Cuộc đời và sự nghiệp của ca sĩ – nhạc sĩ Nhật Trường Trần Thiện Thanh (1942-2005)

Trước năm 1975, Nhật Trường – Trần Thiện Thanh là tên tuổi nổi bật của dòng nhạc vàng, đặc biệt thành công trong cả vai trò nhạc sĩ và ca sĩ. Ông được vinh danh là 1 trong tứ trụ nhạc vàng cho tài năng và những đóng góp của mình trong làng nhạc cùng với Duy Khánh, Hùng Cường và Chế Linh.

Nếu bạn là người yêu thích nhạc xưa, hãy theo dõi kênh YouTube này để nghe đọc các bài cảm nhận về âm nhạc (phân tích ý nghĩa, hoàn cảnh sáng tác, tiểu sử ca nhạc sĩ): LINK YOUTUBE  < Click

Nhạc sĩ Trần Thiện Thanh sinh ngày 12 tháng 6 năm 1942 tại làng Phú Trinh, Phan Thiết, Bình Thuận. Thời trung học, ông học ở ngôi trường trung học công lập đầu tiên của Phan Thiết là trường Phan Bội Châu, sau đó chuyển sang trường trung học Ngô Đình Khôi của giáo hội công giáo (sau 1963 đổi thành trường tư thục Chính Tâm, nay là trường chuyên Trần Hưng Đạo).

Cha của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh là ông Trần Thiện Hải, là một nghệ sĩ kiêm soạn giả nổi tiếng của đất Phan Thiết. Thừa hưởng chất nghệ sĩ từ cha, cộng thêm vùng thổ những của núi sông miền biển mặn đã tạo cho Trần Thiện Thanh từ trẻ đã có một khả năng sáng tạo đặc biệt.

Đam mê âm nhạc và ca hát từ nhỏ, nhưng vì nhà nghèo không được đi học nhạc bài bản nên Trần Thiện Thanh chủ yếu là mày mò tự học nhạc lý qua sách vở. Từ năm 13 tuổi, ông đã mày mò tập viết nhạc. Đến năm 16 tuổi, ông bắt đầu có những sáng tác đầu tay được nhiều người yêu mến và biết đến, ca khúc tiêu biểu nhất của ông trong thời gian đầu sự nghiệp là Hàn Mặc Tử.

Ngoài tên thật Trần Thiện Thanh được dùng làm bút danh khi sáng tác, Trần Thiện Thanh còn dùng tên của nhiều thành viên trong gia đình làm bút danh như: Trần Thiện Thanh Toàn (tên em trai đã tử trận), Thanh Trân Trần Thị (tên con gái), Trần Thị Thanh Trúc (tên con gái), Anh Chương (tên con trai lớn).

Nói về nghệ danh Nhật Trường thường được sử dụng trên sân khấu âm nhạc với vai trò ca sĩ, Trần Thiện Thanh tâm sự: “Hồi nhỏ tôi thích ca hát lắm nhưng bố mẹ tôi không cho. Thế là tôi phải chờ đến ban đêm đợi bố mẹ đi ngủ rồi mới dám hát. Nhiều khi ban ngày thèm hát quá mà phải đợi đến tối, thấy ngày sao dài ghê nên tôi chọn tên Nhật Trường, có nghĩa là ngày dài”.

Sau khi vừa tốt nghiệp tú tài, Trần Thiện Thanh cưới vợ là bà Trần Thị Liên khi 2 người chưa tròn 20 tuổi. Họ cùng quê Phan Thiết, sau khi cưới thì chuyển vào Sài Gòn sinh sống. Thời gian mới vào Sài Gòn, hai vợ chồng phải ở nhờ nhà của một người chị ở Vĩnh Hội. Dù đã có một số sáng tác được biết đến nhưng công việc chính của Trần Thiện Thanh lúc này là dạy Pháp văn trong trường trung học.

Khi bà Liên mang thai con trai đầu lòng, cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ càng khó khăn hơn. Một nhạc sĩ trẻ chưa có tên tuổi như Trần Thiện Thanh thì không biết làm cách nào bán nhạc được cho nhà xuất bản, nên để có tiền trang trải cuộc sống và đón con sắp chào đời, ông đành bán đứt bản quyền ca khúc Chuyến Đi Về Sáng cho nhạc sĩ Mạnh Phát, vốn đã thành danh trước đó. Ca khúc này sau khi mua về, nhạc sĩ Mạnh Phát đã đem sửa lại chút ít và phát hành ra công chúng dưới tên mình. Ngoài Chuyến Đi Về Sáng, ca khúc Qua Xóm Nhỏ cũng là một sáng tác khác của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh được bán cho nhạc sĩ Mạnh Phát. Theo lời kể của bà Trần Thị Liên sau này, nhạc sĩ Trần Thiện Thanh viết ca khúc Qua Xóm Nhỏ khi ông còn đi học ở Phan Thiết, cảm hứng từ một lần ông qua nhà bà chơi lúc hai người mới quen nhau.

Năm 1963, sau khi người con trai đầu là Trần Thiện Anh Chương chào đời, sự nghiệp âm nhạc của Trần Thiện Thanh cũng bắt đầu khởi sắc. Nhờ chăm chỉ làm việc, tích góp, Trần Thiện Thanh không cần phải ở nhà nhà chị nữa, ông đưa vợ con chuyển ra sống riêng ở Hoà Hưng. Ngoài sáng tác âm nhạc, đi hát, đi dạy, Trần Thiện Thanh còn làm công việc xướng ngôn viên cho đài phát thanh.

Khoảng năm 1964 – 1965, Trần Thiện Thanh đưa vợ con về nhà cha mẹ ở Phan Thiết, rồi ra Nha Trang theo học một khoá học ngắn chừng vài tháng tại trường Hạ sĩ quan. Sau khi hoàn thành khoá học, ông được phân công về làm việc tại cục tâm lý ᴄhιến thuộc Bộ tổng tham mưu. Kinh tế lúc này đã khá giả, để tiện đi làm, Trần Thiện Thanh mua nhà ở Thị Nghè rồi đón vợ con vào lại Sài Gòn.

Vợ và 3 con của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh năm 1969

Thành công nối tiếp thành công

Trong 10 năm làm việc, từ 1965 đến tháng 4 năm 1975, Trần Thiện Thanh được bổ nhiệm đến chức Trưởng ban văn nghệ của Đài Phát thanh và Truyền hình Quân Ðội. Ông được giao phụ trách nhiều chương trình phát thanh và truyền hình quan trọng của cục tâm lý chiến như: chương trình phóng sự chiến trường của đài truyền hình Quân Đội, chương trình âm nhạc Tiếng Hát Đôi Mươi trên đài truyền hình Sài Gòn, chương trình nhạc chọn lọc của đài Tiếng Nói Quân Đội…

Do đặc thù của công việc là tâm lý ᴄhιến, những sáng tác của Trần Thiện Thanh trong giai đoạn này cũng chủ yếu viết về lính, về tình yêu và tâm sự của người lính. Ông tâm sự: “Tôi lớn lên vào những ngày tháng khói lửa, tôi nghĩ những khổ đau kiêu hùng của đời lính, sự mất mát của mỗi người trong chiến cuộc là nguyên nhân chính ảnh hưởng đến tác phẩm của tôi”. 


Click để nghe tuyển chọn những ca khúc Trần Thiện Thanh (nhiều ca sĩ) thu âm trước 1975

Một số nhạc phẩm tiêu biểu của thể loại này có thể kể đến như: Người Ở Lại Charlie, Anh Không Chết Đâu Anh, Đồn Vắng Chiều Xuân, Chiều Trên Phá Tam Giang, Biển Mặn, Rừng Lá Thấp, Chuyện Tình Mộng Thường, Tình Thư Của Lính, Mùa Xuân Lá Khô… 

Nhạc sĩ Trần Thiện Thanh (đeo kính), bên trái là nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương

Ngoài sáng tác, Trần Thiện Thanh còn thực hiện các chương trình nhạc cảnh, đóng phim, kịch về lính. Trong nhiều sản phẩm, không chỉ tham gia với vai trò thực hiện chương trình, Trần Thiện Thanh còn trực tiếp đảm nhận nhiều vai diễn, đóng phim, kịch chung với Thanh Lan.

Thập niên 1960, ông thành lập nhóm Tứ ca Nhật Trường với 4 giọng ca chính là Như Thuỷ (em gái Trần Thiện Thanh), Vân Quỳnh, Diễm Chi và Nhật Trường đã tham gia biểu diễn và thu thanh rát nhiều trong các băng nhạc Nhật Trường.


Click để nghe Tứ ca Nhật Trường hát Qua Cơn Mê

Đầu thập niên 1970, ông còn điều hành trung tâm phát hành tờ nhạc và thu băng mang tên Tiếng Hát Đôi Mươi. Thời gian hoạt động, trung tâm này đã thực hiện và cho ra mắt được 12 băng nhạc mang chủ đề Nhật Trường, đến nay vẫn còn giữ nguyên giá trị nghệ thuật và được nhiều người tìm nghe.

Có thể nói trong Tứ Trụ Nhạc Vàng thì Nhật Trường-Trần Thiện Thanh có sự cân bằng nhất giữa 2 vai trò là ca sĩ, nhạc sĩ, cả 2 lĩnh vực này ông đều thành công vang dội.

Nhật Trường có giọng hát rất đặc biệt, như lời thủ thỉ tự tình trong những ca khúc không chỉ là của chính ông sáng tác, mà của cả nhiều nhạc sĩ khác, như Hành Trang Giã Từ, Chuyện Người Đan Áo (Trường Sa), Hoa Biển (Anh Thy), Lời Tình Viết Vội (Giao Tiên), Thư Cho Vợ Hiền (Song Ngọc)… Những ca khúc này Nhật Trường hát thành công đến nỗi cho đến nay vẫn có nhiều người tưởng là của ông sáng tác.


Click để nghe tuyển chọn nhạc Nhật Trường hát trước 1975

Nói về giọng hát Nhật Trường, tác giả Lê Hữu đã nhận xét:

Giọng Nhật Trường không vang lộng, không được gọi là “làn hơi phong phú”. Kỹ thuật ngân, rung cũng không phải là điêu luyện. Giọng ông trầm ấm, nhưng cũng không ấm hơn những giọng nam trầm khác cùng thời khác, nhưng nghe “mềm” hơn và “ngọt” hơn. Ông biết tận dụng cái giọng tốt trời cho ấy và biết cách trau chuốt để làm đẹp thêm giọng hát mình.

Nhiều người cho là giọng hát ấy có hơi… điệu. Nói thế không phải là không đúng, và cũng không có gì lạ. Đó là cái điệu… tự nhiên, vì ngay từ cử chỉ, điệu bộ cho đến cung cách nói chuyện của ông cũng đã có một vẻ gì đó điệu đàng. Và khi ông hát, cái điệu rất riêng ấy thể hiện qua kiểu cách nhấn nhá và luyến láy mềm mại, qua chất giọng nồng nàn, tình tứ như là những sự vuốt ve, mơn trớn. Ông hát điệu, nhưng cũng chỉ là làm duyên làm dáng vậy thôi chứ không thái quá như những kiểu rên xiết, nấc nghẹn… hoặc “phô diễn kỹ thuật” vô hồn vô cảm cảm vài thợ hát hiện nay.

Nhiều người đã gọi tiếng hát Nhật Trường là “giọng hát truyền cảm”, có nghĩa giọng hát ấy truyền được những rung cảm tới người nghe, hoặc nói cách văn vẻ, chạm được tới trái tim người nghe. Sức “truyền cảm” của giọng hát ấy không phải chỉ do ở “kỹ thuật” của riêng ông mà còn ở cách ông phả hơi thở đầy cảm xúc vào từng lời, từng chữ, từng nốt nhạc.

Trượt dốc sau 1975

Sau tháng 4 năm 1975, toàn bộ các sáng tác nhạc của Trần Thiện Thanh bị cấm lưu hành, bản thân ông không chỉ bị cấm hát mà còn bị đưa đi cải tạo do từng làm việc trong quân đội của chính quyền cũ. Sau khi ra khỏi trại cải tạo, Trần Thiện Thanh vượt biên thất bại nên lại bị bắt giam trở lại đến tận năm 1978 mới được thả ra. Thời gian sau đó, do bị cấm hoạt động văn nghệ, Trần Thiện Thanh phải đi hát chui theo đoàn hát của ông bầu Ngọc Giao để mưu sinh tại số làng xã nhỏ dọc miền Trung và miền Tây Nam Bộ.

Trước biến cố 1975 một thời gian thì Nhật Trường Trần Thiện Thanh đã chia tay vợ đầu Trần Thị Liên, sau khi có với bà 6 người con chung.

Sau năm 1975, ca sĩ Nhật Trường theo các đoàn hát và có thời gian quen biết, sau đó kết hôn với ca sĩ Kim Dung. Bà Kim Dung cũng chính là ca sĩ Hạnh Dung trước đó từng đi hát trong Biệt đoàn văn nghệ trung ương, là nguồn cảm hứng cho nhạc sĩ Lam Phương sáng tác ca khúc nổi tiếng Thành Phố Buồn. Hai người có với nhau 1 người con chung là Trần Thiện Anh Chính.

Nhật Trường và vợ thứ 2

Năm 1984, dù các sáng tác của Trần Thiện Thanh từ trước năm 1975 vẫn bị cấm đoán nghiêm ngặt, Trần Thiện Thanh đã được phép đi hát trở lại. Ca khúc nổi tiếng nhất của Trần Thiện Thanh ra đời trong giai đoạn này là bài Chiếc Áo Bà Ba.

Bắt đầu từ năm 1991, chính quyền trong nước thực hiện các chính sách nới lỏng với văn nghệ. Các ca khúc được đánh giá là “vô hại”, đơn thuần là nhạc tình cảm đã được phép lưu hành trở lại, trong đó có một số nhạc phẩm của Trần Thiện Thanh như: Tình Có Như Không, Chuyện Hẹn Hò, Gặp Nhau Làm Ngơ, Bảy Ngày Đợi Mong, Tình Đầu Tình Cuối…

Năm 1993, sau khi chia tay người vợ thứ 2, Trần Thiện Thanh được nữ ký giả Nam Trân bảo lãnh sang Mỹ theo con đường “kết hôn gιả”.

Lận đận trên đất Mỹ

Nếu sự nghiệp của Trần Thiện Thanh sau năm 1975 ở trong nước bị xuống dốc không phanh và có phần phũ phàng, thì sau năm 1993 khi đã tới được “miền đất hứa” là nước Mỹ, con đường âm nhạc của ông cũng không suôn sẻ hơn là mấy. Bởi sau khi được Nam Trân bảo lãnh sang Mỹ không bao lâu thì Trần Thiện Thanh xảy ra mâu thuẫn với nữ ký giả. Điều này khiến cho việc nhập tịch của Trần Thiện Thanh không thể thực hiện. Ông đã phải sống trong tình trạng di trú dang dở như vậy suốt hơn 10 năm cho đến khi con trai trưởng là Trần Thiện Anh Chương đủ điều kiện bảo lãnh nhập tịch cho ông.

Nhật Trường năm 1993, ngay sau khi ông đến Mỹ

Mặc dù là một tên tuổi tài danh, nắm giữ nhiều vị trí quan trọng trong làng nhạc Sài Gòn trước 1975 suốt hơn nhiều năm nhưng khi qua đến Mỹ, Trần Thiện Thanh đã không thể hoà nhập tốt với môi trường âm nhạc hải ngoại. Trong một bài viết, MC Nguyễn Ngọc Ngạn đã phần nào hé lộ lý do tại sao tên tuổi Trần Thiện Thanh đã không thể một lần nữa thăng hoa như rất nhiều nghệ sĩ thành danh khác.

Thứ nhất là bởi, khi Trần Thiện Thanh đến Mỹ, giai đoạn khởi đầu cực thịnh của âm nhạc hải ngoại suốt thập niên 1980 – đầu thập niên 1990 đã bắt đầu đi vào thoái trào và dần được định hình với một số tên tuổi nổi bật.

Thứ hai, tình trạng di trú không hợp pháp của Trần Thiện Thanh khiến ông không thể đi lưu diễn nước ngoài.

Thứ ba, khi mới bước chân đến Mỹ, Trần Thiện Thanh dường như vẫn mang trên mình thứ hào quang quá sáng chói của quá khứ và rất kỹ tính trong công việc. Theo chia sẻ của MC Nguyễn Ngọc Ngạn, mặc dù, trung tâm Thuý Nga đã làm việc với Trần Thiện Thanh tận 4 lần khi ông vừa tới Mỹ nhưng vẫn không thể đạt được thoả thuận hợp tác, bởi vì: “Trần Thiện Thanh đòi nhiều điều kiện khó khăn quá. Ngoài tiền tác quyền anh tính quá cao so với các nhạc sĩ khác, anh còn muốn can dự cả vào việc chọn bài bản và mời ca sĩ trình diễn”. Trong khi, thời điểm đó, Thuý Nga là trung tâm ca nhạc duy nhất sản xuất các chương trình băng nhạc chủ đề cho các nhạc sĩ. Trong 3 trung tâm âm nhạc hoạt động sôi nổi ở hải ngoại thời điểm đó là Thuý Nga, Asia và Mây Production. Trần Thiện Thanh đã chọn cộng tác với chương trình Hollywood Night của trung tâm Mây, nhưng đây lại là trung tâm ngưng hoạt động đầu tiên, từ đầu thập niên 2000.

Năm 1993, khi vừa đến Mỹ, Trần Thiện Thanh thành lập trung tâm Nhật Trường Productions để thu thanh, thu hình các ca khúc hay nhất của ông. Tuy nhiên, do đầu tư tài chính hạn hẹp, kỹ thuật sản xuất thô sơ, các sản phẩm âm nhạc của Trần Thiện Thanh không thể cạnh tranh với các sản phẩm âm nhạc long lanh, hiện đại khác.

Một sản phẩm của Nhật Trường Productions

Cũng theo MC Nguyễn Ngọc Ngạn, tính cách nhạc sĩ Trần Thiện Thanh ngoài đời khá lạnh lùng, trầm tư và không mấy thân thiện nên đa phần các nghệ sĩ lớn nhỏ đều ngần ngại, ít dám kết thân dù vẫn ngưỡng mộ tài năng của ông. Nguyên do có lẽ là sự nghiệp trên xứ người không đúng như ý muốn nên ông ít khi mở được lòng với đồng nghiệp. Ngoài ra một lý do nữa là Nhật Trường vẫn rất kỹ tính trong công việc giống như trước năm 1975, điều đó lại phản tác dụng khi ông muốn gầy dựng lại sự nghiệp từ con số 0 trên đất Mỹ.

Về đời tư, sau một thời gian tới Mỹ, Trần Thiện Thanh dọn về sống chung với nữ ca sĩ Mỹ Lan. Hai người sống chung chính thức như vợ chồng cho đến khi Trần Thiện Thanh qua đời vào năm 2005 nhưng không làm hôn thú. Cuộc hôn phối này đã đem đến cho Trần Thiện Thanh thêm một người con là Trần Thiện Anh Chí. Theo chia sẻ của nữ ca sĩ Mỹ Lan, dù là một người có lòng tự tôn cao, nhưng trong gia đình, Trần Thiện Thanh là một người chồng tốt, rất yêu thương và lo lắng cho vợ con. Ông có tài nấu ăn rất ngon, và hầu như luôn cáng đáng mọi công việc lớn nhỏ trong nhà thay cho vợ.

Nhật Trường và Mỹ Lan

Ngày 12 tháng 5 năm 2004, Trần Thiện Thanh chính thức được nhận thẻ xanh thường trú nhân nhưng chỉ vài tháng sau đó, ông đồng thời nhận tin dữ về căn bệnh ung thư phổi đang ẩn trú trong cơ thể. Trước đó, Trần Thiện Thanh nghiện thuốc lá rất nặng, đều đặn mỗi ngày đều hút hết 2 gói thuốc.

Đúng 1 năm sau đó, ngày 13 tháng 5 năm 2005, Trần Thiện Thanh qua đời tại nhà riêng ở thành phố Westminster, Quận Cam, California (Hoa Kỳ). Khoảng 1 tháng trước khi mất, Trần Thiện Thanh đột ngột xin được rửa tội theo nghi lễ của đạo Công giáo, vốn trước đó là tín ngưỡng riêng của ca sĩ Mỹ Lan (gia đình Trần Thiện Thanh theo đạo Phật) và được lãnh bí tích hôn phối cùng người vợ đã kề cận bên ông trong những giờ phút cuối cùng của cuộc đời.

Sau khi Trần Thiện Thanh mất, tang lễ của ông được người nhà tổ chức theo cả hai nghi thức Công Giáo và Phật giáo (chủ yếu) theo lời yêu cầu của người con trai lớn là Anh Chương. Phần tro cốt của Trần Thiện Thanh sau khi hoả táng được gia đình đưa về Việt Nam, gửi vào chùa Phước Huệ ở Bảo Lộc, Lâm Đồng.

nhacxua.vn biên soạn

Exit mobile version