Cuộc đời và sự nghiệp của nhạc sĩ Nguyễn Hiền – Tác giả “Anh Cho Em Mùa Xuân”

Nhạc sĩ Nguyễn Hiền là một trong những nhạc sĩ tiêu biểu của làng nhạc miền Nam, với sự nghiệp sáng tác có hơn một trăm ca khúc, nổi tiếng nhất là Về Đây Anh, Anh Cho Em Mùa Xuân, Mái Tóc Dạ Hương, Tìm Đâu, Ngàn Năm Mây Bay, Hoa Bướm Ngày Xưa, Tiếng Hát Học Trò, Từ Giã Thơ Ngây, Lá Thư Gởi Mẹ…

Nếu bạn là người yêu thích nhạc xưa, hãy theo dõi kênh YouTube này để nghe đọc các bài cảm nhận về âm nhạc (phân tích ý nghĩa, hoàn cảnh sáng tác, tiểu sử ca nhạc sĩ): LINK YOUTUBE  < Click

Từ hơn nửa thể kỷ qua, mỗi dịp Xuân về, khắp mọi miền đâu đâu cũng vang lên khúc ca của bài Anh Cho Em Mùa Xuân, ca khúc được nhạc sĩ Nguyễn Hiền phổ từ bài thơ Nụ Hoa Vàng Ngày Xuân của thi sĩ Kim Tuấn. Nguyễn Hiền cũng là đồng tác giả của ca khúc nhạc vàng rất được yêu mến là Chuyện Đêm Mưa (viết chung với Hoài Linh).

Nhạc sĩ Nguyễn Hiền sinh năm 1927 tại Hà Nội. Ông học nhạc với thầy người Pháp từ năm 8 tuổi và sáng tác ca khúc đầu tay khi mới 18 tuổi, là phổ bài thơ mang tên “Người Em Nhỏ” của một người bạn là Thiệu Giang.

Nhạc sĩ Nguyễn Hiền có thể sử dụng được thành thạo 8 loại nhạc khí, như vĩ cầm, dương cầm và đặc biệt là phong cầm. Năm 1951, ông được mời làm nhạc trưởng của ban nhạc Hotel de Paris ở Hà Nội. Năm 1953, ông cưới người vợ được gia đình sắp đặt, và cuộc hôn nhân này đã hạnh phúc tròn vẹn cho đến tận lúc cuối đời.

Tháng 9 năm 1954, gia đình nhạc sĩ Nguyễn Hiền di cư vào Nam. Tại Sài Gòn, nhạc sĩ Nguyễn Hiền công tác tại đài phát thanh, đài truyền hình và trong các bộ thông tin, chiêu hồi, xây dựng nông thôn. Ông từng làm Chủ sự phòng Chương trình Đài Phát thanh Sài Gòn; Phụ tá giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam. Nguyễn Hiền là một trí thức văn nghệ được nhiều người tôn trọng, có thể thông thạo cả tiếng Anh và Tiếng Pháp.

Sắc diện của ông được nhận xét là nho nhã, trắng trẻo, có dáng dấp một nhà giáo nhiều hơn một nghệ sĩ .

Năm 1988, nhạc sĩ Nguyễn Hiền và gia đình định cư tại Hoa Kỳ theo diện ODP. Ông cùng nhạc sĩ Ngọc Bích và một số người bạn lập ra ban Saigon Band ở Little Saigon.

Nơi vùng đất mới, nhạc sĩ Nguyễn Hiền vẫn tiếp tục hoạt động về văn hóa, văn nghệ dân tộc, tổ chức các lễ giỗ Tổ Hùng Vương, Kỷ niệm Ðức Trần Hưng Ðạo, Hai Bà Trưng, làm cố vấn Hội Cổ Nhạc Miền Nam Việt Nam Hải ngoại, từ khi mới thành lập năm 2000… và được thành phố Westminster mời làm Ủy viên văn hóa văn nghệ cho thành phố.

Theo ca sĩ Quỳnh Giao cho biết thì nhạc sĩ Nguyễn Hiền là người rất giỏi ngoại ngữ. Ông thông tạo cả 2 tiếng Anh, Pháp, đã từng dịch nhiều ca khúc tiền chiến bất hủ của nhạc sĩ Văn Cao ra tiếng Anh. Nhạc sĩ Nguyễn Hiền cũng có trí nhớ phi thường. Thập niên 1990, khi gặp lại các ca sĩ sinh hoạt trước năm 75, ông vẫn còn nhớ và đọc lại được cả biển số xe của họ.

Dòng nhạc của nhạc sĩ Nguyễn Hiền mang đậm tình tự quê hương. Tên của ông là Hiền nên nhạc và lời của ông cũng hiền lành như vậy. Tình yêu trong tác phẩm của ông tinh khiết và đôn hậu. Quê hương trong ca khúc của ông luôn đượm nét thanh bình, hiền hòa, tác phẩm như là sự mời gọi về một không gian đã tắt, một thời gian đã lặng..

Nhạc sĩ – MC Nam Lộc chia sẻ về nhạc sĩ Nguyễn Hiền như sau:

Với tính tình điềm đạm, giọng nói từ tốn và kiến thức rộng rãi. Tuy theo Tây học, nhưng luôn mang nặng hồn dân tộc. Ông cởi mở với mọi người, rộng lượng với đàn em, tử tế với bạn bè và trân quý gia đình. Nhưng tất cả những ưu điểm trên đều không lớn hơn trái tim nhân hậu mà ông dành cho tha nhân và xã hội. (Việt Hải)

Nếu ai có cơ hội hoạt động gần gũi với nhạc sĩ Nguyễn Hiền thì đó phải là người may mắn. Và chỉ cần học hỏi được một phần nhỏ trong thân thế và sự nghiệp bao quát của ông, thì đó chính là niềm hạnh phúc lớn lao (Nam Lộc)

Nhạc sĩ Nguyễn Hiền qua đời vào hồi 10 giờ 15 phút sáng ngày 23 tháng 12 năm 2005 (giờ California, Hoa Kỳ) vì bệnh ung thư phổi.

Trước khi qua đời chỉ 1 năm, vào năm 2004, trung tâm Thúy Nga đã mời nhạc sĩ Nguyễn Hiền xuất hiện trên chương trình Paris By Night 74 chủ đề các ca khúc nhạc Huỳnh Anh và Nguyễn Hiền. Mời các bạn xem lại sau đây:


Click để xem

nhacxua.vn biên soạn

Exit mobile version