Trong thơ ca Việt Nam có rất nhiều mối tình đã trở thành huyền thoại nhưng gây nhiều tranh cãi và tạo nên những cảm xúc trái chiều trong giới thơ văn thì có lẽ phải kể đến mối tình Hàn Mặc Tử – Mộng Cầm.
Bản thân cái tên Hàn Mặc Tử từ xưa vốn đã tạo ra rất nhiều luồng cảm xúc, vừa ngưỡng mộ tài hoa, vừa thương cảm người bạc mệnh, vừa ám ảnh với những đau thương cả về thân xác và tâm hồn của chàng thi nhân trẻ yểu mệnh; lại vừa hoang mang, lạc lối giữa những vần thơ “điên” hư hư thực thực không thể tường tận vì người viết ra chúng từ lâu đã mãi mãi yên giấc nghìn thu, không bao giờ còn có thể tỏ bày được nữa.
Chàng thi sĩ tài hoa, đa tình và nhiều đau thương
Hàn Mặc Tử tên thật là Nguyễn Trọng Trí sinh năm 1912 tại Đồng Hới (Quảng Bình) trong một gia đình có 6 anh chị em. Cha là chủ sự Sở Thương Chánh Nhật Lệ – Đồng Hới, do đó các anh em ông đều được ăn học tử tế từ nhỏ. Năm ông 14 tuổi, cha ông đột ngột qua đời vì bệnh tật. Gánh nặng gia đình đè trên vai người mẹ. Gia đình cầm cự được thêm vài năm nữa thì ông cũng phải bỏ học để phụ giúp gia đình. Năm 1935, những dấu hiệu đầu tiên của bệnh phong bắt đầu xuất hiện trên cơ thể ông. Nhưng đến năm 1937, khi những cơn đau đớn dữ dội bắt đầu xuất hiện, ông mới biết chắc rằng mình mắc bệnh nan y. Gia đình đưa ông chạy chữa và cả trốn tránh khắp nơi vì sự kỳ thị, cũng như không tin tưởng vào y học tây phương. Cho đến tận tháng 9 năm 1940, khi gần như đã tuyệt vọng vì bệnh tật, ông mới được đưa vào trại phong Quy Hoà. Hai tháng sau, Hàn Mặc Tử mất trong cô độc ở trại phong, đến vài ngày sau đó gia đình đưa đồ ăn vào tiếp tế cho ông mới hay tin.
Hàn Mặc Tử được chôn cất dưới chân núi Trứng, với ngôi mộ không có gì đặc biệt so với các bệnh nhân khác: một nấm đất nhỏ như kích cỡ của hàng trăm ngôi mộ khác, xếp theo dãy thứ tự, nằm lặng lẽ trong muôn vàn sự ra đi lặng lẽ của người mắc bệnh phong.
Đến năm 1959, gia đình và bạn bè mới cải táng sang địa điểm mới. Đến năm 1991, ca nhạc sĩ Nhật Trường – Trần Thiện Thanh (tác giả ca khúc nhạc vàng bất hủ mang tên Hàn Mặc Tử) đã về nước và quyên góp tiền để xây dựng khu mộ mới như hiện nay – bao gồm cả đài tưởng niệm trên nền mộ cũ của Hàn. Quần thể mộ gồm một khoảng sân, phía chính giữa là đài tưởng niệm có hình tượng một cây bút, cây thánh giá dựng trên cuốn thơ. Những nét uốn lượn của cuốn sách thơ, bệ tượng đài, hình phù điêu bao quanh khu mộ cũng dễ liên tưởng đến hình tượng vầng trăng khi khuyết lúc đầy, vốn luôn thấp thoáng ẩn hiện trong thơ Hàn.
Chỉ với vỏn vẹn 28 năm sống trên cõi đời, nhưng Hàn Mặc Tử đã kịp để lại một di sản thơ ca đồ sộ, trong đó có nhiều bài thơ, câu thơ được xếp vào hàng tuyệt tác. Ông là một trong những nhà thơ đầu tiên của dòng thơ lãng mạn hiện đại, là người khai sinh ra trường thơ loạn (còn gọi là Thơ điên). Nếu chỉ dùng 4 chữ để tóm gọn cuộc đời của thi nhân Hàn Mặc Tử thì 4 chữ đó ắt hẳn là: tài hoa, đa tình, đau thương và yểu mệnh.
Nói về cái sự đào hoa, đa tình của Hàn Mặc Tử, trong cuộc đời ngắn ngủi của ông, nếu tính riêng quãng đời sau khi trưởng thành thì chỉ khoảng 10 năm, Hàn Mặc Tử đã kịp “gieo tình” cho rất nhiều người con gái. Có người khiến cho ông buồn bã u sầu vì mối tình đơn phương không được đáp trả, như cô gái nhà bên mang tên Hoàng Cúc. Mối tình gắn với bài thơ tình nổi tiếng “Đây thôn Vỹ Dạ”. Có người vì ông mà sầu thương rơi lệ như nữ sĩ Mai Đình. Có người lại chỉ như một làn gió mát thoảng qua, ve vuốt tâm hồn chàng thi sĩ trong những ngày tháng cuối đời đau đớn và u sầu như Ngọc Sương (chị gái của nhà thơ Bích Khê) và Thương Thương.
Lại có người đi qua đời ông một quãng đường đủ dài, đủ sâu đậm, ngỡ như có thể cùng nhau gắn kết hết cuộc đời lại đột ngột rẽ ngang để lại cho ông bao đau thương, sầu hận. Đó chính là mối tình với nàng nữ sĩ Mộng Cầm.
Nữ sĩ Mộng Cầm tên thật là Huỳnh Thị Nghệ, sinh năm 1917 tại Nghệ An, nơi cha bà làm việc, còn quê gốc lại ở Phan Thiết. Do ảnh hưởng dòng máu thơ phú từ người cậu là nhà thơ Bích Khê, vào khoảng năm 1934, Mộng Cầm khi đó là cô gái 17 tuổi có tâm hồn sôi nổi và đầy mơ mộng cũng tập tành làm thơ gửi báo. Trùng hợp, trong khoảng thời gian đó, Hàn Mặc Tử cũng vào Sài Gòn phụ trách văn chương cho tờ “Trong Khuê Phòng”. Tò mò với cái tên Mộng Cầm, Hàn Mặc Tử đã viết thư làm quen. Thư từ qua lại một thời gian, hai người phải lòng nhau từ lúc nào không hay. Những người bạn cùng thời kể lại rằng, cứ mỗi cuối tuần, Hàn Mặc Tử lại bắt tàu về Phan Thiết thăm người tình, hai người đưa nhau đi chơi khắp nơi ở Phan Thiết. Đến tận chiều chủ nhật, Hàn Mặc Tử mới trở lại Sài Gòn. Cuộc tình của hai người kéo dài ròng rã suốt hai năm, được ghi lại trong nhiều bài thơ và thư từ qua lại của cả hai người. Đây có lẽ là những năm tháng tươi đẹp, hạnh phúc nhất đời Hàn Mặc Tử.
Ông Châu Hải Kỳ, một người gần gũi với gia đình Mộng Cầm sau này từng nhận xét về nhan sắc của bà như sau: “Bà khuôn mặt đầy đặn, nước da dù đã trắng trẻo, mịn màng cũng được trang điểm qua loa một làn phấn lợt thêm hồng đôi má bên cặp môi cùng một màu hồng. Nếu không để ý đến cái thân thể cũng như cử chỉ, dáng điệu trang trọng xứng hợp với một nữ trung niên khuê các, mà chỉ nhận diện bằng “khuôn mặt nép bên hoa” thôi, thì mặc dù bà đã bốn mươi có lẻ, trông bà hãy còn đẹp đẽ, duyên dáng như một cô gái vừa quá tuổi trăng tròn”. Sắc vóc như vậy, lại thêm tính tình sôi nổi, tâm hồn thơ ca bay bổng, lãng mạn, chẳng trách sao nhà thơ Hàn Mặc Tử điêu đứng suốt bao nhiêu năm.
Buồn thay, khi tình yêu đang nồng đậm, Hàn Mặc Tử phát hiện mình mắc bệnh nan y. Tong cơn đau tuyệt vọng, thi sĩ cắt đứt liên lạc với tất cả bạn bè trong giới và cả Mộng Cầm. Khoảng 6 tháng sau đó, Mộng Cầm lên xe hoa, mối tình Tử – Cầm tưởng chừng đã thăng hoa, lại yểu mệnh như chính Hàn.
Dù vậy, mối tình đó hoàn toàn không chìm vào lãng quên. Nó dày vò Hàn Mặc Tử suốt những năm tháng bệnh tật nhưng đồng thời cũng làm nên nguồn cảm hứng vô tận cho chàng thi sĩ, đẩy những dòng huyết lệ tràn lên ngòi bút, kết thành những áng thơ lóng lánh đau thương mà tuyệt đẹp trong tập thơ Đau Thương (Thơ Điên) với rất nhiều bài thơ nổi tiếng, mà chỉ cần nhìn thoáng qua cũng thấy bóng dáng Mộng Cầm hằn lên từng lời từng chữ như: Phan Thiết Phan Thiết, Muôn Năm Sầu Thảm, Ung Trăng, Tình Hoa, Những Giọt Lệ, Dấu Tích,…
Mai Đình, bóng hồng đến sau, đem lòng yêu Hàn Mặc Tử ngay cả khi ông đã ngã bệnh, đã không thể phủ nhận bóng dáng Mộng Cầm trong tim Hàn Mặc Tử. Hãy đọc những dòng thơ hờn ghen trong bài thơ “Phân bì Mộng Cầm” của Mai Đình:
Mộng Cầm hỡi! Nàng là tiên rớt xuống
Hay là vì tinh tú giáng trần giang?
Diễm phúc thay sung sướng biết bao vàn
Đầy đủ quá nàng thương chăng kẻ thiếu?
Mối duyên tình đứt đoạn làm nên những vần thơ huyết lệ
Mỗi cuộc tình đi qua “dù hạnh phúc hay dở dang thì cuộc tình ấy cũng là một phần máu thịt” (lời của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn) của những người trong cuộc. Chàng thi sĩ Hàn Mặc Tử trong những cơn đau rách thịt thấu xương vì bệnh tật đã không ngần ngại bóc trần nỗi đau sâu kín trong tâm hồn, rải lên thành những vần thơ máu, vần vò trái tim thương tật của chính mình.
Trong bài Muôn Năm Sầu Thảm, tâm trạng của chàng thi sĩ biến đổi liên tục khi trách móc, giận hờn, khi vật vã nhớ thương. Không chỉ bệnh tật mà nỗi nhớ nhung cũng hút cạn sinh lực của chàng nhạc sĩ trẻ:
Nghệ hỡi Nghệ, muôn năm sầu thảm
Nhớ thương còn một nắm xương thôi
Thân tàn ma dại đi rồi
Rầu rầu nước mắt bời bời ruột gan
Nghe gió là ôm ngang lấy gió
Tưởng chừng như trong đó có hương
Của người mình nhớ mình thương
Nào hay gió tạt chả vương vấn gì
Nhớ lắm lúc như si như tỉnh
Nhớ làm sao bải hoải tay chân
Nhớ hàm răng, nhớ hàm răng
Mà ngày nào đó vẫn khăng khít nhiều
Dẫu đau đớn vì lời phụ rẫy
Nhưng mà ta không lấy làm điều
Trăm năm vẫn một lòng yêu
Và còn yêu nữa rất nhiều em ơi.
Dù trách giận người yêu “phụ rẫy”, chẳng “vương vấn gì” tình mình, nhưng Hàn Mặc Tử vẫn khẳng định “trăm năm vẫn một lòng yêu, và còn yêu nữa rất nhiều em ơi”. Dường như không gì có thể thay thế được hình bóng Mộng Cầm trong tim Hàn Mặc Tử.
Trong bài “Phan Thiết, Phan Thiết”, Hàn Mặc Tử đã nhắc đến nhiều địa danh nơi chứng kiến mối tình với Mộng Cầm. Ông đã ví người yêu giống như một “vì tiên nữ hao hao như nường nguyệt cõi Đào Nguyên”. Còn mình chỉ là con chim “phượng hoàng si dại” vì lỡ si tình mà đã ngày đêm tu luyện để được sánh đôi cùng nàng:
Ta trở nên như ngọc đàng kim mã
Rất hào hoa rất phong vận: Người Thơ
Ta là trai khí huyết ước ao mơ
Người thục nữ sanh giữa thời vô thượng
Rồi ngây dại nhờ thất tinh chỉ hướng
Ta la thang tìm tới chốn Lầu Trăng
Lầu Ông Hoàng, người thiên hạ đồn vang
Nơi đã khóc, đã yêu thương da diết
Sau nhiều năm tu luyện, chàng trai trở thành một thi nhân vô cùng hào hoa phong vận mà nhiều cô gái mơ tưởng. Chàng lang thang về chốn cũ “Lầu ông Hoàng” nơi “Tử – Cầm” đã có nhiều kỷ niệm yêu đương, buồn vui. Nhưng tiếc rằng nàng đã chết từ “muôn trăng thế kỷ”. Thất vọng, đau đớn, chàng hất tung hết tất cả những vần thơ của mình. Phan Thiết, mảnh đất từng là minh chứng cho mối tình, là nơi chốn thăng hoa của tình yêu, nơi dập dìu bao kỷ niệm hoa bướm đã được “chỉ mặt gọi tên”. Tiếng gọi oán hờn bi thiết:
“Ôi trời ơi! Là Phan Thiết, Phan Thiết,
Mà tang thương còn lại mảnh trăng rơi.
Ta đến nơi nường ấy vắng lâu rồi.
Nghĩa là chết từ muôn trăng thế kỷ
Trăng vàng ngọc, trăng ân tình chưa phỉ
Ta nhìn trăng khôn xiết ngậm ngùi trăng…
Bởi đau tình nên hận luôn cả vùng đất vô tri:
Hỡi Phan Thiết! Phan Thiết!
Mi là nơi ta chôn hận nghìn thu
Mi là nơi ta sầu muộn ngất ngư
Trong bài “Những giọt lệ”, sự đau đớn, tuyệt vọng được đẩy lên tới đỉnh điểm. Ám ảnh về cái chết và nỗi cô độc phủ bóng lên tâm hồn thi sĩ:
Trời hỡi, bao giờ tôi chết đi?
Bao giờ tôi hết được yêu vì,
Bao giờ mặt nhật tan thành máu
Và khối lòng tôi cứng tựa si?
Họ đã xa rồi khôn níu lại,
Lòng thương chưa đã, mến chưa bưa…
Người đi, một nửa hồn tôi mất,
Một nửa hồn tôi bỗng dại khờ.
Tôi vẫn còn đây hay ở đâu?
Ai đem tôi bỏ dưới trời sâu?
Sao bông phượng nở trong màu huyết,
Nhỏ xuống lòng tôi những giọt châu?
Trong cơn tuyệt vọng vì mất đi tình yêu, thi sĩ cũng không thiết tha bất cứ điều gì nữa. Hàn Mặc Tử dường như muốn rũ bỏ đi tất cả, rũ bỏ cuộc sống, rũ bỏ cả những người thương yêu mình, rũ bỏ tất cả nhớ nhung, sầu muộn, yêu hận để “khối lòng” mình “cứng tựa si”. Cõi đời này, đời sống này dường như không dành cho chàng nữa, chàng cảm thấy như bị nhốt lại, bị bỏ lại “dưới trời sâu”. Đời sống bỗng chốc trở thành một hầm ngục u tối giam giữ chàng. Nhưng trong hầm ngục tối tăm, đầy huyết lệ đó, chàng vẫn kịp nhìn thấy “bông phượng nở trong màu huyết” và “Nhỏ xuống lòng tôi những giọt châu?”. Trong tiếng kêu gào bi thiết của một người vừa đau đớn về thể xác, vừa vụn vỡ vì tình, vẫn thấy nở ra đâu đó “bông phượng” đỏ thắm của cuộc đời, của tình người.
Chỉ điểm qua vài bài thơ trong tập thơ Đau Thương, tập thơ dày đặc bóng dáng Mộng Cầm, cũng có thể thấy rằng, với Hàn Mặc Tử, mối tình với Mộng Cầm đã trở thành một phần “máu thịt” của chàng thi sĩ. Khối máu thịt đã nát bươm vì “phụ bạc” mà chỉ cần một cơn gió thoảng qua cũng khiến chàng thi sĩ xót đau, cuồng nộ. Cái tên Mộng Cầm dù muốn dù không cũng đã phủ bóng và chi phối một phần di sản thơ ca của chàng thi sĩ Hàn Mặc Tử.
Mộng Cầm – Yêu hay không yêu Hàn Mặc Tử?
Sau khi Hàn Mặc Tử qua đời, mối tình của Hàn Mặc Tử và Mộng Cầm chưa từng được lãng quên, thậm chí còn được nâng lên thành huyền thoại được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong giới phê bình, nghiên cứu thơ ca Hàn Mặc Tử. Nhiều ca khúc được viết nên từ mối tình này như: Hàn Mặc Tử, Mộng Cầm Ca,.. hay bài vọng cổ Tâm sự Mộng Cầm. Con đường lên Gành Ráng (Quy Hoà) nơi có mộ của Hàn Mặc Tử, cũng được gọi tên dốc Mộng Cầm.
Cái tên Mộng Cầm theo đó cũng được tìm kiếm, quan tâm nhiều hơn. Có lẽ vì vậy mà, sau khi Hàn Mặc Tử mất, Mộng Cầm đã chọn một cuộc sống ẩn dật, tránh gặp gỡ báo chí. Cho đến mãi năm 1961, thông qua mối quan hệ thân tình với gia đình Mộng Cầm, nhà báo Châu Mộng Kỳ đã thuyết phục bà để cùng ông thực hiện một cuộc phỏng vấn. Bài phỏng vấn được đăng lên nhưng trái với kỳ vọng của giới yêu thơ, Mộng Cầm không kể bất kỳ chuyện tình nào của bà và Hàn Mặc Tử mà bà phủ nhận hoàn toàn mối tình này. Bà cho biết: “Chúng tôi rất mến nhau. Nhưng đó là mối tình văn thơ. Còn xác thịt thì hoàn toàn không nghĩ tới. Cha mẹ đã cho giao thiệp tự do, chúng tôi phải giữ gìn cho xứng đáng. Vả lại, lúc bấy giờ, tôi tuy đã lớn tuổi, nhưng còn khờ lắm…”.
Chuyện này đã bị nhiều người phản bác trong đó có cả cậu ruột của bà là nhà thơ Bích Khê: “Không yêu mà chiều thứ bảy nào, Tử cũng ra Phan Thiết để cùng Mộng Cầm đi chơi với nhau cho đến chiều chủ nhật hôm sau mới vào Sài Gòn. Hai bên giao tiếp thân mật với nhau ngót hai năm trời mà nếu không yêu nhau thì chỉ có gỗ đá!”.
Ngoài ra, một bức thư của Mộng Cầm gửi Hàn Mặc Tử đã được Trần Thanh Mại công bố từ năm 1942 cũng đã khẳng định mối tình có thật này: “Lệ Thanh [một bút danh của Hàn] anh ơi! Em không thể ra tận ngoài ấy để đưa linh cữu (ông anh cả) về nơi an nghỉ cuối cùng. Vậy anh cho phép em thành tâm cư tang cho ông anh một năm cũng như anh, nghe anh. Ở trên mấy từng mây, vong linh của ông anh cả nếu có linh thiêng, nên nhận người đang cầm bút biên mấy hàng trên đây là người em dâu chắc chắn, nhất định của ông anh rồi. Vậy ông anh nên phù hộ cho chúng em thương nhau cho đến bạc đầu…”.
Phải chăng, do mối tình Hàn Mặc Tử – Mộng Cầm đã được nâng lên thành một huyền thoại, nhưng người đàn bà Mộng Cầm theo lẽ thường chưa bao giờ sẵn sàng trở thành huyền thoại. Bà có lẽ cũng nhi nữ thường tình như bao người phụ nữ khác, cũng có những ước mơ, mưu cầu một hạnh phúc riêng bình dị, an yên. Và chính cái huyền thoại đó đã khiến Mộng Cầm “chối bỏ” Hàn Mặc Tử để bảo vệ hạnh phúc hiện tại của mình. Bởi sau khi rời bỏ Hàn Mặc Tử để sang ngang, bà cũng phải qua đến hai lần đò mới tìm được hạnh phúc cho mình.
Người chồng đầu của bà là một ông giáo tên Nguyễn Thới, nhưng cưới nhau chỉ được vài ba năm, ông qua đời để lại bà một mình gồng gánh gia đình với 3 đứa con dại. May mắn thay, người chồng sau của bà là một người rất tài giỏi, tốt bụng đã cưu mang cả 4 mẹ con, đó là ông Hồ Lộng Địch. Có lẽ vì tình yêu và cả sự biết ơn, trân quý rất lớn đối với người chồng thứ hai này mà bà đã muốn chối bỏ tất cả quá khứ. Mộng Cầm sau cuối vẫn là một người đàn bà bình thường, cố tìm cho mình một cuộc sống bình yên, sau những vội vã, bồng bột của tuổi trẻ. Nếu bà có lỗi sai với Hàn Mặc Tử, hẳn ông cũng đã tha thứ cho bà từ lâu.
Ông Nguyễn Bá Tín, em ruột thi sĩ Hàn Mặc Tử, từng tiết lộ trong cuốn Dang Dở Thi Tập, sau khi rẽ bước sang ngang, Mộng Cầm đã có nhiều lần tới thăm Hàn Mặc Tử ở Quy Nhơn, có lần còn mang theo cả con.
Vậy nên, thôi thì yêu hay không yêu, yêu nhiều hay yêu ít hẳn chỉ có trái tim của Mộng Cầm mới có câu trả lời chính xác. Chỉ biết rằng, khi đã trở thành một bà lão tuổi 80, Mộng Cầm bất ngờ tiết lộ bài thơ “Kỷ niệm Hàn Mặc Tử ở lầu Ông Hoàng” với những lời thơ da diết:
Sương sa trong lúc hoàng hôn
Đường lên dốc đá sáng dần bể xanh
Triều dâng con nước mênh mông
Chuông chùa văng vẳng tiếng lòng xôn xao
Lầu Ông Hoàng đây, anh ở đâu?
Hồn xưa anh mất cảnh gieo sầu
Mây mù phủ kín vòng bình địa
Căm hờn tháp cũ cuộc bể dâu
80 năm đã trôi qua, hai người trong cuộc đã thành người quá vãng tự bao giờ, nhưng những đau thương của mối tình Tử – Cầm dù là hiển hiện hay chôn dấu sâu thẳm trong trái tim mỗi người vẫn luôn khiến người ta xót xa.
Bài: Đông Kha
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn