Cuộc đời và sự nghiệp của danh ca Minh Trang (1921-2010)

Minh Trang là ca sĩ hát tân nhạc nổi tiếng từ cuối thập niên 1940. Bà là thân mẫu của cố ca sĩ Quỳnh Giao, là vợ của nhạc sĩ Dương Thiệu Tước, đã có những đóng góp không nhỏ cho sự phát triển rực rỡ của tân nhạc thời kỳ đầu thập niên 1950.

Nếu bạn là người yêu thích nhạc xưa, hãy theo dõi kênh YouTube này để nghe đọc các bài cảm nhận về âm nhạc (phân tích ý nghĩa, hoàn cảnh sáng tác, tiểu sử ca nhạc sĩ): LINK YOUTUBE  < Click

Trong số những nữ danh ca đầu tiên của tân nhạc Việt Nam thuộc thế hệ thứ 2 từ cuối thập niên 1940, người ta thường nhắc đến những tên tuổi như Minh Đỗ, Tâm Vấn, Thái Thanh và Thái Hằng ở miền Bắc, miền Trung có Minh Diệu, Mộc Lan, và Sài Gòn có Minh Trang.

Vào cuối thập niên 1940, khi Thái Thanh, Thái Hằng, Tâm Vấn… và nhiều nghệ sĩ khác vẫn còn sinh hoạt văn nghệ ở miền Bắc, chưa di cư vào Nam, thì có thể xem Minh Trang là đệ nhất danh ca của Sài Gòn thời điểm đó.


Click để nghe bản thu âm hiếm, song ca của 2 danh ca Minh Trang – Thái Hằng với ca khúc Gánh Lúa

Trong số những danh ca được nhắc tới, nếu xét về tuổi đời thi Minh Trang là người nổi tiếng muộn nhất, khi phải đến 27 tuổi, lúc chuyển vào Sài Gòn thì bà mới trở thành ca sĩ trong một dịp tình cờ.

Danh ca Minh Trang tên thật là Nguyễn Thị Ngọc Trâm, sinh năm 1921 tại Bến Ngự, là con gái của quan Tổng đốc Bình Định Nguyễn Hy (sau này ông còn làm Tổng đốc Thanh Hóa, rồi Thượng thư Bộ Hình). Minh Trang còn là cháu ngoại của công chúa Mỹ Lương (còn gọi là Bà Chúa Nhứt) – chị ruột vua Thành Thái.

Tuy là công chúa nhưng Bà Chúa Nhứt có tính rất nghệ sĩ, trong nhà có hẳn một ban hát tới mấy chục người và có riêng một ban ca Huế. Ca sĩ Minh Trang – cháu ngoại của công chúa, từ nhỏ ít gần gũi cha vì ông phải đáo nhậm những nhiệm sở xa, nên Minh Trang có dịp được gần gũi với bên ngoại. Nhờ những âm thanh ca Huế thấm nhuần vào tâm hồn trong tuổi ấu thơ, mới bảy tám tuổi, bà đã thuộc những bài cổ nhạc, ca Huế như những khúc Nam Ai, Nam Bình, Kim Tiền, Lưu Thủy…

Lên tiểu học, Minh Trang được học ở trường sơ Jeanne d’Arc gần bưu điện Huế. Lúc này bà bắt đầu được học dương cầm. Lên trung học bà ra Hà Nội học trường nữ sinh trung học ở phố Felix Faure (nay là phố Trần Phú) và tiếp tục học dương cầm ở trường, nên có sẵn kiến thức căn bản về tân nhạc.

Năm 1941, bà theo gia đình về Huế học trường Khải Định (nay là Quốc Học Huế) rồi tốt nghiệp Tú Tài toàn phần của Pháp vào thời điểm hiếm có phụ nữ nào đỗ đạt được như vậy. Tại trường Khải Định, bà học chung lớp với 1 nhà thơ nổi tiếng sau này là Tế Hanh.

Thời gian này, Minh Trang có lần đầu tiên được đứng trên sân khấu ở lễ phát thưởng cho học sinh bên trường Đồng Khánh, với ca khúc dân nhạc Ấn Độ là Chant Hindou hát lời tiếng Pháp.

Năm 1943, ở tuổi 23, bà lấy người chồng đầu tiên là cụ Ưng Quả – cháu nội Tuy Lý Vương Miên Trinh (em của vua Thiệu Trị).

Nhà giáo Ưng Quả là học giả uyên bác được giới khảo cứu Việt học của Pháp kính trọng và là bậc thầy của một thế hệ giáo sư, sau này có nhiều khoa trưởng của các đại học thời độc lập. Ưng Quả từng là Thái Tử Thiếu Bảo khi dạy học Thái Tử Bảo Long, là Hiệu trưởng trường Quốc Học tại Huế, giám đốc Nha Học Chánh Trung Phần thuộc Bộ Học của nước Việt Nam thời Pháp và tác giả của nhiều công trình biên khảo về văn hóa và mỹ thuật Việt Nam, từng phiên dịch văn chương Pháp qua Việt ngữ và văn học Việt Nam Pháp ngữ… Ngoài ra, cụ còn là người thẩm âm sành nhạc và gẩy đàn nguyệt khi tiêu khiển.

Cưới nhau được 3 năm, Minh Trang và Ưng Quả có 2 người con là Bửu Minh và Đoan Trang (tức ca sĩ Quỳnh Giao). Sau này khi hát cho đài Pháp Á, Danh ca Minh Trang đã ghép 2 tên người con để làm nghệ danh cho mình.


Click để nghe bản thu thanh hiếm, 2 danh ca Minh Trang và Anh Ngọc song ca bài Vợ Chồng Quê

Vì tình hình đất nước loạn lạc từ năm 1946, những giáo chức như cụ Ưng Quả phải chạy ra vùng Việt Minh, họ xa nhau từ đó, ban đầu là tạm thời, về sau là mãi mãi, khi cụ Ưng Quả qua đời vì bệnh tật năm 1951.

Năm 1948, Minh Trang mang 2 con vào Sài Gòn, quyết tâm tự lập và xin được vào làm xướng ngôn viên Pháp ngữ và biên tập cho đài phát thanh Pháp Á.

Danh ca Minh Trang kể về giai đoạn quan trọng của cuộc đời này như sau:

“Bỏ Huế mà đi, tôi muốn tự lập. Vào đến Sài Gòn, đi mòn cả guốc không kiếm ra việc làm. May sao một hôm có người quen mách cho biết rằng ở đài Pháp Á đang tuyển người làm xướng ngôn viên tiếng Pháp, kiêm biên tập. Tôi đến nộp đơn thi cùng với nhiều phụ nữ người Pháp, rồi được tuyển. Tôi được chọn, chủ yếu là nhờ được học trường Pháp từ nhỏ, phát âm như người Pháp. Kiếm được việc, mừng quá”.

Công việc của bà là dịch những bản tin tiếng Pháp sang tiếng Việt, rồi tự mình trình bày bản tin đó trên làn sóng phát thanh. Trong lúc dịch tin, thỉnh thoảng bà ngẫu hứng một vài ca khúc tiếng Pháp. Rồi từ những lần hát nghêu ngao đó, Minh Trang trở thành ca sĩ của đài Pháp Á. Cơ duyên này được bà kể lại như sau:

“Hồi đó nhạc sĩ Đức Quỳnh phụ trách một chương trình ca nhạc hàng tuần, ca sĩ trong ban nhạc đó là chị Ngọc Thanh, vợ của anh Đức Quỳnh. Một hôm chị Ngọc Thanh bệnh không đến hát được. Ngày đó không có thu thanh trước rồi tới giờ mới phát như hiện nay, mà là hát với ban nhạc trước máy vi âm và phát thanh trực tiếp trên làn sóng điện.

Không có ca sĩ cho ban nhạc, nên đài cuống lên không biết giải quyết tình trạng đó ra sao. Nhân vì thường khi ngồi làm việc, viết tin tức, tôi cứ hay tự hát nho nhỏ, nên đồng nghiệp cũng biết là tôi biết hát. Lúc đó ông Hoàng Cao Tăng là chủ sự Ban Văn Nghệ của đài mới qua đề nghị tôi có thể hát đỡ một bài. Tôi nói tôi chỉ nhớ mấy bài tiếng Pháp, còn bài nhạc Việt thì chỉ thuộc duy nhất bài Đêm Đông của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương. Tôi thuộc bài đó cũng vì hồi ở Huế tôi có chơi thân với chị Xuân Nga là vợ anh Thương, và đã từng hát Đêm Đông cho anh Thương nghe.

Ông Hoàng Cao Tăng nói nếu tôi thuộc thì cứ hát đại đi. Tôi bèn hát đại. Vậy là thành ca sĩ.

Thính giả cả 3 miền thích lắm, viết thư về đài rất nhiều. Ông Hoàng Cao Tăng liền đề nghị tôi hát thường xuyên, trả thù lao gấp đôi, bình thường hát như vậy được 150 đồng, còn tôi thì ổng trả 300 đồng.

Được mấy tuần lễ sau thì rất nhiều nhạc sĩ ngoài Hà Nội như các anh Dương Thiệu Tước, Vũ Thành, Nguyễn Văn Khánh, Hoàng Giác, Nguyễn Thiện Tơ, Thẩm Oánh gửi tác phẩm vào Sài Gòn nhờ tôi hát. Nhạc của ai tôi cũng hát cả.

Thành ra, tôi trở thành ca sĩ chuyên nghiệp là do sự tình cờ sắp xếp cho mình, chứ từ ngày nhỏ tôi không hề nghĩ mình sẽ chọn con đường âm nhạc”

Như vậy, từ một xướng ngôn viên, Minh Trang đã trở thành danh ca nổi tiếng nhất Sài Gòn trong một dịp hát thế như vậy.

Đó là thời điểm cuối năm 1948, ở Hà Nội có danh ca Minh Đỗ, ở Huế có danh ca Minh Diệu (vợ của nhạc sĩ Mạnh Phát), và ở Sài Gòn có danh ca Minh Trang, cùng là những người có tên lót chữ Minh tạo thành thế “chân vạc” của tân nhạc cân bằng ở 3 miền.


Click để nghe Minh Trang hát Áng Mây Chiều (Dương Thiệu Tước)

Thuở ấy hầu hết những nhạc sĩ nổi tiếng nhất ở Hà Nội đều tò mò về một giọng hát thanh thoát mới nổi ở phương Nam được phát đi từ làn sóng phát thanh, và rồi sau đó họ cũng có dịp được tận mắt nhìn giai nhân.

Năm 1949, Thủ hiến Bắc kỳ là Nguyễn Hữu Trí vì mến mộ giọng hát Minh Trang nên đã đích phát công văn chính thức để mời bà từ Sài Gòn ra Hà Nội trình diễn trong Hội chợ Đấu Xảo tổ chức hàng năm. Đây là dịp để các nhạc sĩ hào hoa xứ Bắc được chiêm ngưỡng nhan sắc của một giai nhân ở trời Nam. Tuy đã có hai con nhưng Minh Trang lúc ấy vẫn giữ được một vẻ đẹp quý phái làm say đắm những công tử đất Bắc, đặc biệt là nhạc sĩ Dương Thiệu Tước.

Danh ca Minh Trang và 2 con đầu

Sau này Minh Trang kể lại: “Mặc cho các bạn Thẩm Oánh, Nguyễn Thiện Tơ, Dzoãn Mẫn… rối rít, ông ấy (Dương Thiệu Tước) im lặng từ đầu đến cuối. Chỉ nhìn thôi. Lâu lâu mới mỉm cười. Sự xa cách, lặng lẽ này khiến tôi càng thêm chú ý. Trước khi gặp gỡ, tôi đã từng hát nhạc của ông ấy nên tôi cũng rất ao ước được gặp mặt con người tài hoa này.

Sau đó tôi về Sài Gòn, chúng tôi thư từ cho nhau, thấy hợp, rồi thành.

Khi tôi mới vào lại Sài Gòn, vì nhớ tôi mà anh Tước viết bài Sóng Lòng. Dạo ấy anh còn sáng tác Ngọc Lan là để tặng riêng cho tôi. Tuy đó là tên một loài hoa, nhưng người ta có thể thấy được trong lời ca là mô tả người thiếu nữ…”


Click để nghe Minh Trang hát Đêm Tàn Bến Ngự (Dương Thiệu Tước)

Ngay từ năm 1950, Dương Thiệu Tước sáng tác ra nhiều tình khúc và ký tên là Dương Thiệu Tước – Minh Trang, bắt đầu bằng ca khúc Bóng Chiều Xưa, nhờ những lần thư từ và được Minh Trang góp ý về lời ca.

Năm 1951, nhạc sĩ Dương Thiệu Tước chuyển vào Sài Gòn sinh sống và thành hôn với Minh Trang. Họ sinh được 5 người con, 1 trai là Dương Hồng Phong, 4 gái là Vân Quỳnh, Vân Khanh, Vân Hoà, Vân Dung, trong đó Vân Quỳnh là ca sĩ đã hát rất nhiều bài nhạc Trịnh Công Sơn trong dĩa Kinh Việt Nam.

Sau năm 1975, các cô con gái đã lập gia đình đều theo chồng rời Việt Nam, nhưng ông bà Dương Thiệu Tước còn ở lại Việt Nam, lý do là con trai duy nhất của hai người là Dương Hồng Phong vào quân ngũ năm 1972 bị kẹt tại Chu Lai và bị làm tù binh.

Lúc đó nhạc sĩ Dương Thiệu Tước đi dạy lục huyền cầm với số lương ít ỏi nên gia đình phải sống rất chật vật. Bà Minh Trang kể lại là suốt trong những ngày đen tối đó, công việc của bà là ngồi lượm sạn và bông lúa để lo bữa cơm cho chồng con.

Năm 1978, khi Dương Hồng Phong ra tù, bà nghĩ đến việc phải rời Việt Nam, nhưng nhạc sĩ Dương Thiệu Tước vì thường đau ốm nên không muốn đi. Bà Minh Trang cùng ba con còn lại đến Thái Lan vào cuối năm 1979, và đi định cư tại Virginia. Ở đây bà làm nghề kiểm tra chất lượng cho một hãng microfilm, thậm chí làm cả bảo mẫu cho một gia đình người Pháp để kiếm sống.

Năm 1986, khi đã 65 tuổi, Minh Trang chuyển về ở Orange County để gần các con gái. Ở đây khí hậu ấm áp hơn nên sức khoẻ của bà rất ổn định, được vui vầy bên các cháu ngoại.

Những ngày cuối cùng trước khi vào bệnh viện, bà Minh Trang sống trong một căn hộ dành cho người cao niên rất yên tĩnh. Thú vui của bà là nghe nhạc và thường theo dõi tin tức thời sự. Cho đến ngày phải vào bệnh viện vì ốm đau, bà lúc nào cũng thấy nhanh nhẹn, tóc phơ phơ bạc, dù đã gần 90, trí nhớ còn rất minh mẫn.

Danh ca Minh Trang đã ra đi thanh thản vào trưa thứ ba ngày 17 tháng 8, 2010, tại thành phố Garden Grove, California, hưởng thọ 90 tuổi.

Bài: Đông Kha (nhacxua.vn)

Exit mobile version