Randy – Từ cậu bé mồ côi tủi nhục trở thành ca sĩ nhạc vàng nổi tiếng và hành trình đi tìm lại Mẹ

Những khán giả yêu nhạc vàng và thích nghe nhạc hải ngoại thời kỳ thập niên 1990, có lẽ không ai là không biết đến một giọng hát rất buồn và truyền cảm của chàng ca sĩ có cái tên nước ngoài là Randy, có ngoại hình không có chút gì là Việt Nam, nhưng sở hữu giọng hát rất tình cảm và dễ dàng lay động lòng người qua những ca khúc nhạc vàng bất hủ. Đó là bởi vì Randy là kết quả của một mối tình giữa người lính Mỹ da màu đóng quân ở Đà Nẵng và một phụ nữ Việt. Cuộc đời của Randy trải qua rất nhiều biến cố thăng trầm, từ một đứa trẻ mồ côi lạc mất cha mẹ từ nhỏ, bằng những cố gắng và nỗ lực không ngừng đã trở thành một trong những giọng ca hải ngoại gây được sự chú ý nhất định đối với những khán giả nghe nhạc hải ngoại.

Nếu bạn là người yêu thích nhạc xưa, hãy theo dõi kênh YouTube này để nghe đọc các bài cảm nhận về âm nhạc (phân tích ý nghĩa, hoàn cảnh sáng tác, tiểu sử ca nhạc sĩ): LINK YOUTUBE  < Click

Cha ơi, cha là ai?
Mẹ ơi, mẹ là ai?
Đêm khuya bên hè vắng, đứa bé mồ côi đang nằm co ro
Như dấu chấm hỏi đặt giữa cuộc đời

Trong suốt bao nhiêu năm bơ vơ lạc lõng côi cút giữa dòng đời từ Việt Nam qua Mỹ, không cha không mẹ, không người thân thích, Randy có lẽ đã đặt ra không biết bao nhiêu câu hỏi cho thân phận mình. Bao nỗi bất hạnh chồng chéo giày vò, kéo lê cậu bé mồ côi Randy đi qua nhiều năm tháng cuộc đời, nhưng bằng nghị lực vươn lên và tài năng âm nhạc của mình, cộng thêm một chút may mắn, Randy đã nhanh chóng thành danh trên đất Mỹ, trở thành một trong những giọng ca bolero truyền cảm được nhiều khán thính giả hải ngoại và cả trong nước yêu mến.

Ca sĩ Randy từng kể, thứ duy nhất còn lưu dấu nguồn gốc và thân thế của anh là những dòng chữ sơ sài được viết trong một cuốn sổ dày cộm và cũ kỹ ở cô nhi viện Thánh Tâm, Đà Nẵng. Theo đó, Randy tên thật là Trần Quốc Tuấn, sinh ngày 25/01/1971 tại bệnh viện Hải châu, Đà Nẵng. Anh được đưa đến cô nhi viện vào ngày 26/02/1971, chỉ 1 tháng sau khi lọt lòng mẹ.

Randy lớn lên trong vòng tay của các sơ cùng những đứa trẻ mồ côi khác cho đến ngày 15/11/1975 thì được một gia đình ở cẩm Hà (Quảng Nam) nhận nuôi. Những ghi chép sơ sài với vỏn vẹn vài ba dòng chữ còn sót lại không có bất kỳ thông tin gì về cha mẹ ruột của Randy từ tên tuổi cho đến quê quán. Dù không biết cha mẹ ruột là ai, nhưng với màu da, mái tóc xoăn, hoàn cảnh thời cuộc, những câu chuyện to nhỏ của người đời, Randy đã sớm biết được thân phận con lai của mình ngay từ khi còn rất nhỏ.

Mang thân phận mồ côi, lại chịu sự kì thị, ghẻ lạnh của người đời chỉ bởi màu da, mái tóc của mình, dù sớm rời khỏi cô nhi viện từ lúc 5 tuổi, nhưng Randy chưa một lần được hưởng hơi ấm yêu thương của gia đình. Người cha người mẹ duy nhất, gia đình duy nhất mà anh biết đến và tìm về mỗi khi trở lại Việt Nam là gia đình cha mẹ nuôi. Tuy nhiên, quãng thời gian ở cùng họ đã để lại cho anh những vết thương lòng, những ký ức đau đớn, kinh hoàng không gì có thể xoá nhoà.

Gia đình cha mẹ nuôi rất nghèo lại làm ruộng, nên Randy không những không được cho đi học mà còn phải cáng đáng rất nhiều công việc trong gia đình dưới sự giám sát của người má nuôi. Má nuôi sanh được 7 người con nhưng có đến 5 người bị mất sớm vì bệnh tật, có lẽ những khổ đau và nghèo khó tích tụ đã khiến bà trở nên ác nghiệt hơn bao giờ hết. Trẻ thơ vốn ham chơi và dễ phạm lỗi, để trừng phạt cho những lần Randy phạm lỗi, má nuôi đã trừng phạt anh bằng những trận đòn nhớ đời.

Randy từng tâm sự: ““Bây giờ, nỗi đau xưa đã lành, nhắc lại không còn thấy đau nhiều như trước nữa bởi tôi đã học được cách tha thứ. Nhưng ngày xưa, mỗi lần gợi nhắc về những kỷ niệm tuổi thơ tôi lại quặn đau như có kim châm trong lòng. Phận mồ côi vốn dĩ đã đầy tủi cực, lại thêm bị đối xử không như một con người… thì sao mà không đau đớn cho được”. Tuy nhiên, những vết sẹo in hằn trên thân thể Randy vẫn còn mãi đó, không thể xoá nhoà.

Nhiều lần, để tránh những trận đòn roi của má nuôi, Randy phải trốn sang nhà hàng xóm. Có lần, vì quá kinh sợ sự đối xử thậm tệ của má nuôi, Randy bỏ nhà đi lang thang, lê lết khắp ngõ xó ruộng đồng, nhưng chỉ được vài bữa má nuôi lại tìm được và dụ anh về.

Trong nhà, người Randy thương quý nhất là ba nuôi, bởi ông rất thương và đối xử với anh như con ruột. Ông thường xuyên an ủi, can ngăn mỗi lần má nuôi trút giận lên anh. Ông cũng là người dạy dỗ, chỉ bảo Randy những điều nên và không nên, tuy nhiên, éo le thay trong nhà ông cũng chỉ là người đóng vai phụ, quyền hành trong nhà nằm trong tay bà má nuôi, bởi vậy người cha dù yêu thương cũng không thể bảo bọc được cho anh. Sau này Randy kể lại: “Lần nào tôi bị đánh, ba cũng cản má nhưng điều ông nhận được chỉ là những lời mắng chửi thậm tệ từ bà. Tôi cũng không hiểu tại sao hồi đó ba lại sợ má đến thế. Nay ông đã mất rồi. Còn xóm giềng, họ cũng che chở khi có thể nhưng hầu hết không giúp gì được nhiều”.

Một biến cố lớn đã xảy đến làm thay đổi cuộc đời Randy. Đó là năm 1983, khi đang sống cùng gia đình má nuôi thì một đôi vợ chồng người Hoa sống ở Hội An tìm đến ngỏ ý muốn mua anh với giá 3 cây vàng. Đôi vợ chồng người Hoa vốn dĩ đã có 2 người con nhưng họ vẫn quyết định mua anh về, bởi khi đó, Hoa Kỳ thực hiện chính sách đưa những đứa trẻ con lai trở về quê cha và Randy chính là phương tiện để họ có thể dễ dàng qua Mỹ định cư. Randy về ở với gia đình người Hoa sau khi họ nhập hộ khẩu cho anh và hợp thức các giấy tờ nhận nuôi. Ngay từ khi Randy bước chân vào nhà, người mẹ trong gia đình Hoa đã tỏ ra lạnh lùng, xa cách, đặc biệt không bao giờ ngồi ăn chung bàn với Randy. Điều này như một gáo nước lạnh dội xuống những ao ước về một gia đình êm ấm, yêu thương vừa nhen nhóm trong tim cậu bé 12 tuổi. Trong thời gian chờ đợi đi Mỹ, Randy được họ cho đi học. Mặc dù không được gia đình người Hoa yêu thương và coi như con cái trong nhà, nhưng việc được đi học và không còn bị đánh đập hành hạ đã là điều may mắn hiếm hoi đối với một cậu bé mà suốt 8 năm ở với mẹ nuôi chỉ biết làm việc quần quật mà vẫn bị đòn roi không thương tiếc.

Bất chấp sự trêu chọc của bạn bè, Randy vẫn cố gắng học hành chăm chỉ và luôn là cậu học trò giỏi nhất lớp. Tuy nhiên, Sau hơn 3 năm mòn mỏi nuôi Randy ăn học tốn kém mà vẫn không có hy vọng gì về việc đi Mỹ, gia đình người Hoa trở nên chán nản và hầu như muốn bỏ cuộc. Randy vừa học hết lớp 3 thì bị cho nghỉ học. Buồn tủi và chán nản vì sự ghẻ lạnh của gia đình người Hoa đã xuống thấp đến cực độ, cậu thiếu niên Randy 14-15 tuổi quyết định ra ngoài xin việc. Vốn đã quen với các công việc nặng nhọc từ nhỏ, cậu nhanh chóng tìm được công việc tay chân ở một hãng sản xuất xì dầu và xin ở lại đó luôn. Số tiền kiếm được dù không nhiều cũng đủ giúp cậu tự nuôi sống bản thân, không cần phiền luỵ gì đến gia đình người Hoa nọ.

Randy tâm sự: “Thời đó, thi thoảng có thông tin gì tốt khiến họ vui thì họ cho tôi một bữa ăn tử tế còn nếu không thì họ chẳng thèm biết tôi là ai. Nhiều lúc bưng bát cơm họ cho mà nghẹn lòng không nuốt nổi vì thấy thân phận mình sao rẻ rúng, đắng cay quá. Mình chẳng khác gì một món hàng, một dụng cụ… mà lúc thích thì họ dùng lúc chán họ vứt đi”.

Đến giữa năm 1990, hồ sơ đi Mỹ của Randy được duyệt. Randy cùng gia đình người Hoa đi Mỹ, mang theo hy vọng về một cuộc sống tốt đẹp, ấm êm nơi xứ người. Tuy nhiên, cuộc sống chật vật, lạ lẫm nơi xứ người đã khiến mọi chuyện trở nên tệ hơn cho cả gia đình người Hoa và Randy. Kinh tế khó khăn đã khiến người mẹ trong gia đình không còn giữ vẻ lạnh lùng, quý tộc mà trở nên cay nghiệt, chi li hơn. Cả gia đình 5 người sống trong một căn hộ thuê chật chội với 2 phòng ngủ và 1 phòng khách. Chỗ ngủ của Randy là trên 1 cái ghế xếp ở ngoài phòng khách. Có lần, bà mẹ càm ràm Randy vì anh ăn quá khoẻ: “Nếu mày ăn nhiều thế, người ta cắt tiền trợ cấp đấy”. Randy lúc này đã là một cậu trai thành niên hơn 18 tuổi, không còn dễ bị bắt nạt. Cậu đề nghị cả gia đình chia tiền trợ cấp ra làm 5 phần cho 5 người. Mỗi người được 180 USD và 40 USD tiền đồ ăn. Cậu dành 100 USD trả tiền thuê nhà là góc phòng khách cậu vẫn ngủ và số tiền còn lại để chi xài ăn uống cá nhân.

Sau khi chia tiền sằng phẳng, cuộc sống của Randy càng trở nên ngột ngạt, cô độc hơn. Nhiều lần cậu bị bệnh nằm thu lu một góc nhà nhưng cả gia đình không ai hỏi han câu nào. Randy nhớ lại: “Sống với gia đình người Hoa, cuộc đời tôi lại càng tồi tệ hơn. Đến mức tôi chỉ muốn quay trở về Việt Nam. Bao nhiêu hy vọng, ước mơ bỗng chốc tan biến. Họ quay ngoắt với mình quá phũ phàng và bất ngờ”.

7 tháng sau khi đến Mỹ, Randy mày mò tự học tiếng Anh rồi tự tìm mua hồ sơ về khai để xin nhập học. Do khai nhỏ hơn tuổi thật từ lúc ở Việt Nam nên Randy vẫn còn trong độ tuổi được đi học khi đến Mỹ. Thời gian đầu anh khá cô độc vì không có bạn bè, nhưng sau này dần kết thân được với nhiều bạn bè trong trường. Về phần gia đình người Hoa, sau thời gian ngắn sống chung, Randy chuyển ra ở riêng và xin được một công việc làm thêm ở xưởng may với mức lương khoảng 60 USD/ngày.

Cuộc đời Randy chỉ thực sự bước sang trang mới khi anh bén duyên với âm nhạc và bất ngờ thành danh trên sân khấu hải ngoại.

Trưởng thành và thành danh trên đất Mỹ

Ở Mỹ, ngoài thời gian đi học, làm thêm, thỉnh thoảng Randy có hát ở một vài quán cà phê hoặc hát karaoke với bạn bè. Nhiều người thấy Randy có giọng hát hay, bèn khuyên anh thử tham gia cuộc thi hát karaoke của cộng đồng người Việt tại Mỹ. Lần đầu đăng ký tham gia, Randy được giải khuyến khích và đến lần thứ hai thì anh ẵm trọn giải cao nhất của cuộc thi khi trình diễn ca khúc “Lần Đầu cũng Là Lần cuối” của nhóm Lê Minh Bằng

Sau cuộc thi, theo lời giới thiệu của nhạc sĩ Thu Hồ khi đó là thành viên ban giám khảo, Randy nhanh chóng trở thành ca sĩ độc quyền của trung tâm âm nhạc Hải Âu. Từ năm 1992, tên tuổi của Randy xuất hiện khá nhiều trên các sân khấu ca nhạc hải ngoại.  Randy và nữ ca sĩ Mỹ Huyền (con gái nhạc sĩ Thu Hồ) trở thành cặp song ca rất được yêu thích ngay từ ca khúc đầu tiên hát cùng nhau là “Ai cho Tôi Tình Yêu”. Thời gian cộng tác với trung tâm âm nhạc Hải Âu, Randy đã phát hành 6 album đơn ca và 3 album song ca với Mỹ Huyền, được biết đến với cái tên Hợp Khúc Tình Yêu, với những bản thu âm đến nay vẫn còn được nhiều người tìm nghe là Biển Mặn, chuyện Tình Người Đan Áo, Ông Lái Đò…


Click để nghe CD Hợp Khúc Tình Yêu

Tâm sự về niềm đam mê ca hát của mình, Randy nói: “Thật ra, làm ca sĩ là giấc mộng mà bấy lâu tôi ấp ủ, rất may nó đã thành sự thật. Sở dĩ tôi ôm mộng làm ca sĩ vì từ bé đến lớn, tôi gặp quá nhiều chuyện buồn, mang nhiều tâm sự đắng cay… nhưng không biết chia sẻ với ai. Cho nên, tôi thích hát và muốn được đi hát để có thể trút hết nỗi lòng của mình vào từng lời ca tiếng hát” .

Thời gian từ năm 1992-1995 là những năm tháng đỉnh cao trong sự nghiệp ca hát của Randy. Ngoài biểu diễn tại Mỹ, Randy còn được mời đi lưu diễn khắp châu Âu và sang tận cả Úc châu. Chỉ bằng ca hát, cuộc sống của Randy bất ngờ được mở sang một chương mới, hoàn toàn xa lạ với quá khứ bị hành hạ, ghẻ lạnh, cô độc và phải bươm chải kiếm tiền. Nhiều khán giả yêu mến giọng hát buồn, và da diết đầy tự sự của nam ca sĩ Randy và đặt cho anh biệt danh “người đàn ông lấy nước mắt phụ nữ”.

Randy kể, thời đó, thu nhập của anh mỗi tháng lên tới hơn 20.000 USD. Ngoài Mỹ Huyền, Randy còn song ca với Tuấn Vũ và Phượng Mai trong nhiều album ca nhạc. Những ca khúc Randy trình diễn trong thời gian này và cả sau này đa phần là những ca khúc buồn, tự sự như chính những tâm sự và cuộc đời của mình, đặc biệt là những ca khúc viết về Mẹ:

Thằng bé âm thầm đi vào ngõ nhỏ
Tuổi ấu thơ đã mang nhiều âu lo
Ngày nó sống kiếp lang thang
Ngẩn ngơ như chim xa đàn
Nghĩ mình tủi thân muôn vàn

Mẹ nó qua đời khi còn tấm nhỏ
Một chén cơm chiều nên lòng chưa no
cuộc sống đói rách bơ vơ
Hỏi ai ai cho nương nhờ
chuỗi ngày tăm tối vô bờ  (Nó – Anh Bằng)


Click để nghe Randy hát bài Nó

Hành trình tìm mẹ 

Suốt tuổi thơ mình, Randy có lẽ đã không ngừng oán hận mẹ cha đã lỡ sinh anh ra rồi bỏ anh bơ vơ, lạc lõng giữa cuộc đời. Nhưng càng về sau này, cùng với sự từng trải và dày dặn trong đời sống, tình mẫu tử thiêng liêng trong trái tim nam ca sĩ cũng theo đó mà thức dậy, thôi thúc anh tìm lại mẹ. Người mẹ mà anh nghĩ hẳn đã rất đau đớn, khổ sở khi phải từ bỏ đi giọt máu ruột thịt của mình, anh tâm sự: “Trong tôi vẫn luôn tin, chẳng có người mẹ nào lại tàn nhẫn đến mức vứt bỏ con mình ở vào thời điểm đó cả, nhưng có thể do chiến tranh hoặc áp lực gia đình mà mẹ buộc phải mang mình gửi vào cô nhi viện. Tôi không trách bà bởi tôi biết chắc bà cũng khổ tâm lắm khi buộc phải làm như thế”.

Khi những lưu dấu duy nhất về cuộc đời, thân phận của Randy tại cô nhi viện Thánh Tâm, Đà Nẵng không cho anh biết bất kỳ thông tin nào về cha mẹ. Cuộc tìm kiếm người thân của Randy giống như một người lần mò đi trong màn sương mù. Randy đã dùng rất nhiều cách để tìm mẹ. Anh nhờ bạn bè khán giả thân thiết hỏi thăm tin tức về những trường hợp tương tự như mình với mong ước, ở đâu đó mẹ anh sẽ nghe được tin và mẹ con nhận lại nhau. Mỗi khi nghe được câu chuyện kể nào giống với câu chuyện của mình, Randy đều thu xếp công việc tìm đến người mẹ mất con xa lạ để trao gửi niềm hy vọng. Với mỗi người mẹ mà anh gặp, những câu chuyện, nỗi lòng của họ luôn khiến anh xót xa khi nghĩ về mẹ của mình. Dẫu vậy, sau gần chục lần thử ADN, đi lại tốn kém, Randy vẫn chưa thể tìm ra mẹ của mình. Người mẹ mà trong linh cảm của mình, anh luôn nghĩ bà vẫn còn sống, đâu đó trên dải đất hình chữ S, từng ngày dằn vặt, mong ngóng tìm lại con.

Mặc dù khát khao tìm lại mẹ, nhưng Randy lại không thiết tha với việc tìm cha, bởi theo anh: “Với tôi tìm cha không khó bởi tôi là con lai và cha tôi là một người da màu. Tôi chỉ cần đi xét nghiệm máu rồi cầm cái kết quả đó lên Hội cựu chiến binh Mỹ là biết được ngay. Chắc chắn trên đó vẫn còn danh sách những người lính da màu được cử sang chiến trường Quảng Nam – Đà Nẵng vào năm tôi sinh và chỉ cần đối chiếu kết quả nhóm máu là tìm ra ngay. Tuy nhiên, nhiều người con lai như tôi đã tìm ra cha đẻ của mình nhưng có người nhận con, có người không nhận. Bởi ai cũng đã có một gia đình riêng. Thế nên tôi không muốn đi tìm”. 

Trong lời tâm sự của người ca sĩ đã thành danh, được nhiều người ngưỡng mộ, dường như đâu đó vẫn chấp chới những uẩn ức rất riêng về thân phận mồ côi của mình. Người cha rõ ràng đã ở ngay trên đất Mỹ, có thể dễ dàng tìm gặp nhưng Randy lại không muốn tìm, có lẽ bởi anh không tin người cha ấy còn nhớ đến mình, hay còn muốn nhận lại mình khi suốt chừng đó năm anh sống trên đất Mỹ, ông chưa một lần tìm lại anh hoặc không biết đến sự tồn tại của anh như nhiều trường hợp con lai khác. Anh chỉ còn niềm hy vọng mãnh liệt vào tình yêu của người mẹ, người mẹ đã một thân một mình mang nặng đẻ đau suốt chín tháng mười ngày, và có lẽ đã khổ sở, dằn vặt rất nhiều khi phải rời xa con. Vậy nên, anh cứ mải miết đi tìm, dù mất bao nhiêu năm tháng, tiền của…

ca sĩ Randy và người vợ thứ 4

Bài: Niệm Quân (nhacxua.vn)

Exit mobile version