Từ khoảng năm 1997 trở đi, những khán giả yêu mến chương trình Thúy Nga Paris đều rất thích thú khi thấy xuất hiện trên sân khấu một người nghệ sĩ tóc dài, mặc áo dài khăn đóng, chơi đàn bầu rất điêu luyện…
Click để nghe đàn bầu Đức Thành trong 1 tiết mục trên Paris By Night
Cây đàn đó chỉ có một dây, nhưng với ngón tay tài hoa của người nghệ sĩ đã rung lên những giai điệu du dương lạ thường. Người nghệ sĩ đó chính là Phạm Đức Thành, khi còn ở trong nước từng đoạt giải thưởng về đàn bầu toàn quốc trong kỳ thi các loại đàn cổ truyền Việt Nam năm 1985.
Tiếng đàn bầu của Phạm Đức Thành rất khác biệt, vừa nghệ thuật lại vừa mang tính giải trí, kết hợp nhạc cụ dân tộc với dàn nhạc âm nhạc hiện đại, làm cho khán giả như đắm chìm trong những âm thanh mộc mạc, da diết trên một sân khấu đại nhạc hội.
Click để nghe nghệ sĩ Đức Thành biểu diễn ca khúc 999 Đóa Hồng tại Trung Quốc
Nghệ sĩ Phạm Đức Thành sinh năm 1956 tại thôn Đoan Bình, xã Gia Phú, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Đây là một vùng quanh năm nước lụt đồng chua, nhưng rất thịnh về chèo cổ, chầu văn và lên đồng, vì vậy ông rất say mê âm nhạc dân tộc của vùng Bắc Bộ. Tuy không xuất thân từ gia đình nghệ sĩ, nhưng Đức Thành nói rằng ông đã chịu nhiều ảnh hưởng về nhạc dân tộc khi còn nằm trong bụng mẹ. Trong thời gian này, mẹ ông thường xuyên nghe những đĩa nhạc cổ, đó là loại đĩa đá điược phát từ máy hát đĩa lên dây cót. Ban đầu từ việc chỉ nghe thụ động theo mẹ, dần dần cậu bé Đức Thành thuở nhỏ đã đam mê đến nỗi thuộc nằm lòng nhiều nhạc phẩm dân ca.
Ông đã tập làm quen với trống chèo ngay từ khi mới lên 4. Được gia đình khuyến khích, mới lên 5 ông tiếp tục làm quen với đàn Mandolin, sau đó là đàn Bầu, rồi đàn Nhị…
Cuối cùng chọn cho mình chiếc đàn Bầu để gắn liền với sự nghiệp, ông chia sẻ lý do với nhà báo Trường Kỳ như sau:
“Tôi sinh ra ở một vùng quê, ở miền Bắc Việt nam nên xung quanh là những cánh đồng lúa và những cái điệu hát chèo cổ. Chính những cái yếu tố đó đã làm cho tôi giống như mình sống trong một cái dòng nước về dân tộc.
Vì vậy khi mà trưởng thành thì tôi thấy là nhạc dân tộc rất là gần gũi, không thể thiếu được với người dân quê ở Việt Nam. Thế là tôi đã theo nhạc dân tộc ngay từ lúc nhỏ….”
Click vào hình để thưởng thức tiếng đàn bầu Đức Thành
Sau khi học xong phổ thông, khi mới 18 tuổi, nghệ sĩ Đức Thành xin phép gia đình để lên thành phố lập nghiệp. Từ đó cuộc đời hoạt động về nghệ thuật của nghệ sĩ Đức Thành bắt đầu từ khi đến với Nhà Hát Chèo Hà Nội vào năm 1974. Sau 4 năm vừa học vừa trình diễn đàn bầu và một số nhạc cụ cổ truyền khác, ông tốt nghiệp hạng ưu của chương trình trung cấp âm nhạc. Từ đó Đức Thành bắt đầu nghiên cứu nhiều về nhạc tây phương, ngoài ra ông còn tìm cách khai thác khả năng của cây đàn bầu đã gắn bó với mình đã một thời gian dài.
Khi sử dụng đàn bầu vào các loại nhạc của từng miền, nghệ sĩ Đức Thành đã dày công nghiên cứu để tạo cho mình được một nghệ thuật thẩm âm chính xác, đồng thời ông cũng tìm hiểu sâu xa về từng loại nhạc, nắm vững luật về cao độ và trường độ.
Ngoài khả năng chính là diễn tả âm thanh bằng nhạc, Đức Thành cho biết đàn bầu còn có nhiều khả năng diễn đạt âm thanh độc đáo khác khi được sử dụng trong cải lương. Để diễn tả tâm trạng buồn sầu, ai oán, có lẽ là không một nhạc cụ cổ truyền nào có khả năng diễn tả hoàn hảo như cây đàn bầu. Đây vốn là một cây đàn có gốc từ miền Bắc, trước kia chưa được khai thác trong cải lương, nhưng hiện nay âm thanh của đàn bầu đã trở thành quen thuộc với những người yếu thích vọng cổ… Một điểm thú vị khác là cây đàn một dây này còn có khả năng bắt chước giống như tiếng người.
Dù những âm thanh phát ra từ cây đàn bầu có phầm não nùng và ai oán, nhưng với nghệ thuật sử dụng khéo léo của đôi bàn tay cùng với cái hồn âm nhạc của một người chuyên về nghiên cứu nhạc cổ truyền, Đức Thành đã biến những âm thanh sầu thảm đó thành những tiết điệu rộn rã và tươi vui như trong nhạc phẩm mang âm điệu viễn tây Hoa Kỳ “Riders In The Sky”, đã từng được ông thu thanh trong một CD cũng như trình tấu trên sân khấu làm cho khán giả rất thích thú.
Ngoài đàn bầu, Đức Thành còn sử dụng được nhiều loại nhạc cụ dân tộc kác như đàn nguyệt , đàn nhị, đàn tranh, và loại đàn rất ít người biết là đàn đáy.
Với thời gian nghiên cứu khá lâu và sâu sắc về âm nhạc, nghệ sĩ Đức Thành biết rằng việc trình diễn nhạc cổ truyền làm sao để có thể đi sâu vào lòng khán giả của từng miền không phải là việc dễ dàng. Vấn đề là làm sao có thể phát ra tiếng đàn đặc người miền Trung, làm sao cho ra đặc người miền Nam. Đó mới là chuyện khó. Không phải từ note nhạc Tây Phương mà từ cái thần thái của mình phát ra ngón đàn.
Theo người nghệ sĩ lão luyện về âm nhạc dân tộc này, tiếng đàn cũng như ngôn ngữ. Người sử dụng nó phải biết một số đặc điểm. Thí dụ sau khi nghiên cứu về dân ca Huế, ông đã có nhận xét là ”Dân ca Huế rất quan trọng về những cái dấu vỗ, về dấu rung hay sự đảo phách”. Từ đó Đức Thành đưa ra sự so sánh khi trình tấu một nhạc phẩm Tây Phương và một tác phẩm dân nhạc cổ truyền:
“Khi đàn nhạc Tây Phương thì phải biết thật chính xác note nhạc, đấy là điều quan trọng nhất. Không được đàn sai. Bởi vì những phím đàn piano được chia rất nhỏ thành 12 bán cung đều. Nếu đàn chệch ra note đó là sai hết tất cả hoà âm. Nhưng khi đàn cổ nhạc dân ca thì mình phải biết cái độ cao của note nhạc đó so với Tây Phương ra làm sao mà người ta không gọi là note nhạc mà mình phải biết ”chữ nhạc”. “Chữ nhạc” là gì? Là phải biết phải rung cái gì, không được rung cái gì, được vỗ cái gì… Nếu chúng ta học nhạc dân tộc mà không biết “chữ nhạc” có nghĩa là không biết cái rung thì không khác nào ông Tây hát vọng cổ, rất là khó nghe, mà đàn rất là khô cứng”.
Ông đưa ra thêm một thí dụ khác: ”Cũng như những người nghệ sĩ cổ nhạc mà đi đàn nhạc Tây mà không thoát ra được. Nghĩa là cứ dính cái hơi cổ nhạc hoài. Mình không có biết cái luật của phương Tây là phải đúng note, đúng cái note nhạc đó thì mới đúng với hoà âm. Nhiều khi trong những màn tân cổ giao duyên, có những nghệ sĩ không nghiên cứu thì hát rất là buồn cười. Cứ bị lai, bị dính hoài cái chất cổ nhạc”.
Click để nghe CD Đàn Bầu của Đức Thành
Trong thời gian còn ở Việt Nam, vào năm 1978, nghệ sĩ Đức Thành cũng đã được trao bằng danh dự của giải Đại Nhạc Hội Đàn Bầu Toàn Quốc lần đầu tiên tổ chức tại Hà Nội. Đây là giải thi đua về đàn bầu quy tụ tất cả những người biết sử dụng cây đàn độc huyền, không phân biệt tuổi tác, thành phần, địa phương.
Cũng trong năm 1978, ông được đề cử làm đại diện cho sân khấu Chèo, được giải nhất về đàn bầu. Sau đó được nhận vào Nhạc Viện ở Sài Gòn để chuyên nghiên cứu âm nhạc, đặc biệt về dân nhạc Việt Nam dưới sự hướng dẫn của giáo sư Trần Văn Khê. Năm 1983 ông tốt nghiệp Thủ Khoa toàn quốc về nghiên cứu và sử dụng đàn bầu.
Đến năm 1985, một lần nữa Đức Thành được nhận thêm một vinh dự khi đoạt giải nhất đàn bầu toàn quốc ở phía Nam trong cuộc thi các loại nhạc khí cổ truyền gồm đàn Kìm, đàn Cò và đàn Bầu.
Từ năm 1980, Đức Thành quy tụ một số nhạc sĩ để thành lập một ban nhạc cổ truyền cộng tác với khách sạn Rex trong cho đến cuối năm 1990 trước khi sang Tây Đức. Trong thời gian này ông sử dụng đàn bầu để biểu diễn những bài dân ca Việt Nam, nhạc cổ Việt Nam và dân ca của thế giới cho đối tượng chính là khán thính giả ngoại quốc. Ngoài ra ông còn cộng tác với nhà hàng trên khách sạn nổi của Úc tại bến Bạch Đằng. Với mục đích đi tìm một giọng hát thích hợp với dân ca để cùng trình diễn với ban nhạc, Đức Thành đã để ý đến tiếng hát Nguyệt Lan qua những chương trình truyền hình và đài phát thanh để sau đó mời cô vào hợp tác. Và sau khi diễn chung ở Đà Lạt, họ nảy sinh tình cảm và làm đám cưới vào năm 1987.
Đức Thành và Nguyệt Lan trở một đôi nghệ sĩ nổi tiếng, họ cùng nhau sang Đức năm 1990, rồi sau đó là Canada năm 1996. Tuy nhiên sau đó cuộc hôn nhân của họ tan vỡ, nghệ sĩ Đức Thành tái hôn với người vợ mới là ca sĩ Nguyễn Phương Linh.
Nghệ sĩ Đức Thành từng được đài truyền hình ART của Canada bình chọn là nghệ sĩ có đóng góp lớn trong việc truyền bá, gìn giữ và phát triển âm nhạc truyền thống của Việt Nam. Để đạt được danh hiệu này, theo Đức Thành thì có 3 yếu tố cần phải có, đó là người nghệ sĩ không được làm nghề nào khác, đồng thời phải đào tạo được những học trò chuyên nghiệp, và phải có sự ảnh hưởng để lan tỏa được niềm đam mê âm nhạc cổ truyền đến với quần chúng.
Ngoài ra Đức Thành cũng từng biểu diễn cùng nghệ sĩ đàn tỳ bà nổi tiếng Trung Quốc – Liu Fang, tham gia biểu diễn cùng cố giáo sư Trần Văn Khê ở nhiều festival âm nhạc dân tộc quốc tế.
Hiện nay, hình ảnh nghệ sĩ Đức Thành ngồi trước cây đàn bầu trong mỗi tiết mục của chương trình Paris By Night vẫn là hình ảnh rất quen thuộc với khán giả khắp nơi trên thế giới.
Vào năm 2018, nghệ sĩ Đức Thành có về Việt Nam thực hiện liveshow lần đầu tiên sau gần 30 năm xa quê hương.
nhacxua.vn tổng hợp