Cuộc đời và sự nghiệp của Hùng Cường – Nghệ sĩ đa tài nhất của làng nghệ thuật miền Nam

Trong làng nghệ thuật Sài Gòn trước và sau năm 1975, hiếm có người nghệ sĩ nào đa tài và gặt hái được thành công như Hùng Cường, trên hầu khắp các lĩnh vực nghệ thuật, từ tân nhạc với vai trò ca sĩ lẫn nhạc sĩ, đến cải lương, điện ảnh, kịch nghệ. Cả cuộc đời Hùng Cường, từ khi mới chỉ là một cậu học trò tiểu học cho tới tận khi về già đều gắn bó với sân khấu, sàn diễn, máy quay,… Có thể nói ông là một nghệ sĩ thực thụ sinh ra để làm nghệ thuật với sự khổ luyện rất lớn để đạt đến được những thành công ít người sánh bằng.

Nếu bạn là người yêu thích nhạc xưa, hãy theo dõi kênh YouTube này để nghe đọc các bài cảm nhận về âm nhạc (phân tích ý nghĩa, hoàn cảnh sáng tác, tiểu sử ca nhạc sĩ): LINK YOUTUBE  < Click

Khởi đầu thành công với tân nhạc

Thập niên 1920-1930, cha Hùng Cường là một thợ máy tàu viễn dương, thường xuyên tham gia các chuyến hải trình từ Nam ra Bắc. Một trong những bến cảng mà ông thường ghé đến là Hải Phòng. Chính tại nơi này, chàng thủy thủ tàu viễn dương đã phải lòng một cô tiểu thư đất cảng, từng là nữ sinh trường Bonnal Hải Phòng (nay là trường THPT Ngô Quyền), là trường trung học đầu tiên của Hải Phòng và cũng là một trong số những trường trung học đầu tiên của Việt Nam do người Pháp thành lập. Hai người kết hôn với nhau vào năm 1935 tại Hải Phòng và có cậu con trai đầu lòng là Hùng Cường (tên thật là Trần Kim Cường) vào năm 1936.

Năm 1937, Hùng Cường và mẹ được cha đón vào Bến Tre để ra mắt họ hàng nhà nội. Khi Hùng Cường được 4 tuổi thì cả gia đình lại tiếp tục chuyển về Sài Gòn, sinh sống trong một con hẻm nhỏ khu Nguyễn Cư Trinh – Phát Diệm (nay là đường Trần Đình Xu, Q.1).

Hùng Cường đã bộc lộ tài năng nghệ thuật khá sớm, ngay từ khi mới là cậu học trò tiểu học của trường Trần Hưng Đạo, ông đã nhiều lần tham gia biểu diễn văn nghệ. Lên trung học, ông đã có thể tự sáng tác và biểu diễn chính những ca khúc của mình tại các hội diễn văn nghệ dành cho học sinh.

Năm 1953, khi mới 17 tuổi, Hùng Cường được giải khôi nguyên cuộc thi tuyển lựa ca sĩ đài Pháp Á với ca khúc Ông Lái Đò. Năm 1954, ngay sau khi tốt nghiệp tú tài, ông chính thức bước chân vào con đường biểu diễn chuyên nghiệp. Chỉ một thời gian ngắn sau đó, Hùng Cường đã là một giọng ca tên tuổi, gắn liền với nhiều nhạc phẩm tiền chiến như: Sơn Nữ Ca, Ông Lái Đò, Vọng Ngày Xanh,… với chất giọng tenor khoẻ khoắn và nam tính. Những ca khúc Hùng Cường thể hiện đều được thu thanh lại và bán ra với doanh số cao kỷ lục tại Sài Gòn khi đó. Thời điểm này, Hùng Cường thường được mời hát tại nhiều vũ trường như Kim Sơn, Baccara,…


Click để nghe Hùng Cường hát Ông Lái Đò

Kỳ tài trong làng cải lương

Năm 1959, dù mới chỉ ngoài 20 tuổi nhưng Hùng Cường đã đạt được nhiều thành công trên con đường ca hát trong lĩnh vực tân nhạc, và cũng từ thời điểm đó ông đã bất ngờ bước lên sân khấu cổ nhạc và gặt hái được những thành công còn lớn hơn nữa.

Có thể nói ngoài tài năng, đam mê, sự may mắn, Hùng Cường còn sở hữu một nguồn năng lượng nghệ thuật rất lớn, bởi vì đang thành công với tân nhạc nhưng lại rẽ ngang sang cổ nhạc là một bước đi khá táo bạo và không bao giờ là dễ dàng. Nhiều người đã biết rằng sân khấu cải lương – cổ  nhạc không phải là một cuộc chơi của những tay ngang, những nghệ sĩ cải lương khi bắt đầu sự nghiệp thường phải mất ít nhất 2-3 năm làm “giàn bao”, tức là những vai diễn không có thoại, xuất hiện chớp nhoáng hoặc làm nền cho các vai diễn, sau đó mới được đôn lên thử thách với các vai phụ. Rồi nếu tài năng thực sự nổi trội thì mới được tin tưởng giao vai chính sau một thời gian dài khổ luyện nữa. Vì vậy, thông thường mỗi đoàn hát cải lương chỉ có một vài đào kép chính chủ lực. Tài năng của đào kép chính là bảo chứng cho thành công của một đoàn hát.

Tuy nhiên, Hùng Cường là một trường hợp ngoại lệ chưa từng có. Ông bước vào cải lương, đi thẳng lên sân khấu và đảm nhiệm vai kép chính ngay trong vở cải lương đầu tiên ông tham gia, đó là vai Roméo trong vở Mộng Đẹp Đêm Trăng của đoàn cải lương Ngọc Kiều. Việc đưa một gương mặt mới toanh lên thẳng vai kép chính được ví như màn đánh cược mạo hiểm của đoàn Ngọc Kiều, bởi đồng nghĩa với việc đưa Hùng Cường vào vai kép chính thì những nghệ sĩ gạo cội khác của đoàn như Ngọc Đáng, Ngọc Giàu, Thanh Kỳ, Thanh Sang, Kim Nguyên, Hoàng Kinh,… sẽ phải chấp nhận các vai kép phụ và “giàn bao” cho tân binh. Tuy nhiên, Hùng Cường đã không phụ sự tin tưởng của cả đoàn, vở diễn đã bất ngờ thành công ngoài mong đợi.

Ngay sau thành công ngay trong vở diễn đầu tiên, Hùng Cường tiếp tục được đoàn Ngọc Kiều mời ký hợp đồng vào vai kép chính cho vở Tuyết Phủ Chiều Đông của soạn giả Bạch Yến Lan. Sau một tháng miệt màu tập luyện ngày đêm, vở cải lương được công diễn lần đầu tiên tại rạp Viễn Trường (Mỹ Tho, Tiền Giang). Vở diễn được ví như một sự kiện chấn động “thánh địa cải lương” Mỹ Tho, khách ùn ùn kéo đến chật cứng trong ngoài rạp hát.

Sự thành công của vở kịch thứ hai không chỉ đưa Hùng Cường bước vào hàng sao trong làng cải lương, mà còn giúp đoàn Ngọc Kiều bước đầu vực dậy sau khoảng thời gian khó khăn, khủng khoảng cả về tài chính lẫn danh tiếng. Sau vở này, Hùng Cường còn tham gia vở Màu Tím Đèn Hoa Giấy cùng đoàn Ngọc Kiều, ra mắt tại rạp hát Nguyễn Văn Hảo năm 1960 và đi lưu diễn qua nhiều tỉnh miền Tây. Sau đoàn Ngọc Kiều, có thời gian Hùng Cường đầu quân cho đoàn Kim Chung và có nhiều vai diễn thành công với đoàn.

Năm 1966, Hùng Cường chuyển về đoàn Dạ Lý Hương của ông Bầu Xuân, đóng cặp với nghệ sĩ Bạch Tuyết, tạo thành cặp đôi sáng giá bậc nhất trên sân khấu cải lương miền Nam. Đây cũng là thời kỳ đỉnh cao trong sự nghiệp cải lương của Hùng Cường, báo chí Sài Gòn đã đặt danh hiệu cho Hùng Cường – Bạch Tuyết là “cặp đôi sóng thần” vì đã tạo ra những cơn sốt vé khủng khiếp trong những lần họ diễn chung.

Đầu năm 1971, Hùng Cường và Bạch Tuyết cùng hợp tác lập đoàn cải lương Hùng Cường – Bạch Tuyết, ra mắt một số vở cải lương khá thành công như: Trăng Thề Vườn Thúy, Má Hồng Phận Bạc, Cung Thương Sầu Nguyệt Hạ,… Tuy nhiên, vì nhiều lý do, đoàn chỉ hoạt động được khoảng một năm thì tan rã.

Lý giải cho sự thành công nhanh chóng và tột bậc của Hùng Cường trong lĩnh vực cải lương, nhiều ý kiến cho rằng có 3 nguyên nhân chính:

Thứ nhất, dù hát tân nhạc nhưng Hùng Cường lại rất yêu thích cải lương. Trước khi quyết định rẽ sang cải lương, Hùng Cường đã có thời gian dài say mê nghiên cứu nghệ thuật cải lương, xem nhiều vở cải lương để học hỏi lối diễn, lối hát của các nghệ sĩ. Có thể nói, dù chỉ là một tay ngang, nhưng Hùng Cường đã có sự chuẩn bị khá kỹ càng về nền móng khi bước lên sân khấu cải lương.

Thứ hai, bước vào cải lương khi đã gặt hái được thành công trong tân nhạc là một lợi thế rất lớn của Hùng Cường. Bởi ngoài chất giọng khoẻ khoắn, nam tính, Hùng Cường cũng đã có sẵn nền tảng nhạc lý, thanh nhạc, có kinh nghiệm trình diễn và sự dạn dĩ trên sân khấu nhiều năm. Chẳng cần quảng cáo, mời chào, chỉ riêng việc cái tên Hùng Cường, một ca sĩ tân nhạc nổi danh bỗng nhiên xuất hiện trên sân khấu cải lương đã là một tin gây tò mò háo hức cho người hâm hộ và đổ xô đi xem thần tượng. Ngoài ra, Hùng Cường còn khéo léo phối hợp với các soạn giả lồng ghép nhiều đoạn hát tân nhạc vào kịch bản của các vở cải lương, để ông có thể phô diễn tài năng ca hát sở trường, đồng thời tạo điểm nhấn mới mẻ cho tên tuổi và các vai diễn của riêng mình.

Thứ ba, Hùng Cường có một gương mặt được đánh giá là “sáng sân khấu”, thân hình vạm vỡ, khoẻ mạnh, cùng lối diễn xuất rất tự nhiên, dạn dĩ, chừng mực và hợp lý. Làm được như vậy là vì mỗi khi nhận kịch bản, Hùng Cường đều nghiêm túc tập luyện và chăm chỉ học hỏi. Khi tập cho vở “Tuyết Phủ Chiều Đông”, Hùng Cường mời một nhạc sĩ cổ nhạc tới nhà để kèm riêng cho mình, đồng thời nhờ các nghệ sĩ gạo cội của đoàn hướng dẫn và dìu dắt thêm.

Kích động nhạc của Hùng Cường – Mai Lệ Huyền

Dù đổ nhiều tâm sức và thành công rực rỡ trên sân khấu cải lương, Hùng Cường vẫn duy trì được vị trí và tên tuổi của mình trên sân khấu tân nhạc. Sau bước đầu thành công với những nhạc phẩm tiền chiến, Hùng Cường chuyển hướng sang thử sức ở dòng nhạc kích động.


Click để nghe nhạc Hùng Cường – Mai Lệ Huyền trước năm 1975

Cuối thập niên 1960 – đầu 1970, trào lưu âm nhạc sôi động, tươi trẻ, thời thượng này phủ sóng hầu hết các vũ trường ở Sài Gòn và cả miền Nam. Nó đòi hỏi người ca sĩ không chỉ có giọng ca mà còn phải biết nhảy nhót, khuấy động trên sân khấu để tạo “lửa” cho ca khúc. Và Hùng Cường chỉ thực sự thành công, đạt đến đỉnh cao trong dòng nhạc này khi kết hợp cùng nữ ca sĩ giàu năng lượng Mai Lệ Huyền từ năm 1969.

Giai đoạn từ 1969 – 1975, Hùng Cường và Mai Lệ Huyền là đôi song ca ăn khách nhất của làng nhạc Sài Gòn, với phong cách trình diễn máu lửa, sôi động, thu hút được đông đảo người hâm mộ, đặc biệt là những quân nhân. Để đáp ứng cho nhu cầu thưởng ngoạn của công chúng, các nhạc sĩ như Trần Trịnh, Nhật Ngân, Hoàng Thi Thơ, Y Vân, Y Vũ, Viễn Chinh… đã viết riêng cặp đôi nhiều ca khúc sôi động để trình diễn.

Tứ trụ nhạc vàng

Trước năm 1975, giọng hát Hùng Cường được công chúng yêu mến xưng tụng là 1 trong “tứ trụ nhạc vàng” cùng với Chế Linh, Nhật Trường và Duy Khánh. Đây là 4 nam danh ca (kiêm nhạc sĩ sáng tác) nổi tiếng nhất của dòng nhạc vàng thập niên 1960 – 1970.

So với 3 danh ca còn lại, Hùng Cường hát nhạc vàng khá ít nhưng những ca khúc ông từng thể hiện đều rất xuất sắc, khó ai có thể thay thế, có thể kể đến như: Tình Ca Hàng Hàng Lớp LớpVề Thăm Xứ Lạnh, Vó Ngựa Trên Đồi Cỏ Non, Chiều Hoang Vắng, Đêm Trao Kỷ Niệm, Gót Phiêu Du, Lời Cuối Cho Em, Tình Đời,… Trong số này có hai ca khúc do Hùng Cường tự sáng tác là Đêm Trao Kỷ Niệm và Về Thăm Xứ Lạnh. 

Nếu luận thêm về việc đóng góp những sáng tác cho nhạc vàng, Hùng Cường khiêm tốn hơn rất nhiều so với 3 “cây đại thụ” kia, nhưng nếu nói về sự đa năng, đa tài trong nghệ thuật, thì Hùng Cường nổi trội hơn hẳn.

Tài tử điện ảnh nổi tiếng

Sau khi chinh phục thành công sân khấu cải lương, Hùng Cường quyết định lấn sân sang điện ảnh. Tuy nhiên, con đường này không trơn tru như đường vào cải lương. Khi công ty phim truyện Liên Ảnh bắt tay vào thực hiện bộ phim Chân Trời Tím, Hùng Cường được chọn vào vai nam chính, đóng cặp với nữ diễn viên Kim Vui. Tuy nhiên, theo báo chí thời đó, trước khi mời Kim Vui, hãng phim đã liên hệ với Thẩm Thuý Hằng nhưng cô từ chối. Có lẽ cô “ngại” đóng cặp với Hùng Cường vì thời gian đầu mới đóng phim, Hùng Cường thường bị chê sến và “cải lương”. Tuy nhiên, điều không ngờ đến là sau khi cuốn phim này được ra mắt đã không chỉ thành công về doanh thu mà còn được trao Giải Văn Học Nghệ Thuật Sài Gòn năm 1971. Đây cũng là bộ phim Việt đầu tiên được gửi đi trình chiếu tại Đại hội điện ảnh được tổ chức ở Dinard, Anh Quốc.

Hùng Cường và Kim Vui trong phim Chân Trời Tím

Sau Chân Trời Tím, cuốn phim tiếp theo gây được dấu ấn lớn nhất của Hùng Cường trong lĩnh vực điện ảnh là phim Nắng Chiều, ông đóng cùng vai nữ chính là “nữ hoàng sân khấu” Thanh Nga.

Hùng Cường và Thanh Nga trong phim Nắng Chiều

Thời gian sau đó, Hùng Cường còn nhận được nhiều lời mời cộng tác từ các hãng phim, trở thành một trong những tên tuổi bảo chứng cho thành công về mặt doanh thu cho các cuốn phim: Mãnh Lực Đồng Tiền, Còn Gì Cho Nhau, Vết Thù Trên Lưng Ngựa Hoang…

Cùng với Lý Huỳnh, Hùng Cường là một trong hai tài tử điện ảnh giỏi võ nhất của làng điện ảnh Sài Gòn bấy giờ. Bởi ngoài nghệ thuật, Hùng Cường còn có niềm đam mê rất lớn với võ thuật. Từ thời học sinh Hùng Cường đã tập đánh quyền Anh. Sau này, trong một lần đi diễn ở Quy Nhơn, ông thọ giáo thêm võ Bình Định với một thầy dạy võ khá nổi tiếng ở đó và còn rước thầy về nhà ở Sài Gòn suốt cả năm trời chỉ để dạy võ cho riêng mình. Sau một năm miệt mài tập luyện, Hùng Cường đã thăng đến hạng đai đen. Chính nhờ lợi thế này mà khi quay phim, Hùng Cường có thể tự mình thực hiện các cảnh quay mạo hiểm, biểu diễn các màn võ thuật, đánh nhau đẹp mắt và được các đạo diễn tin tưởng lựa chọn cho các vai hành động.

Cũng trong thập niên 1960, Hùng Cùng cũng là một trong những nghệ sĩ kịch đầu tiên của Sài Gòn, nổi tiếng bên cạnh các nghệ sĩ kịch tên tuổi khác là Kim Cương, La Thoại Tân, Thẩm Thuý Hằng…

Như vậy, ở tất cả các lĩnh vực của nghệ thuật ở miền Nam, Hùng Cường tham gia đầy đủ, và điều kỳ lạ và hy hữu là ở bất kỳ lĩnh vực nào có tham gia, Hùng Cường đều ngự trị trên đỉnh cao: tân nhạc, cổ nhạc, kích động nhạc vàng, điện ảnh, kịch nghệ với đủ các vai trò là ca sĩ, nhạc sĩ, kịch sĩ, nghệ sĩ cải lương, tài tử điện ảnh.

Nghệ sĩ đào hoa nhất Sài Gòn

Không chỉ là một nghệ sĩ tài năng, nổi tiếng bậc nhất Sài Gòn, Hùng Cường còn được mệnh danh là nghệ sĩ đào hoa bậc nhất. Nữ ca sĩ Mai Lệ Huyền, người bạn diễn thân thiết một thời của Hùng Cường từng thừa nhận về độ đào hoa của Hùng Cường rằng:

Tôi có thể nói là anh ấy chẳng thể có dư thì giờ để yêu tôi vì chung quanh anh ấy có quá nhiều người đẹp ái mộ.”.

Nghệ sĩ cải lương Bạch Tuyết, người tình sân khấu của Hùng Cường suốt nhiều năm từng kể rằng, không chỉ yêu nhau trên sân khấu mà ngoài đời họ cũng từng có thời gian phải lòng nhau. Tuy nhiên, khi Hùng Cường thổ lộ tình cảm, Bạch Tuyết đã tỉnh táo trả lời rằng: 

“Chúng mình khao khát nhau, khán giả sẽ say mê. Mình lấy nhau rồi khán giả sẽ mất giấc mơ. Anh có muốn đổi không?… Da em đen, miệng em rộng. Em đã có chồng. Còn anh, xung quanh có biết bao cô 16 tuổi tươi trong. Vậy mình đừng thương nhau 3 tháng, tạo xì căng đan rối mù rồi bỏ nhau…”.

Dường như các cuộc tình của Hùng Cường sau khi nổi tiếng, phần nhiều là bay bướm, gió trăng. Riêng mối tình với người vợ đầu tiên là bắt đầu từ trước khi Hùng Cường nổi tiếng, lại rất trong sáng và lãng mạn, là nguồn cảm hứng cho ông sáng tác nhiều ca khúc để đời như Về Thăm Xứ Lạnh, Trăng Cam Ly,… Hai người kết hôn vào năm 1956, khi Hùng Cường đã có chút tên tuổi và có với nhau 5 người con. Tuy nhiên, do không thể chịu nổi tính trăng hoa của chồng, vợ Hùng Cường quyết định đưa đơn ly dị vào năm 1972.

Người vợ đầu của nghệ sĩ Hùng Cường

Bước ngoặt 1975

Sau năm 1975, cũng giống như những nam danh ca nhạc vàng khác trong tứ trụ là Chế Linh, Duy Khánh và Nhật Trường, Hùng Cường còn ở lại trong nước. Thời gian này ông có hát 1 vài ca khúc nhạc đỏ như Tự Nguyện, Mỗi Bước Ta Đi...


Click để nghe Hùng Cường hát nhạc đỏ sau 1975

Đến năm 1980, Hùng Cường mới sang được Hoa Kỳ, cư ngụ tại Cali và tiếp tục sinh hoạt văn nghệ, tái hợp cùng Mai Lệ Huyền để lưu diễn khắp các châu lục và phát hành một số CD tại hải ngoại.

Ông qua đời ngày 1 tháng 5 năm 1996 tại bệnh viện Fountain Valley, Quận Cam, California, hưởng thọ 60 tuổi. Như là một định mệnh, khi ông đã từng trình bày rất thành công ca khúc 60 Năm Cuộc Đời của nhạc sĩ Y Vân, và ông qua đời cũng vừa tròn 60 tuổi tính theo Tây lịch.

nhacxua.vn biên soạn

Exit mobile version