Tuấn Ngọc được xem là một trong những nam ca sĩ tiêu biểu nhất của dòng nhạc trữ tình hải ngoại sau năm 1975 cho đến nay. Ông sở hữu giọng hát trầm ấm và có phong cách diễn tả đặc biệt, là nam ca sĩ nhận được đánh giá cao của giới chuyên môn cũng như sự hâm mộ của công chúng yêu nhạc. Những nhạc sĩ trữ tình nổi tiếng nhất của nhạc Việt là Ngô Thụy Miên, Vũ Thành An, Từ Công Phụng, Phạm Duy, Trịnh Công Sơn đều xem Tuấn Ngọc là giọng ca nam hát thành công nhất những ca khúc của họ.
Tuấn Ngọc cũng được nhiều người xem như một “tượng đài” của dòng nhạc trữ tình, luôn xuất hiện trên sân khấu với một phong cách chỉn chu, lịch thiệp của một quý ông đích thực. Đặc biệt, gióng hát của ông còn tạo thành một “trường phái Tuấn Ngọc” tạo được sự ảnh hưởng tới nhiều nam ca sĩ thế hệ sau như Nguyên Khang, Trần Thái Hòa, Quang Dũng, Xuân Phú,…
Ca sĩ Tuấn Ngọc tên thật là Lã Anh Tuấn, sinh ngày 4/10/1947 tại Đà Lạt trong một gia đình nghệ thuật với những tên tuổi lớn như nghệ sĩ Lữ Liên (bố), Bích Chiêu (chị gái) và các em đều là những giọng ca nổi tiếng là Anh Tú, Khánh Hà, Thúy Anh, Lan Anh, Lưu Bích.
Ca sĩ Tuấn Ngọc đi hát từ rất sớm, từ khi lên 4 tuổi, ông đã hát và được mời cộng tác trong các chương trình ca nhạc dành riêng cho thiếu nhi trên đài phát thanh, cùng thời với những “thần đồng” Quốc Thắng và Kim Chi. Thời gian sau đó Tuấn Ngọc cộng tác với chương trình dành riêng cho thiếu nhi của cặp nghệ sĩ Kiều Hạnh và Phạm Đình Sỹ (là bác ruột của ca sĩ Thái Thảo – vợ của ông sau này).
Ông đã tự giải thích một cách hài hước về nghệ danh Tuấn Ngọc đã gắn bó với sự nghiệp ca hát lừng lẫy như sau:
“Hồi còn nhỏ, lúc 7 tuổi, tôi đi hát lấy tên thật là Anh Tuấn, nhưng trong đài phát thanh đã có một kịch sĩ lâu năm cũng tên Anh Tuấn nên mọi người không cho tôi lấy tên đó, sợ bị trùng, sợ tôi lĩnh lương của ổng. Bố tôi đổi tên cho tôi mà không hỏi ý kiến nên bây giờ tôi có tên là Ngọc nữa”.
Khi mới được 13 tuổi (năm 1960), Tuấn Ngọc đã theo chân các ca sĩ đàn anh đàn chị để đi hát nhạc ngoại ở những club Mỹ, lúc này vẫn còn rất thưa thớt ở Sài Gòn. Sau năm 1965, cùng với sự xuất hiện ồ ạt của người Mỹ ở miền Nam, các club Mỹ ngày càng nhiều, phong trào nhạc trẻ và nhạc ngoại phát triển cực thịnh, Tuấn Ngọc là một trong những ca sĩ hoạt động tích cực nhất và được biết đến chủ yếu với nhiều ca khúc nhạc tiếng Anh.
Đầu thập niên 1970, ông tham gia vào hai ban nhạc trẻ nổi tiếng nhất thời bấy giờ đó là The Strawberry Four và The Top Five.
Ca sĩ Tuấn Ngọc có thể xem là sinh cùng thời với những danh ca nhạc trữ tình tiền chiến như Khánh Ly (sinh năm 1945), Lệ Thu (sinh năm 1943)… Tuy nhiên vào thời điểm trước năm 1975, ông không nổi danh như những ca sĩ này, và chủ yếu là hát nhạc trẻ, nhạc nước ngoài. Các bản thu âm trước 1975 của Tuấn Ngọc cũng có rất ít, bởi vì ngày đó thu băng đĩa chủ yếu là nhạc Việt, còn Tuấn Ngọc chỉ hát live nhạc nước ngoài ở các club, phòng trà và tụ điểm âm nhạc ngoài trời.
Click để nghe Tuấn Ngọc hát trước năm 1975 trong băng nhạc Tứ Quý
Lần hát nhạc Việt hiếm hoi của ca sĩ Tuấn Ngọc trước năm 1975 là trong băng nhạc Tứ Quý cho ca sĩ Lệ Thu thực hiện, với 4 tiếng hát được đánh giá là “thượng thừa”: Lệ Thu, Khánh Ly, Duy Trác và Tuấn Ngọc. Trong băng nhạc này, Tuấn Ngọc hát 4 bài: Chiều Tưởng Nhớ, Bao Giờ Biết Tương Tư, Bài Không Tên Số 5 và Ru Em. Sau một thời gian dài hát nhạc ngoại, khi hát nhạc Việt trong băng nhạc này, Tuấn Ngọc nói rằng ông hát không chuẩn, nên lại tiếp tục hát nhạc ngoại từ đó cho đến khi cùng gia đình sang Mỹ định cư sau năm 1975.
Thời điểm mới sang hải ngoại, đời sống người Việt còn khó khăn trong việc mưu sinh nên Tuấn Ngọc và nhiều ca sĩ khác vẫn còn lận đận trong sự nghiệp. Đến năm 1981, Tuấn Ngọc trở lại hát nhạc Việt trong băng nhạc thu chung với Lệ Thu. Tuy nhiên với cuốn băng này, Tuấn Ngọc cho biết là ông vẫn chưa có duyên với nhạc Việt nên lại có thêm một hành trình 5 năm chơi nhạc ngoại ở Hawaii nữa, trước khi trở lại CD nhạc Lời Gọi Chân Mây cùng với ca sĩ Thái Hiền năm 1989. Bạn có thể nghe CD nhạc này ở bên dưới:
Click để nghe
Lời Gọi Chân Mây là CD nhạc của trung tâm Diễm Xưa với phần hòa âm rất tuyệt vời của nhạc sĩ Duy Cường, con trai của nhạc sĩ Phạm Duy, cũng là người anh vợ sau này của Tuấn Ngọc.
Album nhạc này rất thành công và được tái bản nhiều lần với những ca khúc trữ tình thuộc dòng nhạc tình ca mang âm hưởng thời tiền chiến, trở thành dòng nhạc tạo nên tên tuổi của Tuấn Ngọc từ đó trở về sau. Đó là sự kết duyên muộn màng của Tuấn Ngọc với nhạc Việt vào lúc ông đã 42 tuổi, nhưng đã thành công rực rỡ.
Người hát chung trong đĩa nhạc Lời Gọi Chân Mây là ca sĩ Thái Hiền, 5 năm sau đó trở thành “chị vợ” của Tuấn Ngọc, vì đến năm 1994, ông thành hôn với ca sĩ Thái Thảo (em gái của Thái Hiền, con gái của nhạc sĩ Phạm Duy). Đây là cuộc hôn nhân thứ 3 của Tuấn Ngọc, khi đã đổ vỡ 2 lần trước đó.
Giọng ca Tuấn Ngọc có phong cách diễn tả đặc biệt, nhận được sự đánh giá cao của giới chuyên môn cũng như sự hâm mộ của công chúng yêu nhạc. Những nhạc sĩ Ngô Thụy Miên, Vũ Thành An, Từ Công Phụng, Phạm Duy, Trịnh Công Sơn cũng xem Tuấn Ngọc là giọng ca nam hát những nhạc phẩm của họ thành công nhất. Ông cũng được nhiều người xem như một giọng ca nam “tượng đài” của dòng nhạc tình ca Việt Nam ở hải ngoại. “Trường phái Tuấn Ngọc” đã ảnh hưởng tới nhiều ca sĩ thế hệ sau như Nguyên Khang, Trần Thái Hòa, Quang Dũng, Xuân Phú,…
Nhắc đến Tuấn Ngọc, không thể không nhắc đến ca khúc Riêng Một Góc Trời của nhạc sĩ Ngô Thụy Miên. Đây là một trường hợp khá đặc biệt vì ca khúc này được sáng tác sau năm 75, cụ thể là năm 1997, khi ca sĩ Tuấn Ngọc và Ngô Thụy Miên (sinh năm 1948) cùng ở độ tuổi 50. Ca khúc này thành công rực rỡ, được xem như là 1 trong những bài hát hay nhất của ca sĩ Tuấn Ngọc à nhạc sĩ Ngô Thụy Miên, điều này cho thấy sức lao động và sáng tạo không ngừng nghỉ, không giới hạn tuổi tác của các nghệ sĩ Việt ở hải ngoại.
Click để nghe ca khúc Riêng Một Góc Trời
Nói về sự dịch chuyển từ một giọng ca chuyên hát nhạc nước ngoài để trở thành một “tượng đài” của nhạc Việt, Tuấn Ngọc từng nói: “Trước đây tôi cũng không nghĩ rằng tôi sẽ hát những ca khúc Việt Nam rồi nổi tiếng, nhưng đúng là những thứ không tính đến là những thứ sẽ xảy ra. Những gì mình tính, chắc gì đã đến?
Nhưng suy cho cùng, làm gì thì làm, tôi cũng không thể hát nhạc ngoại hay bằng nhạc Việt Nam. Vì chỉ khi hát bằng tiếng mẹ đẻ, người ta sẽ hiểu được những tận cùng cảm xúc trong giai điệu và ca từ”.
Những ca khúc tình ca gắn liền với tên tuổi Tuấn Ngọc thường rất buồn. Bài hát buồn mà qua giọng hát của ông như càng buồn hơn, như thể là ông đã đi đến tận cùng cảm xúc bài hát để diễn tả một cách trọn vẹn nhất. Tuấn Ngọc nói: “Bản thân tình khúc Việt Nam phần đông những ca khúc hay là những ca khúc buồn, với những tình yêu không có những đoạn kết hạnh phúc. Người ca sĩ không nhất thiết phải buồn đau như người trong ca khúc, nhưng chắc chắn một điều rằng họ sẽ không bao giờ hát hay, nếu như họ không là con người tình cảm”.
Theo thời gian, cùng với làn sóng ca sĩ hải ngoại trở về nước hát phục vụ công chúng ở trong nước vốn hâm mộ cuồng nhiệt tiếng hát Tuấn Ngọc chỉ qua băng đĩa ở hải ngoại. Sau một thời gian thu âm trong vài CD ở trong nước, xuất hiện trong một số liveshow quy mô nhỏ, đến năm 2006, Tuấn Ngọc thực hiện liveshow lớn đầu tiên với chủ đề là Riêng Một Góc Trời ở Nhà hát Hòa Bình – Sài Gòn. Mời bạn nghe liveshow này ở bên dưới:
Click để nghe
Kể từ đó, Tuấn Ngọc thường xuyên di chuyển giữa Hoa Kỳ và Việt Nam để tham gia nhiều sự kiện âm nhạc trong nước, cũng như xuất hiện trên các chương trình Thúy Nga, Vân Sơn ở hải ngoại.
Hồi vài năm trước, Tuấn Ngọc từng gây tranh cãi khi nhận lời tham gia hát chung với nhưng giọng ca trẻ thuộc dòng nhạc thị trường, điển hình là Sơn Tùng MTP. Về việc này, ông nói trên báo VNN: “Mình đi hát, có người muốn hát chung với mình, sao mình lại từ chối? Nhất lại là một người trẻ. Trừ khi sự kết hợp đó là kỳ quá! Sơn Tùng, tôi cũng đã nói chuyện, tôi thấy cậu ấy thông minh mà! Còn chuyện bắt chước nhạc, ôi trên đời này thử hỏi có ai là không bắt chước. Ngay cả cái bộ quần áo trên người mình cũng đâu phải của mình đâu. Miễn sao cái sự bắt chước đó, ảnh hưởng đó, không hoàn toàn là copy, mà phải cố gắng để vào đó dấu ấn riêng của mình”.
Đầu năm 2019, ca sĩ Tuấn Ngọc lại gây chú ý khi nhận lời làm huấn luyện viên trong chương trình The Voice – Giọng Hát Việt, trở thành huấn luyện viên lớn tuổi nhất trong lịch sử gameshow này. Quán quân trong Giọng Hát Việt 2019 cũng là học trò của Tuấn Ngọc, tên là Đức Thịnh. Sau khi chương trình này kết thúc hồi tháng 7 năm 2019, Tuấn Ngọc cũng cho biết sẽ tiếp tục tham dự chương trình nếu được mời vì các giọng ca trẻ cần được chia sẻ kinh nghiệm từ những thế hệ đi trước nhiều hơn.
“Bây giờ, tôi đã nói nhiều hơn. Còn trước đây, tôi chỉ thích làm mà không thích nói vì mọi thành quả đều cần lao động. Tham dự chương trình, tôi giúp các em được gì? Đó là kinh nghiệm. Ví dụ, các em cần thời gian dài để trau dồi thì tôi rút ngắn thời gian cho các em. Thay vì các em phải đi đường vòng, tôi giúp em đi đường thẳng”, Tuấn Ngọc chia sẻ.
Đông Kha
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn