Cuộc đời và sự nghiệp của nhạc sĩ Văn Giảng (Thông Đạt) – Tác giả của những ca khúc bất tử: Ai Về Sông Tương, Hoa Cài Mái Tóc…

Nhạc sĩ Văn Giảng là một trong những nhạc sĩ thuộc thế hệ nhạc sĩ tiên phong của tân nhạc Việt Nam xuất thân từ xứ Huế. Với bút danh Văn Giảng, ông sáng tác những bài hùng ca là Đêm Mê Linh, Lục Quân Việt Nam, Thúc Quân… và một ca khúc nhạc vàng là Có Thế Thôi.

Nếu bạn là người yêu thích nhạc xưa, hãy theo dõi kênh YouTube này để nghe đọc các bài cảm nhận về âm nhạc (phân tích ý nghĩa, hoàn cảnh sáng tác, tiểu sử ca nhạc sĩ): LINK YOUTUBE  < Click

Ngoài ra, nhạc sĩ Văn Giảng cũng sử dụng nhiều bút danh khác khi sáng tác, nổi tiếng nhất là Thông Đạt với các ca khúc bất tử: Ai Về Sông Tương, Hoa Cài Mái Tóc, Tình Em Biển Rộng Sông Dài…

Ngoài ra ông còn sáng tác Thư Người Chiến Binh với bút danh Anh Phương & Nguyên Diệu, nổi tiếng với giọng hát Duy Khánh.


Click để nghe Duy Khánh hát Thư Người Chiến Binh

Ngoài ra Văn Giảng cũng là một Phật tử thuần thành, sáng tác rất nhiều ca khúc Phật giáo với bút danh (cũng là pháp danh) là Nguyên Thông, trong đó có bài Mừng Ngày Đản Sanh được dùng làm ca khúc chính thức cho lễ Phật Đản đến tận bây giờ. Một ca khúc khác cũng nổi tiếng không kém với bút danh Nguyên Thông là Từ Đàm Quê Hương Tôi.

Nhạc sĩ Văn Giảng tên thật là Ngô Văn Giảng, sinh năm 1924 trong gia đình trung lưu theo Phật giáo, có truyền thống về âm nhạc tại Huế. Ông nội của ông là một nhạc sĩ chuyên về nhã nhạc cung đình. Thuở nhỏ Văn Giảng theo học ở trường tiểu học Paul Bert (nay là trường tiểu học Phú Hòa), sau đó là trường Phú Xuân, nhưng rồi phải nghỉ học sớm để ở nhà giúp cha mẹ.

Hoàn cảnh gia đình khó khăn không ngăn được niềm đam mê âm nhạc của nhạc sĩ Văn Giảng. Ông thể hiện được năng khiếu nghệ thuật từ nhỏ, đã tự tìm tòi, mày mò để học đàn mandoline, sau đó là guitar. Một giai thoại kể lại rằng thời đó ông có một người bạn lớn tuổi biết chơi guitar nên sang nhờ hướng dẫn. Tuy nhiên người này yêu cầu học phí là 1 cây đàn guitar.

Nhà nghèo, không có tiền để mua đàn trả học phí ông ông về tìm tòi tự học đàn, chẳng bao lâu sau thì tài nghệ của ông vượt hơn hẳn ông bạn kia, và ông này còn phải nhờ Văn Giảng chỉ ngược lại. Nhờ có năng khiếu và khả năng tự học đó, ông có thể chơi được nhiều nhạc cụ khác nhau.

Năm 18 tuổi, nhạc sĩ Văn Giảng lập ban nhạc chuyên phục vụ cho đài phát thanh Huế của ông Ngô Ganh, quy tụ những tên tuổi lớn là Minh Trang, nhạc sĩ Lê Quang Nhạc, Trần Văn Tín (về sau là đại tá ngành quân nhạc)…

Thời gian này, nhạc sĩ Văn Giảng nổi tiếng với nhiều bài hùng ca như Thúc Quân, Đêm Mê Linh… đã được nhà xuất bản Tinh Hoa ở Huế của ông Tăng Duyệt ấn hành. Theo giai thoại do nhạc sĩ Lê Dinh – là bạn thân thiết của nhạc sĩ Văn Giảng thời gian ở Sài Gòn – kể lại: Một hôm trong lúc vui miệng, ông Tăng Duyệt nói đại ý là Văn Giảng chỉ sở trường sáng tác hùng ca chứ không biết viết tình ca.


Click để nghe Bích Thuận hát Tiếng Hát Dân Quê, thu âm thập niên 1950

Nhạc sĩ Văn Giảng nghe xong, không nói gì, về nhà viết 1 mạch bài tinh ca mang tên Ai Về Sông Tương, không ghi tên Văn Giảng như mọi khi mà để bút danh là Thông Đạt (kết hợp từ 2 pháp danh Nguyên Thông của ông và Tâm Đạt của vợ ông).


Click để nghe Mạnh Phát hát Ai Về Sông Tương, bản thu âm thập niên 1950

Bản nhạc này được gửi đến phát trên các đài phát thanh ở khắp 3 miền với tiếng hát của ca sĩ Mạnh Phát (sau này là nhạc sĩ nổi tiếng), lập tức được công chúng đón nhận, trở thành 1 trong những bài tình ca nổi tiếng nhất thời cuối thập niên 1940, đầu thập niên 1950.

Sau nhiều lần được nghe bài Ai Về Sông Tương nổi tiếng trên các đài phát thanh, một hôm ông Tăng Duyệt gặp Văn Giảng, có dò hỏi thông tin về nhạc sĩ Thông Đạt để thương lượng mua bản quyền xuất bản nhạc tờ bài Ai Về Sông Tương. Nghe vậy, nhạc sĩ Văn Giảng tảng lờ, giả bộ như không biết Thông Đạt là ai.

Rồi một hôm có hai người bạn của Văn Giảng là nhạc sĩ Đỗ Kim Bảng và nhà văn Lữ Hồ đến nhà Văn Giảng chơi, tình cờ thấy bản thảo bài Ai Về Sông Tương trong xấp nhạc trên bàn, nên bèn nói cho ông Tăng Duyệt biết. Ông lập tức lái xe ngay tới nhà Văn Giảng để thương lượng, và vài ngày sau đó, giới ngưỡng mộ tân nhạc mới có một bản nhạc tờ được phát hành của ca khúc Ai Về Sông Tương trong tay.

Tờ nhạc Ai Về Sông Tương của Tinh Hoa Huế xuất bản

Thời gian sau đó, nhạc sĩ Văn Giảng đi dạy nhạc một thời gian ở Huế rồi vào Sài Gòn thi tú tài và tốt nghiệp cử nhân.

Sau khi thi đỗ Anh văn ở Hội Việt Mỹ, ông được sang tu nghiệp âm nhạc tại Honolulu (Hoa Kỳ). Tốt nghiệp xuất sắc, nhạc sĩ Văn Giảng được học bổng để tiếp tục nghiên cứu bậc cao học âm nhạc, để rồi sau đó trở về nước và được đề cử làm giám đốc trường Quốc gia Âm nhạc Huế năm 1963.

Nhạc sĩ Văn Giảng và vợ

Cho đến năm 1968, ông Tăng Duyệt bị qua đời vì biến loạn dịp Tết Mậu Thân. Điều này tạo nên sự chấn động trong lòng nhạc sĩ Văn Giảng. Ông nghĩ rằng một người có địa vị và giàu có như vậy mà cũng không thể tránh khỏi những tai họa khủng khiếp như vậy dưới sự lan tràn của binh lửa. Cho rằng ở Huế không còn yên bình nữa nên nhạc sĩ Văn Giảng quyết định vào Sài Gòn sinh sống từ năm 1969.

Tại Sài Gòn, nhạc sĩ Văn Giảng dạy nhạc tại trường Quốc gia Âm nhạc Sài Gòn, tham gia sinh hoạt ca nhạc ở đài phát thanh, đài truyền hình và soạn hòa âm cho các hãng đĩa danh tiếng. Ông còn được Bộ Văn hóa Giáo dục đề cử làm Trưởng phòng Học vụ Nha Mỹ thuật, phụ trách học vấn của các trường Âm nhạc Sài Gòn, Huế và các trường Cao đẳng Mỹ thuật.

Tuy là nhạc sĩ có tài, đã từng tu nghiệp ở Mỹ và giữ nhiều chức vụ quan trọng như vậy, nhưng Văn Giảng không thành công về mặt tài chính, nguyên do là nhạc của ông sáng tác không tiếp cận được với giới nghe nhạc phổ thông đại chúng.

Một hôm nhạc sĩ Văn Giang gặp lại người bạn đồng hương, một nhạc sĩ người Huế khác tại Sài Gòn là Châu Kỳ. Khi đó, nhạc sĩ Châu Kỳ đã hướng dẫn cho Văn Giảng cách “hái ra tiền” nhờ sáng tác nhiều ca khúc đánh trúng thị hiếu của phần đông công chúng, đó là những bài nhạc vàng như Hoa Cài Mái Tóc, Tình Em Biển Rộng Sông Dài, Thư Người Chiến Binh…


Click để nghe Trúc Mai hát Hoa Cài Mái Tóc trước 1975

Một ca khúc đại chúng ăn khách khác của nhạc sĩ Văn Giảng đã nổi tiếng qua giọng hát Chế Linh và Duy Khánh, có nét nhạc không phải sở trường của ông, đó là Có Thế Thôi: “Thôi đừng nói làm chi, khi tình yêu tan vỡ...”

Bài hát này dựa theo những câu thơ trong bài Giây Phút Chạnh Lòng của Thế Lữ:

“Em đi đường em, tôi đường tôi
Tình nghĩa đôi ta có thế thôi
Đã quyết không mong sum họp mãi
Bận lòng chi nữa lúc chia phôi?”


Click để nghe Chế Linh hát Có Thế Thôi trước 1975


Click để nghe Duy Khánh hát Có Thế Thôi trước 1975

Năm 1970, Văn Giảng tham gia Đoàn Văn Nghệ Việt Nam của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ với vai trò là giám đốc nghệ thuật. Đây là đoàn nhạc với số lượng nghệ sĩ lên tới hàng trăm người, đã đi lưu diễn khắp nơi trên thế giới.

Tại Sài Gòn, nhạc sĩ Văn Giảng còn mở một lớp nhạc ở đường Thoại Ngọc Hầu (Gia Định), sau đó dời về đường Trương Minh Ký – Phú Nhuận (nay là 1 đoạn của đường Lê Văn Sĩ), chuyên dạy guitar, hoà âm và sáng tác.

Sau tháng 4 năm 1975, nhạc sĩ Văn Giảng ở lại Việt Nam đến năm 1981 thì vượt biên đến Indonesia, 6 tháng sau đó được nhận sang định cư tại Úc. Tại đây, ông tiếp tục soạn nhạc, xuất bản sách dạy nhạc bằng Việt ngữ và Anh ngữ.

Ngày 9 tháng 5 năm 2013, nhạc sĩ Văn Giảng qua đời ở thành phố Footscray, tiểu bang Victoria, nước Úc. Tro cốt của ông được trên biển vào ngày 17 tháng 5, và đó cũng là ngày mà vợ ông đã mất sau khi lên một cơn đau tim vì không chịu nỗi cú sốc quá lớn.

Đông Kha (nhacxua.vn) biên soạn

Exit mobile version