Cuộc đời và sự nghiệp của nhà văn Duyên Anh (1935-1997)

Duyên Anh là 1 trong những nhà văn tiêu biểu của miền Nam trước năm 1975. Những chủ đề nổi tiếng nhất trong tiểu thuyết Duyên Anh là truyện thiếu nhi, tuổi mới lớn, truyện tình yêu, đặc biệt là truyện về giới giang hồ, bụi đời như Vết Thù Trên Lưng Con Ngựa Hoang, Châu Kool, Điệu Ru Nước Mắt…

Nhiều người cho rằng Duyên Anh là người viết truyện thiếu nhi và tuổi mới lớn hay nhất miền Nam trước đây và ngay cả đến nay cũng không ai qua được ông. Sau này truyện của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh có mang “hơi hướm” truyện Duyên Anh từ nhiều năm trước.

Có một dạo, Duyên Anh thường viết về giới giang hồ, bụi đời trong xã hội trước năm 1975. Trong tác phẩm của Duyên Anh ca ngợi lối sống phóng khoáng, bất cần đời của giới trẻ bị bế tắc trong cuộc sống. Tuy nhiên vẫn thấm đậm một tính cách nghĩa khí và các nhân vật của Duyên Anh đều sẵn sàng chết vì tình nghĩa và chữ tín của mình.

Nhà văn Duyên Anh tên thật là Vũ Mộng Long, sinh ngày 16-8-1935 tại thị xã tỉnh Thái Bình, Bắc Việt, bên bờ sông Trà Lý nhưng sống thời thơ ấu ở làng Tường An, tổng Ô Mễ mà theo Duyên Anh là một làng nghèo nhất tỉnh Thái Bình. Xuất thân trong một gia đình nghèo, ông là con cả của một gia đình 7 người con. Thân sinh ông làm thầy lang, sau đổi ra buôn bán nhỏ. Ông học các trường tổng, trường tỉnh – tư thục Trần Lãm, rồi lên Hà nội học trung học. Ở quê nhà, Duyên Anh đã chứng kiến và sống những biến cố lịch sử 1945 và 1954. Duyên Anh di cư vào Nam cuối năm 1954.

Vào Sài Gòn, ban đầu ông sống qua nhiều nghề như giữ xe đạp, quảng cáo cho gánh xiệc bán thuốc kiểu Sơn Đông mãi võ, kèm trẻ tư gia,… Giữa năm 1955, ông theo Đại Việt Duy Dân lên Ban-Mê-Thuột làm ‘cách mạng’ được vài tháng rồi sau đó được người của tổ chức đưa xuống Long Xuyên dạy học ở các trường bán công Hòa Hảo, Kinh Dương, Nguyễn Trung Trực. Sau đó, ông đến Mỹ Tho mở trường dạy đàn guitare tại gia. Lên lại Sài Gòn năm 1960 học thi tú tài và lập gia đình tháng 1 năm 1962.

Duyên Anh bắt đầu viết truyện ngắn và thơ đăng trên tờ Chỉ Đạo. Truyện đầu tiên đăng trên tập san này là Hoa Thiên Lý. Những bài thơ đầu tay cũng trên tạp chí Chỉ Đạo như Bà mẹ Tây Ninh, Em Tôi. Đồng thời ông viết cho tờ Gió Nam của Liên đoàn công chức cách mạng quốc gia. Sau đó làm việc tại Tổng nha thanh niên, biệt phái làm tại tòa soạn tờ Chiến Đấu, cơ quan ngôn luận của Thanh niên cộng hòa của cố vấn Ngô Đình Nhu cùng với nhà văn Tam Lang Vũ Đình Chí. Sau cùng, Duyên Anh trở về Tổng nha thanh niên làm việc ở sở Tuyên huấn.

Sau vụ “chỉnh lý” đầu năm 1964, Duyên Anh cộng tác với nhật báo Xây Dựng của linh mục Nguyễn Quang Lãm. Từ nay Duyên Anh sống bằng ngòi bút và viết phiếm luận vì muốn đả phá bất công xã hội. Năm 1967 chủ bút tuần báo Con Ong của Minh Vồ sau khi đã cộng tác với nhật báo Sống của Chu Tử và từ năm 1968 với nhật báo Công Luận của tướng hồi hưu Tôn Thất Đính. Ông cũng viết cho nhật báo Tin Báo của Nguyễn Mạnh Côn là người đã khuyến khích giúp đỡ Duyên Anh ở bước đầu văn nghiệp. Năm 1968, Duyên Anh chủ trương tuần báo Búp Bê sau khi đã phụ trách trang Búp Bê cho nhật báo Công Luận. Sau đó, ông chủ trương các tuần báo Tuổi Ngọc (1969-1975) và Người (1970), tuần báo chuyên trào lộng chính trị, cũng như nhà xuất bản Tuổi Ngọc. Từ sau 1971, ông giã từ nghề nhật báo vì nghĩ không thể trở thành ký giả chuyên nghiệp lý tưởng, rồi phận “con sên già lùi bước” khi cạn vốn đã phải biến tuần báo Tuổi Ngọc thành bán nguyệt san. Trước đó ông đã từng bị chế độ kiểm duyệt không cho viết tiếp các phóng sự Tiền Mẽo, Sến Việt trên báo Sống. Ông muốn trở lại làm nhà văn của tuổi thơ và của tình người trong không khí lãng mạn thuần túy của dân tộc như lời giới thiệu trong Nước Mắt Lưng Tròng.

Ông ký Duyên Anh và Duyên Anh Vũ Mộng Long khi viết văn, ký Thương Sinh, Thương Anh, Bếp Nhỏ, Mõ Báo, Vạn Tóc Mai, Thập Nguyên,… khi viết báo và làm chủ báo. Bút hiệu Duyên Anh là tên một bản nhạc của một người bạn cùng lớp, bút hiệu được dùng để nhớ người bạn ở lại miền Bắc sau 1954.

Tác phẩm Duyên Anh trước 1975 gồm các chủ đề : tình yêu quê hương, tuổi thơ, tuổi trẻ và xã hội. Những truyện đầu tay Duyên Anh đã viết trong hoàn cảnh xa quê nhà và nghèo khó, ông đã viết với “niềm xúc động thật tình”. Dù không thành công về số lượng sách bán được (Hoa Thiên Lý in 1500 bán được 400, Thằng Vũ in 2500 ế dài, nhà phát hành không bán vì tên truyện không hấp dẫn). Nhưng vài năm sau, tiểu thuyết của ông được tiêu thụ mạnh: Hoa Thiên Lý được tái bản nhiều lần và nhiều cuốn mỗi lần xuất bản in đến 5, 6 ngàn bản. Có lẽ sự thành công khiến ông viết dễ dãi sa đà “để nói những gì muốn nói” do đó đã thiếu chăm sóc, dài dòng và hay trùng điệp. Trong Cây Leo Hạnh Phúc chẳng hạn, ông đã để “thằng Đốm”, một đứa bé, nói: “Thôi thôi, con nhất định không lấy vợ đâu. Lấy vợ khổ thấy mồ, phải ăn cơm ở nhà hoài hủy. Không lấy vợ đi ăn cơm tiệm đều đều, xem xi nê mỗi ngày…” (tr. 455). Duyên Anh hay đem chuyện và người thật vào tiểu thuyết – như là nơi để ông nói về bạn bè, điểm thơ văn hay hành cử, nói tốt thì thường, nhưng khi nói xấu thì sao không gây thù chuốc oán. Đọc tiểu thuyết của ông, người đọc dễ đoán được diễn biến và cả kết thúc vì thường tác giả theo một khuôn luân lý hoặc mẫu người. Ông đã dễ dãi kỹ thuật, tình tiết đơn sơ dù ông tràn ngập chi tiết và hợp tan cũng dễ dàng.

Trong hơn hai mươi năm văn học miền Nam, Duyên Anh đã là một trong số những hiện tượng văn học. Hiện tượng trước hết vì ông viết nhiều, sau vì ông có hẳn một chủ trương làm văn học và có đường lối văn chương của ông. Viết nhiều và các tác phẩm về sau có khi hay lập lại, có khi trích dẫn thơ văn quá độ. Nếu trong nhiều tiểu thuyết xã hội ông liên tục tấn công cái Ác và đề cao tình người hay cái Thiện thì trong bộ truyện Vẻ Buồn Tỉnh Lỵ, Duyên Anh liên tục làm sống cái xã hội và con người hiền hòa, thơ mộng. Hiện tượng vì sau hết, dù thành công, Duyên Anh vẫn tiếp tục chân thành với người đọc, không huênh hoang, tự cao hay thay đổi lối viết.

Ông cũng đã cố gắng tách rời Thương Sinh nhà báo trong văn chương dù có khi yếu ớt. Duyên Anh đã thành công trung thành với người đọc của ông. Chính cái trung thành hỗ tương này làm nên thành công cho tác giả Thằng Vũ, ông trở thành hiện tượng, đại diện cho một giá trị nào đó, trở thành thân thiết, thành cái không thể thiếu, cái tất yếu, phải đọc; người đọc như đồng hóa với nhân vật và xã hội tiểu thuyết của ông, có khi gần mà như xa vì dù đơn sơ, bình dị, thế giới đó, tỉnh lỵ Trà Lý hay Sài Gòn, nhân vật đó – những thằng Vũ, con Thúy, em tôi, Trần Đại, Châu Kool,… vẫn như xa cách, lý tưởng quá chăng, hài hòa quá chăng – là những cái hiếm có trong xã hội thật. Mộng và thực như đời sống, ở nơi đây nhưng mơ mộng cái lý tưởng và xa xôi. Nếu thế giới thằng Côn con Thúy ở tỉnh lỵ quá đẹp, nên thơ, đáng mộng mơ thì thế giới Trần Đại hay Danh Lựa đánh giày,… quá tàn nhẫn; nhưng ở cả hai xã hội đó, cái ước muốn sống Thiện, sống đời bình thường có cha mẹ gia đình vẫn ở đó, vẫn là cái xương sống, cái lõi của những bầy nhầy khốn nạn trên bề mặt.

Khi viết, Duyên Anh đã biết đối tượng của tác phẩm ông: viết cho những người như ông, mơ và sống một cuộc đời bình thường trong đó người đối xử với người với thành tâm, viết cho những người muốn sống bình thường nhưng vì nhiều hoàn cảnh đã không thể được, đã bị bứng ra khỏi thế giới đó. Duyên Anh đã không thuộc vào loại nhà văn viết cho mình hay viết để mà viết hay viết mà không cần người đọc, loại văn nghệ sĩ không tưởng, làm dáng, viễn mơ xa người đọc. Ông cũng không đề ra những câu hỏi nhân sinh hóc búa, những lý thuyết cho tương lai xa tầm với. Ông giới thiệu với người đọc những mảnh đời đẹp, có thể thần tiên, có thể khốn khổ. Tác phẩm của Duyên Anh cũng là những trả lời những gì người đọc có thể muốn biết, về cuộc đời, về con người.

Khác với các nhà văn Thanh Tâm Tuyền, Mai Thảo, Nguyễn Thị Hoàng,…, Duyên Anh chưa hề diễn thuyết hay lập ngôn về văn chương của ông. Trong một cuộc gặp gỡ với các sinh viên Văn khoa Sài Gòn ngày 6-3-1972 do linh mục Thanh Lãng trưởng ban Việt văn tổ chức, Duyên Anh đã tâm sự : “Không ai thấy trong tiểu thuyết của tôi những tiếng thét hãi hùng, cô đơn, thân phận làm người,… Tiểu thuyết của tôi kết thúc vẫn là tình của con người với con người. Tôi không vô thần nhưng không tin Thượng đế, chỉ tin ở con người. Sự an bình của con người không do Thượng đế mà do con người”.

Trong một phỏng vấn của Nguyễn Nam Anh (tức Nguyễn Xuân Hoàng) trên tạp chí Văn năm 1972, Duyên Anh xác nhận thêm ông “chỉ ca ngợi Tình Người. Tôi không dấn thân, chẳng viễn mơ,… Tôi không thích theo đuổi hẳn một khuynh hướng nào…”. Đó có thể cắt nghĩa việc Duyên Anh không được giới làm văn chương ở miền Nam trước và sau 1975 xem là nhà văn lớn bên cạnh Dương Nghiễm Mậu, Thanh Tâm Tuyền, Mai Thảo, Doãn Quốc Sỹ,… Sách ông xuất bản ít có bài phê bình giới thiệu và hơn 12 năm làm văn học đã chỉ có vài bài phỏng vấn, một số Văn Học đặc biệt về “thế giới tuổi thơ” của ông và một cuốn tiểu luận Duyên Anh, Tuổi Trẻ, Mộng Và Thực (1972) của Huỳnh Phan Anh.

Có thể nói ngoài vài cuốn tiểu thuyết về du đãng và trẻ bụi đời, toàn bộ tác phẩm đã xuất bản trước 1975 của Duyên Anh là chính cuộc đời và con người Duyên Anh. Những kỷ niệm, tình tiết, không gian và nhân vật đã được lập lại ở nhiều tác phẩm. Nói như tác giả, ông “bị ám ảnh bởi dĩ vãng, kỷ niệm và vùng trời quê hương nhỏ bé của (ông)”. Duyên Anh đã nhìn nhận đó là một nhược điểm vì ông “chưa đủ tuổi để đi xa, để thoát ly khỏi kỷ niệm, dĩ vãng và vùng trời thân thuộc của mình”.

Tác phẩm : 50 cuốn trước 1975, liệt kê theo thứ tự năm xuất bản: Hoa Thiên Lý (1963), Thằng Vũ (1965), Luật Hè Phố (1965), Điệu Ru Nước Mắt (1965), Dấu Chân Sỏi Đá (1966), Dũng Đakao (1966), Ảo Vọng Tuổi Trẻ (1967), Vết Thù Hằn Trên Lưng Con Ngựa Hoang (1967), Gấu Rừng (1967), Cỏ Non (1967), Bồn Lừa (1967), Nặng Nợ Giang Hồ (1968), Tuyển Truyện Tuổi Thơ (1968), Ngày Xưa Còn Bé (1968), Mây Mùa Thu (1968), Cầu Mơ (1969), Con Suối Ở Miền Đông (1969), Ánh Mắt Trông Theo (1969), Ánh Lửa Đêm Tù (1969), Trường Cũ (1969), Thằng Côn (1969), Tuyển Truyện Duyên Anh (1970), Mơ Thành Người Quang Trung (1970), Nhà Tôi (1970), Lứa Tuổi Thích Ô Mai (1970), Tuổi Mười Ba (1970), Mặt Trời Nhỏ (1970), Rồi Hết Chiến Tranh (1970), Chương Còm (1970), Đàn Bà (1970), Giặc Ô-Kê (1971), Kẻ Bị Xóa Tên Trong Sổ Bụi Đời (1971), Nước Mắt Lưng Tròng (1971), Châu Kool (sau viết thành truyện phim Trần Thị Diễm Châu, 1971), Áo Tiểu Thư (1971), Hưng Mập Phiêu Lưu (1971), Tên Một Loài Hoa Quê Hương (1971), Ngựa Chứng Trong Sân Trường (1971), Con Thúy (1971), Thằng Khoa (1972), Về Yêu Hoa Cúc (1972), Phượng Vĩ (1972), Thư Tình Trên Cát (1973), Đêm Thánh Vô Cùng (1973), Cám Ơn Em Đã Yêu Anh (1974), Bò Sữa Gặm Cỏ Cháy (1974), Sa Mạc Tuổi Trẻ, Hạ Ơi, Hôn Em, Kỷ Niệm, Cây Leo Hạnh Phúc (1974) và Tháng Giêng Ngon Như Một Cặp Môi Gần (1-1975) là tác phẩm cuối cùng xuất bản trước ngày 30-4-1975.

Trích bài viết của tác giả Nguyễn Vy Khanh

Exit mobile version