Cuộc đời và sự nghiệp nhạc sĩ Anh Bằng – Huyền thoại của nhạc vàng miền Nam

Nhạc sĩ Anh Bằng tên thật Trần An Bường, là 1 trong những nhạc sĩ nổi tiếng nhất của miền Nam Việt Nam trước 1975 và cả ở hải ngoại sau 75 với số lượng sáng tác khoảng 650 tình khúc để lại cho đời.

Tên thật của ông là “An Bường”, nếu đọc trại cũng nghe như “Anh Bằng” nên nhạc sĩ đã lấy làm bút danh sáng tác.

Ngoài vai trò là nhạc sĩ, Anh Bằng còn là người đã sáng lập Trung tâm Lê Minh Bằng ở hải ngoại, sau đó đổi tên thành Dạ Lan và cuối cùng là trung tâm Asia. Ông cũng là một trong nhóm ba người hợp tác soạn nhạc với bút hiệu Lê Minh Bằng (cùng với Lê Dinh và Minh Kỳ).

Sơ lược tiểu sử nhạc sĩ Anh Bằng

Nhạc sĩ Anh Bằng sinh năm 1927 tại thị tứ Điền Hộ, nay thuộc xã Nga Điền, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa, giáp giới tỉnh Ninh Bình. Năm 1935, ông xa gia đình để học Tiểu chủng viện Ba Làng tại huyện Tĩnh Gia, thuộc tỉnh Thanh Hóa, sau đó ông lại tiếp tục theo học trung học ở Hà Nội.

Nhạc sĩ Anh Bằng theo gia đình di cư vào Nam năm 1954 và sinh sống ở khu Bà Chiểu, Sài Gòn cho đến năm 1975. Năm 1957, nhạc sĩ Anh Bằng nhập ngũ vào ngành Công binh, sau chuyển sang Cục CTCT trong Đại đội 2 Văn nghệ đến năm 1962 thì giải ngũ. Cũng vào thời gian hoạt động ở Sài Gòn, ông hợp tác trong nhóm Lê Minh Bằng và trợ giúp ông Nguyễn Tất Oanh ở hãng đĩa Sóng Nhạc.

Năm 1975, ông cùng gia đình di tản sang Hoa Kỳ ở độ tuổi 50, và vẫn tiếp tục hoạt động âm nhạc với Trung tâm sản xuất và phát hành băng nhạc cassette Dạ Lan (1981-1990), sau đó là trung tâm Asia.

Tính cách

Nhạc sĩ Anh Bằng có tính tình hiền lành, vui vẻ nhưng ít nói và được lòng phái nữ (lời của nhạc sĩ Lê Dinh). Một điều dễ nhận thấy khi xem lại các hình ảnh hay video có mặt nhạc sĩ Anh Bằng, đó là nụ cười của ông. Hiếm thấy có khoảnh khắc nào mà ông… không cười. Điều đó phần nào thể hiện được sự hòa đồng và vui vẻ của ông. Trong công việc và cuộc sống hàng ngày, nhạc sĩ Anh Bằng là người trầm lặng, ít nói, không thích xuất hiện trên sân khấu hay trước đám đông, ông dành nhiều thì giờ cho việc suy tư, yên lặng sáng tác theo tâm hồn nghệ sĩ.

Nói về tính cách của nhạc sĩ Anh Bằng, nhạc sĩ Lê Dinh (một người bạn thân của Anh Bằng) còn cho biết như sau:

“Trong việc giao thiệp hàng ngày, anh Anh Bằng cũng ít xuất hiện, nếu có xuất hiện cũng thường hay làm thinh, và nếu nói thì những lời nói nào anh đưa ra cũng duyên dáng và vì lẽ đó mà anh rất… đào hoa.

Bạn bè thường bảo rằng anh có duyên ngầm. Vì cái duyên đó mà có rất nhiều cô mến anh, thích anh và rồi yêu anh, và anh cũng yêu lại người ta, nhưng anh không bỏ bê gia đình, vẫn chăm lo, săn sóc người vợ anh cưới từ khi chưa di cư, ở thị trấn Điền Hộ, tỉnh Ninh Bình.

Ở địa hạt tình cảm, Anh Bằng là người trái ngược với Minh Kỳ, cho nên chúng tôi thường hay nói Anh Bằng là người ướt át nhất, và tuy là người tình cảm mà không mất cảm tình khi vì hoàn cảnh, chia tay với ai đó bởi vì anh đã “nhắn nhủ” qua bài “Sầu Lẻ Bóng”:

“Người ơi, khi cố quên là khi lòng nhớ thêm…”.

Hờn giận người ta thế nào được khi người đó vẫn còn nhớ đến mình”.

Tính đào hoa, được lòng phái nữ này của nhạc sĩ Anh Bằng cũng được người con của ông xác nhận qua lời kể như sau:

“Ngày trước, ở khu phố gần nhà tôi có một cô gái khá xinh tên là Tiên. Cô Tiên thường lui tới nhà tôi và coi mẹ tôi như người chị. Tính cô rất vui vẻ nhưng cô ăn nói rất bạo dạn. Tôi chứng kiến, một buổi sáng ba tôi sửa soạn ra xe đi làm thì đúng lúc cô Tiên từ ngoài bước vào. Sau khi chào hỏi mẹ tôi: ”Thưa chị à”, rồi cô nắm chặt lấy tay ba tôi hỏi với dáng điệu nũng nịu: “Anh Bằng đi đâu sao không cho em đi với”? Rồi xoay qua phía mẹ tôi cô nói: ”Chị ơi, cho em đi với anh Bằng hôm nay nhé”. Mẹ tôi cũng cười vui trả lời: “Thì cô đi với anh có sao đâu, nhưng lúc về nhớ phải có quà bánh đấy nhé”.

Tôi biết rằng vì mẹ tôi coi cô Tiên cũng như là người trong nhà, cho nên đó chỉ là câu nói giỡn chơi thôi, nào ngờ cô Tiên bước lại gần ba tôi và tỉnh bơ nắm tay ông cùng đi ra nhà xe như một đôi tình nhân chính hiệu. Tôi vẫn len lén nhìn về cả hai phía để theo dõi xem sự thể sẽ diễn biến ra sao. Khi đến nhà xe, ba tôi nói gì đó với cô Tiên tôi không được nghe, nhưng thấy cô Tiên dần dần xịu mặt xuống và có vẻ như mếu máo. Ba tôi bước vào xe giơ tay vẫy vẫy mấy cái rồi lái xe đi trước thái độ phụng phịu, hờn dỗi của cô Tiên. Những chuyện lãng mạn, đáng yêu thoáng quá như thế tôi nghĩ không thiếu trong cuộc đời của ba tôi. Nó chỉ là niềm vui tạo hứng khởi cho người nghệ sĩ. Nếu nó được gọi là chuyện “bay bướm” thì ba tôi quả là con bướm bay hoài trên những bông hoa xinh đẹp nhưng chỉ đậu xuống một bông hoa duy nhất, đó là bông hoa gia đình, một tổ ấm mà ông không bao giờ thiếu trách nhiệm, không bao giờ ông bỏ bê. Cha mẹ tôi sống hạnh phúc bên nhau trên 60 năm là một bằng chứng hiển nhiên nói lên tấm lòng tôn trọng đạo nghĩa, đức hạnh con người và tôn trọng gia đình của ba tôi”.

Gia tài âm nhạc

Về lĩnh vực sáng tác, có thể nói nhạc sĩ Anh Bằng có sự nghiệp đồ sộ nhất trong số các nhạc sĩ miền Nam, kể cả về số lượng lẫn chất lượng. Nếu như một nhạc sĩ bình thường chỉ cần vài bài được yêu thích là có thể có chỗ đứng trong làng nhạc, còn nhạc sĩ Anh Bằng thì đã có vài chục bài “hits” sống cùng thời gian trong suốt 60 năm qua.

Ông sáng tác rất đa dạng về thể loại. Ở dòng nhạc tình ca có Nỗi Lòng Người Đi, Nếu Vắng Anh… nhạc vàng có Căn Nhà Ngoại Ô, Giọt Buồn Không Tên, Sầu Lẻ Bóng… nhạc chiêu hồi có Giấc Ngủ Cô Đơn, Đôi Bóng… nhạc lính có Nửa Đêm Biên Giới, Ngoại Ô Buồn, Lạy Mẹ Con Đi…, kích động nhạc có Huynh Đệ Chi Binh, Thương Lính… Ngoài ra những ca khúc như Mất Nhau Mùa Đông, Người Thợ Săn Và Đàn Chim Nhỏ, Tango Dĩ Vãng, Mai Tôi Đi… đánh dấu một khuynh hướng sáng tác khác của ông, không chỉ là những bài nhạc vàng phổ thông, mà là những bài nhạc trữ tình chinh phục được giới khán giả khó tính hơn.

Ngoài ra có thể nhắc đến thêm một lĩnh vực sáng tác nữa mà nhạc sĩ Anh Bằng đã tham gia và có có nhiều ca khúc nổi tiếng, đó là nhạc phổ thơ: Anh Biết Em Đi Chẳng Trở Về, Hoa Học Trò, Khúc Thuỵ Du, Trúc Đào, Anh Cứ Hẹn, Anh Còn Nợ Em… Riêng bài Hai Sắc Hoa Ti-Gôn của TTKH, ông đã phổ thành 2 bài hát mang tên Chuyện Hoa Ti-GônDĩ Vãng Một Loài Hoa, tương tự là từ bài thơ nổi tiếng Hoa Trắng Thôi Cài Lên Áo Tím của Kiên Giang, ông đã phổ nhạc thành 2 bài hát Chuyện Tình Hoa Trắng Hồi Chuông Xóm Đạo, đều viết sau năm 1975. Nhạc sĩ Anh Bằng đã phổ nhạc cho vài trăm bài thơ, và có đến hơn 70 bài đã được thu âm, trình diễn trên sân khấu.

Sau năm 1975, ông vẫn sáng tác rất mạnh mẽ và có nhiều ca khúc nổi tiếng là Chuyện Hoa Sim, Cho Kỷ Niệm Mùa Đông, Chuyện Gàn Thiên Lý, Dù Nắng Có Mong Manh, Từ Độ Ánh Trăng Tan, Huế Xưa, Sầu Lẻ Bóng 2,3, Tôi Vẫn Cô Đơn… Thời điểm này ông cũng sáng tác nhiều ca khúc lưu vong như Căn Gác Lưu Đày, Cõi Buồn… Ở lĩnh vực viết lời Việt cho ca khúc ngoại quốc, nhạc sĩ Anh Bằng cũng góp mặt với Người Tình Mùa Đông, Tình Nồng Cháy, Hãy Sống Cho Tuổi Trẻ… Sau năm 1975 ông cũng thành lập trung tâm băng dĩa lớn nên rất thuận tiện trong việc phổ biến những sáng tác mới này. Có thể nói nếu cộng tất cả những bài hát nổi tiếng nhất sáng tác cả trước và sau năm 1975, thì nhạc sĩ Anh Bằng 1 trong 2 nhạc sĩ có số lượng bài hát đồ sộ nhất (người còn lại là nhạc sĩ Phạm Duy).

Anh Bằng – Minh Kỳ – Lê Dinh

Huyền thoại Lê Minh Bằng

Một mảng sáng tác không thể không nhắc đến của nhạc sĩ Anh Bằng là viết chung trong nhóm Lê Minh Bằng với rất nhiều ca khúc tạo được dấu ấn lớn trong làng nhạc miền Nam trước 75, đặc biệt là các bài hát được in ra hàng triệu bản như Truyện Tình Lan Và Điệp, Đêm Nguyện Cầu… Ba nhạc sĩ trong nhóm này bao gồm Lê Dinh, Minh Kỳ và Anh Bằng.

Theo tiết lộ của nhạc sĩ Lê Dinh trên tờ Nghệ Thuật xuất bản ở Canada, lúc đầu khi thành lập nhóm Lê Minh Bằng (1966) thì ba người nhạc sĩ này đã họp lại và bàn bạc với nhau về phong cách sáng tác những bản nhạc của nhóm.

Một phong cách sáng tác đã được thống nhất và định hình, đó là một loại nhạc hợp với mọi tầng lớp dân chúng, từ thành thị tới thôn quê, để ai cũng có thể thưởng thức được. Theo đó, những bài hát này có lời ca trong sáng, giản dị, dễ nhớ và dễ thuộc lòng. Giai điệu và tiết tấu cũng nên đơn giản để dễ tập đàn, dễ tập hát (như điệu boléro, rumba slow, slow rock, boston…). Nói tóm lại là nhạc và lời phải thật dễ cảm, âm điệu uyển chuyển dễ đi vào lòng người.

Vì là bước đầu thử nghiệm, nên cả nhóm không biết những bài hát như vậy sẽ thành công hay không. Để tránh trường hợp thất bại có thể xảy ra và làm ảnh hưởng đến tên tuổi vốn có của cả ba nhạc sĩ, nên họ đã quyết định chọn ra một số bút danh khác nhau để đứng tên trong các bài hát mới thử nghiệm này.

Các bút hiệu Mạc Phong Linh, Mai Thiết Lĩnh, Vũ Chương, Dạ Cầm, Giang Minh Sơn, Mai Bích Dung… lần lượt được ký tên ở những nhạc phẩm của nhóm Lê Minh Bằng sáng tác. Kết quả quả mang lại thật bất ngờ, đến nổi cả ba người nhạc sĩ này không tin rằng đó là sự thật. Sau khi những bài hát của nhóm được tung ra, số lượng các bản nhạc in (music sheets) bán được khắp nơi đã tăng nhanh vùn vụt và nhóm Lê Minh Bằng đã thành công vượt bực để trở thành “huyền thoại” sau này.

Từ trước khi nhóm 3 nhạc sĩ chính thức lấy tên Lê Minh Bằng trong ca khúc Đêm Nguyện Cầu năm 1966, họ đã thử nghiệm cùng sáng tác với Truyện Tình Lan Và Điệp năm 1965 và đạt được thành công vượt quá mong đợi. “Làn Và Điệp” có doanh số bán nhạc tờ được hàng triệu bản, một kỷ lục vào thời đó, là thành công bước đầu để nhóm Lê Minh Bằng cùng nhau hợp tác rất ăn ý suốt 10 năm với vài chục ca khúc ăn khách, tiêu biểu là Đêm Nguyện Cầu, Những Đêm Chờ Sáng, Truyện Tình Lan Và Điệp, Hai Mùa Mưa, Trả Lại, Viết Từ KBC, Linh Hồn Tượng Đá, Cho Người Tình Nhỏ, Chỉ Hai Đứa Mình Thôi Nhé, Đà Lạt Hoàng Hôn, Thương Về Miền Đất Lạnh, Giấc Ngủ Cô Đơn, Nếu Ai Có Hỏi, Nếu Anh Đừng Hẹn, Nếu Hai Đứa Mình, Chuyện Một Đêm, Mưa Trên Phố Huế, Người Em Vỹ Dạ, Sài Gòn Thứ Bảy, Tình Đời, Hồi Tưởng, Một Chuyến Xe Hoa, Thiệp Hồng Báo Tin, Nó, Ly Cà Phê Cuối Cùng, Cô Hàng Xóm, Biển Dâu, Tuyết Lạnh…

Sự nghiệp ở hải ngoại

Một bước ngoặt khác của nhạc sĩ Anh Bằng là khi ông sang đến hải ngoại và thành lập trung tâm Asia, có tiền thân là trung tâm Dạ Lan. Đó là một quá trình dài, gian khổ trong những năm đầu tiên trên xứ người. Trong một bài viết, con trai của nhạc sĩ Anh Bằng là Trần Anh Thanh đã kể lại như sau:

“Sau khi đã ổn định sinh hoạt gia đình, ba tôi bắt tay vào sáng tác nhạc mới và thành lập Trung tâm băng nhạc. Trung tâm đầu tiên lấy tên là Trung tâm Lê Minh Bằng (Lê Dinh, Minh Kỳ, Anh Bằng), sản xuất và phát hành được một cuốn thì ba tôi nghiệm thấy rằng chú Minh Kỳ đã không còn nữa, cũng như không có chú Lê Dinh nên rất khó hoạt động dưới danh nghĩa nhóm Lê Minh Bằng.

Ba tôi đã liên lạc với chú Lê Dinh để bàn định về hợp tác với nhau, nhưng vì hoàn cảnh và công việc của gia đình, chú Lê Dinh ngỏ ý không muốn đi. Vì vậy ba tôi đổi trung tâm Lê Minh Bằng thành trung tâm Dạ Lan. Dạ Lan sản xuất và phát hành băng nhạc thứ nhất chủ đề là “Như Một Nụ Hồng” rất thành công. Như Một Nụ Hồng giúp cho ba tôi có chút vốn, đủ để mở một phòng thâu thanh lớn hơn, thay thế cho phòng thâu quá nhỏ trước đây, được thiết lập ở garage trong nhà. Rồi ba tôi lại nhường trung tâm Dạ Lan cho người cháu ruột, anh Trần Thăng và chị Minh Vân làm chủ. Ba tôi đi thuê một building tọa lạc trên đường Garden Grove để lập Trung Tâm mới, lấy tên là trung tâm Asia.

Qua sự học hỏi và tìm hiểu về âm thanh, ba tôi tự tay vẽ kiểu cho phòng thâu mới, kiến thiết và mua một dàn máy thâu thanh tối tân không thua kém những phòng thâu hiện đại nhất của Hollywood. Nhưng đúng thời gian này, thính giác của ba tôi sa sút nhanh. Chỉ trong vòng ba bốn năm mà từ một người đang hoạt động về đủ mọi mặt trong lãnh vực văn nghệ, ông trở thành người thiếu hẳn khả năng liên lạc, không thể tiếp xúc được với ai qua những sự việc thông thường. Nhất là anh chị em nghệ sĩ là những người ông cần phải liên lạc mỗi ngày thì nay ông dành chịu bó tay. Sau khi khánh thành phòng thâu mới của trung tâm Asia, ba tôi trao lại việc quản trị trung tâm Asia cho em gái tôi là Thy Vân”.

Từ những bước đầu khó khăn đó, trung tâm Asia sau này đã trở thành 1 trong 2 trung tâm âm nhạc hàng đầu ở hải ngoại.

Tuy vào những năm cuối đời bị tụt giảm khả năng thính giác nghiêm trọng, nhưng khả năng sáng tác của nhạc sĩ Anh Bằng vẫn giữ vững phong độ với hàng loạt những ca khúc được yêu thích. Ngay cả những năm gần cuối đời, ông vẫn sáng tác thường xuyên cho trung tâm Asia, trong đó có các ca khúc Anh Còn Yêu Em, Khóc Mẹ Đêm Mưa…

Nhạc sĩ Anh Bằng qua đời ngày 12 tháng 11 năm 2015 tại tư gia ở quận Cam, tiểu bang California, Hoa Kỳ, hưởng thọ 90 tuổi sau 8 năm chống chọi với căn bệnh ung thư gan, mặc dù đã chữa khỏi nhưng chứng bệnh lại tái phát.

Đông Kha (nhacxua.vn) biên soạn

Exit mobile version