Cuộc đời và sự nghiệp của Nhật Trường – Trần Thiện Thanh – Một đời vinh quang và chua xót

Trần Thiện Thanh là một trong những nhạc sĩ Việt Nam nổi tiếng nhất miền Nam giai đoạn trước 1975. Một số bút hiệu khác của ông là Anh Chương (tên con trai ông), Trần Thiện Thanh Toàn (em trai ông, đã tử trận), Thanh Trân Trần Thị. Ông còn là ca sĩ với nghệ danh Nhật Trường và được xem như là một trong bốn giọng nam nổi tiếng nhất của nhạc vàng (“tứ trụ nhạc vàng”).

Nếu bạn là người yêu thích nhạc xưa, hãy theo dõi kênh YouTube này để nghe đọc các bài cảm nhận về âm nhạc (phân tích ý nghĩa, hoàn cảnh sáng tác, tiểu sử ca nhạc sĩ): LINK YOUTUBE  < Click

Trần Thiện Thanh sinh năm 1942 tại Phan Thiết, Bình Thuận. Ông đến Sài Gòn năm 1958, sau khi học xong thì làm giáo viên trung học. Sau đó, ông tốt nghiệp trường Hạ sĩ quan năm 1965, phục vụ tại Cục Tâm lý chiến cho đến cuối tháng 4 năm 1975. Ông cũng làm việc tại Ðài Phát thanh và Truyền hình Quân Ðội, từng là Trưởng ban văn nghệ của đài và sau năm 1968 còn phụ trách thêm chương trình phóng sự chiến trường.

Đầu thập niên 1960, Nhật Trường lập ban Tứ Ca Nhật Trường gồm ông và 3 nữ ca sĩ: Như Thủy (em gái của ông), Vân Quỳnh và Diễm Chi. Ngoài ra, ông còn điều hành trung tâm phát hành nhạc và thu băng tên là Tiếng Hát Đôi Mươi.

Nhật Trường – Trần Thiện Thanh được xưng tụng là một trong “tứ trụ nhạc vàng” cùng với Duy Khánh, Chế Linh, Hùng Cường, là 4 nam danh ca nổi tiếng nhất của dòng nhạc vàng. Điểm chung của 4 người này là đều được đông đảo khán giả mến chuộng, và đều có khả năng vừa hát vừa sáng tác. Trong đó, phần sáng tác của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh có phần nổi trội hơn phần hát của ông, tức ca sĩ Nhật Trường. Trong “tứ trụ”, Trần Thiện Thanh cũng sáng tác được nhiều nhất và có rất nhiều bài hát nổi tiếng. Tên tuổi Trần Thiện Thanh luôn được nhắc đến cùng với Trúc Phương, Lam Phương, Anh Bằng, Hoàng Thi Thơ… đều là những nhạc sĩ tiêu biểu nhất của dòng nhạc vàng.

Về nghệ danh Nhật Trường khi đi hát, có lần ông giải thích như sau: “Hồi nhỏ tôi thích ca hát lắm nhưng bố mẹ tôi không cho. Thế là tôi phải chờ đến ban đêm đợi bố mẹ đi ngủ rồi mới dám hát. Nhiều khi ban ngày thèm hát quá mà phải đợi đến tối, thấy ngày sao dài ghê nên tôi chọn tên Nhật Trường, có nghĩa là… ngày dài.”

Sau 1975, ông nằm trong danh sách những nghệ sĩ bị chính quyền mới cấm hoạt động. Năm 1984, Trần Thiện Thanh được phép hoạt động lại. Nhưng ông từ chối làm việc dưới chế độ mới mặc dù ông vẫn soạn nhạc.

Vào năm 1993, Nhật Trường – Trần Thiện Thanh rời Việt Nam sang Hoa Kỳ theo diện “fiancé” do nữ ký giả Nam Trân bảo lãnh. Tuy nhiên sau đó, lục đục xảy ra giữa hai người nên tình trạng của Trần Thiện Thanh không được hợp thức hóa theo diện di trú, cho đến khi được người con trai trưởng của ông là Anh Chương, qua Mỹ trước đó và đã có quốc tịch Hoa Kỳ, đứng đơn bảo lãnh.

Tuy vậy tình trạng cư trú của ông vẫn chưa được chấp nhận. Phải đợi mãi cho đến ngày 12 tháng 5 năm 2004, tức 6 tháng trước khi phát hiện ra bệnh ung thư phổi và 1 năm trước khi mất, ông mới bất ngờ nhận được thẻ xanh để có thể đi trình diễn ngoài nước Mỹ. Vì vậy mà có lần MC của trung tâm Asia đã chua chát nói rằng số phận của Nhật Trường – Trần Thiện Thanh là “vượt truông dài chưa thấy thẻ xanh”.

Người vợ đầu tiên của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh là Trần Thị Liên, thành hôn với ông tại Phan Thiết khi ông chưa đầy 20 tuổi, trước khi hai người cùng vào Sài Gòn sau đó. Bà Liên và ông có với nhau 4 người con, 2 trai, 2 gái là Anh Chương, Thanh Trân, Thanh Trúc và Anh Châu. Tuy nhiên hai người đã chia tay nhau một thời gian trước biến cố tháng 4 năm 75.

Thời điểm có những người con đầu tiên, nhạc sĩ Trần Thiện Thanh đang làm thầy dạy học, có hoàn cảnh rất khó khăn. Lúc bấy giờ vợ ông có thai nhưng không có tiền, ông phải đem bài hát đầu tay là Chuyến Đi Về Sáng bán cho nhạc sĩ Mạnh Phát để lấy tiền nuôi gia đình. Như vậy mặc dù bài hát Chuyến Đi Về Sáng được phát hành với tên của nhạc sĩ Mạnh Phát, nhưng đó lại là 1 sáng tác hoàn toàn của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh.

Trong thời gian còn ở lại Việt Nam sau năm 75, khi thường đi trình diễn chui ở các tỉnh miền nam, Nhật Trường sống chung với Kim Dung, trước đó cũng là một ca sĩ trong Biệt Đoàn Văn Nghệ Trung Ương.

Gần gũi nhau trong những lần diễn với nhiều khó khăn đó, họ đã trở thành vợ chồng và vài năm sau hai người có với nhau một con trai tên Anh Chính. Nhưng cuộc sống vợ chồng giữa Kim Dung và Nhật Trường cuối cùng cũng đã đi đến đổ vỡ. Và người vợ thứ hai này của ông hiện cũng đã có gia đình khác ở Việt Nam.

Bà Kim Dung trước 1975 còn có nghệ danh khác là Hạnh Dung, được biết đến qua câu chuyện tình với nhạc sĩ Lam Phương, để rồi nhạc sĩ Lam Phương sáng tác nên bài ca bất hủ Thành Phố Buồn để nói về mối tình không thành. Như vậy là bà Kim Dung – Hạnh Dung đã có mối quan hệ tình ái với 2 nhạc sĩ tên tuổi nhất của dòng nhạc vàng.

Trần Thiện Thanh và người vợ thứ 2 – Kim Dung

Một thời gian ngắn sau khi sang tới Mỹ thì Trần Thiện Thanh kết hôn với nữ ca sĩ Mỹ Lan. Ông lập hãng đĩa riêng Nhật Trường Productions và đồng thời cộng tác với Trung Tâm Hollywood Night, Trung tâm Asia, Trung tâm Làng Văn, Mây Productions, Hoàn Mỹ Productions…

Trần Thiện Thanh và người vợ sau cùng – Mỹ Lan

Số phận của Nhật Trường – Trần Thiện Thanh sau năm 1975 có phần cay nghiệt. Trước năm 1975, trong khoảng hơn 10 năm, tên tuổi của ông sáng chói trong làng nhạc miền Nam. Nhưng rồi gần 20 năm sau thời điểm 1975, ông sống âm thầm và không tham gia gì đến các hoạt động âm nhạc trong nước. Đặc biệt là trong thời điểm thập niên 1980 và đầu thập niên 1990, là thời kỳ cực thịnh của nền âm nhạc hải ngoại, thì lại hoàn toàn vắng bóng Nhật Trường – Trần Thiện Thanh.

Đến khi ông sang được Mỹ thì lại trục trặc về vấn đề pháp lý cư trú, nên ông đã bị hạn chế hoạt động âm nhạc rất nhiều cho đến tận lúc gần qua đời.

MC Nguyễn Ngọc Ngạn có nhắc đến hoạt động âm nhạc của Nhật Trường tại Mỹ sau năm 1993 như sau:

“Những năm sau này, anh ít đi show, trừ các show Hội Đoàn hay Hội Chợ Tết, mặc dầu tiếng hát Nhật Trường vẫn còn nguyên vẹn như trước năm 1975. Có ba trung tâm băng nhạc hoạt động đều đặn là Asia, Thúy Nga và Hollywood Night thì không may, anh lại cộng tác với Hollywood Night là trung tâm yểu tử đầu tiên! Anh lập trung tâm Nhật Trường, tự thực hiện vài chương trình thu hình chính những ca khúc hay nhất của mình, nhưng kết quả tài chánh thu nhập rất èo uột bởi anh đầu tư kỹ thuật sơ sài quá”.

Từ một tượng đài của nhạc vàng trước 1975, nhưng sau 1 thời gian dài mới trở lại âm nhạc, Nhật Trường – Trần Thiện Thanh lại gặp rắc rối pháp lý trên xứ người, sau đó lại không đạt được thành công như mong muốn trong các hoạt động âm nhạc, đó là sự tiếc nuối rất lớn đối với riêng ông và đối với cả công chúng yêu nhạc Trần Thiện Thanh.

Nhật Trường – Trần Thiện Thanh qua đời vào ngày 13 tháng 5 năm 2005 tại nhà riêng ở thành phố Westminster, Quận Cam, California (Hoa Kỳ) do bệnh ung thư phổi.

Năm 2006, chỉ một năm sau khi ông qua đời, Trung tâm Asia thực hiện chương trình đặc biệt Nhật Trường Trần Thiện Thanh – Anh không chết đâu anh (Asia DVD 50) và năm 2009 thực hiện chương trình “Nhật Trường – Trần Thiện Thanh 2” (Asia DVD 61) để vinh danh ông. Hai chương trình này nổi tiếng và được yêu thích đến nổi cho đến nay vẫn nắm giữ kỷ lục về số lượng đĩa bán ra ở hải ngoại.

Như vậy là chỉ sau khi qua đời, âm nhạc của Trần Thiện Thanh mới đạt được những thành công vang dội đến như vậy kể từ sau năm 75.

Tuy nhiên ngay sau đó, việc tranh chấp bản quyền nhạc Trần Thiện Thanh giữa những người con của ông đã làm cho các trung tâm băng nhạc hải ngoại khó tiếp cận được với nhạc Trần Thiện Thanh để hát trong các chương trình. Còn ở trong nước thì cũng tương đối dè dặt với nhạc của ông, vốn gắn liền với những ca khúc nhạc lính nổi tiếng.

Đông Kha (nhacxua.vn biên soạn)

Nguồn tham khảo: 

Exit mobile version