jazz ngẫu hứng, với kỹ thuật thượng thừa và cảm xúc dạt dào cùng điệu bộ nũng nịu một cách cuốn hút, hát như thể là trút hết tất cả tâm tư, nỗi lòng vủa mình vào bài hát.

Lúc sinh thời, Bích Chiêu nói rằng thuở nhỏ bà thường nghe cha mình là Lữ Liên hát, thấy thích nên tập hát theo. Tuy nhiên bà bị cha mình chê là hát như vẹt, hát mà không hiểu ý nghĩa bài hát, đồng thời ông có lời khuyên rằng hát cũng như ăn, như nói, hát phải biết mình hát gì, nội dung bài hát nói về cái gì, cũng giống như là phải biết mình ăn cái gì, nói cái gì. Lời khuyên đó đã ăn sâu vào tâm trí của nữ ca sĩ suốt cả sự nghiệp ca hát.

Vì nổi tiếng với nhạc ngoại quốc, được biết đến với dòng nhạc này, nên khi Bích Chiêu có ý muốn tạo dấu ấn với khán giả Việt Nam bằng 1 ca khúc nhạc Việt, bà đã chọn bài hát Nỗi Lòng đã quen thuộc với mình qua giọng hát của cha, nhưng biến tấu nó thành theo phong cách nhạc ngoại quốc, đó là lý do Nỗi Lòng với phong cách jazz của Bích Chiêu có thể xem là độc nhất vô nhị.


Click để xem Bích Chiêu trình diễn Nỗi Lòng trên Paris By Night năm 1997

Năm 1962 sang Pháp du học về âm nhạc cổ điển và thương mại. Theo lời bà nói lại thì thời đó không nhiều người Việt được đi du học, nên khi có cơ hội thì bà đi ngay, với mong muốn tìm hiểu thêm và âm nhạc thế giới, có cơ hội được gặp gỡ nhiều ca sĩ ngoại quốc, dù lúc đó bà đã đạt được nhiều vinh quang trong sự nghiệp. Năm 1964, nhà soạn nhạc và nghệ sĩ piano nổi tiếng Pháp là Jack Diéval thực hiện cho bà 1 dĩa nhựa, khi đó bà được giới thiệu với cái tên Bee Tchou, phát âm gần giống với nghệ danh chính thức Bích Chiêu. Lý do là người Pháp không thể phát âm đúng cái tên Bích Chiêu, mà gọi thành Bee Tchou.

Thời gian sau đó bà sang Ý, lấy chồng là một người gốc Việt sống tại đây, cũng là mối tình đầu của bà khi còn ở Việt Nam khi bà mới 17 tuổi. Trước đã bà đã từng đổ vỡ hôn nhân với người chồng đầu tiên. Năm 1997, Bích Chiêu có lần duy nhất xuất hiện trên sân khấu Paris By Night, thể hiện ca khúc Nỗi Lòng với phong cách jazz sở trường của mình. Những năm cuối đời, và sống ở cả 2 nơi Pháp và Ý.

Một số hình ảnh của Bích Chiêu lấy từ Jimmy’s show:

Đông Kha (nhacxua.vn) biên soạn

Exit mobile version