Cuộc đời và sự nghiệp của danh ca Duy Trác – “Tiếng hát đại hồ cầm”

Danh ca Duy Trác tên thật là Khuất Duy Trác, sinh ngày 12/5/1936 tại Sơn Tây. Cùng với Anh Ngọc và Sĩ Phú thì Duy Trác là một trong 3 nam danh ca nổi tiếng nhất của dòng nhạc tình ca trước 1975.

Nếu bạn là người yêu thích nhạc xưa, hãy theo dõi kênh YouTube này để nghe đọc các bài cảm nhận về âm nhạc (phân tích ý nghĩa, hoàn cảnh sáng tác, tiểu sử ca nhạc sĩ): LINK YOUTUBE  < Click


Click để nghe Băng Nhạc Duy Trác thu âm trước 1975

Từ khi còn học tiểu học ở quê nhà, Duy Trác đã thể hiện được năng khiếu ca hát và được lên trình diễn nhiều lần trong các buổi lễ ở Sơn Tây. Ông nói rằng lúc đó, vì còn quá nhỏ nên mỗi lần hát đều phải đứng trên ghế.

Lên trung học, Duy Trác học tại Việt Bắc (Phú Thọ) ở 2 trường trung học Hùng Vương và trung học Kháng chiến, nơi có các giáo sư nổi tiếng trong lĩnh vực văn học, sư phạm và chính trị như: Song An Hoàng Ngọc Phách (hiệu trưởng), Trần Văn Khang, Đặng Quốc Quân, Nguyễn Ngọc Cư, Nguyễn Thị Thục Viên, Nguyễn Khánh Toàn, Ngụy Như Kontum…

Năm 1951, ông rời vùng kháng chiến để về Hà Nội học tiếp trung học, có thời gian được theo học với 2 nhà thơ nổi tiếng là Đoàn Phú Tứ và Lan Sơn. Thời gian này, Duy Trác ở trọ nhà chú ruột là ca sĩ Quách Đàm, người sau này đã tham gia trong chương trình ngâm Tao Đàn ở đài phát thanh Sài Gòn.

Nhận thấy triển vọng từ giọng hát đặc biệt của người cháu, Quách Đàm đã thúc giục Duy Trác tham gia cuộc thi tuyển lựa ca sĩ của đài phát thanh Hà Nội năm 1954 (trước đó danh ca Kim Tước đã được giải nhất vào năm 1953). Mặc dù Duy Trác đã từ chối, nhưng ông Quách Đàm đã tự ý đăng ký dự thi, rồi khi nhận được giấy gọi, Duy Trác đành chấp nhận tham gia và giành giải nhất năm 1954.

Sau khi được giải nhất, Duy Trác hát ở đài phát thanh một thời gian ngắn rồi một mình di cư vào Sài Gòn năm 1954. Thời gian đầu ông ở tại khu lều bạc ở Khám Lớn Sài Gòn (vốn là nhà tù do Pháp xây dựng cạnh tòa án, đã bị chính quyền đệ nhất Sài Gòn phá hủy để sau đó xây dựng Thư viện Quốc gia). Khu lều này được chính quyền dành cho những học sinh di cư không có gia đình.

Khoảng đầu năm 1955, Tổng hội bao gồm những sinh viên Hà Nội di cư vào Sài Gòn năm 1954 đã tổ chức những đêm văn nghệ mang tên Nhớ Về Hà Nội, và Duy Trác đã lên hát ca khúc Hướng Về Hà Nội của Hoàng Dương, đã gây xúc động mạnh mẽ với những khán giả vốn là bạn bè đồng trang lứa và đồng hương vừa rời xa quê hương, không có gia đình bên cạnh.


Click để nghe Duy Trác hát Hướng Về Hà Nội trước 1975

Thời điểm đó nhạc sĩ Lê Thương đang làm phóng sự cho đài phát thanh Pháp Á, tường thuật các đêm văn nghệ đó của tổng hội sinh viên, và ông rất ấn tượng với giọng hát của chàng học sinh trung học Khuất Duy Trác nên đã đến tìm, rồi thay mặt đài Pháp Á mời Duy Trác về hát cho đài này.

Ông kể về thời gian đó như sau: “Đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ những cảm giác run rợ, lo lắng mỗi khi lên đài hát. Hồi đó ban nhạc chơi vivant (tức không thu thanh trước, mà phát thẳng lên làn sóng điện), ban nhạc toàn là người Pháp, hòa âm khó hơn nhiều so với đài Hà Nội, và nhạc trưởng Maritan thì rất khó tính. Mỗi lần vô trật các introduction hoặc hát sai thì lãnh đủ, không thuốc nào chữa được nữa và mỗi lần như thế nhạc trưởng chửi như tát nước. Cũng chính nhờ vậy mà một giọng hát tay mơ như tôi (không qua trường lớp hoặc học thầy nào), đã dần dần trưởng thành”.

Vào Sài Gòn chỉ không lâu, Duy Trác đã trở thành ca sĩ đài phát thanh và có tiền để tiếp tục hoàn thành chương trình phổ thông tại trường Chu Văn An, sau đó thi vào Đại học Luật khoa, tốt nghiệp ngành luật và gia nhập luật sư đoàn năm 1960.

Năm 1962, ông nhập ngũ vào trường sĩ quan trừ bị Thủ Đức, sau khi học xong được bổ nhiệm làm phụ tá Ủy viên chính phủ tại tòa án quân sự mặt trận vùng 3 cho đến năm 1966 thì giải ngũ để trở về với nghề luật sư.

Sau Mậu Thân 1968, Duy Trác được lệnh tái ngũ và biệt phái về làm chuyên viên Luật pháp tại Phủ Tổng thống. Năm 1974, ông bị tổng thống cắt chức, sang năm 1975 bị chính quyền bắt giữ vì có những bất đồng quan điểm chính trị với chính quyền tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Đến ngày 27-4-1975 thì ông mới được tổng thống Trần Văn Hương tha bổng.

Trong thời gian bị cắt chức, Duy Trác chuyển sang làm cố vấn Luật pháp cho Tổng cục Gia cư, chuyên viên Luật pháp tại Thượng nghị viện, Hạ nghị viện và Giám sát viện.

Song song với việc làm công chức, Duy Trác vẫn đi hát, và trong suốt sự nghiệp ca hát 20 năm ở Sài Gòn, ông chỉ hát ở các đài phát thanh và thu băng dĩa chứ chưa bao giờ lộ diện trước công chúng ở phòng trà hay là đại nhạc hội. Vì vậy nhà văn Duyên Anh đã đặt cho ông biệt danh “chàng ca sĩ cấm cung”.

Sau này Duy Trác giải thích rằng ông là ca sĩ khó học thuộc lời nhạc nhất trong số những ca sĩ Việt Nam từ trước đến nay, nên chỉ tự tin khi hát trong phòng thu âm. Ngoài ra ông cũng nói rằng mình không có cảm giác thoải mái khi đứng trước công chúng hay máy quay phim, thậm chí là máy chụp hình.

Trong cuộc đời hoạt động nghệ thuật ở Sài Gòn trước 1975, ngoài âm nhạc thì Duy Trác còn tham gia ban kịch truyền thanh trong nhiều năm; tham gia chuyển âm (lồng tiếng) cho hai cuốn phim của Đặng Trần Thức (Hè Muộn) và Hà Thúc Cần (Đất Khổ). Ngoài ra ông cũng hát nhạc phim cho hãng Alpha.

Dù là một danh ca hàng đầu của âm nhạc miền Nam, nhưng Duy Trác luôn nói rằng mình chỉ là ca sĩ nghiệp dư, và ca hát chỉ là nghề tay trái. Tuy nhiên, có lẽ chính vì xem nghề hát như chỉ là cuộc dạo chơi, nên ông hát rất tự do thoải mái, hát vì niềm vui và sở thích chứ không chịu áp lực mưu sinh. Những bài Duy Trác chọn hát thường là những ca khúc mà ông tâm đắc chứ không bị ép phải hát những bài mình không thích.

Dù là “nghề tay trái”, nhưng nghề đi hát lại dài hơn bất kỳ nghề tay phải nào của Duy Trác, đã giúp ông rất nhiều trong thời gian vừa chân ướt chân ráo đến Sài Gòn, rời xa quê nhà để đến một vùng đất hoàn toàn xa lạ khi chỉ là cậu học sinh năm cuối trung học, phải đi hát kiếm tiền để trang trải việc học.

Dòng nhạc sở trường của Duy Trác, như ông từng tâm sự, đó là loại nhạc trữ tình (kể cả nhạc tiền chiến hay loại nhạc viết sau này) vì nó phù hợp với giọng hát và lối hát của ông. Các nhạc sĩ sáng tác mà ông yêu thích là Phạm Duy, Cung Tiến, Phạm Đình Chương, Vũ Thành. Ngoài ra, Duy Trác cũng nhắc đến Trịnh Công Sơn là nhạc sĩ mà ông yêu thích, dù trong sự nghiệp Duy Trác chỉ hát một bài nhạc Trịnh duy nhất là Du Mục.


Click để nghe Duy Trác hát Du Mục trước 1975

Những ca khúc mà danh ca Duy Trác thích hát nhất, theo lời ông kể, đó là Ngày Đó Chúng Mình (Phạm Duy), Hương Xưa (Cung Tiến), Thuở Ban Đầu (Phạm Đình Chương), Tiếng Chuông Chiều Thu (Tô Vũ), Áo Lụa Hà Đông (Ngô Thụy Miên)… Vì hát theo sở thích nên Duy Trác đã hát thành công hơn các bài khác và được thính giả rất mến mộ, đặc biệt là với ca khúc Hương Xưa được nhạc sĩ Cung Tiến ghi lời đề tựa là “Tặng Khuất Duy Trác”. Danh ca Duy Trác và nhạc sĩ Cung Tiến vốn là những người bạn thân và rất hợp nhau trong âm nhạc.


Click để nghe Duy Trác hát Hương Xưa trước 1975

Trong cuốn Chân Dung Những Tiếng Hát, nhà văn Hồ Trường An đã gọi giọng hát Duy Trác là Tiếng Hát Đại Hồ Cầm, với lời tán tụng như sau:

“Giọng hát Duy Trác có một âm sắc đẹp và trầm hùng trong giọng hát, không phải là ở những lúc ông hát những bài hành khúc mà ngay lúc ông hát những bài tình cảm. Âm sắc trầm rền và dội sâu đó cùng với làn hơi phong phú của ông làm cho người nghe có cảm tưởng đó là tiếng âm u huyền bí của miền thâm sơn hoang dã. Nó như vọng mang mang khắp bãi sú bờ hoang của dải Trường Giang, hay dội bập bùng vào hang thẳm hay trên vách đá dựng, vách cổ thành. Và ta cũng cảm tưởng đó là tiếng trống từ một thế giới vào thời thái cổ hồng hoang nào vọng lại.

Tiếng hát ông chứa một tiềm lực bền bỉ, một sinh lực dồi dào. Chuỗi ngân của ông rõ nét sóng thu, không nhỏ mức như chuỗi hạt cườm, mà cũng không nhọn sắc răng cưa.

Tiếng hát Duy Trác chẳng những không phải là tiếng hát tài tử mà là tiếng hát nhà nghề cực kỳ điêu luyện, một giọng tinh túy được gạn lọc hết những cái tạp chất giữa một số đông giọng danh tiếng đương thời hoặc đi sau ông. Nếu Duy Trác hát ở một thính phòng ấm cúng hoặc ở phòng trà nho nhỏ, dù giàn nhạc không có cây đại hồ cầm (contrebasse), tiếng hát ông vẫn có thể gợi dư âm dư hưỡng của tiếng đại hồ cầm ấy. Tiếng hát trầm của ông càng xuống thấp càng chắc nịch, như vọng âm rền rền vào những ngõ ngách kín đáo của trái tim của thính giả, vào những hẽm hóc huyền bí của tâm hồn thính giả.”


Click để nghe nhạc Duy Trác thu âm trước 1975

Sau năm 1975, danh ca Duy Trác là một trong những ca sĩ bị chính quyền mới giam giữ lâu nhất. Sở dĩ như vậy là bên cạnh “nghề tay trái” là ca hát, ông còn là một sĩ quan biệt phái. Duy Trác đã phải trải qua những ngày tháng khổ cực nhất trong cuộc đời, qua những nhà lao nổi tiếng như Trảng Lớn – Tây Ninh, rồi nhà tù Phú Quốc, Long Khánh, đến Z30D ở Hàm Tân, đỉnh điểm là trại A20 ở Phú Khánh, nơi dành cho những trường hợp nghiêm trọng.

Năm 1981, Duy Trác được trả tự do sau 6 năm, nhưng lại bị bắt lại vào năm 1984 trong một vụ án mang tên Biệt Kích Văn Hóa vì gửi bài viết và nhạc để đăng ở hải ngoại. Năm 1988, ông được trả tự do lần 2, sau đó cả gia đình ông được sang Mỹ vào năm 1992.

Tại hải ngoại, Duy Trác xuất hiện 2 lần trên Paris By Night trong 2 ca khúc Đôi Mắt Người Sơn Tây và Áo Lụa Hà Đông cùng trong năm 1993. Đó cũng là 2 lần hiếm hoi mà ông xuất hiện trong một chương trình thu hình có khán giả. Ngoài ra, cùng thời gian này, ông phát hành CD mang tên Còn Tiếng Hát Gửi Người, cũng là ca khúc do chính ông sáng tác, do trung tâm Thúy Nga phát hành, và CD Giã Từ do trung tâm Diễm Xưa phát hành.

Từ đó đến nay đã gần 20 năm nữa trôi qua, Duy Trác rất hiếm khi xuất hiện trước công chúng, cũng như không còn có thêm sản phẩm âm nhạc nào khác nữa.

Trong lần xuất hiện hiếm hoi trên Paris By Night năm 1993, Duy Trác tâm sự về sự nghiệp ca hát của mình:

“Tôi lạc bước vào khu vườn âm nhạc trong mấy chục năm, và dù ca hát là nghề tay trái, nhưng dài hơn bất kỳ nghề tay phải nào của tôi. Trong vườn âm nhạc này, tôi đã gặt hái được nhiều hoa thơm cỏ lạ, tôi đã được hưởng những phút giây hạnh phúc, tôi đã được khán thính giả trao cho cái tình thân ái, tình tri kỷ, nên tôi chợt nghĩ rằng khi tôi rời khu vườn âm nhạc này, tôi sẽ khép 2 cánh cửa lại và ra đi với lòng thanh thản. Xin cám ơn âm nhạc, xin cám ơn bạn bè, xin cám ơn cuộc đời”.

Đông Kha (nhacxua.vn) biên soạn

Exit mobile version