Có thể nói Hoàng Oanh là điển hình của một nữ nghệ sĩ dù nổi tiếng nhưng vẫn giữ được cuộc sống bình dị. Những ai đã tiếp xúc với Hoàng Oanh đều có chung nhận xét rằng cô rất hiền, ăn nói từ tốn và tính tình đôn hậu. Trong bài viết Hoàng Oanh – Tiếng Hát Của Giòng Thơ Nhạc Giao Duyên, tác giả Phạm Khanh đã có nhận xét: “Một cuộc đời nghệ sĩ không sóng gió. Hoàng Oanh đi hát, đi học, sống êm đềm trong hạnh phúc gia đình, trong tình bằng hữu và trong tình cảm nồng hậu của khán thính giả…”
Trong suốt quãng thời gian ca hát hơn 20 năm ở miền Nam, khán giả yêu nhạc vàng biết đến ca sĩ Hoàng Oanh qua làn sóng điện, đài truyền hình, các dĩa hát, tờ nhạc và báo chí… và đặc biệt là cô không bao giờ hát ở phòng trà hay vũ trường thời trước năm 1975.
Ca sĩ Hoàng Oanh nói: “Thời gian đó, Hoàng Oanh còn đang đi học. Ngoài thời gian đến đài phát thanh và đến trường, Hoàng Oanh phải tập trung học bài và ôn thi. Và Hoàng Oanh nhận thấy không khí náo nhiệt ở phòng trà hay vũ trường không phù hợp với tính tình hiền hòa, nhút nhát của Hoàng Oanh. Vào thời gian đó, nhạc sĩ Phạm Đình Chương có mời Hoàng Oanh hát cho phòng trà Đêm Màu Hồng của ông nhưng Hoàng Oanh từ chối vì bận chuyện bài vở vào buổi tối. Hoàng Oanh chỉ thỉnh thoảng nhận lời hát cho các đại nhạc hội”.
Là một ca sĩ nổi tiếng và được nhiều bầu sô săn đón, nhưng Hoàng Oanh từ xưa đến nay vẫn luôn dè dặt, khiêm tốn. Nhà văn Hồ Trường An từng nói về cô như sau: “Trong hàng ngũ các nữ ca sĩ nổi tiếng thuở xa xưa chỉ có Lệ Thanh, Thanh Thúy và Hoàng Oanh là nhu mì, khiêm tốn, ngoan hiền và biết tự trọng”.
Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 đã từng so sánh Hoàng Oanh với Chế Linh để lột tả sự cao đẹp trong nhân cách của cô. Ông nói: “Hoàng Oanh thật là một con người trung hậu, nghĩa là cô nghĩ đến mình và cả đến người khác. Thêm một yếu tố quan trọng nữa là những cuộn băng, những đĩa hát, những CD, một khi cô đã phát hành cô đều lưu giữ lại và gìn giữ cẩn thận như đó là những đứa con tinh thần của cô.
Trong khi đó ca sĩ Chế Linh thì lại khác, cuốn băng nào đã phát hành, những bài bản nào đã hát anh đều quên bẵng đi, giống như kiểu bán tiếng hát lời ca để làm thương mại mà trung tâm băng nhạc nào mời anh và khi tiền đã trao và cháo đã múc là anh vội quên ngay.
Đôi khi tôi có ý nghĩ so sánh anh làm công việc giống như người ta nói là “đẻ thuê”. Nghĩa là mình cũng tự đẻ ra đứa con, nhưng lại chỉ đẻ giùm và vì thế mà chóng quên và không hề lưu luyến”.
Hoàng Oanh từ nhỏ đã nhận được sự giáo dục nghiêm khắc từ cha, nên sống rất chuẩn mực và đoan trang. Từ khi lên 5, cô đã được cha mình (là một nghệ sĩ) dạy hát và tới 8 tuổi thì bắt đầu đứng trên sân khấu.
Nếu như các sĩ khác cùng thời phải rất khó khăn mới nổi tiếng thì Hoàng Oanh với giọng hát trời phú và kỹ thuật điêu luyện đã nhanh chóng đạt được thành công ngay từ những năm đầu đi hát. Cô chiếm được cảm tình của đông đảo công chúng, được các hãng dĩa lớn mời thu âm ngày từ lúc còn là nữ sinh trường Gia Long.
Nổi tiếng từ sớm như vây, nhưng Hoàng Oanh luôn tự nhận mình là người nhút nhát, ngại xuất hiện trên báo chí. Cô không bị choáng ngợp bởi những ánh hào quang sân khấu để rồi lao vào vòng xoáy đó, mà vẫn tập trung cho việc học. Rất khó để có thể chu toàn cả 2 là học hành đến nơi đến chốn và phát triển sự nghiệp, nhưng Hoàng Oanh làm được và làm rất tốt khi cô tốt nghiệp cử nhân văn chương của trường Đại học Văn khoa danh giá. Trong giới nữ ca sĩ, hình như chỉ có Hoàng Oanh và Thanh Lan là đã từng lên đại học. Song song với việc học, Hoàng Oanh còn vừa thu âm cho nhiều hát dĩa, vừa lên đài phát thanh và truyền hình để tình diễn, đến các ảnh viện để chụp ảnh cho bìa dĩa và tờ nhạc… Cũng vì bận rộn như vậy nên trong suốt sự nghiệp 20 năm ca hát ở Sài Gòn, Hoàng Oanh chưa từng đi hát ở phòng trà, vũ trường
Hoàng Oanh cho biết cô yêu thơ và thích đọc sách từ nhỏ, nhờ vậy mà cô sở hữu được vốn kiến thức rộng lớn về văn thơ, cũng như ca dao, dân ca của khắp các miền đất nước để phát triển khả năng ngâm thơ có một không hai của mình. Hoàng Oanh cũng là người đầu tiên thể hiện hình thức ngâm thơ trước mỗi bài hát, từ đó về sau trở thành một đặc trưng riêng trong sự nghiệp ca hát. Ngoài những bài hát mà nhạc sĩ để sẵn đoạn thơ mở đầu để ca sĩ ngâm, như là Hòn Vọng Phu, Buồn Chi Em Ơi… thì đa số các bài hát khác, Hoàng Oanh phải tự tìm một đoạn thơ phù hợp với bài hát để ngâm. Nhạc sĩ Lê Thương đã nhận xét:
“Dễ thương nhất có tiếng ngâm vượt núi của Hoàng Oanh, nõn nà, cao vút đến mây xanh, nghe mát mẻ như gió chiều hồ Lăng Bạc.
Nhờ sự giáo dục nghiêm khắc từ nhỏ của gia đình, cộng với học thức rộng, Hoàng Oanh luôn giữ được phẩm hạnh cao đẹp trong suốt sự nghiệp, nhưng cũng không vì vậy mà tỏ vẻ hơn người, ngược lại cô luôn nhún nhường trước tài năng của những nghệ sĩ tiền bối cùng như các thế hệ sau này. Dù đứng trong ánh hào quang và phải chịu nhiều xô bồ, thị phi, cô vẫn giữ được một nếp sống bình dị cho riêng mình.
Ở ngoài đời cô sống chan hòa và thân thiết với nhiều đồng nghiệp, nếu ai có dịp tiếp xúc với Hoàng Oanh đều có chung một nhận xét là cô rất chân thành và thân thiện. Nếu ai không có cơ hội tiếp xúc với cô mà chỉ xem các buổi trò chuyện, sẽ thấy cô nói chuyện rất từ tốn, nhẹ nhàng, dù người đối diện là lớn hay nhỏ tuổi hơn, cô đều có thói quen dạ thưa rất lịch thiệp.
Có một định kiến cho rằng tình yêu của giới nghệ sĩ thường bay bướm, không bền vững, họ thay người yêu như thay áo… Điều đó không đúng với nữ ca sĩ Hoàng Oanh, vì người chồng của cô suốt gần 50 năm qua cũng là mối tình đầu, đó là nhạc sĩ Mai Châu – tác giả của bài hát Một Người Đi.
Nhạc sĩ Mai Châu tên thật là Mã Gia Minh, sinh năm 1945 ở Bạc Liêu. Ông tốt nghiệp Dược khoa, đồng thời cũng là nhạc sĩ sáng tác một số bài nhạc vàng nổi tiếng như Một Người Đi, Tiếng Hát Chinh Nhân, Một Ngày Tôi Đi Qua…
Theo lời kể của nhạc sĩ Mai Châu, ông quen biết nữ danh ca Hoàng Oanh năm 1963, khi ông mới 18 tuổi (chuẩn bị thi tú tài) và Hoàng Oanh lúc đó là một nữ sinh Gia Long mới 17 tuổi.
Cho đến hiện nay, Hoàng Oanh vẫn còn giữ tất cả lá thư tình mà Mai Châu gửi trong suốt 9 năm yêu nhau trước khi kết hôn. Khi quen nhạc sĩ Mai Châu, ca sĩ Hoàng Oanh đã là một ca sĩ thành danh, còn Mai Châu chưa có tên tuổi và là một học trò nghèo. Khi đó ông là một trong rất nhiều khán giả ái mộ nữ ca sĩ và thường viết thư gửi về cho thần tượng.
Nhạc sĩ Mai Châu kể lại rằng khi ông viết lá thư đầu tiên cho Hoàng Oanh thì không nhận được hồi âm, nên ông đã tìm cách để gặp bằng được thần tượng ở ngoài đời.
Một hôm Mai Châu trốn học để chờ trước cổng trường nữ Gia Long. Khi gặp mặt, lúc Hoàng Oanh chuẩn bị lên xe đưa rước để về nhà thì ông đánh bạo lại hỏi chuyện: “Thưa, có phải cô là ca sĩ Hoàng Oanh?”. Đáp lại ông là tiếng “dạ” nhỏ nhẹ của cô nữ sinh áo trắng. Chỉ trò chuyện được đôi câu, nhưng Mai Châu kiên nhẫn đón đợi trước cổng trường nữ sinh nhiều ngày như vậy, dần dần làm cho ca sĩ Hoàng Oanh cảm động trước tấm chân tình đó.
Cũng vì ái mộ Hoàng Oanh mà chàng trai tên Mã Gia Minh đã đi học viết nhạc và trở thành nhạc sĩ Mai Châu, là tác giả của 1 số ca khúc nổi tiếng, trong đó có bài Một Người Đi đã được in nhạc tờ với số lượng khoảng gần 900.000 bản.
Yêu nhau suốt 9 năm, ca sĩ Hoàng Oanh đã chờ cho đến khi nhạc sĩ Mai Châu tốt nghiệp Dược Khoa thì họ kết hôn năm 1972 và chung sống hạnh phúc cho đến nay.
nhacxua.vn tổng hợp