Cuộc đời và sự nghiệp của nhạc sĩ Đỗ Kim Bảng – Tác giả của Mưa Đêm Ngoại Ô, Vòng Tay Giữ Trọn Ân Tình…

Nhạc sĩ Đỗ Kim Bảng là một trong những nhạc sĩ sáng tác nhạc vàng thế hệ đầu tiên, là tác giả của những ca khúc được yêu thích nhiều năm qua là Mưa Đêm Ngoại Ô, Vòng Tay Giữ Trọn Ân Tình, Xin Dìu Nhau Đến Tình Yêu, Bước Chân Chiều Chủ Nhật, Sương Phủ Đường Khuya…

Nhạc sĩ Đỗ Kim Bảng sinh năm 1932 tại Quảng Nam, nhưng thời thơ ấu trải qua phần lớn là ở Huế, Đà Lạt. Năm 15 tuổi, ông trở lại Huế và theo học trường Lycée Khải Định (nay là trường Quốc Học Huế).

Thời nhỏ, nhạc sĩ Đỗ Kim Bảng được làm quen với âm nhạc bằng guitar, sau đó chuyển sang học đàn mandoline và bắt đầu tập sáng tác nhạc rất sớm. Đến năm ông 16 tuổi, phong trào Phật giáo ở Huế lên cao, có nhiều nhạc sĩ sáng tác nhạc Phật giáo, nên Đỗ Kim Bảng (vốn là một Phật tử) cũng có sáng tác đầu tay mang tên Mục Kiền Liên.

Sau đó, khi sắp học xong lớp đệ tứ (lớp 9 hiện nay), cảm xúc trước hoàn cảnh sắp chuyển cấp, với những niềm vui, nỗi buồn khi xa bạn bè và mùa thi sắp đến, nhạc sĩ Đỗ Kim Bảng sáng tác một ca khúc rất nổi tiếng vào thập niên 1950 là Mùa Thi. Khi sáng tác xong ca khúc này, tác giả tự lên hát trong buổi lễ phát thưởng ở trường và được các bạn đồng trang lứa rất yêu thích, chép nhạc chuyền tay nhau.

Nhờ vậy, bài hát tới được tai của ông Tăng Duyệt – giám đốc Tinh Hoa Xuất Bản ở Huế, nên ông đề nghị mua bản quyền để xuất bản bài hát. Lúc đó Đỗ Kim Bảng vẫn là một nhạc sĩ vô danh.


Click để nghe Hoàng Oanh hát Mùa Thi

Khoảng 2 năm sau khi bài hát được ra đời, Ban Thăng Long được thành lập tại Sài Gòn và chọn bài Mùa Thi cùng với 2 ca khúc khác là Hè VềHọc Sinh Hành Khúc để hát liên khúc trong một nhạc cảnh, từ đó bài Mùa Thi nổi tiếng vang dội khắp cả nước, là ca khúc nằm lòng của tất cả thế hệ học sinh thập niên 1950, 1960 vì thể hiện được chính xác tâm trạng của các “sĩ tử” cả xưa lẫn nay khi bước vào mỗi mùa thi.

Sau khi đậu tú tài ở Huế, nhạc sĩ Đỗ Kim Bảng ra Hà Nội học Cao Đẳng Sư Phạm và Văn Khoa. Thời gian này ông được các nhạc sĩ Hùng Lân, Nguyễn Hữu Ba và Văn Giảng chỉ dẫn thêm về sáng tác. Ngoài ra ông cũng có thời gian ngắn theo học với giáo sư Lê Quang Nhạc và tự mua sách về học nhạc nên nắm vững được nhạc lý trong những sáng tác đầu tay.

Năm 1954, đất nước bị chia đôi, Đỗ Kim Bảng chuyển vào Sài Gòn và tiếp tục theo học Cao Đẳng Sư Phạm. Sau khi tốt nghiệp, năm 1955, ông được biệt phái về phụ trách dạy văn hoá tại trường Võ Bị Quốc gia ở Đà Lạt khoá 13,14.

Năm 1960, nhạc sĩ Đỗ Kim Bảng lập gia đình, đồng thời theo học khoá 21 Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt. Sau khi mãn khoá, Đỗ Kim Bảng về Bộ Quốc Gia Giáo Dục và dạy văn chương – sử địa ở trường Trần Lục – Sài Gòn. Đây là trường dành cho các học sinh là con em của gia đình di cư từ miền Bắc.

Năm 1961 vợ chồng Đỗ Kim Bảng sống tại căn nhà nhỏ ở Ngã Tư Bảy Hiền, thời điểm đó vẫn là một vùng ven ngoại ô Sài Gòn. Trong những đêm nghe tiếng mưa rả rích ngoài song cửa, ông cảm tác viết thành bài Mưa Đêm Ngoại Ô, và bài hát đã được khán giả yêu thích suốt 60 năm qua. Ban đầu ca khúc được nhạc sĩ Lê Mộng Bảo mua bản quyền để xuất bản tờ nhạc, nhưng trong suốt 1 năm đầu chỉ bán được có 300 bản.


Click để nghe Hương Lan hát Mưa Đêm Ngoại Ô

Sau khi hết hạn hợp đồng với Lê Mộng Bảo, bài Mưa Đêm Ngoại Ô được ca sĩ Duy Khánh mua bản quyền lại để phát hành. Nhờ tài lăng xê của Duy Khánh, bài hát nhanh chóng nổi tiếng, đặc biệt là qua tiếng hát Hương Lan, rồi được phát thanh nhiều lần trên các chương trình ca nhạc và đại nhạc hội.

Năm 1963, nhạc sĩ Đỗ Kim Bảng có một sáng tác khác được yêu thích là Bước Chân Chiều Chủ Nhật. Nói về hoàn cảnh sáng tác bài này, nhạc sĩ cho biết là những người sống ở Sài Gòn thời điểm đầu thập niên 1960 có thể nhận thấy rằng thời khắc buồn nhất của thành đô chính là chiều chủ nhật. Bởi vì thứ 7 hoặc sáng chủ nhật thì người ta vẫn còn đi chơi đông đúc, nhưng chiều chủ nhật thì đường phố trở nên vắng lặng, vì hầu hết mọi người đã về lại nhà để chuẩn bị buổi đi làm vào sáng hôm sau.


Click để nghe Giao Linh hát Bước Chân Chiều Chủ Nhật

Cảm nhận được sự tịch mịch và hiu quạnh đó, nhạc sĩ Đỗ Kim Bảng đã sáng tác Bước Chân Chiều Chủ Nhật để nói lên nỗi lòng, cảm giác của mình. Sự thinh lặng đó, dù có gợi chút buồn, nhưng cũng đã mang lại khoảnh khắc thoải mái, bình yên hiếm có trong suốt một tuần của thành đô. Chỉ qua một đêm để đến sáng ngày hôm sau thì Sài Gòn sẽ lại bừng thức giấc và náo nhiệt như thường thấy.

Mặc dù đã có nhiều ca khúc nổi tiếng, nhưng suốt trong sự nghiệp sáng tác của mình, vai trò nhạc sĩ của Đỗ Kim Bảng chỉ là nghề tay trái, và nghề chính vẫn là dạy học. Năm 1965, ông từng phục vụ tại Phòng Văn Nghệ và Tâm Lý Chιến cho đến năm 1970. Thời gian này ông sáng tác ca khúc Vòng Tay Giữ Trọn Ân Tình.


Click để nghe Trúc Mai hát Vòng Tay Giữ Trọn Ân Tình

Em thương một người trai.
Lạnh lùng đi giữa đời.
Thường gục đầu vào cánh tay.
Nụ cười không đến môi
quên mất tình yêu rồi…

Cũng trong năm 1965, nhạc sĩ Đỗ Kim Bảng có 1 sáng tác nổi tiếng khác là Xin Dìu Nhau Đến Tình Yêu. Ông cho biết bài hát viết về thân phận buồn của những người ca nữ thời đó, cảm thương cho số phận của một kiếp cầm ca buồn nhiều hơn vui.


Click để nghe Thanh Lan hát Xin Dìu Nhau Đến Tình Yêu

Sau năm 1975, nhạc sĩ Đỗ Kim Bảng sống âm thầm trước khi vượt biên năm 1980 sang Hoa Kỳ. Tại Boston, ông được nhận đi dạy học trong khuôn khổ chương trình Song Ngữ (Bilingual) đặc biệt của tiểu bang Massachusetts như một số giáo sư Việt Nam khác sau khi lấy được một số chứng chỉ. Ông đã có bằng Cử Nhân tại Việt Nam nên được công nhận là tương đương với bằng Bachelor của Hoa Kỳ.

Nhạc sĩ Đỗ Kim Bảng về hưu năm 1995. Đến năm 2000, gia đình ông dời về vùng Little Saigon, Nam California cho đến nay. Cuộc sống hiện tại của ông rất thanh nhàn cùng với những sinh họat thường ngày không còn gì vướng bận.

Đông Kha
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn

Exit mobile version