Cuộc đời và sự nghiệp ngắn ngủi của nhạc sĩ Nguyễn Mỹ Ca – Tác giả bài “Dạ Khúc”

 

Nhạc sĩ Lê Thương từng nhận xét rằng năm 1945 được xem là giai đoạn trăm hoa đua nở của tân nhạc Việt Nam.

Đó là thời điểm mà có nhiều nhạc sĩ và tác phẩm chỉ xuất hiện một lần duy nhất nhưng lại để âm vang khó quên trong lòng các thính giả suốt gần 80 năm qua, trong đó một trường hợp tiêu biểu là nhạc sĩ Nguyễn Mỹ Ca và ca khúc “Dạ Khúc”.


Click để nghe danh ca Duy Trác hát Dạ Khúc

Cho đến nay, trong số hàng ngàn nhạc sĩ đã từng xuất hiện trong làng tân nhạc, Nguyễn Mỹ Ca vẫn còn được nhắc tới cùng với Dạ Khúc – một ca khúc vừa quý phái lại vừa đượm nét uẩn sầu.

Nhạc sĩ Nguyễn Mỹ Ca sinh năm 1917 tại làng Vĩnh Kim, quận Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho (nay là xã Vĩnh Kim, Châu Thành, tỉnh Tiền Giang), trong một gia đình danh gia vọng tộc. Thân phụ của ông là Nguyễn Tri Lạc, một người rất giỏi đàn cò, đàn tranh và đánh trống nhạc lễ. Cụ Lạc là cháu của soạn giả Nguyễn Tri Khương và là cháu nội của Nguyễn Tri Phương, một đại danh thần nổi tiếng của triều Nguyễn.

Trong gia tộc này, Nguyễn Mỹ Ca có những người em họ nổi tiếng trong làng nghệ thuật, đó là giáo sư Trần Văn Khê và “quái kiệt” Trần Văn Trạch.

Vào năm 1939, ông thi đậu và theo học tại Trường Lycée de Pétrus Ký. Năm 1940, Nguyễn Mỹ Ca cùng Trần Văn Khê thành lập ban nhạc Sầm Giang và hoạt động rất sôi nổi ở địa phương.

Năm 1942, Nhạc sĩ Nguyễn Mỹ Ca ra Hà Nội học Đại học và tham gia sinh hoạt trong nhóm sinh viên yêu nước do Lưu Hữu Phước, Mai Văn Bộ, Huỳnh Văn Tiểng đứng đầu. Trong khoảng thời gian này ông bắt đầu sáng tác những ca khúc vui tươi, lạc quan và thấm đậm lòng yêu nước như: Đến Trường, Vui Đến Trường, Tiếng Dân Cày, và đặc biệt là Chiêu Hồn Nước, có tên khác là Khúc Khải Hoàn (viết chung với Lưu Hữu Phước), được sinh viên học sinh trình diễn rất nhiều lần tại nhà hát lớn Hà Nội.

“Việt Nam mến yêu
Ngàn ánh vinh quang rạng chiếu sơn hà ngàn xưa
Nòi giống Tiên Long
Nòi giống hiên ngang khắp nơi cất cao bóng cờ”


Nghe bài Khúc Khải Hoàn bản thu qua tiếng hát Việt Hùng vào năm 1950

Ngoài Khúc Khải Hoàn, một ca khúc khác gắn liền với sự nghiệp sáng tác của nhạc sĩ Nguyễn Mỹ Ca chính là Dạ Khúc, mà theo nhận xét của nhạc sĩ Lê Thương thì “tiếng nhạc cũng êm đềm nhẹ nhàng như con người khả ái của tác giả”.

Dạ Khúc ra đời vào năm 1945, được coi là thời kỳ trăm hoa đua nở trong tân nhạc ở miền Nam, vì trước đó, vào năm 1943, Tổng Hội Sinh Viên Sài Gòn đã tổ chức một số buổi ca kịch và đã gây được tiếng vang lớn ở nơi gọi là Hòn Ngọc Viễn Đông vào thời bấy giờ, từ đó báo chí bắt đầu ủng hộ tân nhạc.

Năm 1944, các nhạc sĩ Trần Văn Khê, Lưu Hữu Phước và Nguyễn Tôn Hoàn đã cùng ký tên trong bản tuyên ngôn âm nhạc, đồng thời các lớp nhạc Nguyễn Thông, Lê Ngáp và Doãn Ân được thành lập tại Sài Gòn trong thời gian này đã đánh dấu sự phát triển mạnh mẽ của tân nhạc ở Nam Kỳ. Tuyệt phẩm “Dạ Khúc” của Nguyễn Mỹ Ca là một trong những đóng góp tiêu biểu trong sự nở rộ đó.

Nhạc phẩm này được soạn theo điệu ¾, trên âm giai Do trưởng, uyển chuyển trong sáng. Mở đầu bài hát là một niềm bâng khuâng:

“Gió gây hương nhớ
Nâng tiếng đàn xa đưa
Sầu vương vấn
Gây mơ khóc trên dây tơ”

Đoạn mở dài 18 trường canh rồi chuyển qua điệp khúc :

“Đàn ai lên cung oán (tang tình) gieo hờn
Đàn ai ngân theo gió (xế xang) gieo buồn”

Cố danh ca Quỳnh Giao nhận xét rằng trong ca khúc này, Nguyễn Mỹ Ca đã tài tình chuyển giai điệu từ trưởng qua thứ và thứ qua trưởng để diễn tả tâm trạng biến chuyển, mỗi câu lại đi xuống từng nửa cung như tiếng lòng được ông gửi gắm vào trong cung đàn, thê thiết và đê mê đến đổ lệ:

“Ôi cung đàn réo vang đêm trường
Giây tơ gào gió đê mê lòng”

Câu nhạc đột ngột vút lên sau cùng như cõi lòng cũng muốn vút bay lên cùng vầng trăng sáng :

“Lệ tràn vì đâu ?
Bao tình tê tái
Nương làn gíó bay tìm ánh trăng sao.”


Nghe ca khúc Dạ Khúc qua tiếng hát Ngọc Long trong chương trình Tiếng Nhạc Tâm Tình

Quay ngược thời điểm vào năm 1940, thời kỳ phôi thai của tân nhạc, những ca khúc lời Ta giai điệu Tây thì vẫn thường dùng cung “Rê thứ” có phần u ám. Thời ấy một nhạc khúc được đánh giá hay chủ yếu là nhờ ở lời ca, còn nhạc thuật thì vẫn còn non nớt. Vì vậy có thể thấy với Dạ Khúc, nhạc sĩ Nguyễn Mỹ Ca đã có một bước tiến dài trong sáng tác, vô cùng uyên bác và vững vàng về nhạc thuật, như nhạc sĩ Phạm Duy đã từng nhận xét :

“Cũng như các nhạc sĩ viết nhạc tình trời ở bên ngoài, nhạc sĩ Nguyễn Mỹ Ca là nhạc sĩ của thiên nhiên, lãng mạn và cũng bị ám ảnh bởi cây đàn với cung oán tang tình hay xê xang. Và buồn thay cũng như Đặng Thế Phong , Hoàng Quý , chàng nhạc sĩ trẻ tuổi Nguyễn Mỹ Ca cũng sớm vĩnh biệt cuộc đời, để lại cho chúng ta một tiếng đàn réo trong đêm trường của một Dạ Khúc bồn chồn trong đêm tối”


Ca khúc Dạ Khúc thu thanh đầu tiên qua tiếng hát ca sĩ – nhạc sĩ Mạnh Phát vào năm 1948

Dạ Khúc đã được nhiều danh ca nổi tiếng của tân nhạc thế hệ thập niên 1940, 1950 trình bày, trong đó có một phiên bản đặc biệt của “quái kiệt” Trần Văn Trạch, cũng là em họ của tác giả Nguyễn Mỹ Ca. Khi trình bày Dạ Khúc, cũng như nhiều bài khác, Trần Văn Trạch hát “rặt” giọng Nam Bộ.


Nghe Trần Văn Trạch hát Dạ Khúc

Sau ngày Nam Bộ kháng chiến 23-9-1945, Nguyễn Mỹ Ca ra bưng tham gia Việt Minh ở miền Đông Nam Bộ. Năm 1946, ông bị quân Pháp bắt giữ và bị hành quyết tại chợ Cà Mau, hưởng dương 29, tuổi khép lại cuộc đời ngắn ngủi của một nhạc sĩ tài hoa.

Nguyễn Thanh Phong biên soạn
nhacxua.vn

Exit mobile version