Cuộc hạnh ngộ của các nghệ sĩ nổi tiếng làng nhạc Sài Gòn xưa

Hình ảnh bên trên, từ trái qua là: Nhạc sĩ Trần Quang Lộc, nhạc sĩ Y Vũ, danh ca Phương Dung, nhà sưu tầm âm nhạc Phương Chánh Hùng, nhạc sĩ Nguyễn Vũ, nhạc sĩ Đài Phương Trang, nhạc sĩ Mạnh Quỳnh.

Nếu bạn là người yêu thích nhạc xưa, hãy theo dõi kênh YouTube này để nghe đọc các bài cảm nhận về âm nhạc (phân tích ý nghĩa, hoàn cảnh sáng tác, tiểu sử ca nhạc sĩ): LINK YOUTUBE  < Click

“Lâu lắm rồi mới được hội ngộ vui như vậy!”, danh ca Phương Dung chia sẻ với các nhạc sĩ hôm thứ Bảy, 21/9/2019 tại Sài Gòn.

Sáng hôm đó, các nhạc sĩ Trần Quang Lộc, Y Vũ, Đài Phương Trang, Mạnh Quỳnh, Nguyễn Vũ hội ngộ cùng nhau. Sự góp mặt của danh ca Phương Dung làm không khí hội ngộ thêm ấm áp.

Lần đầu tiên, danh ca Phương Dung được gặp nhạc sĩ Nguyễn Vũ mặc dù trước đó, các tình khúc của nhạc sĩ đã rất nổi tiếng như: Bài Thánh Ca Buồn, Huyền Thoại Một Chiều Mưa, Một Loài Chim biển, Ga Chiều Phố Nhỏ… Nhạc sĩ Y Vũ và Nguyễn Vũ cũng là đôi bạn thân qua nhiều thập niên thăng trầm.

Nhạc sĩ Nguyễn Vũ và nhạc sĩ Y Vũ

Trong buổi gặp mặt, nhạc sĩ Đài Phương Trang nói về sức sống của dòng nhạc 1960 – 1970 ở miền Nam được biết tới cho đến hôm nay bởi 2 yếu tố:

“Cái melody của nó rất hay. Thứ nữa, ngày trước các nhạc sĩ phổ thơ thì thường phổ dựa trên luật cân phương (trong âm nhạc) nhưng sau này không ai làm được như vậy nên sau này nhạc phổ thơ (giai đoạn sau 1960 – 1970) rất dở”, nhạc sĩ Đài Phương Trang nói.

“Tôi có chút suy nghĩ khác”, nhạc sĩ Trần Quang Lộc thêm ý.

“Nhạc sĩ phổ thơ là người rất có trình độ bởi họ phải dựa đúng câu, chữ, dấu để đưa đúng nốt vào nhạc. Thành ra, nhiều bài nhạc đã trở thành bất tử”. Nhạc sĩ Trần Quang Lộc với giọng nói nhẹ nhàng, từ tốn nói.

Danh ca Phương Dung nói thêm: “Bởi thế, thành ra, người ta sẽ luôn nhớ Phạm Duy, Phạm Đình Chương bởi những bài phổ thơ của ông rất xuất sắc”.

Nhạc sĩ Trần Quang Lộc và nhạc sĩ Đài Phương Trang

Sau đó, các nghệ sĩ đồng ý với nhau rằng, sức sống của dòng nhạc 1960 – 1970 sẽ còn mãi bởi vì nó là sự kết hợp giữa giai điệu đẹp và ca từ sang trọng.

Phương Dung góp vui với cuộc hội ngộ bằng câu chuyện vui trong âm nhạc. Đó là hoàn cảnh ra đời của bài hát Linh Hồn Tượng Đá.

“Bài hát này có tác giả là Mai Bích Dung mà cho đến giờ không ai biết, Mai Bích Dung là ai”, nhạc sĩ Đài Phương Trang nói.

Danh ca Phương Dung bật mí: “Mai Bích Dung không phải là một tên mà là tên của 3 cô gái”.

Nhóm nhạc sĩ Anh Bằng gặp 3 cô gái ở Bãi Sau của Vũng Tàu. Tên lần lượt của các cô là: Cô Mai, cô Bích và cô Dung.

Nhóm các nhạc sĩ mới quen nhưng đã tổ chức đi chơi, rồi ăn hải sản rất vui vẻ. Dĩ nhiên, nhóm của nhạc sĩ Anh Bằng là bên… chủ chi. Tưởng là, buổi tối hôm đó sẽ là một buổi tối “đáng nhớ”, nhưng nào ngờ các cô Mai, Bích, Dung khi ăn xong thì… đi về. Hụt hứng và nhạc sĩ Anh Bằng viết bản nhạc Linh Hồn Tượng Đá.

“Thành ra khi họ chết đứng như tượng đá, chờ ai đây, đợi ai đây. Đoạn cuối thì mong gì gặp lại lần thứ Hai”, danh ca Phương Dung giải thích.

Tất cả nghệ sĩ của buổi hội ngộ cười và cũng mong là mấy cô Mai, Bích, Dung có gặp lại nhóm nhạc sĩ Anh Bằng để gặp lại lần Hai.

Các nghệ sĩ cũng nhắc đến những nhạc sĩ có sức khỏe yếu và những người bạn giờ đã không còn. Có người ra đi ở Việt Nam hoặc ở Mỹ nhưng những bản nhạc và giai điệu của nhạc, đời và tình của các nhạc sĩ thì vẫn còn mãi.

Và buổi sáng thứ Bảy của ngày 21/9/2019 sẽ còn đẹp mãi bởi đong đầy những cảm xúc của vui, buồn đời nghệ sĩ.

Nguồn: facebook Chương trình “Âm nhạc Việt Nam những chặng đường”

Exit mobile version