Cuộc đời và sự nghiệp của minh tinh điện ảnh Kiều Chinh qua loạt ảnh xưa

Kiều Chinh là minh tinh điện ảnh nổi tiếng, cũng là diễn viên người Việt đầu tiên và có thể nói là duy nhất đạt được nhiều thành công ở Hollywood – mảnh đất nghệ thuật khắc nghiệt nhất thế giới.

Nếu bạn là người yêu thích nhạc xưa, hãy theo dõi kênh YouTube này để nghe đọc các bài cảm nhận về âm nhạc (phân tích ý nghĩa, hoàn cảnh sáng tác, tiểu sử ca nhạc sĩ): LINK YOUTUBE  < Click

Diễn viên Kiều Chinh sinh năm 1937 tại Hà Nội trong một gia đình nhiều đời là điền chủ giàu có. Thời gian êm đềm nhất của Kiều Chinh vào thời thơ ấu kết thúc từ năm 1943, là năm mẹ của bà qua đời, sau đó là những biến cố bi thảm liên tục xảy đến với hầu hết người dân Việt. Đến năm 1954, Kiều Chinh, khi đó mới 16 tuổi, một mình theo dòng người di cư vào Nam.

Kiều Chinh chụp cùng cha khi còn ở Hà Nội

Trước đó, trong thời gian Nhật và quân đồng minh giao tranh, mẹ bà đã qua đời cùng người con sơ sinh. Cha của bà đã ở vậy để nuôi 3 con. Tuy nhiên, cuộc ra đi năm 1954 lại khiến bà và người thân tiếp tục xa nhau.

Kiều Chinh nói trên đài BBC:

“Đêm trước khi gia đình ra đi, anh trai tôi theo phong trào sinh viên, đi ra chiến khu. Đến lượt chúng tôi, bố đẩy tôi lên máy bay và nói, ‘Con đi đi, bố ở lại tìm anh, rồi bố và anh sẽ gặp con sau’.

Lúc tôi trèo lên máy bay cũng là lần cuối cùng tôi nhìn thấy bố, nghe thấy tiếng nói của bố. Bố nói rằng, ‘Con đi đi, bố sẽ gặp con sau’, thế nhưng chúng tôi đã không bao giờ gặp lại nhau nữa”.

Bà và người anh trai chỉ được gặp lại nhau sau 41 năm, khi bà trở về Việt Nam vào năm 1995.

Kiều Chinh gặp lại anh trai ở Hà Nội sau 41 năm

Năm 1954, khi di cư vào Sài Gòn, Kiều Chinh được gia đình người bạn của cha giúp đỡ, khi đó bà 16 tuổi. Hai năm sau, Kiều Chinh kết hôn với người con trai của gia đình ân nhân đã cưu mang mình khi mới vào Nam, cũng là mối tình đầu. Cuộc hôn nhân này kết thúc sau hơn 25 năm, sau khi đã trải qua vô vàn sóng gió.

Tại Sài Gòn, Kiều Chinh bén duyên với điện ảnh, ban đầu là một vai phụ nhỏ trong phim nổi tiếng của Hollywood là The Quiet American.

Bà kể lại rằng năm 1956, khi đang đi lễ nhà thờ về và dạo bước trên đường Tự Do, thì vị đạo diễn nổi tiếng Hollywood Joseph L. Mankiewicz đang ngồi trong quán cafe tầng trệt Contentinal Palace đã phát hiện ra và ngay lập tức mời bà đóng vai Phượng cho phim The Quiet American. Ông đạo diễn đưa script kịch bản cho Kiều Chinh để về đọc thuộc và ngày hôm sau sẽ lên thử vai.

Ảnh TL của huyvespa

Khi Kiều Chinh trở về, trình bày với cha mẹ chồng sự việc này. Khi đó bà mới lấy chồng, ở nhà cha mẹ chồng. Đó là thời điểm mà điện ảnh chưa thịnh hành ở Việt Nam, nên việc một cô gái được Hollywood mời đóng phim là một việc gì đó rất lạ lẫm, và sau khi nghe sơ qua kịch bản, cha mẹ chồng của Kiều Chinh không đồng ý để bà tham gia đóng vai chính trong phim.

Kiều Chinh quay trở lại gặp vị đạo diễn, trình bày lại và cáo lỗi vì không tham gia được, ông cảm thấy rất ngạc nhiên, nhưng cũng đành chịu, và mời Kiều Chinh đóng một vai cameo chỉ xuất hiện có vài giây trong phim và không có thoại.

Đến 1 năm sau, khi 18 tuổi, Kiều Chinh mới chính thức bén duyên với điện ảnh trong bộ phim Hồi Chuông Thiên Mụ năm 1957 và là bước khởi đầu để trở thành nữ minh tinh nổi tiếng nhất của Việt Nam từ trước đến nay.

Đó là cuốn phim do ông Bùi Diễm thực hiện, đạo diễn Lê Dân với vai nam chính là Lê Quỳnh (chồng của danh ca Thái Thanh).

Kiều Chinh trong phim Hồi Chuông Thiên Mụ năm 1957

Kiều Chinh kể lại: Ông Bùi Diễm nhờ tài tử Lê Quỳnh đến nhà để xin phép cho tôi đi đóng film. Gia đình chồng tôi hỏi về vai trò tôi đóng và về chuyện film thì anh Lê Quỳnh nói đây là vai một Ni cô trong Chùa Thiên Mụ. Gia đình tôi là gia đình Phật giáo nên các cụ vui vẻ cho đi đóng phim. Đó là lý do tôi được đi đóng film và trở thành tài tử, kể từ film Hồi Chuông Thiên Mụ“.

Kể từ lúc đó bà mới chuyển hẳn sang dùng nghệ danh Kiều Chinh.

Ảnh: Jimmy

Ngay sau khi bộ phim công chiếu, bà đạt được thành công lớn với vai diễn đầu tiên của mình và liên tục được mời tham gia nhiều phim khác.

Kiều Chinh năm 1957

Tuy không học diễn xuất từ một trường lớp nào, nhưng diễn xuất của Kiều Chinh rất tự nhiên như một bản năng. Bà tâm sự:

“Lúc đó Việt Nam mình chưa có trường nào dạy về diễn xuất cả. Tuy nhiên, thủa bé tôi được coi điện ảnh rất nhiều và coi sách vở điện ảnh bởi vì bố tôi hay đọc những cuốn như ‘Ciné Monde’, ‘Ciné Revue’ thành ra tôi cũng được coi sách vở về điện ảnh từ thời rất là nhỏ”.

Kiều Chinh và tài tử Lê Quỳnh trong phim Hồi Chuông Thiên Mụ

Sau vai diễn đầu tiên, Kiều Chinh liên tiếp gặt hái những thành công trong các phim kế tiếp như Mưa Rừng của Alpha Films – đạo diễn Thái Thúc Nha, đồng diễn với Kim Cương, Xuân Phát và Ngọc Phu. Đến phim thứ ba là Ngàn Năm Mây Bay, phỏng theo tiểu thuyết của Văn Quang, do Hoàng Anh Tuấn đạo diễn thì Kiều Chinh đã là hàng “sao”. Bộ phim này đươc trình chiếu khắp các màn ảnh lớn Sài Gòn , Cần Thơ, Huế vào năm 1962.

Trong thập niên 1960, bà cũng xuất hiện trong các bộ phim của Hoa Kỳ như “A Yank in Vietnam” (1964) và “Operation C.I.A.” (1965) (diễn chung với Burt Reynolds), Destination Vietnam (1968)

Thời gian sau đó, Kiều Chinh trở thành minh tinh điện ảnh nổi tiếng nhất miền Nam với vai chính trong hàng loạt phim: Bão Tình, Từ Sài Gòn Đến Điện Biên Phủ, Hè Muộn, Chờ Sáng, Chiếc Bóng Bên Đường… đặc biệt là cuốn phim nhựa nổi tiếng do cô đứng ra sản xuất, đóng vai chính là Người Tình Không Chân Dung.

Kiều Chinh trong phim Từ Sài Gòn Đến Điện Biên Phủ

Năm 1970, Kiều Chinh một lần nữa xuất ngoại để sang Ấn Độ cùng ngôi sao Ấn – Dev Anand đóng chính trong bộ phim The Evil Within…

Kiều Chinh trong phim Ấn Độ

Bằng tài năng của mình, Kiều Chinh đã đặt chân tới nhiều Liên hoan phim thế giới như: Tây Đức, Ấn Độ, Hồng Kông, Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan…

Khi đó, Kiều Chinh được ngợi ca là nữ tài tử hàng đầu của điện ảnh Việt.

Kiều Chinh và Thẩm Thúy Hằng

Đang ở trên đỉnh vinh quang thì xảy ra biến cố 1975, Kiều Chinh cùng gia đình chuyển sang Canada sinh sống.

Chia sẻ trên tạp chí Culture, Kiều Chinh cho biết vào tháng 4/1975, bà đang thực hiện quay cuốn phim cuối cùng với tựa đề là Full House tại Singapore, sau đó quay về Sài Gòn giữa lúc nơi đây đang hỗn loạn vì chiến tranh. Kiều Chinh đã lên được một chuyến bay trở lại Singapore, nhưng sau đó bà lại bị bắt giam vì giấy thông hành ngoại giao mà cô được chính phủ VNCH trao cho do nó thuộc sở hữu của 1 chính quyền không còn quyền lực nữa.

Sau đó thì giới điện ảnh và đại sứ của VNCH tại Singapore can thiệp nhưng với điều kiện là trong vòng 24h Kiều Chinh phải rời khỏi Singapore. Lúc đó thì không có một quốc gia nào trên thế giới cấp Visa nhập cảnh vì passport của bà, vì vậy mà bà đã đi trên 1 chuyến bay vòng quanh thế giới để mua thời gian. Cho đến chặng cuối cùng điểm dừng chân là Toronto, Canada vào 6h chiều ngày 30 tháng 4, 1975.

Sau khi đến Canada, bỏ tất cả những hào quang và danh vọng của một “Ngôi sao Á Châu”, bà phải vươn lên trong khó khăn và nước mắt. Kiều Chinh làm việc rất cực khổ cho một trại gà, làm lao động tay chân rất bình thường như bao phụ nữ khác, thậm chí làm cả những công việc như quét dọn, hót phân gà để kiếm tiền trang trải cuộc sống.

Ở đây một thời gian ngắn, Kiều Chinh quyết định sang Mỹ để bắt đầu lại cuộc sống của chính mình. Tháng 7/1975, nhờ sự bảo lãnh của người bạn cũ là tài tử Tippi Hedren – “Kiều Chinh đã gặp bà vào năm 1965 khi bà sang Việt Nam và là khách mời trong một TV Talk Show, chính bà ấy đã mở cánh tay và trái tim ra để bảo lãnh”.

Tại xứ sở phồn hoa này, Kiều Chinh quyết tâm gây dựng lại sự nghiệp nghệ thuật của mình.

Bắt đầu từ những vai diễn nhỏ, xuất hiện thoáng qua với một vài lời thoại, Kiều Chinh dần dần có cơ hội diễn xuất cùng nhiều tài tử nổi tiếng của Hollywood. Bà đã có mặt trong 100 bộ phim và chương trình truyền hình của Mỹ. Trong đó có những bộ phim nổi tiếng như “The Letter” (1986), “Welcome Home (1989), “Vietnam-Texas” (1989), “What Cooking” (2000), “Face” (2001), “Journey from The Fall” (2004).

Đặc biệt với vai diễn trong bộ phim “The Joy Luck Club”, Kiều Chinh là diễn viên gốc Á duy nhất có tên trong danh sách 50 diễn viên làm khán giả rơi lệ nhiều nhất trong lịch sử điện ảnh.

Năm 1996, Kiều Chinh nhận giải Emmy cho phim tài liệu Kieu Chinh: A Journey Home của đạo diễn Patrick Perez / KTTV. Năm 2003, Kiều Chinh được trao giải thưởng Thành tựu Suốt đời (Lifetime Achievement Award). Cũng trong năm 2003, tại Liên hoan phim Phụ nữ (Womens Film Festival) ở Torino, Ý, Kiều Chinh được trao giải Diễn xuất Đặc biệt (Special Acting Award).

Cho đến hiện tại, Kiều Chinh là diễn viên Việt Nam đầu tiên và cũng là duy nhất đạt được những thành tích đáng nể này tại Hollywood.

Dù định cư ở Mỹ, Kiều Chinh vẫn có những đóng góp không mệt mỏi thông qua nhiều hoạt động từ thiện trong những lần về thăm quê hương.

Sau đây, mời các bạn xem những hình ảnh của minh tinh Kiều Chinh qua các thời kỳ:

 

     

 

Đông Kha & nhacxua.vn (biên soạn)

 

Exit mobile version