Cuộc đời lận đận của danh ca Mộc Lan – Tài sắc vẹn toàn và hồng nhan bạc phận

Mộc Lan là một trong những nữ danh ca nổi tiếng nhất Sài Gòn từ cuối thập niên 1940, được nhiều người nhận xét là có tài sắc vẹn toàn. Bà không chỉ sở hữu giọng hát đẹp và chuẩn mực, mà còn là người có sắc nước hương trời từng một thời được những tao nhân mặc khách cùng những nhạc sĩ nổi tiếng theo đuổi. Mộc Lan là người vợ đầu tiên của nhạc sĩ Châu Kỳ, đồng thời cũng có những giai thoại ly kỳ về tình cảm mà các nhạc sĩ Đoàn Chuẩn và Hoàng Trọng đã dành cho bà vào thập niên 1950.

Nếu bạn là người yêu thích nhạc xưa, hãy theo dõi kênh YouTube này để nghe đọc các bài cảm nhận về âm nhạc (phân tích ý nghĩa, hoàn cảnh sáng tác, tiểu sử ca nhạc sĩ): LINK YOUTUBE  < Click

Sắc đẹp lộng lẫy thời thiếu nữ của Mộc Lan được mô tả là “đẹp như tranh vẽ, da trắng như trứng gà bóc, răng đều như hạt cườm, tay như là tay tiên”, vì vậy nên dễ hiểu rằng bất kỳ người đàn ông nào cũng có thể bị hút hồn bởi vẻ đẹp của Mộc Lan.

Danh ca Mộc Lan tên thật là Phạm Thị Ngà, sinh năm 1931 tại Hải Phòng trong gia đình có 8 anh chị em (3 trai 5 gái).

Khi Mộc Lan được 7 tuổi thì mồ côi cha, thời gian sau đó gia đình rơi vào thảm cảnh bi đát, tan đàn xẻ nghé. Đầu thập niên 1940, vì muốn thoát khỏi hoàn cảnh khó khăn thiếu thốn, người anh cả trong nhà tên là Long đã dẫn 2 người em gái là Ngọc và Ngà (Mộc Lan) vào Sài Gòn tha phương cầu thực.

Dù hoàn cảnh khó khăn, không được học hành đến nơi đến chốn, nhưng Mộc Lan đã sớm bộc lộ được khả năng thiên phú về âm nhạc. Lớn lên, cô được nhạc sĩ Lê Thương phát hiện và dẫn dắt bước vào con được ca hát, và chính nhạc sĩ này cũng là người đặt cho bà nghệ danh là Mộc Lan. Lúc đó bà mới 16 tuổi, được đứng trên sân khấu lần đầu trong nhạc cảnh Trên Sông Dương Tử của Lê Thương năm 1947. Bên cạnh đó Mộc Lan còn được nhạc sĩ Long Tuyền hướng dẫn về nhạc lý.


Click để nghe Mộc Lan hát Em Đến Thăm Anh Một Chiều Mưa thập niên 1960

Ca khúc nổi tiếng nhất thời kỳ này của Mộc Lan là Em Đi Chùa Hương của nhạc sĩ Trần Văn Khê, trên hầu hết các khấu từ Bắc chí Nam, khán giả đều yêu cầu bà hát bài này.

Tại Sài Gòn, Mộc Lan gặp nhạc sĩ Châu Kỳ, lúc đó là một ca sĩ nổi tiếng từ Huế mới vào Sài Gòn ca hát từ năm 1947. Hai người trở thành đôi trai tài gái sắc rất hợp ý nhau cả trên sân khấu lẫn ngoài đời, cùng nhau xuất hiện trên khắp các sân khấu, phòng trà, phụ diễn tân nhạc tại các rạp Văn Cầm, Aristo, Thanh Bình, Quốc Thanh, Khải Hoàn…


Click để nghe Châu Kỳ – Mộc Lan song ca 2 bài Chiều (Dương Thiệu Tước) và Sơn Nữ Ca (Trần Hoàn)

Gặp nhau chưa đầy nửa năm, họ chính thức trở thành vợ chồng, Châu Kỳ đưa Mộc Lan về Huế ra mắt gia đình. Hai vợ chồng được ông Thái Văn Kiểm – Giám đốc Nha Thông tin và Đài Phát thanh Huế tạo điều kiện cho được hát thường xuyên trên đài với mức lương 3.800 đồng/tháng – một mức lương khá hậu hĩnh vào thời điểm bấy giờ.

Có thể nói đó là khoảng thời gian hạnh phúc nhưng cũng thật ngắn ngủi của Châu Kỳ – Mộc Lan. Ở Huế được một thời gian, xuất hiện tin đồn về mối quan hệ thân thiết giữa Mộc Lan cùng một người đàn ông khác làm cho nhạc sĩ Châu Kỳ có những phản ứng dữ dội, ông đưa vợ vào lại Sài Gòn sinh sống để tránh xa thị phi. Tuy nhiên điều đó vẫn không thể níu kéo được cuộc hôn nhân ngắn ngủi. Năm 1954, đôi trai tài gái sắc chính thức đường ai nấy đi.

Sau này nhạc sĩ Châu Kỳ tiết lộ lý do tan vỡ là vì Mộc Lan đã ngoại tình. Còn phía Mộc Lan, trong một lần trở lời phỏng vấn báo Kịch Ảnh năm 1957, bà nói rằng mình đã bị người khác nói xấu và xuyên tạc nên chồng đã hiểu nhầm, và khi vợ chồng đã không tin tưởng nhau thì đành xa nhau.

Vào những năm cuối đời, trả lời nhà báo Hà Đình Nguyên trên báo Thanh Niên năm 2010, danh ca Mộc Lan thổ lộ thêm về chồng cũ, và nguyên nhân 2 người chia tay: “Ông ấy rất hiền lành, đã hứa làm cái gì thì làm tới nơi. Riêng với phong trào âm nhạc thì ông ấy rất nhiệt tình. Sống có tình cảm nên bạn bè rất quý. Có điều nhậu vô là nói lèm bèm. Tính tôi nghe nhiều không chịu được, bực lắm! Mình đi hát thì phải tiếp xúc với nhiều người mà ông ấy lại quá ghen…”

Một giai thoại rất nổi tiếng liên quan đến những tình cảm đặc biệt mà danh ca Mộc Lan nhận được từ những người đàn ông khác ngay khi bà đã có chồng. Đó là vào khoảng năm 1954, Mộc Lan ra Hà Nội lưu diễn, giọng ca và sắc đẹp của bà đã khiến một chàng công tử đẹp trai, giàu có, tài hoa và phong lưu bậc nhất thời đó ngây ngất, đó chính là nhạc sĩ Đoàn Chuẩn, cũng là quý tử của chủ hãng nước mắm Vạn Vân nổi tiếng khắp Đông Dương.

Nhạc sĩ Đoàn Chuẩn

Thời điểm đó Mộc Lan đã chia tay chồng là nhạc sĩ Châu Kỳ, và nhạc sĩ Đoàn Chuẩn muốn gây ấn tượng với giai nhân bằng một cách không giống ai, đó là đặt một khoản tiền rất lớn cho một tiệm hoa ở Sài Gòn, để mỗi buổi sáng suốt gần 3 tháng liền, Mộc Lan sẽ nhận được một bó hoa hồng tươi thắm mà không hề có tên người gửi tặng. Ngoài ra chàng nhạc sĩ tài hoa cũng viết 2 ca khúc tặng nàng, đó là Gửi Gió Cho Mây Ngàn BayGửi Người Em Gái Miền Nam.

Cũng theo câu chuyện này kể lại, sau đó Mộc Lan có ra lại Hà Nội gặp nhạc sĩ Đoàn Chuẩn, nhưng mối tình đó cũng chỉ là thoáng qua, vì lúc đó nhạc sĩ đã có gia đình.


Click để nghe Mộc Lan hát Chuyển Bến của Đoàn Chuẩn

Câu chuyện đó chỉ là một giai thoại mà người trong cuộc chưa từng xác nhận đúng hay sai, nhưng điều đó cũng cho thấy nhan sắc hơn người của danh ca Mộc Lan đã làm cho người đời thêu dệt thành những câu chuyện có vẻ hoang đường để nói về bà.

Bên cạnh đó, một nhạc sĩ khác cũng dành cho bà những tình cảm rất đặc biệt, đó là nhạc sĩ Hoàng Trọng. Em trai của danh ca Mộc Lan, người đã sống chung nhà với bà ở Sài Gòn đã kể lại:

“Trong con mắt tôi, anh Hoàng Trọng không phải là mẫu người phụ nữ thích. Người tầm thước nhưng hơi nặng nề, nước da ngăm bì bì, gương mặt không có cá tính. Tuy nhiên, tính anh lại rất hiền, củ mỉ cù mì, ít nói, thuộc loại tán gái bằng cách ngồi lì, chẳng nói và có lẽ cũng chẳng liếc mắt đưa tình. Anh rất thường đến thăm chị tôi, mỗi lần anh đến, anh ngồi một đống. Đến âm thầm khi về cũng lặng lẽ. Lối tán này hình như làm chị tôi… hết chịu nổi! Có vẻ như anh không phải là kẻ đi chinh phục, lại không biết gì về tâm lý phụ nữ và thế là anh bị “nốc ao” ngay ngưỡng cửa nhà tôi”.

Sau khi tan vỡ hôn nhân với nhạc sĩ Châu Kỳ, danh ca Mộc Lan đi bước nữa với một người vốn là bạn thuở thiếu thời, nhưng theo một bài báo năm 1957 thì cuộc hôn nhân đó cũng kết thúc chóng vánh vì đó là một người chồng bất tài chỉ muốn “đào mỏ” từ danh tiếng của vợ.

Sau mối tình đầu đau đớn năm 17 tuổi, rồi trải qua 2 cuộc hôn nhân buồn, đến cuộc hôn nhân thứ 3 thì Mộc Lan mới tìm được một bến đỗ thực sự, đó là trung tá Trương Minh Đẩu, từng là chánh văn phòng của tướng Dương Văn Minh thời điểm năm 1975.

Hồng nhan bạc phận, danh ca Mộc Lan đã trải qua liên tiếp những chuyện buồn, những vấp váp khi bước chân vào đời như bất kỳ cô gái trẻ nào khác, nhưng riêng trong lĩnh vực nghệ thuật thì bà đã tiến được những bước thật dài. Không chỉ được các nhạc sĩ đánh giá cao về giọng hát khi hát trên đài phát thanh trong các ban nhạc Tiếng Tơ Đồng, Vũ Thành, Văn Phụng…, bà còn được công chúng đặc biệt yêu mến, thường xuyên xuất hiện ở các sân khấu đại nhạc hội và phòng trà khắp Sài Gòn, nơi nào cũng muốn có giọng hát và nhan sắc của Mộc Lan hiện diện.

Mộc Lan cũng cùng với 2 danh ca nổi tiếng khác Châu Hà, Kim Tước hợp thành ban tam ca Mộc Kim Châu, là 3 người có lối hát giống nhau, có sự thẩm âm và xướng âm gần tương tự nhau, cùng nhau góp giọng thường xuyên trên các đài phát thanh ở Sài Gòn cho tới năm 1975, tuy nhiên lại ít có dịp cùng trình diễn trên sân khấu.


Click để nghe giọng hát của Mộc – Kim – Châu

Với rêng Mộc Lan, bà được đánh giá là bên cạnh kỹ thuật thanh nhạc tốt thì giọng hát vẫn có sự mềm mại và uyển chuyển, khi lên nốt cao vẫn chuẩn mực, không bị mỏng, và hát những nốt thấp vẫn rất rõ chữ.


Click để nghe Mộc Lan hát Biệt Ly thập niên 1950

Sau năm 1975, cũng như hầu hết những nghệ sĩ miền Nam khác ở lại trong nước, Mộc Lan lâm vào tình cảnh rất khó khăn. Chồng là sĩ quan bị đi tù, bà phải một mình nuôi dưỡng những người con, trong đó có người con gái (với chồng thứ 2) bị bệnh tâm thần nhiều năm. Bản thân bà cũng bị bệnh phổi nặng phải đi bác sĩ hàng ngày để theo dõi, nên phải giã từ sân khấu và nghiệp ca hát từ sớm.

Danh ca Mộc Lan năm 1996, tiếp nhà báo Trần Quốc Bảo tại nhà ở Q3

Những năm cuối đời, danh ca Mộc Lan sống trong một căn nhà cấp 4 tồi tàn trong một hèm rất nhỏ và sâu trên đường Lê Văn Sĩ Q3, sống cùng với người con gái bị tâm thần ngoài 50 tuổi. Bà qua đời ngày 11/5 năm 2015, hưởng thọ 84 tuổi.

nhacxua.vn biên soạn

Exit mobile version