Cuộc đời và sự nghiệp của nhạc sĩ Trường Sa – Tác giả Xin Còn Gọi Tên Nhau, Một Mai Em Đi, Chuyện Người Đan Áo…

Nhắc đến nhạc sĩ Trường Sa, khán giả yêu nhạc sẽ nhớ đến những bài tình ca lãng mạn đã trở thành bất tử là Rồi Mai Tôi Đưa Em, Mùa Thu Trong Mưa, Xin Còn Gọi Tên Nhau, Một Mai Em Đi… Ngoài ra ông còn là tác giả của những ca khúc nhạc vàng nổi tiếng là Một Lần Xa Bến, Hành Trang Giã Từ, Chuyện Người Đan Áo… đặc biệt được yêu thích qua giọng hát Nhật Trường.

Nhạc sĩ Trường Sa tên thật là Nguyễn Thìn, sinh năm 1940 tại Ninh Bình. Từ năm 12 tuổi, ông đã phải theo chân cha là một quân nhân đi nhiều nơi nên việc học vấn không được liên tục. Vì vậy khi dừng chân ở Thanh Hóa, ông được cha gửi ở trọ nhà người quen ở Điền Hộ để được ổn định việc học hành. Sau đó gia đình mỗi người một nơi, người cha tiếp tục rong ruổi cuộc đời quân nhân, còn mẹ của ông lại về sống với gia đình bên ngoại.

Tại Điền Hộ, ông theo học một trường Công Giáo và bắt đầu được học căn bản về âm nhạc từ một thầy Năm của giáo xứ này. Trong thời gian học nhạc, nhạc sĩ Trường Sa luôn được khen ngợi là một học trò xuất sắc nhờ năng khiếu đặc biệt về âm nhạc. Ông đã làm cho thầy dạy nhạc rất ngạc nhiên về khả năng xướng âm chuẩn, ngay cả lên dây đàn guitar cũng không cần bấm để thử mà chỉ cần nghe qua là được.


Click để nghe Thái Thanh hát Rồi Mai Tôi Đưa Em trước 1975

Thời điểm hiệp định Geneve năm 1954 được ký kết, lúc nhạc sĩ mới 14 tuổi, ông đi bộ hơn 30km từ Thanh Hóa để về nhà ở ven sông Đáy, rồi sau đó đi bộ thêm 20km đến Ninh Bình để gặp cha ở nơi đóng quân, ngay hôm sau 2 cha con cùng ra Hải Phòng theo Sư Đoàn 2 để di cư vào Nam.

Ban đầu, họ đặt chân tới Nha Trang, sau đó cùng di chuyển theo đoàn quân, tới nhiều nơi ở miền Trung khác rồi dừng chân ở Đà Nẵng vào năm 1957, cũng là năm thân phụ của Trường Sa được giải ngũ. Cũng tại thành phố này, ông đã gặp lại mẹ khi bà lần mò vất vả ngược xuôi để đi tìm 2 cha con ông từ năm 1954.

Sau khi được đoàn tụ, gia đình ông tiếp tục xuôi nam, vào sống ở Thủ Đức. Tuy nhiên lúc này nhạc sĩ Trường Sa cũng không được sống gần bố mẹ lâu, vì họ phải xuống tận Cà Mâu vì người cha xin được việc làm ở Sở Thú Y tại đây.

Cậu thiếu niên Nguyễn Thìn ở lại Sài Gòn với người bác (là chị của mẹ) để tiện cho việc tiếp tục theo học phổ thông. Sau khi học hết trung học đệ nhất cấp ở trường bán công Thủ Đức, ông học trường Nguyễn Văn Khuê ở Sài Gòn.

Thời gian này Trường Sa dành nhiều thời gian để tự học nhạc, luôn mang theo bên mình bộ sách hướng dẫn về lý thuyết âm nhạc, phối âm và sáng tác “Traité Dubois” để nghiền ngẫm.


Click để nghe Lệ Thu hát Xin Còn Gọi Tên Nhau trước 1975

Năm 17 tuổi, ông bắt đầu sáng tác với ca khúc đầu tay mang tên Mây Trên Đỉnh Núi theo điệu Tango. Lúc đó ông chưa dùng bút danh Trường Sa mà để tên của một người xướng ngôn viên của đài phát thanh Đà Lạt mà ông đem lòng yêu mến.

Sau khi đậu Tú Tài 2, nhạc sĩ Trường Sa thi vào Đại Học Khoa Học. Nhưng thời điểm này đúng dịp lệnh động viên được ban hành, nhạc sĩ đã bỏ học để xin đi dạy học ở Kiến Hòa.

Năm 1962, ông được nhận vào học ở trường Thủ Đức, nhưng cuối cùng đã quyết định chuyển qua thi vào khóa 12 Hải Quân tại Nha Trang để sau đó bắt đầu những chuyến hải hành của binh chủng hải quân.

Ngoài ca khúc đầu tay Mây Trên Đỉnh Núi vốn không được thành công cho lắm, thì đến lúc đó nhạc sĩ Trường Sa vẫn chưa viết thêm được nhạc phẩm nào. Dù vậy ông vẫn dành nhiều thời gian cho việc nghiên cứu về lý thuyết âm nhạc và phối âm.

Trong thời gian đầu tiên theo học khóa 12 Hải Quân Nha Trang, tình cờ nhạc sĩ Trường Sa gặp được một cô gái trong ban vũ thiết hài Nguyễn Thống khi ban này đến biểu diễn trong chương trình văn nghệ giúp vui cho khóa sinh, cô gái đó tên là Mỹ Lan. Sau đó không lâu, họ trở thành vợ chồng.

Với cấp bậc thiếu úy trừ bị sau khi ra trường vào tháng 4 năm 1964, nhạc sĩ Trường Sa cùng vợ thuê một căn nhà trên đường Nguyễn Duy Dương, gần chợ An Đông. Lúc này nhạc sĩ vẫn chưa tiếp xúc nhiều với giới nghệ sĩ, cho đến khi ca khúc Một Lần Xa Bến của ông được ca sĩ Nhật Trường thu thanh trong dĩa hát Việt Nam, từ đó tên tuổi của Trường Sa mới bắt đầu được biết đến trong làng nhạc. Đây cũng là thời gian mà ông giữ chức vụ hạm phó con tầu tuần duyên mang tên là Trường Sa, nên ông đã sử dụng cái tên này làm bút danh chính thức kể từ đó.


Click để nghe Nhật Trường hát Chuyện Người Đan Áo trước 1975

Sau thành công của Một Lần Xa Bến, nhạc sĩ Trường Sa có dịp quen biết với giới nghệ sĩ và sáng tác thêm những bài hát mà ông gọi là những bài nhạc phổ thông đại chúng trong những năm đầu của sự nghiệp nhạc sĩ. Những ca khúc đều nổi tiếng qua giọng ca Nhật Trường, đó là Hành Trang Giã TừChuyện Người Đan Áo (sau này bị ghi nhầm thành Chuyện Tình Người Đan Áo). Có một thời gian dài, khán giả yêu nhạc vẫn tưởng đây là những sáng tác của nhạc sĩ Nhật Trường – Trần Thiện Thanh, cũng bởi vì những ca khúc này đã gắn liền với tên tuổi của danh ca nhạc vàng này. Chính nhạc sĩ Trường Sa cũng nói rằng một phần nhờ tiếng hát Nhật Trường mà những bài hát này mới được nổi tiếng.

Thời gian này, nhạc sĩ Trường Sa có quen biết với nhạc sĩ Từ Công Phụng, và nhạc sĩ nổi tiếng của dòng nhạc tình này đã khuyến khích ông chuyển sang sáng tác nhạc lãng mạn. Ca khúc trữ tình lãng mạn đầu tiên của nhạc sĩ Trường Sa ra mắt công chúng là Mùa Thu Trong Mưa với tiếng hát Lệ Thu năm 1968. Tuy nhiên từ trước đó, ông đã có ý tưởng sáng tác Rồi Mai Tôi Đưa Em, nhưng thời gian để hoàn thành ca khúc này khá lâu, nên đến năm 1969 thì bài Rồi Mai Tôi Đưa Em mới được phát hành, gần như cùng lúc với bài Xin Còn Gọi Tên Nhau cũng rất nổi tiếng.


Click để nghe Lệ Thu hát Mùa Thu Trong Mưa trước 1975

Sang đến thập niên 1970, nhạc sĩ Trường Sa lại viết thêm một số ca khúc tình cảm khác, trong số nổi bật hơn hết là Một Mai Em Đi.

Sau khi lập gia đình, vợ chồng nhạc sĩ Trường Sa chung sống một cách thanh đạm trong căn nhà thuê cấp 4 với bề rộng chỉ 4m trên đường Nguyễn Duy Dương. Mặc dù có thời gian làm chỉ huy trưởng đơn vị trong 6 năm, nhưng ông vẫn ở trong căn nhà thuê ghi dấu nhiều kỷ niệm êm đềm đó, là nơi 4 người con của vợ chồng ông (3 gái 1 trai lần lượt chào đời).

Với cấp bậc thiếu tá, sau năm 1975 nhạc sĩ Trường Sa bị đi tù suốt 9 năm, trước khi được trở về năm 1984.

Thời gian sau đó, ông luôn trong tình trạng chán nản với trình trạng cuộc sống được ông mô tả là “chỉ ở nhà nấu cơm cho vợ”. Việc mưu sinh trong gia đình đè nặng lên vai người vợ hiền, bà Mỹ Lan phải vất vả với nhiều công việc tạm bợ trong hoàn cảnh thiếu thốn. Đó là những công việc bần cùng như mua bao nylon dơ về giặt sạch rồi bán lại, hay là mua bán radio cũ ngoài chợ trời Huỳnh Thúc Kháng…

Tháng 4 năm 1989, để lại vợ và người con gái lớn, 4 cha con nhạc sĩ Trường Sa lên đường vượt biển và đến được đảo Pulau Bidong. Lúc này lệnh đóng cửa trại tị nạn đã được áp dụng nên bốn người lại phải chờ để được thanh lọc suốt 28 tháng trước khi được chính phủ Canada bảo lãnh nhờ có một người em ruột của nhạc sĩ Trường Sa đã sang đây từ trước. Trong thời gian dài chờ đợi trên đảo Bidong, nhạc sĩ Trường Sa sáng tác được 2 nhạc phẩm: Xin Yêu Nhau Dù Mai Nữa Đưa Em Bên Cầu Nhung Nhớ.

Nhạc sĩ Trường Sa được định cư ở thành phố Regina, tỉnh bang Saskatchewan của Canada vào tháng 8 năm 1991. Vài ngày sau đó, ông tiến hành thủ tục bảo lãnh vợ từ Việt Nam sang.

Thời gian đầu trên xứ người, nhạc sĩ Trường Sa đi làm thuê bằng nhiều nghề, ban đầu là nhân viên trong một tiệm bánh ngọt, sau đó là cơ sở sản xuất nước mắm, rồi may mắn có được công việc ổn định trong một hãng xe hơi.

Khi đã ổn định được cuộc sống, nhạc sĩ Trường Sa mới có cảm hứng để sáng tác trở lại, bắt đầu bằng bài Mùa Xuân Sao Chưa Về Hỡi Em.


Click để nghe Thùy Dương hát Mùa Xuân Sao Chưa Về Hỡi Em

Tưởng rằng cuộc sống gia đình Trường Sa từ đó sẽ được êm đềm hạnh phúc, nhưng bất hạnh một lần nữa ập tới. Chỉ 4 năm sau khi bà Mỹ Lan đoàn tụ với chồng con ở Canada, bà đã qua đời trong một tai nạn xe hơi khi về thăm Việt Nam năm 1996.

Nhạc sĩ Trường Sa trong ngày cưới của con trai

Từ sau khi mất đi người vợ thân yêu, nhạc sĩ Trường Sa trải qua một cuộc sống trầm lặng của mình bên cạnh các con. Với tâm cảm đau thương, ông đã viết một số ca khúc ghi lại những kỷ niệm êm đềm với người vợ đã vĩnh viễn ra đi: Sài Gòn Ơi Giã Biệt Từ Đó, Trên Vai Em Nỗi Buồn Mấy Tuổi, Từ Một Ước Mơ, Sài Gòn Ơi Tôi Còn Em Đó…

Hơn 10 năm sau đó, nhạc sĩ Trường Sa đi bước nữa với một góa phụ được nhận xét là hiền lành, nhu mì là cô Võ Thị Nguyệt, người cũng có 4 người con giống như Trường Sa.

Hiện nay, qua những sóng gió cuộc đời, nhạc sĩ Trường Sa đang được tận hưởng những niềm hạnh phúc êm đềm ở tuổi đã xế chiều.

Đông Kha (nhacxua.vn) biên soạn

Exit mobile version