Ca sĩ Thanh Thúy là một trong những nữ ca sĩ có ảnh hưởng lớn nhất đến nền Tân nhạc Việt Nam trước năm 1975. Cùng với Trúc Mai, Minh Hiếu, Phương Dung, thì Thanh Thúy được xem là thế hệ ca sĩ đầu tiên của dòng nhạc vàng Miền Nam được hình thành từ thập niên 1960.
Thanh Thúy đi hát từ rất sớm, khi mới 15-16 tuổi, và thời gian ban đầu của sự nghiệp (thập niên 1950) cô thường hát những bài ca tiền chiến. Sang thập niên 1960, tên tuổi của cô đã gắn liền với nhạc sĩ Trúc Phương như là một định mệnh. Ngoài ra Thanh Thúy cũng trình bày rất thành công nhạc của nhiều tác giả nhạc vàng nổi tiếng khác.
Không chỉ có sự nghiệp âm nhạc chói sáng, Thanh Thúy còn là một giai nhân nức tiếng, là người trong mộng của cả một thế hệ, được các nhạc sĩ, nhà thơ, nhà văn, đạo diễn truyền hình nổi tiếng… ca ngợi hết lòng với rất nhiều mỹ danh, trong đó nổi tiếng nhất là Tiếng hát liêu trai, Tiếng hát khói sương, và Tiếng hát lúc 0 giờ.
Ca sĩ Thanh Thúy có thể được coi như là một trong những nữ ca sĩ gây được nhiều tiếng vang nhất trong làng âm nhạc Miền Nam trước năm 1975. Tiếng hát Thanh Thúy phủ sóng trên tất cả các phương tiện và lĩnh vực. Cô xuất hiện thường xuyên trên đài phát thanh, sau đó là đài truyền hình, hát trong nhiều đại nhạc hội, hợp tác với hầu hết các hãng băng dĩa lớn nhất Sài Gòn, hàng đêm cô hát ở các phòng trà và cộng tác gần như với tất cả các phòng trà, vũ trường lớn.
Danh ca Thanh Thúy sinh ngày 2 tháng 12 năm 1943 tại Thừa Thiên – Huế, trong gia đình có 5 chị em, nhưng chỉ có mình cô là ca sĩ, ngoài ra còn có người em tên Thanh Châu thỉnh thoảng cũng đi hát.
Cha của Thanh Thúy người gốc Bắc, vào Huế và lập gia đình với một phụ nữ Huế. Như vậy ở Thanh Thúy hội tụ đủ tinh hoa của cả 3 miền, khi cô chuyển vào và thành danh ở miền Nam.
Gia đình Thanh Thúy chuyển vào Sài Gòn khi cô còn nhỏ. Năm cô 15 tuổi, mẹ cô bị lao lực vì làm việc quá sức trong thời gian dài, nên Thanh Thúy đã đi hát để kiếm tiền phụ giúp thuốc thang cho mẹ với sự dẫn dắt của ca sĩ Kim Chi, đầu tiên là hát ở phòng trà Việt Long. Tuy nhiên chỉ 1 thời gian ngắn sau đó, mẹ của cô qua đời khi mới chỉ 39 tuổi. Thanh Thúy để tang mẹ 3 năm và đi hát với áo dài trắng cùng mảnh đen trên ngực áo.
Nhiều người nói có lẽ cô mang tâm trạng đau buồn vì thương nhớ mẹ, mà tiếng hát càng u sầu, não nùng, bi cảm, trong âm điệu mượt mà, ngọt ngào, du dương… khiến mọi người xúc động, tái tê từ phong cách trình diễn cho đến lời ca trầm mặc, thiết tha tạo nên nét độc đáo riêng biệt cho ngôi sao bồng bềnh giữa khói sương.
Đối với mẹ, Thanh Thúy hết mực yêu thương và ngưỡng mộ, nên dễ hiểu vì sao sự ra đi khi mới 39 tuổi của mẹ đã để lại ảnh hưởng quá lớn đến cuộc đời của Thanh Thúy. Theo mô tả của cô thì mẹ rất đẹp, rất hiền và rất giỏi, biết được nhiều thứ tiếng. Nhưng cũng vì vậy mà đa truân và bạc mệnh khi phải giã từ cõi đời quá sớm vì bạo bệnh.
Thanh Thúy có chất giọng trầm ấm hơi khàn, lối phát âm nhả chữ và luyến láy rất riêng và đầy cảm xúc, sâu lắng, nghẹn ngào và nức nở, với dáng dấp mảnh mai và mái tóc dài buông lơi trên đôi vai gầy trong tà áo dài. Thời điểm đó nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có gặp Thanh Thúy hàng đêm tại các phòng trà và ông đã sáng tác 2 ca khúc Ướt Mi và Thương Một Người để dành tặng cô. Thanh Thúy nói rằng đến tận sau này khi qua đến hải ngoại, cô mới biết là nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết 2 ca khúc đó cho mình.
Click để nghe nhạc Thanh Thúy
Tháng 11 năm 1961, tài tử điện ảnh kiêm đạo diễn Nguyễn Long thực hiện cuốn phim Thúy Đã Đi Rồi nói về Thanh Thúy, ca khúc nhạc phim do nhạc sĩ Y Vân sáng tác và do ca sĩ Hùng Cường trình bày. Ngoài bộ phim này, hình ảnh Thanh Thúy còn xuất hiện trên sân khấu kịch và truyền hình. Các nghệ sĩ Kim Cương, Bích Thủy, Xuân Dung… đều đã đóng vai Thanh Thúy.
Năm 1961, Thanh Thúy được bầu chọn là Hoa hậu Nghệ sĩ – danh hiệu do bác sĩ Trương Ngọc Hớn tổ chức ở phòng trà Anh Vũ. Kể về sự kiện này, Thanh Thúy nói rằng hôm đó cô đến phòng trà Anh Vũ hát như thường lệ, và hoàn toàn bất ngờ khi được trao danh hiệu Hoa Hậu Nghệ Sĩ vào đêm hôm đó.
Năm 1964, Thanh Thúy lập gia đình với tài tử Ôn Văn Tài, Trung tá Không quân. Hai người chung sống hạnh phúc và hòa thuận cho đến ngày nay. Ông Ôn Văn Tài quen với Thanh Thúy khi cô đến trung tâm huấn luyện không quân ở Nha Trang hát nhân dịp văn nghệ mãn khóa, lúc đó Ôn Văn Tài đang làm huấn luyện viên tại đây. Ông Ôn Văn Tài cũng từng đóng vai chính cùng diễn viên Kiều Chinh trong phim Bão Tình.
Năm 1970, Thanh Thúy đoạt giải thưởng Kim Khánh dành cho nữ ca sĩ ăn khách nhất với nhạc phẩm “Tình Đời” của nhóm Lê Minh Bằng sáng tác. Ca khúc này được sáng tác nhân dịp Thanh Thúy trở lại nghiệp cầm ca sau vài năm vắng bóng.
Năm 1972, cô đoạt 2 giải Kim Khánh dành cho nữ ca sĩ được ái mộ nhất trong năm và show truyền hình được yêu thích nhất trong năm do chính cô làm trưởng ban.
Nổi tiếng trong lĩnh vực âm nhạc, ca sĩ Thanh Thúy còn tham gia diễn xuất trong một số phim nhựa là Tơ Tình, Hai Chuyến Xe Hoa, Mưa Trong Bình Minh.
Nói về sự nghiệp của ca sĩ Thanh Thúy cũng không thể không nhắc đến việc cô đã chủ trương sản xuất và phát hành các băng nhạc Thanh Thúy trước 1975 ở Sài Gòn và CD nhạc sau năm 75 ở hải ngoại, góp công sức không nhỏ trong làng nhạc với khoảng 500 bản thu âm trước năm 75 của hầu hết ca sĩ nổi tiếng. Thập niên 1970, nhạc sĩ Ngọc Chánh đề nghị hợp tác với Thanh Thúy để phát hành băng nhạc, đến tháng 4 năm 1975 đã có 25 cuốn băng đã phát hành ra thị trường và cuốn 26 chưa kịp phát hành. Tất cả những băng nhạc Thanh Thúy trước 1975 đều do nhạc sĩ Lê Văn Thiện hòa âm.
Ngày 30 tháng 4 năm 1975, gia đình Thanh Thúy di đi tản sang Hoa Kỳ. Tại Las Vegas, cô đã tái lập trung tâm băng dĩa nhạc mang tên Thanh Thúy và sản xuất rất nhiều album nhạc giá trị. Thanh Thúy cũng cộng tác thường xuyên với trung tâm Asia liên tục cho đến năm 2016. Từ khi rời Việt Nam cho đến nay, Thanh Thúy chưa lần nào về lại quê hương.
Sau năm 1975, Thanh Thúy là người gửi tài chính về Việt Nam nhiều nhất để hỗ trợ cho những người bạn, người anh đồng nghiệp cũ trong làng văn nghệ trước 1975 khi họ gặp nhiều khó khăn với cuộc sống mới. Cô làm việc này một cách thường xuyên., và âm thầm, nên không có nhiều người biết đến.
Những nhận định về ca sĩ Thanh Thúy:
Nhà thơ Nguyên Sa viết: “Thanh Thúy là nữ ca sĩ được ngợi ca nhiều nhất trong văn, trong thơ. Thi sĩ Hoàng Trúc Ly, nhà văn Mai Thảo, nhà thơ Viên Linh, nhà văn Tuấn Huy…. Bởi vì Thanh Thúy chính là người yêu trong mộng của cả một thế hệ, trong đó có những nhà văn, nhà thơ…”
Tiếng hát Thanh Thúy đã từng được nhà văn Mai Thảo mệnh danh là “Tiếng hát lúc 0 giờ”; giáo sư triết học Nguyễn Văn Trung thì gọi cô là “Tiếng hát liêu trai”; nhạc sĩ Tuấn Huy gọi là “Tiếng sầu ru khuya”.
Nhiều nhạc sĩ, thi sĩ sáng tác ca khúc, bài thơ để dành tặng riêng cho Thanh Thúy, như Trịnh Công Sơn viết Ướt Mi và Thương Một Người, Tôn Thất Lập sáng tác Tiếng Hát Về Khuya. Anh Bằng sáng tác ca khúc Tiếng Ca U Hoài, Y Vân với Thúy Đã Đi Rồi, và rất nhiều sáng tác của Trúc Phương đều lấy cảm hứng từ tình cảm của ông dành cho Thanh Thúy.
Riêng ca khúc Được Tin Em Lấy Chồng được nhạc sĩ Châu Kỳ viết khi hay tin Thanh Thúy lập gia đình. Bài hát được nhạc sĩ cảm tác trong 1 giây phút bùi ngùi, nhưng không ngờ rất ăn khách và tờ nhạc bài này được bán rất chạy.
Nhà thơ Hoàng Trúc Ly đã viết tám câu thơ lục bát nổi tiếng bày tỏ lòng giao cảm với tiếng hát Thanh Thúy, tựa đề “Sầu Ca Sĩ”:
Từ em tiếng hát lên trời
Tay xoa vòng tóc tay vời âm thanh
Sợi buồn chẻ xuống hồn anh
Lắng nghe da thịt tan tành sau xưa.
Nhà thơ Vũ Hối, qua nét bút độc đáo như tranh vẽ dành tặng bốn câu thơ:
Liêu trai tiếng hát khói sương
Nghẹn ngào nhung nhớ giòng Hương quê mình
Nghiên sầu từng nét lung linh
Giọng vàng xứ Huế ấm tình quê hương.
nhacxua.vn tổng hợp