Cuộc đời và sự nghiệp của ca sĩ Giang Tử – Một đời giang hồ lãng tử

Trong những nam danh ca nhạc vàng nổi tiếng nhất trước năm 1975, ngoài tứ trụ mà ai cũng biết thì còn có các ca sĩ khác như Thái Châu, Thanh Phong, Phương Đại, Trung Chỉnh, và được yêu mến nhiều nhất có lẽ là Giang Tử – người ca sĩ một đời gắn bó với âm nhạc, một đời rong ruổi đây đó để mang tiếng hát trầm ấm đặc biệt của mình đến khắp mọi miền.

Nếu bạn là người yêu thích nhạc xưa, hãy theo dõi kênh YouTube này để nghe đọc các bài cảm nhận về âm nhạc (phân tích ý nghĩa, hoàn cảnh sáng tác, tiểu sử ca nhạc sĩ): LINK YOUTUBE  < Click

Ca sĩ Giang Tử tên thật là Nguyễn Văn Giang, sinh năm 1942 tại Thái Thụy, Thái Bình. Nhiều nơi ghi thông tin ông sinh năm 1944 tại Hải Phòng là không đúng, theo con trai của ca sĩ Giang Tử thì ông chỉ theo gia đình đến Hải Phòng vào lúc khoảng 8 tuổi, khi cha của ông đến thành phố cảng để dạy học. Tại đây, Giang Tử được theo học trường Tây, sau đó vài năm thì cả gia đình chuyển vào Sài Gòn năm 1954 và sinh sống ở ngã ba Ông Tạ – một khu vực tập trung rất nhiều gia đình di cư.

Giang Tử năm 1969

Cha của Giang Tử theo nghề giáo và muốn con nối nghiệp, nhưng ông lại mê văn nghệ và thường theo bạn bè rong chơi. Khoảng năm 14-15 tuổi, Giang Tử được cho theo học nhạc sĩ Y Vân – được ông mô tả là người thầy rất dễ thương, vui tính, hết lòng với học trò. Sau đó Giang Tử còn được danh ca Duy Trác hướng dẫn thêm về thanh nhạc. Duy Trác nổi tiếng với những bài tình ca lãng mạn, nên cũng dễ hiểu khi biết rằng thời gian đầu của sự nghiệp, Giang Tử thường hát các ca khúc trữ tình – tiền chiến của các nhạc sĩ Đoàn Chuẩn, Nguyễn Văn Tý, Phạm Đình Chương… Đó là những năm cuối thập niên 1950 khi ông mới 16,17 tuổi.

Do tính tình phóng khoáng và thích la cà đây đó cùng bạn bè nên từ khi trước khi vào nghề, ông được bằng hữu đặt cho cái tên Giang Tử – với ý nghĩa một người lãng tử tên Giang. Năm 1963, ông vào quân ngũ, phục vụ bên Tâm lý chiến và thường đi hát ở các tiền đồn. Từ lúc này ông bắt đầu chuyển qua hát nhạc vàng và nhạc về người lính.

Đôi song ca Hai Con Lạc Đà

Đây cũng là thời gian Giang Tử chơi thân với ca sĩ cùng tuổi là Chế Linh, thuê nhà trọ để ở chung bên Phú Nhuận, cùng đi diễn và hát song ca với nhau, thường được gọi là song ca Hai Con Lạc Đà. Sự kết hợp đặc biệt này có được là nhờ nhạc sĩ Y Vũ (cùng học nhạc với Giang Tử trước đó) gợi ý. Ông kể lại:

“Bài song ca đầu tiên mà Chế Linh và Giang Tử hát chung là một sáng tác của Chế Linh: “Nỗi Buồn Sa Mạc”. Tựa của bài hát này đã gợi cho Chế Linh và Giang Tử một cái tên chung khi hát song ca để có kỷ niệm. Hai đứa ngồi bàn bạc và chọn tên “Hai con lạc đà” mang ý nghĩa của sự chịu đựng. Con lạc đà thường vượt qua sa mạc mênh mông cần phải có sự chịu đựng dẻo dai. Lúc đó, cũng có một chút tâm linh và dị đoan, mình nghĩ đặt tên như vậy sẽ có sự bền bỉ, nhờ vậy, sự kết hợp song ca của hai đứa sẽ được kéo dài.”

Thời gian sau đó, ông ký độc quyền thu âm cho Hãng đĩa Dư Âm của nhạc sĩ Ngọc Sơn, sau đó nữa là Hãng Dĩa Việt Nam của bà Sáu Liên. Bà kể lại: “Chúng tôi thấy Giang Tử là giọng ca triển vọng nên quyết định lăng – xê ca sĩ này, để anh song ca với nhiều nữ ca sĩ thời đó: Hương Lan, Trang Mỹ Dung, Yến Linh, Giáng Thu… Dẫu sớm khẳng định tên tuổi nhưng Giang Tử không kiêu căng, ỷ lại mà cần mẫn làm việc. Mỗi khi thu âm xong một ca khúc đều lắng nghe ý kiến của “đàn anh” trong nghề”.

Trong sự nghiệp trước năm 1975, Giang Tử được yêu thích với các ca khúc Chia Ly, Gặp Lại Cố Nhân, Kỷ Niệm Một Mùa Hè, Mưa Đêm Tỉnh Nhỏ, Nó Và Tôi… đặc biệt là bài Căn Nhà Màu Tím khi song ca với nữ ca sĩ Giáng Thu.


Click để nghe Giang Tử và Giáng Thu song ca Căn Nhà Màu Tím

Giang Tử lập gia đình với một nữ ca sĩ cũng thuộc tâm lý chiến quê ở Long Xuyên và có 4 người con, trong đó người con gái út định cư tại Mỹ và sau này là người bảo lãnh ông sang sống cùng, và người con trai duy nhất là Trương Đông từng tham gia cuộc thi hát Bolero vào năm 2017. Mời  bạn nghe lại ca khúc Căn Nhà Màu Tím của Trương Đông hát cùng vợ, giọng của anh rất giống cha của mình:


Click để nghe

Sau năm 1975, Giang Tử ở lại Sài Gòn và tham gia một số đoàn ca nhạc như đoàn kịch nói Kim Cương, đoàn Hương Miền Nam, đoàn của bầu Duy Ngọc.

Trong suốt cuộc đời của mình, nghề duy nhất của Giang Tử chỉ là đi hát và ông không làm bất cứ việc gì khác. Từ sau năm 1975 là thời điểm rất khó khăn với các văn nghệ sĩ miền Nam, Giang Tử vẫn đi theo các đoàn hát khắp mọi miền. Đến năm 1995, dòng nhạc trẻ bùng nổ ở trong nước, dòng nhạc vàng và nhạc quê hương bị “kỳ thị”, một phần nữa là hầu hết các đồng nghiệp cùng thời với Giang Tử đã sang định cư ở hải ngoại, nên ông tạm thời nghỉ hát, chỉ thỉnh thoảng xuất hiện ở một số sân khấu hát phụ diễn.

Năm 2010, Giang Tử được con gái bảo lãnh sang Mỹ, ông liên lạc với những người bạn cũ và được ca sĩ Phương Hồng Quế giới thiệu lên hát ở Asia bắt đầu từ chương trình Asia 65 và rất được yêu thích với tiết mục song ca Giọt Buồn Không Tên với Phương Hồng Quế. Ông không ký độc quyền với trung tâm nào nên đã xuất hiện thường xuyên trên cả 3 trung tâm lớn Asia, Thúy Nga và Vân Sơn.


Click để nghe Giang Tử – Phương Hồng Quế hát Giọt Buồn Không Tên

Những năm cuối đời, Giang Tử được chẩn đoán ung thư vòm họng, nhưng do đam mê ca hát nên ông vẫn đi biểu diễn. Vào cuối tháng 5 năm 2014, tức là chưa đầy 4 tháng trước khi mất, ông vẫn tham gia biểu diễn và ghi hình cho chương trình Paris By Night 111. Đến những ngày cuối đời, bệnh chuyển biến quá nhanh nên ông đã ra đi vào ngày 16 tháng 9 năm 2014.

Có thể nói Giang Tử là một trường hợp đặc biệt, khi mà khoảng thời gian cuối đời của ông cũng là lúc mà sự nghiệp trở nên rực sáng nhất, hơn cả thời đỉnh cao của dòng nhạc vàng là trước năm 1975. Ông đã hát và nổi tiếng cho đến tận những ngày cuối cùng của cuộc đời.

 Bài: Đông Kha
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn

Exit mobile version