Cuộc đời và sự nghiệp “Nữ hoàng sân khấu” Thanh Nga – Một đời tài hoa và bạc mệnh

Sở hữu nhan sắc hơn người cùng tài năng ca hát, nghệ sĩ cải lương Thanh Nga từng được gọi là “Đệ nhất minh tinh” và “Nữ hoàng sân khấu” của Sài Gòn vào thập niên 1960-1970.

Nói về những người đẹp của Sài Gòn nổi tiếng nhất trước năm 1975, không thể không nhắc đến nghệ sĩ Thanh Nga, một trong tứ đại mỹ nhân của làng nghệ thuật miền Nam cùng với Kiều Chinh, Thẩm Thúy Hằng và Kim Cương, là 4 nữ nghệ sĩ có tài sắc vẹn toàn. Sở hữu nhan sắc “nghiêng nước nghiêng thành” và tài năng hơn người, nhiều người còn đánh giá Thanh Nga nổi bậc nhất trong số “tứ đại mỹ nhân” đã kể trên.

Nếu chỉ nhìn hình ảnh Thanh Nga, ấn tượng đầu tiên mà người ta thấy đó là một người rất đẹp, một nét đẹp dịu hiền đầy nữ tính. Nhưng không chỉ vậy, Thanh Nga không đẹp theo kiểu “bình hoa di động” vô năng như nhiều mỹ nhân khác muốn chen chân vào con đường nghệ thuật, mà Thanh Nga là một nghệ sĩ có thực tài, nếu không muốn nói là một trong những nữ nghệ sĩ tài năng nhất của sân khấu cải lương Việt Nam từ trước đến nay.

Nghệ sĩ Thanh Nga tên thật là Nguyễn Thị Nga, sinh ngày 31/7/1942 tại Tây Ninh, là con gái của bà Bầu Thơ nổi tiếng.

Thanh Nga và mẹ – bà Bầu Thơ

Cha dượng của Thanh Nga là nghệ sĩ Năm Nghĩa, người sáng lập ra gánh hát cải lương Thanh Minh, và người có công lớn nhất trong việc gầy dựng và phát triển gánh hát này trở thành một đoàn cải lương nổi tiếng bậc nhất Sài Gòn chính là bà Bầu Thơ. Đoàn Thanh Minh (sau này là Thanh Minh – Thanh Nga) đã đưa rất nhiều nghệ sĩ cải lương bước lên đài danh vọng từ những năm thập niên 1950 trở về sau, trong đó có Thanh Nga – Con gái cưng của ông bà chủ của đoàn hát.

Ngoài nhan sắc rực rỡ sớm thể hiện ở tuổi thiếu nữ, nhờ được sống trong bầu không khí ngập tràn hơi thở của sân khấu cải lương từ thơ ấu nên Thanh Nga đã sớm bộc lộ được năng khiếu ca hát. Khi chưa đến 10 tuổi, cô được mẹ cho lên sân khấu để đóng các vai “đào con”. Thấy con gái có năng khiếu, cha mẹ Thanh Nga đã dốc sức rèn luyện cô trở thành đào chính khi chỉ mới 15-16 tuổi. Nghệ sĩ Năm Nghĩa qua đời năm 1959, nên việc nuôi dạy con cái, quản lý đoàn hát khoảng 100 người, và đưa tên tuổi Thanh Nga cùng nhiều nghệ sĩ khác trở nên nổi tiếng, toàn bộ là nhờ một tay của bà bầu Thơ.

Năm 1958, ngay từ lần đầu đóng vai đào chính là sơn nữ Phà Ca trong vở “Người Vợ Không Bao Giờ Cưới”, Thanh Nga đã giành giải Thanh Tâm triển vọng năm 16 tuổi.

Thanh Nga nhận giải Thanh Tâm năm 16 tuổi

Lúc đó, việc bà Bầu Thơ chọn Thanh Nga vào vai nữ chính của là điều làm bà khó xử, vì sợ cho Thanh Nga gặp những điều không may trong đường tình duyên dang dở như cô sơn nữ Phà Ca. Tuy nhiên, nhiều ý kiến của tác giả kịch bản và những nghệ sĩ trong đoàn, nói rằng không có ai tài sắc vẹn toàn được như Thanh Nga, và qua tài năng các vai diễn từ hồi còn nhỏ cho đến lúc đó đủ minh chứng cô có thể trở thành một ngôi sao sáng trên sân khấu cải lương.

Đầu năm 1960, bà Bầu Thơ đổi bảng hiệu đoàn Thanh Minh thành Thanh Minh – Thanh Nga, bởi vì bắt đầu giai đoạn này Thanh Nga đã thật sự nổi tiếng với nhiều tuồng hát chung với các nghệ sĩ tài danh như Út Trà Ôn, Hữu Phước, Thành Ðược, Dũng Thanh Lâm, Việt Hùng, Hoàng Giang, Năm Châu, Ba Vân, Tám Vân, Minh Vương, Hùng Cường, Út Bạch Lan, bà Năm Sađéc…

Từ đó, câu “thanh minh thanh nga” cũng xuất hiện trong ngôn ngữ bình dân của người Sài Gòn và cả miền Nam thời đó. Thanh minh là động từ với nghĩa giải thích cho người ta hiểu rõ, tránh hiểu lầm chuyện gì đó. Nay lại ghép thêm chữ thanh nga cũng không mang một nghĩa gì khác hơn mà xem như một cặp từ ghép nói cho xuôi miệng, thí dụ: “Chuyện đã rõ mười mươi sao còn thanh minh thanh nga gì nữa!”.

Các nghệ sĩ của đoàn Thanh Minh Thanh Nga

Sự nghiệp của nghệ sĩ Thanh Nga từ lúc bắt đầu có được những thành công đầu tiên cho đến khi lìa đời là một chuỗi những tinh hoa khó ai bì kịp. Có thể nói nghệ sĩ Thanh Nga là tên tuổi chói sáng nhất trong sân khấu cải lương nói riêng và trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật lúc bấy giờ.

Những vai diễn để đời của Thanh Nga nhiều không thể kể hết, tiêu biểu là Điêu Thuyền trong “Phụng Nghi Đình”, Kim Anh trong “Đời cô Lựu”, Xuân Tự trong “Áo Cưới Trước Cổng Chùa”, Quỳnh Nga trong “Bên Cầu Dệt Lụa”, Loan trong “Đoạn Tuyệt”, Diệu trong “Lá Sầu Riêng”… Năm 1978, vai diễn Dương Vân Nga là vai sau cùng của Thanh Nga trước khi ra đi bị ám hại một cách đau lòng trong vụ án nổi tiếng nhất thời bấy giờ.

Giọng ca của Thanh Nga được nhận xét là có phong cách rất riêng, độc đáo, không chạy theo cũng không bắt chước những người đã nổi tiếng. Ngoài việc là một nghệ sĩ có tài năng thiên bẩm trong lĩnh vực sân khấu, Thanh Nga còn là một người phụ nữ đẹp nức tiếng. Cô không có nét đẹp quyến rũ hay bốc lửa, mà đó là nét đẹp dịu dàng nữ tính, mộc mạc nhưng cũng rất sang trọng. Cô có đôi mắt biết nói, nụ cười duyên và khuôn mặt đẹp, toát lên dáng vẻ đằm thắm, yêu kiều và cũng quý phái của người con gái Sài Gòn đã khiến biết bao người mê đắm.

Đỉnh cao nhất trong lĩnh vực sân khấu của nghệ sĩ Thanh Nga là đạt được giải Thanh Tâm năm 1966 với vai diễn Giáng Hương trong vở Sân Khấu Về Khuya. Có thể nói Thanh Nga có đủ các yếu tố thuận lợi để có được những thành công và đạt được vinh quang chói lọi trong lĩnh vực sân khấu: Có sắc vóc, có giọng hát, gia đình có truyền thống nghệ thuật, cha mẹ là bầu đoàn hát nên dễ dàng được xuất hiện thường xuyên trên sân khấu, được các soạn giả viết kịch bản riêng dựa theo sở trường… Tuy nhiên, thành công của Thanh Nga vượt ra ngoài lĩnh vực sân khấu cải lương, khi cô rất được yêu thích với các vai chính trong khoảng 20 cuốn phim nhựa, tiêu biểu là Nắng Chiều, Lan Và Điệp, Xa Lộ Không Đèn, Loan Mắt Nhung…

Từ thập niên 1970, tên tuổi của Thanh Nga trong lĩnh vực điện ảnh có thể sánh ngang với những nữ minh tinh nổi tiếng nhất của Sài Gòn. Để được như vậy, ngoài những thuận lợi đã nhắc đến, Thanh Nga còn phải khổ công luyện tập và không ngừng học hỏi để trau dồi thêm các kỹ năng về giọng hát và diễn xuất.

Theo soạn giả Viễn Châu, thời đó bầu Thơ thường lấy con gái là nghệ sĩ Thanh Nga ra để chứng mình việc “con cưng” thì càng phải mài giũa, giáo huấn. Vì thế, có lần Thanh Nga bệnh đột xuất, gần đến giờ diễn đã xin bầu Thơ trả vé. Bà chấp nhận nhưng thòng thêm một câu: “Rồi con trả lương suất hát này cho anh em trong đoàn. Không thể muốn nghỉ là nghỉ”. Thế là Thanh Nga phải vào rạp hát dù bị bệnh nhẹ, muốn nhõng nhẽo với mẹ của mình. Có thể nói cũng nhờ sự dạy dỗ và rèn dũa nghiêm khắc trong nghề như vậy của bà Bầu Thơ mà Thanh Nga mới đạt được nhiều thành công như chúng ta đã thấy.

Trong lĩnh vực sân khấu cải lương, Thanh Nga có giọng hát trầm buồn, nhưng có thể thay đổi được màu sắc qua từng vai diễn, tùy theo cá tính của nhân vật. Khi thì nũng nịu đầy nữ tính, khi thì dõng dạc oai phong trong vai một vị nữ tướng. Sự biến hóa trong nhiều vai diễn đó đã khẳng định được tài năng của một “nữ hoàng sân khấu”, mà nếu như không có sự siêng năng khổ luyện thì khó có thể thành công được.


Click để nghe Thanh Nga hát Mưa Rừng

Thanh Nga cũng có hát tân nhạc, đó như là một cuộc dạo bước thảnh thơi chứ cô không chính thức sinh hoạt bên tân nhạc. Dù vậy Thanh Nga cũng tạo được một vài dấu ấn khi thu âm tân nhạc trong dĩa nhựa, tiêu biểu nhất là Mưa Rừng của nhạc sĩ Huỳnh Anh, được viết riêng cho giọng hát Thanh Nga theo kiểu “đo ni đóng giày”.

Thanh Nga và Hương Lan

Xinh đẹp và nổi tiếng, nhưng thói đời thường là “Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen”, nên tình duyên của Thanh Nga cũng phải qua mấy phen lận đận. Trải qua nhiều mối tình và cuộc hôn nhân đổ vỡ với một sĩ quan, cuối cùng Thanh Nga cũng tìm được bến đỗ hạnh phúc đích thực khi gặp ông Phạm Duy Lân – Người từng giữ chức Đổng Lý Văn phòng của Bộ Thông tin trong Đệ Nhị Cộng hòa. Phạm Duy Lân nổi tiếng yêu chiều vợ. Thanh Nga đi diễn ở đâu, hoặc đi đóng phim xa ở đâu thì cũng có chồng đi theo để chăm sóc lo lắng từng li từng tí.

Vợ chồng Thanh Nga ngồi giữa

Năm 1973, họ có người con đầu lòng là nghệ sĩ Hà Linh, hiện nay là một diễn viên hài. Anh cũng là người con duy nhất của nghệ sĩ Thanh Nga.

Cuộc hôn nhân với Phạm Duy Lân kéo dài cho đến năm 1978 thì có một biến cố bất ngờ lấy đi sinh mạng của cả hai vợ chồng. Hôm đó, sau khi hát xong tuồng Thái hậu Dương Vân Nga tại rạp Cao Ðồng Hưng, chiếc xe hơi chở vợ chồng Thanh Nga cùng người con trai 5 tuổi vừa dừng trước cổng nhà trên đường Ngô Tùng Châu (nay là đường Lê Thị Riêng ở Quận 1) vào lúc giữa khuya thì mấy tiếng súпɡ chát chúa vang lên. Theo tài xế riêng của gia đình khai báo thì đây là một vụ bắt cóc, hai vợ chồng Thanh Nga vừa giành lại con vừa la “cướp, cướp” đã bị trọng thương, khi đưa vào bệnh viện Sài Gòn thì không qua khỏi, may mắn người con 5 tuổi thoát nạn do được Thanh Nga ôm trọn vào lòng.

Trong sự nghiệp sân khấu đầy vinh quang của mình, nghệ sĩ Thanh Nga đã được phong tặng những danh hiệu:

1958: Giải Thanh Tâm triển vọng (vai sơn nữ Phà Ca, vở Người vợ không bao giờ cưới)
1966: Giải Thanh Tâm xuất sắc (vai Giáng Hương, vở Sân khấu về khuya)
1984: Dù đã qua đời, Thanh Nga vẫn được truy phong Danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú.
2015: Cái tên Thanh Nga được đặt cho một con đường thuộc khu dân cư Gia Hòa, phường Phước Long B, Quận 9.

nhacxua.vn biên soạn

Exit mobile version