Ca sĩ Thiên Kim là tên tuổi quen thuộc của làng nhạc hải ngoại từ thập niên 1990. Cô từng là gương mặt thường xuyên trên chương trình Paris By Night từ 1997 đến 2001, sau đó chuyển qua trung tâm Asia cho đến khi trung tâm này gần như dừng hoạt động cách đây vài năm.
Ngoài khả năng ca hát ở nhiều thể loại nhạc với chất giọng khàn đặc biệt, nhiều khán giả đã trầm trồ khi được nghe và thấy và cô trình diễn đàn tranh rất thuần thục những ca khúc nhạc vàng truyền cảm.
Ca sĩ Thiên Kim có tên thật là Trần Thiên Kim, sinh năm 1972 tại Sài Gòn trong một gia đình có 2 anh em.
Thân mẫu Thiên Kim là ca sĩ Thanh Trúc, từng khá quen thuộc trước năm 1975 với các quân nhân đồn trú tại những tiền đồn đèo heo, hút gió. Cậu ruột của Thiên Kim cũng chính là nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9.
Thân phụ Thiên Kim là cựu SVSG khóa 16 Trường Võ Bị Đà Lạt, Trần Ngọc Toàn, bút hiệu Lê Phong, từng tham gia trong ban văn nghệ ở quân trường. Vì vậy Thiên Kim mang dòng máu văn nghệ, được mẹ hướng dẫn ca hát khi còn nhỏ. Thiên Kim cũng là học trò nhạc sĩ Văn Vĩ và được học đàn tranh từ rất sớm. Mời bạn nghe tiếng đàn tranh của cô ở bên dưới:
Thiên Kim trình diễn đàn tranh
Khi được 6 tuổi, Thiên Kim đã học hát cải lương và biết rất nhiều bài vọng cổ, cải lương. Năm 12 tuổi, cô đã trình diễn cổ nhạc trên sân khấu nhà hát Trần Hữu Trang (rạp Hưng Đạo). Nhưng với suy ngh thực tế từ khi còn nhỏ, cô nhận thấy theo ngành cải lương không có được thu nhập nhiều như tân nhạc nên đã chuyển ngành khi được 16 tuổi.
Thiên Kim tự học âm nhạc và đi hát tại các tụ điểm ca nhạc ở Sài Gòn từ năm 1986. Năm 1988, được sự khuyến khích của gia đình, Thiên Kim tham gia cuộc thi Tiếng hát truyền hình và đạt giải nhì với ca khúc Xa Vắng của Nguyễn Văn Hiên. Từ đó cô thường xuyên trình diễn ở các nhạc hội, chương trình ca nhạc, phóng trà vũ trường Liberty, Maxim Queen Bee… ở Sài Gòn.
Ngoài ra, ít người biết rằng khi còn ở Việt Nam, Thiên Kim đã trực tiếp điều hành công ty nuôi tôm mang tên cô ở tỉnh Sông Bé do bố mẹ cô thành lập. Cũng chính cô giám đốc trẻ măng này đã cho chính anh ruột mình nghỉ việc với lý do không đáp ứng được yêu cầu của công việc. Điều này cho thấy rõ bản tính cứng rắn của Thiên Kim.
Sau khi tốt nghiệp phổ thông tại trường Trần Khai Nguyên, Thiên Kim ghi tên theo học Đại Học Kinh Tế Đối Ngoại. Nhưng chỉ vài tháng sau đó cô đã hoàn tất thủ tục để rời Việt Nam sang Mỹ.
Tháng 5 năm 1995, khi đang theo học năm đầu tiên đại học, Thiên Kim rời Việt Nam để sang định cư tại Hoa Kỳ. Tại đây, Thiên Kim được Howard Huệ giới thiệu với trung tâm Tình Music, và trung tâm này đã mời cô thu thanh một số CD. Cũng trong thời gian này cô được mời xuất hiện lần đầu tiên trong video Sao Sáng của ca sĩ Giao Linh. Trong chương trình này, Thiên Kim đã gặp lại ca sĩ Lay Minh, khi còn ở trong nước đã thường xuyên sinh hoạt ca hát cùng với Thiên Kim trong các đội nhóm thiếu nhi. Lay Minh giới thiệu bạn cũ với Trung tâm Thúy Nga vào tháng 12 năm 1996.
Thiên Kim bắt đầu cộng tác với Thuý Nga từ tháng 4 năm 1997 và xuất hiện trên sân khấu Paris By Night từ số 39 đến 62.
Lần đầu tiên Thiên Kim xuất hiện trên sân khấu Paris By Night là trong liên khúc “Đêm Đô Thị”, trình bày chung với Khánh Hoàng và Lay Minh. Nhưng phải qua đến cuốn video số 41, khán thính giả mới bắt đầu để ý đến cô qua nhạc phẩm Điệu Buồn Dang Dở của Hoàng Thi Thơ. Sau khi hết hợp đồng với Thúy Nga, Thiên Kim cộng tác với Trung tâm Asia từ chương trình Asia 35 – Dạ vũ quốc tế 3 vào năm 2001.
Ở ngoài đời, tính tình của Thiên Kim rất vui vẻ, nhưng sở trường của cô lại là nhạc buồn. Thiên Kim sở hữu giọng hát khàn khàn với cách phát âm đặc biệt, thể hiện được rất cảm xúc các bài hát như Xa Vắng, Anh Còn Nợ Em, Rong Chơi Cuối Trời Quên Lãng…
Trong một bài phỏng vấn, ca sĩ Thiên Kim thể hiện quan điểm nghề nghiệp của cô như sau:
“Là một ca sĩ hay bất cứ ngành nghề nào, tài năng đích thực mới là thước đo đáng kể nhứt. Chuyện vào trung tâm ca nhạc, dựa hơi người này, người kia hoặc là lăng nhăng tình cảm với ông/bà chủ để tạo thế đứng, hay tệ hơn là ganh ghét với đồng nghiệp chỉ vì mình kém tài hơn… theo tôi, tất cả những thủ đoạn này sẽ không thể tồn tại được lâu dài. Vì sao? Vì nghệ thuật không phải là chốn cho người ta “xài bạc giả” mãi được. Phải tự thân rèn luyện, tạo dựng cho mình một thế đứng riêng, với tiếng hát, với phong cách và với những gì mình có thể làm được để tạo dựng nên tên tuổi của mình. Trung tâm chỉ là chỗ dựa, là bệ phóng cho mình mà thôi. Nhưng để làm một tên tuổi, đâu phải ngồi khoanh tay mà được? Trước khi đến với Thúy Nga, tôi đã tạo dựng được ít nhiều tiếng vang về mình. Bây giờ qua trung tâm Asia, tôi vẫn phải tiếp tục làm việc thật nhiều để mang tiếng hát đến với khán giả”.
nhacxua.vn tổng hợp