Ca sĩ Duy Khánh có thể xem là nam danh ca nhạc vàng được yêu thích nhất trước năm 1975, được xưng tụng là một trong “tứ trụ nhạc vàng” cùng với Hùng Cường, Chế Linh và Nhật Trường.
Không chỉ nổi tiếng trong lĩnh vực ca hát, ông còn là nhạc sĩ sáng tác nhiều ca khúc nhạc vàng bất hủ như: Thương Về Miền Trung, Xin Anh Giữ Trọn Tình Quê, Thư Về Em Gái Thành Đô, Đêm Bơ Vơ…
Có thể nói, Duy Khánh là ca sĩ, nhạc sĩ, nhà sản xuất âm nhạc có tầm ảnh hưởng lớn nhất của làng nhạc vàng trước năm 1975.
Click để nghe Duy Khánh hát trước 1975
Ca – nhạc sĩ Duy Khánh tên thật là Nguyễn Văn Diệp, sinh năm 1936 tại làng An Cư, xã Triệu Phước, huyện Triệu Phong, Quảng Trị, là con áp út trong một gia đình vọng tộc gốc thuộc dòng dõi Quận công Nguyễn Văn Tường – phụ chánh Đại Thần có uy quyền tối thượng trong nhiều đời vua triều Nguyễn. Cũng vì vậy mà ca nhạc sĩ Duy Khánh đã được lớn lên trong một nền giáo dục cổ truyền nặng ảnh hưởng Nho và Phật Giáo.
Thân sinh của Duy Khánh là cụ Nguyễn Văn Triển, từng dạy học trước khi làm Trưởng phòng Hành chánh tỉnh Quảng Trị, từng là dân biểu thời Đệ Nhị Cộng Hòa, có nhiều uy tín lớn trong tỉnh. Thân mẫu Duy Khánh là con gái của cụ Thị Lang bộ Công Đỗ Văn Diêu, chánh quán làng Đầu Kênh, Triệu Phong, là một phụ nữ mẫu mực, nghiêm khắc.
Về quê hương gốc tích Quảng Trị của mình, nhạc sĩ Duy Khánh đã mô tả trong ca khúc nổi tiếng Tình Ca Quê Hương của ông như sau:
Tôi sinh ra giữa lòng miền Trung miền thùy dương,
ruộng hoang nước mặn đồng chua,
thôn xóm tôi sống đời dân cầy…
Sau khi đậu tiểu học năm 1949, cũng như các con nhà giàu quyền thế trong tỉnh, Duy Khánh, lúc này vẫn còn là cậu bé Nguyễn Văn Diệp, đã được cha mẹ cho vào Huế theo học chương trình trung học đệ nhất cấp. Chính tại cố đô trầm mặc này, Duy Khánh đã bắt đầu những bước đầu tiên trong sự nghiệp âm nhạc lừng danh của mình.
Năm 1955, khi được 19 tuổi, ông đoạt giải nhất cuộc thi tuyển lựa ca sĩ của đài Pháp Á tại Huế với bài hát Trăng Thanh Bình của nhạc sĩ Lam Phương. Khi biết Duy Khánh có ý định theo đuổi nghiệp cầm ca thì gia đình vốn mang nặng ảnh hưởng Nho giáo đã ra sức phản đối. Mặc dù vậy, Duy Khánh vẫn quyết định chuyển hẳn vào sinh sống ở Sài Gòn để theo đuổi niềm đam mê ca hát.
Ban đầu ông lấy nghệ danh là Tăng Hồng, sau đó là Hoàng Thanh để tham gia các chương trình phụ diễn tân nhạc tại các rạp chiếu bóng và hợp tác với ban văn nghệ của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ đi lưu diễn khắp nước. Thời gian đầu của sự nghiệp, ông thường hát song ca với nữ ca sĩ Tuyết Mai (người sau này trở thành bạn đời của ông) những bài ca quê hương đang rất thịnh hành từ nửa sau của thập niên 1950, những sáng tác của các nhạc sĩ Lam Phương, Hoàng Thi Thơ, Hoài An… và đa số là ca khúc Phạm Duy như Vợ Chồng Quê, Ngày Trở Về, Nhớ Người Thương Binh, Tình Nghèo, Quê Nghèo, Về Miền Trung,…
Thời kỳ này, có thể xem Duy Khánh là một trong số ít giọng ca nam nổi tiếng nhất của tân nhạc, bên cạnh Anh Ngọc và Duy Trác. Tuy nhiên khác với 2 nam danh ca vốn chỉ hát nhạc tiền chiến trên đài phát thanh và thu dĩa nhựa, thì Duy Khánh đã chọn theo đuổi loại nhạc có âm hưởng từ dân ca và đã rất thành công vì hợp với thị hiếu của đại đa số quần chúng khi đó.
Trong một chương trình phụ diễn tại rạp Thanh Bình trên đường Phạm Ngũ Lão, cạnh chợ Hoà Bình, Duy Khánh đã lần đầu được gặp nhạc sĩ Phạm Duy – một người mà ông rất ái mộ.
Nhận thấy tài năng của ca sĩ Hoàng Thanh, nhạc sĩ Phạm Duy đã mời ông tham gia vào chương trình trên đài phát thanh Sài Gòn cùng với Nhật Trường, Mai Trường, Trần Ngọc, Y Vân. Đó cũng là thời kỳ ông chuyển sang chọn nghệ danh Duy Khánh. Chữ “Duy” từ tên nhạc sĩ Phạm Duy, là người mà ông ái mộ, cũng là tác giả của rất nhiều nhạc phẩm mà Duy Khánh hát lúc đó. Chữ “Khánh” từ tên một người bạn rất thân là Phạm Hữu Khánh.
Duy Khánh là giọng Ténor chính của các ban nhạc nhờ tiếng hát trong sáng, mạnh và giàu sức ngân. Ông có thể ngân dài đến 21 nhịp và chuyển từ thấp lên cao, vượt hai bát độ một cách nhẹ nhàng. Có lần trình bày bản Vọng Ngày Xanh của Khánh Băng, Duy Khánh đã ngân đoạn kết lâu đến nỗi khán giả vỗ tay tán thưởng đến lần thứ tư mà tiếng ngân của ông vẫn còn nhẹ nhàng, dần dần đi vào tan biến.
Các nhạc sĩ như Phạm Duy, Trầm Tử Thiêng, Nhật Ngân, Phạm Thế Mỹ… đã từng cho biết là chính nhờ giọng ca truyền cảm của Duy Khánh mà các nhạc phẩm của họ đến được gần hơn với công chúng.
Năm 1965, Duy Khánh cùng với nữ danh ca Thái Thanh thu thanh bản trường ca Con Đường Cái Quan, sau đó là trường ca Mẹ Việt Nam của nhạc sĩ Phạm Duy. Cho đến nay, hai bản trường ca này vẫn gắn liền với giọng hát Thái Thanh, Duy Khánh.
Ngoài ra những người yêu nhạc trước 1975 vẫn còn nhớ đến bản thu âm của ca sĩ Duy Khánh với trường ca Hòn Vọng Phu hồi đầu thập niên 1960. Theo nhận xét của nhà báo Trường Kỳ, giọng hát của ông trong bài trường ca này khi thì rộn ràng như tiếng trống trận đưa đoàn quân nườm nượp lên đường theo tiếng gọi của quê hương, khi thì nhẹ nhàng thấm đượm cảm xúc của người thiếu phụ bồng con đứng giữa trời mưa gió kiên nhẫn chờ đợi chồng đến nỗi hoá thành tượng đá, lúc khác thì lại nghẹn ngào tức tưởi hình ảnh người chinh phu trở về, tưởng tìm lại được vợ con thương yêu, nhưng chỉ là tan vỡ trong tâm hồn khi nhìn thấy người vợ hoá đá của mình. Duy Khánh không chỉ hát mà còn diễn đạt hết tình cảm của mình theo từng nội dung bản nhạc khiến người nghe phải hoà điệu theo từng cảm xúc rất sống động của lời ca và chất giọng âm thanh của ông.
Duy Khánh bắt đầu viết nhạc từ năm 1959, nhạc ông thường nói về tình yêu quê hương, mang hơi dân ca xứ Huế và được đón nhận nồng nhiệt, đó là các ca khúc Ai Ra Xứ Huế, Thương Về Miền Trung, Bao Giờ Em Quên, Sao Không Thấy Anh Về…
Cũng theo cố nhạc sĩ – nhà báo Trường Kỳ nhận xét, nét nhạc của Duy Khánh đôi lúc thiết tha não nùng, đôi lúc lại uyển chuyển tươi sáng. Lời ca của ông không trau chuốt bóng bẩy như lời ca của các nhạc sĩ tiền chiến nhưng lại chân thành, tha thiết đi thẳng vào lòng người với những cảm xúc bồi hồi cùng với những rung động nhẹ nhàng.
Hai sáng tác đầu tay của Duy Khanh có thể là Thương Về Miền Trung và Ai Ra Xứ Huế, nhắc về hình ảnh con đò bồng bềnh trên sông Hương trong những đêm trăng, hay những tiếng thông reo khi chiều buông xuống trên núi Ngự Bình.
Điểm đặc biệt của âm nhạc Duy Khánh là không sử dụng sáo ngữ, chỉ thuần là ngôn ngữ đơn sơ của người dân bình thường, nên đã có được những nét trong sáng, thiết tha, chan chứa tình quê hương nồng nàn, chân thật. Ngoài ra, nhạc sĩ Duy Khánh không viết những bản nhạc ca tụng tình cảm trai gái thông thường, mà ông thường lồng vào bối cảnh một quê hương chinh chiến điêu tàn như trong những nhạc phẩm Biết Trả Lời Sao, Thư Về Em Gái Thành Đô, Mưa Bay Trong Đời, Mùa Chia Tay, Đêm Bơ Vơ,
Từ những năm cuối thập niên 1960 cho đến năm 1975, Duy Khánh còn lập nhóm chủ trương xuất bản tờ nhạc mang tên 1001 Bài Ca Hay quy tụ được nhiều tác phẩm của các nhạc sĩ như Trịnh Lâm Ngân, Đỗ Kim Bảng, Duy Khánh, Trúc Phương… Tờ nhạc do nhóm xuất bản được giới mộ nhạc đánh giá cao vì in ronéo bản đẹp và minh họa công phu do chính Duy Khánh chỉ đạo thực hiện.
Cũng thời gian này, Duy Khánh phát hành các cuốn băng nhựa Trường Sơn dùng cho máy thu băng lớn rất thịnh hành. Các ca sĩ xuất hiện trong băng nhạc Trường Sơn của Duy Khánh thực hiện, ngoài sự xuất hiện của một số ca sĩ thượng thặng như Thái Thanh, Hoài Bắc, Thanh Thuý, số còn lại thường là những tên tuổi lớn như Hoàng Oanh, Thanh Tuyền, Phương Dung, Xuân Thu hoặc các ca sĩ mới do ông hướng dẫn và lăng xê như Băng Châu.
Khi về ở chung cư trên đường Trần Hưng Đạo, ông còn mở lớp luyện thanh để gầy dựng một thế hệ ca nhạc sĩ mới.
Về cuộc sống hôn nhân, xung quanh Duy Khánh luôn xuất hiện những người phụ nữ xinh đẹp, nhưng cuộc đời ông gắn bó với 3 người.
Mối tình đầu của ông là ca sĩ Tuyết Mai, người cùng hát song ca với ông trong những năm đầu của sự nghiệp. Bà Tuyết Mai sinh cho ông hai người con, cuộc hôn nhân chấm dứt vào khoảng năm 1960.
Năm 1964, Duy Khánh thành hôn với Âu Phùng, một vũ công xinh đẹp trong ban vũ Lưu Bình Hồng. Bà Âu Phùng là một thiếu nữ người Hoa xinh đẹp, có dáng dấp cao ráo và rất chiều chồng. Hai người thuê căn phố hai tầng trên đường Trần Quang Khải, Tân Định và có với nhau hai người con. Sau đó hai người lại dọn về một căn nhà nhỏ trong hẻm đường Nguyễn Trãi.
Sau khi ly thân cùng Âu Phùng, Duy Khánh lại dọn về một căn nhà 3 phòng trên đường Trần Hưng Đạo, nơi ông tiếp tục mở lớp nhạc Trường Sơn và hoạt động mạnh trong việc sản xuất băng nhạc.
Vào khoảng giữa thập niên 1970, Duy Khánh thành hôn với bà Thuý Hoa và chung sống cho đến lúc cuối đời. Lúc đó họ sinh sống ở Vũng Tàu, và đó cũng là thời điểm mà Duy Khánh tổ chức được những buổi nhạc hội rất thành công. Một thời gian sau biến cố 1975, khi các đoàn ca nhạc được phép hoạt động trở lại, Duy Khánh mượn danh phòng Thông Tin Văn Hoá ở địa phương để thành lập đoàn Quê Hương, quy tụ được nhiều nghệ sĩ danh tiếng trước năm 1975 đi biểu diễn khắp nơi, trong đó có nhạc sĩ Châu Kỳ, Nhật Ngân… và các ca sĩ Ngọc Minh, Nhã Phương, Bảo Yến… Thời gian này Duy Khánh có được cuộc sống dư dả hơn trước đó, nhưng trong lòng vẫn mang một mối sầu lớn và rất chán nản, vùi đầu vào những cơn say triền miên.
Cuối cùng Duy Khánh và vợ là bà Thuý Hoa cùng 3 người con cũng đến được Hoa Kỳ vào năm 1988 nhờ sự bảo lãnh của người em. Tại hải ngoại, ông vẫn tiếp tục sinh hoạt văn nghệ, nhưng không thể nào trở lại một thời vàng son như trước.
Sau nhiều năm tháng ra vào bệnh viện vì những căn bệnh trầm kha, Duy Khánh đã qua đời ở tuổi 66. Lễ tang của ông được quay phim và phát hành thành băng, trở thành một hiện tượng băng đĩa thời đó.
Nhạc sĩ Phạm Duy đã phát biểu trong ngày tiễn đưa ông về bên kia thế giới: “Trong giọng ca Duy Khánh, nghe âm hưởng tiếng trống cổ thành, tiếng thông reo trên đồi Vọng Cảnh”.
nhacxua.vn biên soạn