Chuyện đời xưa nay, người ta nói rằng nghệ sĩ thường sẽ đa tình, bay bướm, hoặc hồng nhan sẽ bạc phận, đa đoan và trắc trở tình duyên. Nhưng điều có có lẽ là không đúng đối với nữ danh ca nhạc vàng Thanh Thúy.
Cô là ca sĩ tài danh bậc nhất, được mọi tầng lớp biết đến ở miền Nam trước 1975. Cô cũng có sắc đẹp đằm thắm từng làm ngất ngây biết bao nhiên văn nhân nghệ sĩ Sài Gòn. Năm 1964, Thanh Thúy lên xe hoa với chàng trung tá phi công Ôn Văn Tài, và có cuộc hôn nhân hạnh phúc suốt gần 60 năm.
Phi công Ôn Văn Tài là học sinh Petrus Ký, sau khi đậu tú tài năm 1953 ông vào binh chủng không quân và được huấn luyện tại căn cứ không quân Pháp ở Marrocco – Bắc Phi. Năm 1955 ông về nước và làm việc ở trung tâm huấn luyện không quân ở Nha Trang vừa mới được thành lập.
Chỉ 6 tháng sau, ông lại sang Mỹ học bổ túc một khóa huấn luyện để trở thành huấn luyện viên ở trung huấn luyện Nha Trang. Cũng tại đây, ông đã có dịp quen với một nữ ca sĩ được yêu thích bậc nhất khi đó là Thanh Thúy.
Nhân dịp một khóa ở trung tâm huấn luyện không quân Nha Trang tốt nghiệp, trường đã tổ chức văn nghệ và mời Thanh Thúy hát giúp vui. Họ đã gặp nhau hôm đó, sau đó thư từ và thăm nhau, để đến năm 1964 chính thức trở thành vợ chồng.
Có một sự trùng hợp, không lâu sau đó thì Thanh Thúy rất được yêu mến với ca khúc Một Chuyến Bay Đêm (của nhạc sĩ Song Ngọc – Hoài Linh), nói về nhiệm vụ của người phi công trên bầu trời hàng đêm:
Có người hỏi phi công ước mơ gì?
Người ơi nhân thế muôn màu nào biết mơ ước chi?
Ước rằng từ khi tung nhịp cánh
Tình ta yêu thương là gió, nhân tình của mây.
Click để nghe Thanh Thúy hát Một Chuyến Bay Đêm trước 1975
Với Một Chuyến Bay Đêm, Thanh Thúy như là đã hòa nhập trọn vẹn tâm hồn mình vào trong ca khúc. Đó cũng là thời điểm ông Ôn Văn Tài không còn làm công tác huấn luyện nữa, mà đã thường xuyên theo phi đoàn bay hành quân. Có lẽ vì vậy mà Thanh Thúy là người hiểu nhất tâm trạng của một người vợ hàng đêm cảm thấy bất an khi chồng của mình có những chuyến xuất kích đầy hiểm nguy.
Sau khi lấy chồng, một thời gian sau thì có con nhỏ, Thanh Thúy tạm nghỉ hát một thời gian, không còn xuất hiện trước công chúng nữa. Cô cũng giã biệt Sài Gòn hoa lệ để về nhà chồng ở Đà Nẵng.
Tưởng như khán giả yêu nhạc thời ấy sẽ vĩnh viễn không còn thấy lại Thanh Thúy trên sân khấu nữa, như đã từng mất đi tiếng hát Lệ Thanh, hay là Ánh Tuyết, khi những danh ca này theo chồng giã từ sân khấu. Tuy nhiên vài năm sau đó, nhạc sĩ Ngọc Chánh đã tìm đến tận nhà để thuyết phục Thanh Thúy đi hát trở lại, vì khán giả vẫn còn yêu thương và nhung nhớ giọng hát liêu trai vẫn không có ai có thể thay thế được. Lúc đó con đã lớn nên Thanh Thúy đồng ý trở lại Sài Gòn để sinh hoạt văn nghệ. Lần này cô không chỉ đơn thuần là đi hát, mà còn hoạt động mạnh mẽ hơn.
Với sự hỗ trợ của nhạc sĩ Ngọc Chánh, cô thành lập trung tâm băng nhạc Thanh Thúy và chỉ trong 5 năm đầu của thập niên 1970, trung tâm này đã phát hành tới 25 băng nhạc có giá trị, với mỗi băng có khoảng 18-20 bài hát. Cho đến nay, những băng nhạc này vẫn còn được lưu truyền, được người yêu thích nghe nhạc trước 1975 xem như là báu vật, là những âm thanh đến từ quá khứ mà không thể nào tìm lại được nữa. Năm 1975, khi vừa thực hiện xong cuốn Thanh Thúy 26 chưa kịp phát hành thì thời cuộc đổi thay. Nhiều năm sau đó, cô tái lập trung tâm Thanh Thúy vẫn tiếp tục thực hiện những cuốn CD chủ đề ở hải ngoại.
Cùng với sự trở lại của Thanh Thúy tại đô thành Sài Gòn, phu quân của cô là Ôn Văn Tài cũng gia nhập làng nghệ thuật. Ông đóng phim Bão Tình năm 1971, vào vai một hải quân trung úy mang tên Vũ Minh Toàn, xuất hiện bên cạnh nữ minh tinh tài danh Kiều Chinh. Trong phim này còn có sự tham gia của 2 nam ca sĩ nổi tiếng là Hùng Cường và Duy Mỹ.
Ngày 30/4/1975, nhờ đặc quyền của một phi công, ông Ôn Văn Tài đưa cả gia đình di tản sang Mỹ. Tại Las Vegas, ngoài việc tái lập trung tâm băng dĩa nhạc mang tên Thanh Thúy, cô còn cộng tác thường xuyên với một số trung tâm âm nhạc lớn của hải ngoại.
Ngày 31/7/2023, ông Ôn Như Tài qua đời, hưởng thọ 91 tuổi.
Bài: Đông Kha
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn